Trên bầu trời đêm, luôn có những vì sao rực sáng tỏa rạng, nhưng có một điều ít ai biết rằng, không phải lúc nào những vì sao sáng nhất cũng là vì sao có kích cỡ thực tế lớn nhất. Trong học thuật cũng vậy, có những sự đóng góp tuy thầm lặng, khuất lấp và vô thanh, song để lại giá trị bao la cao vợi.

Học giả Đoàn Văn Chúc (1926 – 1996), tên thật là Nguyễn Tăng Khiêm, mãi gần đây mới được biết đến như là một trong những người tiên phong, đặt nền móng cho văn hóa học ở Việt Nam, đặc biệt khi chuyên ngành này đang còn non trẻ. Tuy nhiên, lúc sinh thời, người ta biết đến ông không nhiều, còn bạn bè biết đến ông nhiều hơn qua biệt hiệu Chúc “bờ sông” (bởi nhà ở ngoài đê bờ nam sông Hồng).

Sở nghiệm ngoài lề

Một trí thức sinh ra và trưởng thành trong môi trường giáo dục thuộc địa, điều lớn nhất mang lại đối với Đoàn Văn Chúc là vốn tiếng Pháp vững vàng. Rồi sau này, kinh qua nhiều vị trí khác ở Bộ Văn hóa và công tác văn hóa quần chúng, ông lại tìm thấy một nơi cư ngụ lý tưởng ở Trường Cán bộ văn hóa (sau là Trường Lý luận nghiệp vụ văn hóa và rồi trở thành Đại học Văn hóa Hà Nội). Dường như, ở một nơi tưởng như chú trọng cờ đèn kèn trống, lại là đất để ông dụng võ lý thuyết, và đương nhiên, một cách âm thầm. Ông luôn ở thế độc lập tách biệt đám đông, hay có khi ngoài lề.[1]

Đoàn Văn Chúc qua ký họa của Bùi Xuân Phái ngày 22.11.1975.

Tại đây, ông đã chấp bút viết ba tác phẩm nghiên cứu chi tiết về văn hóa học nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu giảng dạy, gồm Những bài giảng về Văn hóa (Nxb Văn hóa và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 1994, Văn hóa học (Nxb Văn hóa – Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 1997), Xã hội học Văn hóa (Nxb Văn hóa – Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 1998).

Đặc biệt, Đoàn Văn Chúc còn được biết đến với những công trình dịch thuật như Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức (Trần Đức Thảo, Nxb Văn hóa – Thông tin, 1996), Vật tổ và cấm kỵ (S. Freud, Trung tâm Văn hóa Dân tộc, 1998; Nxb Thế giới và Song Thủy Bookstore tái bản năm 2020), Những tiếng nói đã mất (J. Duvignaud, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật và Nxb Thế giới, 2011), Những cấu trúc xã hội học (G, Bouthuol, Nxb Thế giới, 2011), Những mảnh ghép văn hóa (Nhiều tác giả, Nxb Hội Nhà văn, 2016), gồm các tiểu luận của các học giả như René Alleau, Erich Fromm, Claude Lévi-Strauss, Jean Baudrillard… được ông chọn lọc, dịch từ tiếng Pháp và hệ thống lại, và Bàn về nguồn gốc tôn giáo (M. Eliade, dịch chung với Đỗ Lai Thúy, Nxb Khoa học xã hội, 2019).

Đấy là chưa kể đến còn rất nhiều bản thảo của ông còn nằm trong ngăn kéo, chưa gặp cơ hội được xuất bản, như Triết học các hình thái biểu tượng của E.Cassier, Tuyển tập những bài luận kinh điển về văn hóa học (Tylor, Morgan, Lévi-Strauss, G. Bouthoul, Aron…), Những cược đố của tính hợp lý – sự thách thức của khoa học và kỹ thuật đối với các văn hóa của Jean Ladrière, hay Nhập môn xã hội học của Jean Duvignaud. Ngoài nghiên cứu, dịch thuật, ông cũng là một nhà thơ “độc lạ” với thơ thị giác.

Giữa muôn nẻo đường dịch thuật

Cho đến nay, Việt Nam vẫn còn bị đánh giá nằm trong “vùng trũng” về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung, và lĩnh vực nghiên cứu văn hóa nói riêng. Đơn thuần, là thực trạng “đóng cửa bảo nhau” về nghiên cứu học thuật, cô lập trong bốn bức tường và dè dặt, choáng ngợp khi bước ra ngoài hội nhập với thế giới. Tuy về bản chất, hệ thống cơ sở lý luận và phương pháp luận hiện đại của chúng ta được kế thừa di sản từ nền học thuật phương Tây, đặc biệt là Liên Xô, nhưng sự tiếp thu còn dập khuôn và thiếu sự cải biến, hay sáng tạo phát triển một hệ thống mới, phù hợp với thực tiễn nghiên cứu.

Dịch phẩm Những mảnh ghép văn hóa của Đoàn Văn Chúc.

Một lý do cốt yếu nữa, đó là năng lực về ngoại ngữ còn hạn chế, khiến cho việc tiếp cận những lý thuyết của các học giả nước ngoài khó khăn và không đầy đủ, dẫn đến việc nghiên cứu hiện nay chưa có tổng quan tình hình nghiên cứu, chỉ xoay quanh việc mô tả, thống kê thuần túy, thiếu sự khái quát hóa và hệ thống.

Bởi vậy, để phát triển nội lực nghiên cứu trong nước, cũng như mở rộng cánh cửa bước ra ngoài nền học thuật quốc tế, càng đòi hỏi cần phải có những công trình tác phẩm kinh điển nước ngoài được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Những tác phẩm dịch thuật này chính là chìa khóa đầu tiên để tiệm cận với tri thức nhân loại và nâng tầm hội nhập, thực hiện sứ mệnh của mình như một chiếc cầu nối xóa tan mọi rào cản ngôn ngữ và ranh giới của khoa học.

Vào thời điểm khi Đoàn Văn Chúc thực hiện chuyển ngữ những tác phẩm kinh điển, vốn chưa có những điều kiện thuận lợi như ngày nay, đơn cử như một hệ thống từ điển tra cứu thuật ngữ chuyên môn, mạng internet phục vụ khảo cứu trực tuyến, thậm chí để tiếp xúc với tác phẩm gốc đã là rất khó khăn.

Nhưng dịch, nhất lại là dịch khoa học, là điều không đơn giản. Về quan điểm dịch thuật, việc nhận thức và phân biệt rõ các khái niệm, thuật ngữ khoa học đóng một vai trò quan trọng trong việc lĩnh hội được tri thức nước ngoài, tránh những thiếu sót hiểu lầm và đưa ra được cách diễn giải sâu, phù hợp với bạn đọc. Ở ta, đôi khi việc sáng tạo một thuật ngữ mới, hay dần dần kiện toàn một quy ước thuật ngữ chung, đều khó.

Và đối với những người dịch khoa học, đều phải có sự đánh đổi, thậm chí là hy sinh. Họ phải hy sinh thời gian, công sức và trí tuệ. Bởi nếu coi là một sinh kế, thì thù lao từ việc dịch cũng không phải là bao, thậm chí sự vất vả còn tỷ lệ nghịch với nhuận bút nếu so với dịch các sách thường thức, sách phổ thông được các nhà xuất bản săn đón nồng nhiệt. Còn về lưu danh, nhiều người đã ưa chọn con đường sáng tác để nhanh nổi tiếng hơn, qua tác phẩm của chính mình.

Dịch phẩm Vật tổ và cấm kỵ (tác giả: Sigmund Freud).

Vô thanh cống hiến

Với Đoàn Văn Chúc, dịch là một cách để ông đọc sâu, học và phục vụ cho viết, phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy. Những tri thức kinh điển, được thẩm thấu qua ông, đến với sinh viên. Ông còn là một người hết sức cẩn trọng trong việc diễn đạt ngôn từ và sáng tạo từ mới. Đọc bản dịch của ông, ánh lên những cách dụng ngữ vừa độc đáo lại vừa uyển chuyển có văn, như nghi điển, thượng tổn, dư sinh, canh cải, đồ hình, trừu xuất… đôi khi lại là giải pháp hợp lý cho những thuật ngữ khó, ví dụ như linh hiển (hierophanies), sở nghiệm (vécu) hay biểu lộ (phanique)…

Ông cùng với Đỗ Lai Thúy đã cùng nhau chủ trương, tổ chức dịch và giới thiệu Tủ sách Văn hóa học, đến nay đã ra gần 20 cuốn [2]. Trong đó, ông là một cộng sự đắc lực đồng hành giai đoạn đầu, mang đến những công trình tiêu biểu của khối học thuật Pháp ngữ. Phải nói rằng, nhờ Tủ sách Văn hóa học nói chung và Đoàn Văn Chúc nói riêng, độc giả Việt mới được biết đến những học giả tiếng Pháp như: Bouthoul, Eliade, Duvignaud, Baudrillard,… và cả những người chúng ta tưởng biết rất rõ với tư cách “người nước ta” như Trần Đức Thảo, thì phải qua bản dịch của Đoàn Văn Chúc mới gần như được tiếp xúc trực tiếp với trước tác.

Do đó, những công trình của ông, cả viết và dịch, đối với lớp hậu bối nghiên cứu văn hóa, trở thành một kho tàng quý báu, chứa đựng hệ thống thuật ngữ quý báu phục vụ công việc tra cứu tham khảo, là kim chỉ nam cho quá trình đọc và dịch những tác phẩm kinh điển nước ngoài.

Chính bởi lý do đó, những công trình của nhà nghiên cứu, dịch giả Đoàn Văn Chúc càng trở nên có giá trị, đặc biệt đối với những thế hệ hậu thế quan tâm, trân quý tri thức và có lòng đam mê nghiên cứu văn hóa. Hy vọng rằng, những tác phẩm và dịch phẩm của ông sẽ nhận được chú ý xứng đáng hơn trong tương lai gần.

Phạm Minh Quân


[1] Nhà phê bình Mai Anh Tuấn nhận định Đoàn Văn Chúc có một vị thế “ngoài lề.” Nhận định này có lẽ đúng khi nhắc đến ông, đặc biệt khi đặt ông trong tương quan với những người bạn như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Văn Cao, Bùi Xuân Phái.

[2] Xin xem thêm Đỗ Lai Thúy và Tủ sách Văn hóa học, Người Đô Thị online: https://nguoidothi.net.vn/do-lai-thuy-va-tu-sach-van-hoa-hoc-32422.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *