Theo triết gia Lương Kim Định người Tàu đã biến đổi Việt nho thành Hán nho, phản bội ý nghĩa bản thể của chữ nho/nhu, thay thế phép ứng xử mềm mại, thuần nhất thành lối ứng xử cương cứng, hai mặt “trong pháp ngoài nho”.
Từ Việt nho đến Hán nho
Mặc dù sinh ra trong một gia đình nhà nho, nhưng không hiểu sao, hoặc chính vì thế, mà tôi có ác cảm với Nho giáo. Ở Việt Nam, Nho giáo và tính tiểu nông là căn nguyên nhị trùng kìm hãm sự phát triển của đất nước. Và, cũng vì thế, mà tôi lảng đọc Kim Định, nghĩ rằng ông là toàn-nho.
Gần đây, do tìm hiểu văn hóa Việt Nam, tôi mới buộc phải đọc ông. Hóa ra, thứ nho mà tôi ghét bấy lâu nay là Hán nho, một thứ nho đã bị tha hóa, xa vời nguồn gốc hoặc bị người ta cố tình bẻ quẹo, còn nho Kim Định tán dương là nguyên nho, được ông gọi là Việt nho, tức nho của người nguyên Việt.
Đây là chỗ gây phản ứng tức thì ở người đọc. Nhiều người phê phán ông cực đoan, phi lý hoặc yêu dân tộc đến mức rơi vào “chủ nghĩa vơ vào”: cái gì hay của mi là của tao, cái gì dở của tao là của mi (ý thơ Việt Phương). Còn ai muốn “thoát Trung” một cách triệt để thì thắc mắc tại sao Kim Định lại ghép nho vào Việt, mà không thay thế bằng những thuật ngữ khác, thuận tai hơn, như minh triết Việt hay văn hóa Việt.
Thực ra, nếu gỡ bỏ những định kiến tri thức, hay nói như Krishnamurti: “Giải trừ tri kiến,” thì dễ chấp nhận Kim Định hơn. Nho tức nhu, nhu thuận, hài hòa với xung quanh, là một thế ứng xử đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp phát sinh từ cuộc cách mạng Đá mới. Thuở ấy còn chưa có chữ viết, nên kết tinh văn hóa của họ là những hình tượng – ký hiệu như Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, hoặc những ông “vua” truyền hiền như Nghiêu,Thuấn, Vũ.
Bởi vậy, không nên hiểu họ là những nhân vật có thật, của lịch sử, mà chỉ là những anh hùng văn hóa thuở sơ khai. Đến đời Hạ, một triều đại ít nhất vẫn còn một chân (hoặc đuôi) dầm trong huyền thoại, có một bộ tộc ở gần Hoa Sơn, gọi là Tào Đường,(**) tiếp thu một số yếu tố của văn hóa du mục trở nên lớn mạnh, lấn lướt các bộ tộc thuần nông nghiệp khác ở xung quanh. Từ văn hóa họ tiến đến văn minh, có nhà nước, có quân đội chuyên nghiệp, có hình luật, có chữ viết (thằng văn/chữ kiểu kết nút dây thừng hay khoa đẩu/chữ như con nòng nọc).
Đến đời Thương, Chu, người Tàu dần dần chinh phục các dân nông nghiệp khác và tự coi mình là người Hoa Hạ, kiểu người trung tâm cả ở phương diện địa lý (Thiểm Tây, Hà Nam) lẫn phương diện kết tinh văn hóa. Các tộc người ngoại vi khác bị gọi là tứ di (Nam Man, Bắc Địch, Tây Nhung, Đông Di), hoặc tứ hải, hoặc Bách Việt.
Từ đó, người Tàu biến đổi Việt nho thành Hán nho, phản bội ý nghĩa bản thể của chữ nho/nhu, thay thế phép ứng xử mềm mại, thuần nhất thành lối ứng xử cương cứng, hai mặt “trong pháp ngoài nho”.
Sử ngang và sử dọc
Những điều trên không/chưa thuộc về thời đại lịch sử, mà thuộc về thời đại tiền/nguyên/khuyết sử. Và muốn nghiên cứu thời đại ấy thì không thể dùng các phương pháp thực chứng, duy kiện của sử học, mà phải dùng những phương pháp khác. Do không/chưa hiểu các phương pháp phản – phương pháp này mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các công trình của Kim Định chẳng có phương pháp.
Thực ra, Kim Định chỉ không có phương pháp lịch sử như/của họ. Bởi vì trong thời gian du học tại châu Âu, Kim Định đã kịp tiếp thu được những lý thuyết và phương pháp vừa mới ra lò của khoa học nhân văn mới, nhất là phân tâm học Jung và cấu trúc luận Lévi-Strauss, để xây dựng một cách thám mã của riêng mình. Ông gọi đó là phương pháp huyền sử.
Như vậy, Kim Định không đối lập lịch sử với tiền/nguyên/khuyết sử, bởi, xét cho cùng, đó cũng chỉ là một thứ lịch sử kéo dài, mà đối lập với huyền sử, một thứ sử khác với lịch sử về hệ hình. Nếu lịch sử là sử ngang, một thứ sử kế tiếp nhau theo thời gian, duy kiện và duy vãng, thì ngược lại, huyền sử là sử dọc, sử đồng đại, chú trọng đến hiện tại, nhưng không duy hiện tại, mà đào sâu hiện tại, làm một cuộc “khảo cổ học tri thức” (Foucault), để tìm đến cái cấu trúc uyên nguyên là vô thức tập thể hay vô thức cộng thông, của nhân loại.
Trước đây, do chưa đọc Kim Định, hoặc đọc mà chưa thủng, tôi cứ nghĩ rằng Việt Nam không có huyền thoại, hoặc có thì cũng bị sự cai trị của Tàu, từ khi nước Nam Việt của Triệu Đà sụp đổ, đánh vỡ nó, nên chỉ còn những mảnh vụn găm vào các truyện cổ tích, truyền thuyết, truyền kỳ. Nay nhờ có Kim Định nối cái đầu (óc) nguyên nho vào thân thể Việt (Nam), một hậu duệ cuối cùng có đủ tư cách pháp nhân để thừa kế di sản Việt nho, nên Việt Nam chẳng những có hệ thống huyền thoại, mà thậm chí còn sâu rộng hơn là huyền sử. Bởi, huyền sử chính là sự hiện hữu của các lớp vô thức tầng sâu dưới dạng các cấu trúc sơ thủy như cổ mẫu, huyền số, các anh hùng văn hóa, các vị vua huyền thoại…
Kim Định đã mô hình hóa sự diễn tiến của các tham số này bằng sơ đồ: cơ → số → tượng. Cơ là cơ cấu, tức cấu trúc, mà đã là cấu trúc thì yếu tố không quan trọng bằng quan hệ giữa các yếu tố. Cơ, vì thế, có mặt trong tất cả các tham số còn lại, vừa là động lực phát triển vừa là sự liên kết giữa chúng. Cơ mô tả nhịp sống, cái nhịp của sự sống như cách nói của Tạ Hách là “khí vận sinh động”. Các số 1, 2, 3, 5, 9 đều là những con số thiêng, mật số. Số là căn nguyên của tượng, số mở ra thì thành tượng, tượng thu về thì thành số.
Như số 1 là bản thể, là thái nhất, thái hư, là số sinh của mọi số sinh khác. Số 2 là tượng của những cặp đôi ban sơ như đực cái, ngày đêm, sông núi, trời đất, vừa đối lập nhau vừa nương tựa nhau như hình tượng Phục Hy và Nữ Oa quấn đuôi vào nhau, là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Số 2 còn là cơ sở của Kinh Dịch với một vạch liền và một vạch đứt. Số 3 là tam tài Thiên, Địa, Nhân, là Tam Hoàng: Nghiêu, Thuấn, Vũ.
Số 5 là ngũ hành tức quan hệ tương sinh tương khắc, trung tâm ngoại vi giữa các yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, là Ngũ Đế: Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Vũ, Đế Chuyên Húc, Đế Cốc. Số 9 là Cửu Thiên Huyền Nữ. 18 đời vua Hùng Vương là gấp đôi của số 9. Tượng là tham số cuối cùng của Việt Nho, là giai điệu của vũ trụ bí ẩn, trong mù mờ tiền ý thức, còn sang đến Hình tức một hoặc nhiều những thể hiện của giai điệu ấy dưới ánh sáng của lý trí thì đã của Hán nho rồi.
Một mô hình phát triển
Kim Định có một mô hình về sự phát triển của văn hóa và, sau đó, văn minh của nhân loại thành 3 đợt: bái vật, ý hệ và tâm linh. Còn người ở đợi (1) bái vật còn lệ thuộc vào các thần nên gọi là thần chủ; ở đợt (2) ý hệ thì lệ thuộc vào lý trí, thậm chí duy ý chí; ở đợt (3) tâm linh thì con người tự làm chủ mình, nên gọi là nhân chủ. Ở mỗi đợt hành động của con người mỗi khác: (1) cưỡng hành, (2) lợi hành, và (3) an hành.
Người nguyên Việt ngay từ thời huyền sử đã trải qua được cả ba giai đoạn bái vật/cưỡng hành, ý hệ/lợi hành để tiến tới giai đoạn chót tâm linh/an hành, thực hiện được nhân bản tâm linh với một nền minh triết rực rỡ gọi là triết lý an vi. Lúc này xã hội vận hành theo cơ chế tự trị và tự quản rất cao. Tài sản xã hội, nhất là ruộng đất, được phân theo nguyên tắc bình sản nên không có người giàu người nghèo.
Con người được làm chủ bản thân mình, nhân chủ, nên sống an hành/lành với tự nhiên, với người bên cạnh và với chính mình. Đây chính là cái xã hội Nghiêu Thuấn “ban đêm không phải đóng cổng, ngoài đường của rơi không ai nhặt” mà ai cũng muốn sống. Và khi mất đi thì ai cũng muốn quay về dù chỉ bằng các giấc mộng đào nguyên.
Hoặc như khi Hồ Quý Ly đặt quốc hiệu Đại Ngu (ngu có nghĩa là an vui, thanh bình) là lấy lại cái tên chỉ thời Nghiêu Thuấn. Trong khi đó, ở phương Tây, con người bị mắc cạn ở vùng ý hệ, bị duy khoa học và duy lý giam hãm không tiến sang được giai đoạn tâm linh. Các tệ nạn xã hội, sự suy thoái của môi trường sống, sự sụt giảm nhân cách đã trở thành những vấn nạn không thể giải quyết được. Nhiều thử nghiệm xã hội, đặc biệt là các mẫu hình chủ nghĩa xã hội thế kỷ XVIII, XIX, đều bị thất bại, trở thành không tưởng cả trong lý thuyết lẫn thực hành.
Đề án cho văn hóa nhân loại
Trước tình hình đó, Kim Định muốn đưa Việt nho, tức minh triết (nguyên) Việt như một đề án cứu rỗi nhân loại. Trước đây, tôi cứ thắc mắc làm sao minh triết lại có thể cao hơn triết học, làm sao minh triết lại có thể “soi đường chỉ lối” cho mai sau. Ấy là do tôi cũng như bao người khác, kể cả những người ở Trung tâm Minh triết Việt, coi minh triết là triết lý dân gian đúc kết từ kinh nghiệm sống trực tiếp, hay những mảnh vụn rơi ra từ hệ thống Tam giáo sinh ra trong thời lịch sử. Kim Định đã đưa minh triết ngược về thời huyền sử, buổi bình minh của nhân loại.
Trong đời một con người thời thơ ấu đã lập trình trước toàn bộ đường đời của anh ta. Minh triết, thời thơ ấu của nhân loại, cũng vậy, tuy chỉ trên những nét lớn, nhưng toàn vẹn, sâu sắc và có tính dẫn đường. Ý tưởng này của Kim Định còn được cổ vũ bởi Hội nghị Triết học Quốc tế Honolulu năm 1949 đề xuất Khổng Tử, một nhân vật nửa Việt nho nửa Hán nho, làm thủ lĩnh tinh thần. Rồi Hội nghị Quốc tế về “Khổng học với Thế giới Ngày nay” ở Đài Bắc năm 1988 khiến Kim Định tiến thêm một bước nữa là đề nghị thành lập Đạo trường chung cho Đông Á (như một sự đối lập với thị trường chung Tây Âu), nhằm phổ biến nền minh triết Việt nho.
Không/chưa bàn đến cái dự án vĩ mô trên của Kim Định, thiết thực hơn tôi nghĩ về di sản Việt nho trong xã hội Việt Nam trước đây. Minh triết Việt như là sản phẩm của nền văn hóa tam nông: nông thôn, nông nghiệp, nông dân đã đạt được thành tựu cao. Đó là hòa, thậm chí thái hòa: hài hòa giữa con người và trời đất (tam tài), hòa mục giữa con người và con người (nhân chủ). Xã hội sống theo nguyên tắc bình đẳng, bình quyền, nhất là bình sản. Đến đầu thế kỷ XX ruộng đất công vẫn chiếm đến 50% được chia theo kỳ hạn cho mỗi xuất đinh.
Bởi thế không ai quá giàu cũng như quá nghèo, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Làng xóm theo chế độ tự trị và tự quản. Tuy nhiên, sự thống trị nghìn năm của phương Bắc đã mang vào xã hội thuần nông này những yếu tố của văn hóa du mục dần dần làm thay đổi cấu trúc của nó. Văn hóa trở thành văn minh, Việt nho trở thành Hán nho. Sự ra đời của nhà nước, của giai cấp thống trị, của quân đội chuyên nghiệp và chiến tranh thôn tính.
Với châu Âu, nơi thuần du mục, hoặc nhiều yếu tố du mục hơn, thì văn hóa nhanh chóng trở thành văn minh, phát triển thương mại và khoa học kỹ thuật, logos (nguyên ngôn) trở thành logique (đa ngôn), minh triết (tiền – Socrates) trở thành triết học lý niệm. Con đường phát triển của phương Tây nay đã trở thành nguyên mẫu của cả thế giới hiện đại, trong đó có các nước Đông Á và Việt Nam. Trong lúc Việt Nam còn đang công nghiệp hóa và hiện đại hóa, còn cùng lúc tồn tại cả ba hình thái tiền – hiện đại, hiện đại và hậu – hiện đại, “đề án của Kim Định” hiện có điểm gì khả thi, và nếu có thì thực hiện như thế nào? Nhân ngày đầu năm, bên chén rượu xuân, bạn đọc cùng suy nghĩ.
PGS. TS. Đỗ Lai Thúy
___________________
(*) Tên bài viết lấy chữ của Chế Lan Viên “Từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”, nhưng ở đây hiểu cánh đồng chỉ văn hóa nông nghiệp, còn vui chỉ sự an lạc của thời thái cổ.
(**) Tàu chỉ người Trung Quốc ngày nay hẳn do chữ tào này mà ra. Hơn nữa, tàu gắn với ngựa (một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ) biểu tượng của văn hóa Trung Hoa phương Bắc, du mục, đối lập với thuyền của văn hóa Việt Nam, phương Nam, nông nghiệp.