Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, Viện Nhân học Văn hóa hân hạnh đồng hành xuất bản bản dịch tiếng Việt của Tóc rối (Yosano Akiko) do dịch giả Chu Thu Phương thực hiện, như là một đóng góp cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc hướng tới mốc kỷ niệm trên. Sau đây là lời giới thiệu của PGS. TS. Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa:
Việt Nam và Nhật Bản trước đây là những nước đồng văn, nghĩa là ít nhiều đều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Nhưng do những điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội khác nhau nên có những ứng xử khác nhau trước thế giới hiện đại. Việt Nam và Nhật Bản, bởi vậy, là những người bạn quen mà lạ. Điều này có thể thấy rõ trong tất cả các lĩnh vực xã hội và nhân văn, đặc biệt trong thi ca.
Thời trung đại, thơ Việt Nam thoạt đầu ảnh hưởng các thể loại thơ ngắn Đường luật của Trung Hoa, còn các thể thuần Việt đều là thơ dài, như khúc ngâm, truyện nôm và phần nào hát nói. Có lẽ đó là do chúng ta không/chưa có văn xuôi tự sự. Nhật Bản, ngược lại, ngay từ đầu đã hình thành thể thơ ngắn thuần Nhật gọi là waka (hòa ca) bao gồm cả haiku và tanka. Một đặc điểm khác nữa là thơ Việt vốn rất giàu vần điệu. Điều này do truyền thống truyền miệng, nghe đọc là chính. Vần điệu giúp người ta dễ thuộc, dễ nhớ. Còn thơ Nhật thì không có vần, do truyền thống đọc chữ. Không có vần, thì thơ tựa vào nhịp điệu, mà cơ sở của nhịp điệu là khung thể loại. Ví như thơ haiku thì gồm có 3 câu, 17 âm tiết. Còn thể tanka có 5 câu, 31 âm tiết. Ba câu đầu 5/7/5 gọi là thượng cú, hai câu sau 7/7 là hạ cú. Tanka là thể thơ nhằm nói lên tiếng lòng của người Nhật.
Tập thơ Tóc rối của nữ sĩ Yosano Akiko do nhà thơ Chu Thu Phương chọn dịch được viết theo thể tanka. Có điều là tanka mới. Tanka mới có nhiều cách tân về mặt thể loại, về số lượng chữ trong một bài thơ, và, do đó, có nhiều phá cách trong nhịp điệu. Điều này để phản ánh sự thay đổi của thời đại, tác động đến cái nhìn nghệ thuật của con người. Thơ tanka truyền thống dùng cảnh để nói tình, tả cảnh ngụ tình, sự bộc lộ tình cảm do đó kín đáo, e dè. Tanka mới nhìn thế giới một cách trực tiếp, đặc biệt là thế giới nội tâm, nên đó là thực/trực cảm của con người. Nhà thơ Yosano Akiko trong Tóc rối khám phá mê cung tình cảm của người con gái tuổi 20, đặc biệt là tình dục. Tình dục ở đây được nói to lên một cách trực diện. Bởi con người thời hiện đại Nhật Bản khao khát được tự do, được là chính mình, mà một trong những cạnh khía của tự do là tự do thể hiện cảm xúc tình yêu, tình dục. Đọc thơ Akiko tôi nghĩ đến Thơ Mới của Việt Nam, tuy thơ Nhật đi trước thơ ta vài thập kỷ.
Tóc rối của Yosano Akiko được Chu Thu Phương dịch theo nguyên thể nhằm đảm bảo nhịp điệu tanka của nó. Với những phá cách thể loại, dịch giả cũng đã thành công. Tóc rối tiếng Việt là một chuyển ngữ vừa chân vừa nhã do một cộng cảm lớn của tác giả và dịch giả. Tôi trân trọng chuyển thi phẩm này đến tay bạn đọc.
Đỗ Lai Thúy
Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa