Đã rất lâu, tôi mới được đọc một bản thảo phong quang và hấp dẫn, chặt chẽ và phóng khoáng, vừa ưu thời mẫn thế vừa thông bác hài hòa đến thế. Đó là Tùy bút phê bình 15 gương mặt thơ của nhà thơ Hoàng Liên Sơn. Đọc mà khoái thú. Đọc mà thấy sự hạn hẹp chữ nghĩa của mình ở nẻo phê bình dù ngày nào tôi cũng đều viết các chân dung văn học.
Hoàng Liên Sơn người ở đâu ta?
Chơi với ông đã lâu chỉ thấy thơ ông chừng mực. Con người cũng vậy, luôn mực thước, nhân hậu và tốt bụng. Người như thế cuộc đời sự nghiệp thật khó an yên? Dẫu sao mặc lòng, tôi vẫn thấy ông luôn ổn thỏa mọi bề trong cuộc sống.
Người như vậy. Thơ như vậy. Sao lại có thể viết những dòng tùy bút phê bình về các tác giả thơ thuần thục, uyên thâm, vừa khơi dẫn vừa tổng kết từng tập thơ, từng đời thơ như thần linh nấp ở trong người mách nước như thế được nhỉ? Như thế là như thế nào? Hẳn Hoàng Liên Sơn đường tu thơ căn duyên lớn lắm. Như tôi học một biết hai có khu vực cũng thuộc loại thần đồng mà so với lối viết tùy bút phê bình thơ của ông thực là trời – vực. Sơn phê bình thơ tuyệt hay mà nhẹ tựa lông hồng. Bút lực vừa đĩnh đạc vừa loang thấm tầng tầng mà cất lên những giai điệu ngân nga, định vị và tôn vinh, khai minh và trang điểm vừa đủ độ ý, tình, sắc, diện của từng câu chữ các gương mặt thơ thật đáng khâm phục.
Ông đi một mạch các gương mặt thơ: Trần Hưng, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Thành Tuấn, Lê Kim Phượng, Vũ Trần Anh Thư, Nguyễn Bình Phương, Phùng Văn Khai, Lương Kim Phương, Trần Hùng, Bùi Việt Phương, Nguyễn Quang Thiều, Phùng Cung, Nguyễn Thị Hồng, Lữ Mai, Nguyễn Thị Thúy Hạnh và chỉ một mực nhìn vào văn bản mà nhấc bút. Cái lối nhấp bút của Hoàng Liên Sơn rành mạch, cao cường nhưng cũng rất nồng hậu với người và nhất là với thơ. Sơn viết như có công nghệ VAR hỗ trợ soi ngóc ngách chỉ ra không chỉ cái mới, cái lạ, cái độc đáo vô cùng mỗi chữ mỗi câu thơ mà còn thẳng thắn nhận diện những thiếu khuyết, non nớt, bao biện của từng câu, từng bài, từng tác giả một cách tài hoa và rất công bằng. Đọc tùy bút phê bình của ông, như là tôi đã phải giật mình quy hoạch ba mươi năm làm thơ tản mác muôn nơi thành một mối để in ra cũng là tự động viên mình. Không có bài phê bình về thơ tôi cơ hồ sẽ buông bỏ những đứa con thơ rải rác của mình còn tuyệt không bao giờ làm thơ nữa. Ở việc này, tôi thành thật cảm ơn ông.
Tùy bút phê bình thơ của Hoàng Liên Sơn chính là một trạng thái tinh thần đỉnh cao của một danh thủ biết mình phải đặt quả bóng vào đâu trong khung thành một cách nhẹ nhàng, thanh thoát và bí ẩn. Thơ với bóng đá thật gần nhau, những sen hay tuyệt không lặp lại. Cũng là trăng, gió, sen, mây… mà Lý Bạch, Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Tản Đà, Cao Bá Quát… tuyệt khác xa nhau. Không thể nào có hai ông Khuất Nguyên cùng ôm trăng tuyệt mộng. Không thể nào có hai ông Tản Đà bồng bềnh thơ túi rượu vò. Bởi vậy, chỉ một ông Hoàng Liên Sơn với cách thức nhấc bút của ông là đủ. Tôi mừng cho ông cũng là mừng cho việc phê bình thơ trước tiên phải là bộ môn khoa học của tâm hồn, lấy cái tâm, cái tài, cái tình và nhất là sự thiên lương làm trọng. Ông đã cho chúng tôi một ngạc nhiên, một thú vị và nhất là sự tự nhìn lại những hạn hẹp của mình. Ông cho chúng tôi sự trưởng thành hơn và trách nhiệm hơn khi viết mỗi câu thơ.
Lấy ở đâu ra cái thiên lương ấy nếu không tuyệt yêu chính bản thân mình? Tôi thấy ông yêu ông lắm. Ông rất tự tin với những câu chữ, chiêm nghiệm như thần linh ban phát cho ông. Tôi rất sợ những uốn éo, phỉnh nịnh, vàng mã trang kim trong phê bình thì ở Hoàng Liên Sơn tuyệt đều không có. Ông khen người mà cứ như mắng người ta song ai nấy đều vui, không ít lúc thật hân hoan sảng khoái. Có câu thơ không có ông cũng bình thường thôi, cũng bí bách khó hiểu, cũng tầm phào dễ dãi mà ông động bút vào chúng sống động hẳn lên, đầy hàm nghĩa và nhất là sinh nghĩa. Nhiều nhà thơ nổi tiếng như Phùng Cung, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương cả trăm người viết mà đến lượt ông vẫn lấp lánh một cách khác biệt. Ông không khoan nhượng bất kỳ tác giả nào, tác phẩm nào của họ chi ly cả tới những khoảng trống ngoài văn bản, đoán định như thần, suy xét diệu thủ trước sau như Bao Công xử án dưới Nam Tào địa phủ mà nhấc ra được vô vàn tình ý mênh mang của cõi người, của cõi thơ. Có những lúc chỉ có ông mới liều mạng toàn lấy Kinh Thánh ra so sánh với thơ của lứa 7X, 8X, thậm chí là 9X. Những bài ông viết về Bùi Việt Phương, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Lữ Mai từng như vậy. Ông viết như lên đồng nhưng tuyệt không bốc đồng nửa chữ mà đớn đau thân phận với từng dòng thơ ghềnh thác truân chuyên của lớp lớp thi nhân. Chỉ hơn mười gương mặt thơ nhưng ở đó là ức vạn kiếp người, cổ kim Đông Tây Nam Bắc. Mọi loại khoa học từ thượng tầng công nghệ đến truyền thuyết dân gian, kiến thức bao gồm triết học, thiên văn học, thần học, kinh sách, toán học, phân tâm học, tâm thần học… một cách vô cùng văn học. Ông chính là một phù thủy già, một cao bồi già mang gương mặt trẻ thơ đến với tùy bút phê bình thơ rất chính trực, ngạo nghễ, khoan dung mà trầm hậu của mình. Ông viết khiến người ta không cựa được, không cãi được, đau mà thích, hiểm mà hài, khúc chiết thâm sâu mà vô cùng bình dân giản dị. Đọc xong tùy bút phê bình của ông, hoặc là lập tức cầm bút làm thơ, viết văn để tạo danh lập nghiệp với đời, hoặc bẻ bút quăng đi chứ ngữ mình chữ nghĩa bao lăm mà đua đòi nghiên bút. May thay tôi ở loại người thứ nhất nên đọc ông tùy bút phê bình tôi xong, tôi cứ thế một mực dành mọi thời gian, trí tuệ, sức lực cho nghiệp văn bút trong đó có thơ ca. Bởi vậy, công của ông là rất lớn.
Có được người hiểu mình đã khó, lại hiểu cả thơ mình, lại hiểu cả thơ thiên hạ thực khó lắm thay, hiếm xuất hiện và càng hiếm nhấc bút luận đàm ngọn ngành gốc rễ cũng là tri ân văn bút. Bây giờ viết phê bình hiếm lắm người tâm huyết đến tận cùng, thường như tôi cứ tùy vào cảm xúc, tùy vào đặt bài, tùy vào yêu ghét thân sơ mà dăm câu ba điều cho xong việc. Rồi khen nhau, tâng bốc nhau lên tận mây xanh kẻ nói người nghe giả lả tháng ngày không chán mặc kệ thơ văn chới với trong cơn bão tụng khen. Bởi vậy, chúng ta mới gặp phải những cơn bão thơ khắp chốn nhân gian khiến vàng thau lẫn lộn, tốt xấu len lỏi bất phân mà phần thua thiệt đều nhằm vào độc giả yêu thơ thực là xấu hổ. Trong lúc đó, Hoàng Liên Sơn xuất hiện với tùy bút phê bình thơ nhận rõ chân – ngụy, định vị cái hay, chỉ ra thiếu khuyết chính là mở một đại đạo phong quang để người làm thơ nghiêm ngắn chỉnh bị lại mình, thêm khí lực, kiến văn tiến về phía trước. Và điều này, ông Sơn làm rất tự nhiên.
Tôi với danh phận thành viên Hội đồng Khoa học Viện Nhân học Văn hóa không chỉ là trách nhiệm mà chính là lương tâm thôi thúc phải mau chóng quy hoạch Tùy bút phê bình 15 gương mặt thơ của ông sớm trình làng. Ngày trước, đọc rải rác đã tâm phục khẩu phục từng bài. Ngày nay, đọc toàn bộ bản thảo càng vô cùng phấn khích bèn liều mình viết lời giới thiệu cũng đều vì yêu thơ, yêu mình mà viết. Vài lời ngắn gọn, mong bạn đọc, nhất là các nhà thơ trong đó có Hoàng Liên Sơn hãy lượng thứ cho.
Nhà văn Phùng Văn Khai