*Lời BBT: liên tục qua những đứt gãy một cái nhìn lịch sử văn học (Viện Nhân học Văn hóa, ELYH & Nxb Hội Nhà văn, 2023) là chuyên luận mới ra mắt của PGS. TS. Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa và TS. Nguyễn Hoài An, như tên gọi, cung cấp một cái nhìn khác về văn học Việt Nam thế kỷ XX từ lý thuyết hệ hình. Dưới đây là lời mở đầu cuốn sách của PGS. TS. Đỗ Lai Thúy.

Trước đây, người ta viết sử theo hướng tiếp cận toàn bộ. Sử học, vì vậy, mới có những toàn thư, toát yếu, hoặc sử cương. Và coi toàn bộ chỉ là số cộng của những bộ phận, nên họ không thấy được, một mặt, mối quan hệ của bộ phận và toàn thể, mặt khác của bộ phận với bộ phận. Thực ra, nếu coi lịch sử như một hệ thống, nắm chắc được các mối quan hệ trên, thì có thể đi đến cái toàn thể ấy từ bất kỳ một bộ phận, hay một yếu tố nào.

Tôi đã từng ao ước viết một cuốn lịch sử văn học Việt Nam như là một lịch sử kế thừa và phát triển của những phong cách, nhất là phong cách ngôn ngữ, một lối rộng rinh vào các tác phẩm văn học. Bộ Mắt thơ của tôi (Mắt thơ 1: Phê bình phong cách học Thơ mới; Mắt thơ 2: Thơ như là mỹ học của cái Khác, Mắt thơ 3: Hé gương cho người đọc và Mắt thơ ngoại tập: Thơ rìa mắt) phê bình thơ Việt từ thời Trung đại đến ngày nay phần nào thể hiện được một viết sử như vậy.

Văn học Việt Nam thế kỷ XX là một văn học có nhiều điểm đặc biệt, trong đó, có sự phát triển nhanh chóng tột bực nhờ hiện đại hóa. Nhưng là sự phát triển tục qua những đứt đoạn, hơn nữa, đây không phải là sự phát triển nối tiếp, mà gối tiếp, như làn sóng trước chưa tan thì làn sóng sau đã ập đến, trùm lên nhau, tạo ra hiện tượng đồng tồn. Cắt một nhát cắt đồng đại, thì có thể thấy các giai đoạn, xu hướng, phong cách văn chương khác nhau cùng tồn tại. Điều này làm khó khăn cho sự nhận diện tác giả ai là ai, cũng như kiểu tác phẩm loại này là loại nào. Và, quan trọng hơn, một nhận thức nhập nhằng như vậy không tạo ra động lực phát triển, đổi thay. Trong bối cảnh đó, việc tiếp cận văn học thế kỷ này từ lý thuyết hệ hình (theory of paradigm) và sự chuyển đổi hệ hình (paradigm shift) là một phương án khả quan.

Lý thuyết hệ hình là một lý thuyết nghiên cứu sự phát triển. Nhưng không phải sự phát triển theo lối lũy tích, tiệm tiến, mà đứt đoạn, nhảy vọt. Nghiên cứu văn học theo tư tưởng hệ hình thực chất là chú mục vào sự chuyển đổi từ hệ hình này sang hệ hình khác. Mà nguyên nhân của nó chủ yếu là sự vận động nội tại, tự thân của văn học, tuy không thể bỏ qua các yếu tố ngoại tại như văn hóa, xã hội, chính trị. Hơn nữa, lý thuyết hệ hình không phải là lý thuyết ứng dụng, hay phương pháp thực hành, mà là lý thuyết của lý thuyết, chiếc máy cái sản xuất ra nhiều chiếc máy con, thậm chí một hệ máy con, để sử dụng trong những trường hợp khác nhau. Do đó, người dùng lý thuyết hệ hình để nghiên cứu triết học, mỹ học và văn học nghệ thuật không có những mô hình có/ăn sẵn, mà phải tự mình xây dựng những mô hình thích hợp để nghiên cứu.

Văn hóa theo nghĩa rộng, nghĩa là cùng một cấp độ với các nền văn minh nhân loại, cho đến nay gồm có ba hệ hình: tiền – hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại, và nhưvậy đã trải qua hai lần chuyển đổi hệ hình: 1) từ tiền hiện đại sang hiện đại và 2) từ hiện đại sang hậu – hiện đại. Nhưng lấy gì để làm tiêu chí phân định các hệ hình văn hóa này. Các nhà nghiên cứu Việt Nam hiện nay phần nhiều dựa vào các tiêu chí ở cấp độ thủ pháp. Mỗi người, do tiếp xúc được với nguồn tư liệu khác nhau,tưởng mình nắm được chân lý trong tay, nên chiếm lĩnh được một vài thủ pháp khác nhau, không ai chịu ai. Để tránh tình trạng ỏm tỏi bất phân thắng bại này, tôi đi tìm một tiêu chí ở cấp độ bản thể. Tiêu chí của các tiêu chí này hẳn phải tìm trong quan niệm triết học về thực tại.

Quan niệm về thực tại của các nhà triết trước đâythường chỉ dựa vào thành tựu của các nhà vật lý, nhưng từ khi thuyết tương đối hẹp và rộng của Einstein và thuyết lượng tử của Heisenberg ra đời, thì nhà vật lý trở thành một với nhà triết. Với Newton, thực tại là một thế giới khách quan, tồn tại độc lập với ý thức của con người. Đó là quan niệm tiền hiện đại. Đến Einstein, thực tại là một thế giới vừa là khách quan vừa là chủ quan, vừa là khách thể vừa là chủ thể, như ánh sáng vừa là sóng vừa là hạt, tùy thuộc vào vị trí của người quan trắc. Đó là quan niệm hiện đại. Cuối cùng, theo các nhà vật lý trường phái Copenhagen, và sau này của Hoa Kỳ, thực tại là một thế giới tồn tại như là những khả năng, chỉ khi ý thức người chạm đến thì một trong những khả năng ấy mới biến thành hiện thực. Bởi vậy, có nhiều thế giới tồn tại song song với nhau hoặc bao hàm nhau. Đó là quan niệm hậu – hiện đại. Cấp độ bản thể sản sinh ra và chi phối cấp độ thủ pháp.

Đến mỹ học thì sự chuyển đổi hệ hình thẩm mỹ chỉlà chuyển đổi yếu tố chủ đạo. Bởi vậy, hệ hình tiền – hiện đại sẽ là mỹ học của cái đẹp, hệ hình hiện đại là mỹ học của cái siêu tuyệt/cái cao cả, còn hệ hình hậu – hiện đại là mỹ học của cái khác. Cái Đẹp thì mang tính khách quan,cân đối, hài hòa, bộ phận phục tùng toàn thể, phản ánh sự hoàn hảo của Cosmos. Cái Siêu tuyệt thì chí ít đã có phân nửa chủ quan, xô lệch cân đối, phi hài hòa. Đó làmỹ học thiên tài. Còn cái Khác ở đây không chỉ là khác biệt, A ≠ B, mà là nó khác với chính nó, A ≠ A, tức nó đang trở thành, đang phân mảnh. Và mỗi mảnh vừa có giá trị tự thân, vừa có giá trị tổng thể. Đó là mỹ học trò chơi.

Không hề có một hệ hình chung cho văn học mà phải xét nó theo thể loại với tư cách là các kiểu tổ chức ngôn ngữ đặc thù, không hề giống nhau. Thơ là ngôn ngữ tự quay về chính nó, nên các hệ hình thơ xoay quanh chữ và nghĩa. Tiền – hiện đại là thơ nghĩa → chữ, tức nghĩa có/đi trước chữ; hiện đại là thơ chữ → nghĩa, tức chữ có trước nghĩa và đẻ ra nghĩa; hậu – hiện đại là thơ chữ ↔ nghĩa xoay vòng. Tiểu thuyết là nghệ thuật kể chuyện, tức viết. Tiền – hiện đại là viết về phiêu lưu, tức kể một câu chuyện; hiện đại là sự phiêu lưu của viết, tức lúc này viết trở thành nhân vật chính; hậu – hiện đại là viết về cái viết, giờ đây sự tự ý thức về viết mới là quan trọng. Phê bình thực chất là lối tiếp cận tác phẩm. Phê bình tiền – hiện đại là tiếp cận từ tác giả, tức ngoại quan; hiện đại là từ văn bản, tức nội quan; hậu hiện đại là từ người đọc, tức nội – ngoại quan.

Như vậy, điều mà lý thuyết hệ hình mang lại là giá trị nhận diện nhiều hơn là giá trị đánh giá, mặc dù đôi khi nhận diện đã hàm ý đánh giá. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt: ở khía cạnh tư tưởng văn học thì hệ hình tiền – hiện đại, hiện đại, hậu – hiện đại thì có sự tiến bộ, tức có hơn kém, nhưng ở khía cạnh phẩm chất nghệ thuật củatác phẩm thì dù thuộc về các hệ hình khác nhau như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lửa thiêng của Huy Cận, Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm chẳng hạn, thì không có hơn kém, chỉ có khác nhau mà thôi. Ở đây, khác là một giá trị.

Cuốn sách này có tên là liên tục qua những đứt đoạn – một cái nhìn lịch sử văn học có vận dụng lý thuyết hệ hình, nhưng chủ yếu là nhìn từ tư tưởng hệ hình. Bởi một lý thuyết văn học, như thi pháp học, tự sự học, phân tâm học chẳng hạn, thường được khái niệm hóa và, do đó, thao tác hóa đến cấp độ thủ pháp, nên việc áp dụng khá dễ dàng. Lý thuyết hệ hình, ngược lại, buộc người viết phải tự xây dựng lấy các mô hình nghiên cứu tương thích với cái khung lý thuyết quá phổ quát (tiền – hiện đại, hiện đại và hậu – hiện đại) khi nghiên cứu các lĩnh vực cụ thể như triết học, mỹ học, văn học. Vậy nên, gọi là tư tưởng, một khái niệm lỏng thì thỏa đáng hơn chẳng? Hơn nữa, các mô hình trên đều mang tính chất giả thuyết cá nhân, nên có sai đúng gì thì chúng tôi, người viết, chịu trách nhiệm.

Chữ tư tưởng trong trường hợp này còn có một ngụ ý khác. Viết cuốn lịch sử văn học này, không phải là cuốn lịch sử toàn bộ, bao gồm cả đời sống văn học, tức da thịt văn học của nó, mà theo lối tiếp cận từ bộ phận, tức chỉ có tư tưởng văn học, phần xương tủy của nó. Lịch sử văn học, nhất là lịch sử văn học thế kỷ XX, với sự dồn nén như vậy, mới thấy được sự vận động của nó chủ yếu dựa trên sức mạnh nội tại, sức mạnh tự thân. Các sự kiện chính trị – xã hội xảy ra vào các năm 1930, 1945, 1954, 1975, 1986 có thể đánh vỡ lịch sử văn học cả thế kỷ XX thành các lịch sử nhỏ riêng biệt theo vùng miền, theo ý thức hệ, nhưng động lực lịch sử vẫn đưa chúng đi, dù nhanh chậm khác nhau, về một hướng tiền – hiện đại → hiện đại → hậu hiện đại.

23 – 12 – 2021

Đỗ Lai Thúy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *