Vào ngày 22.5 vừa qua tại Café sách Biblio (79 Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội), đã diễn ra lễ ra mắt hai cuốn sách mới “Lịch sử thú vị hơn em tưởng” (tập 2, Nxb Hội Nhà văn, 2022) và “Tiếng Anh thú vị hơn em tưởng” (Nxb Thanh Niên, 2022) của tác giả Đỗ Cao Sang. PGS. TS. Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa và Phạm Minh Quân, Phó Viện trưởng đã đến tham dự với tư cách diễn giả.
Đỗ Cao Sang và cộng đồng English Lights Your Home
Đỗ Cao Sang, tác giả hai cuốn sách, là thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục tại Mỹ, có kinh nghiệm từng nhiều năm giảng dạy tiếng Anh tại Học viện Khoa học Quân sự, đồng thời là một diễn giả về giáo dục và tâm lý học. Nhưng một điều thú vị hơn cả là anh còn làm thơ và viết sách như một phương thức để phục vụ công việc phụng sự và phổ biến tri thức của mình.
English Lights Your Home (ELYH), do Đỗ Cao Sang sáng lập, là một cộng đồng kết nối những người yêu thích tiếng Anh, các cha mẹ tự học và tự dạy con, thích đọc sách, say mê kiến thức và ủng hộ giáo dục khai phóng. Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương nhận định ELYH là một “học hội” đầu tiên của Việt Nam sau 1975, điểm đến của các gia đình yêu giáo dục khai phóng, mong muốn rèn khả năng tự học, sẵn sàng chia sẻ tri thức một cách vô tư và hết mình vì cộng đồng.Không chỉ giảng dạy và nâng cao tiếng Anh cho cộng đồng bằng phương pháp giáo dục hoàn toàn mới, mục tiêu của ELYH còn hơn cả truyền thụ tiếng Anh thuần túy – xây dựng tầm nhìn cho người trẻ qua những kiến thức văn hóa lịch sử phong phú trong kho tàng văn minh thế giới. Do đó, Lịch sử thú vị hơn em tưởng (tập 2) và Tiếng Anh thú vị hơn em tưởng đóng vai trò như một tham khảo bổ ích dành cho những ai ngoài nhu cầu ngoại ngữ còn muốn tìm hiểu và mở rộng biên độ hiểu biết về lịch sử, văn hóa.
Hai cuốn sách cũng cho thấy một nhãn kiến và cách tiếp cận độc đáo trong việc thể hiện trình bày ý tưởng của Đỗ Cao Sang.
Một diễn ngôn “khác” về lịch sử
Lịch sử thú vị hơn em tưởng (tập 2) là công trình nối tiếp tác phẩm đầu tiên cùng tên xuất bản năm 2021. Nếu tập 1 là bức tranh lịch sử Việt Nam xuyên suốt với nhiều nhân vật lịch sử của các triều đại, thời đại, được khắc họa qua thể thơ năm chữ, thì tập 2 viết về 60 vị danh nhân thế giới nổi tiếng, ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
PGS. Đỗ Lai Thúy nhận định về cuốn sách: “Đỗ Cao Sang là một người thích lịch sử nhưng không phải là lịch sử lớn, đại tự sự, mà là thứ lịch sử nhỏ, lịch sử đời thường theo trường phái của sử gia đương đại Pháp Brandel. Bởi thế, anh dựng lại lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới thông qua các nhân vật có những đóng góp về tư tưởng và nhân cách. Một điều đặc biệt nữa là hành trạng các nhân vật này đều được viết bằng thơ, một thể loại thơ đơn giản, dễ hiểu, đôi khi hài hước, nhưng không kém phần thi vị. Điều này đã tạo ra sức hấp dẫn của tác phẩm.”
Lịch sử thú vị hơn em tưởng mang một tinh thần khai phóng – thúc đẩy sáng tạo trong cách thể hiện và truyền đạt ý tưởng.
Có thể nói, Lịch sử thú vị hơn em tưởng là một cách viết sử khác, một diễn ngôn lịch sử của riêng Đỗ Cao Sang. Thứ lịch sử này không khô cứng với đầy con số và dữ kiện, trái lại sinh động và dung chứa những suy nghĩ đương thời và bối cảnh đương đại. Và cuốn sách cũng mang một tinh thần khai phóng – thúc đẩy sáng tạo trong cách thể hiện và truyền đạt ý tưởng.
Đây là tinh thần chủ đạo của giáo dục phương Tây, khi đối với một đề tài cho trước, người học không bị giới hạn bởi giáo trình học liệu hay công thức đóng hộp, thay vào đó có thể trình bày ý tưởng của mình bằng nhiều cách thức khác nhau phù hợp với bản thân như thơ, kịch, hội họa, âm nhạc, điện ảnh… Như vậy, sáng tạo cũng nằm ở tư duy đột phá (“think outside the box” – tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ truyền thống), cái mới chỉ có thể xuất hiện khi chúng ta vượt qua những lối cũ sáo mòn.
Đi tìm căn nguyên của chứng “sợ tiếng Anh”
Cũng với tinh thần trên, Tiếng Anh thú vị hơn em tưởng là một cẩm nang về phương pháp tự học tiếng Anh hiệu quả. Không đưa ra những công thức đóng gói xơ cứng theo kiểu sách giáo trình dạy tiếng Anh, Đỗ Cao Sang trình bày cho người đọc những dụ ngôn hay mẩu chuyện nhỏ gần gũi, đa dạng lĩnh vực đời sống, dễ liên hệ, thậm chí dí dỏm, khôi hài. Từ đó, người học tự xây dựng cho mình những liên hệ với bản thân, và coi học tiếng Anh như một trải nghiệm cá nhân.
Vấn đề lớn nhất, và cũng là khó khăn lớn nhất, đối với người học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, theo như tác giả chỉ ra, là một vấn đề mục đích luận. Học tiếng Anh để làm gì? Ở ta, chuyện học ngoại ngữ được đưa vào nhà trường mang nặng tính mô phạm, nhồi nhét kiến thức để đáp ứng mục tiêu ngắn hạn như bằng cấp và việc làm, mà quên đi mục tiêu khuyến khích và khơi gợi sự chủ động từ người học. Người học trở nên tiếp nhận một cách bị động, và đương nhiên, đây chính là căn nguyên của chứng bệnh sợ tiếng Anh.
Tiếng Anh thú vị hơn em tưởng, đúng như tên gọi, giúp cho người đọc giải quyết được bài toán về động lực tiếng Anh, và học tiếng Anh như thế nào mới hiệu quả. Điều tiên quyết, học vì thích học, thay vì học vì phải học, mới là con đường hoàng đạo khi học ngoại ngữ. Và từ đó, mới là cơ sở cho tư duy, thái độ, công cụ và phương pháp học hiệu quả nhất – tự học. Cách học đúng đắn không phải là tiếp thu tri thức một chiều, học thuộc hay “cấp tốc, ăn xổi,” trái lại phải là một quá trình thấm nhuần kiến thức, đào sâu tư duy và tự do sáng tạo.
Hai cuốn sách, mặc dù từ hai góc độ chủ đề khác nhau – lịch sử và tiếng Anh – nhưng đều là một dẫn nhập đi đến bản chất của giáo dục đào tạo, đó là tự giáo dục, tự đào tạo, và đứng về phía người học, tức thúc đẩy sự tự học, tự nghiên cứu.
Phạm Minh Quân