Lịch sử dân tộc Việt Nam đã lựa chọn Văn Cao, để truyền ngôn tư tưởng “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng”, thông qua ca khúc/nhạc phẩm Tiến quân ca (từ năm 1945 được công nhận là Quốc ca của nước Việt Nam mới). Và Văn Cao đã đáp ứng được yêu cầu của lịch sử một cách xuất sắc bằng trí tuệ sáng tạo, minh triết nhân văn.
Lịch sử thường nghiêm khắc, thậm chí chứa đựng cả nghiệt ngã oan khuất, với trường hợp Văn Cao, lịch sử đã thử thách, tôi luyện nhân cách văn hoá của ông trong một cấu trúc văn hoá đối lập: vinh quang bất tử và cay đắng vô hạn. Đó cũng chính là hạn chế của lịch sử, hạn chế của thời đại mà người nghệ sĩ thiên tài Văn Cao vừa là chứng nhân của lịch sử, vừa là nạn nhân của một giai đoạn lịch sử đau thương, ấu trĩ, giáo điều…song, vấn đề đó không phải là chủ đề chính của bài tham luận Nghệ sĩ thiên tài Văn Cao vì nhân dân chiến đấu không ngừng.
Trong học thuật, việc tiếp cận đánh giá Văn Cao, được các nhà nghiên cứu xem xét trên nhiều phương diện: chính trị; tư tưởng; lịch sử; văn hoá; ngôn ngữ và nghệ thuật. Trong lĩnh vực hoạt động khoa học xã hội nhân văn, từ năm 1955, nhà sử học Trần Huy Liệu (1901 – 1969) và giáo sư Nguyễn Khánh Toàn (1905 – 1993), đề xuất nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước về Văn Cao, đồng thời hai ông là chủ nhiệm đề tài: Đặc trưng tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao, để kỷ niệm mười năm thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Với ý tưởng nghiên cứu về nhạc sĩ Văn Cao ở thời điểm năm 1955, xét về học thuật là tư tưởng đột phá tiến bộ, nhưng bị một số ý kiến bảo thủ (có thẩm quyền quyết định) phản ứng quyết liệt. Người ta lập luận rằng: nếu đã nghiên cứu thì phải ưu tiên nghiên cứu lãnh tụ tối cao trước nhất. Thật trớ trêu vì những lý do khách quan của lịch sử đề tài nghiên cứu về Văn Cao bị bỏ ngỏ và rơi vào quên lãng. Và cho đến năm 1973, giáo sư Phạm Đức Dương (1930- 2013), với tư cách trưởng ban Đông Nam Á thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam đã đề xuất nghiên cứu về Văn Cao với đề tài khoa học: Văn Cao biểu tượng chủ nghĩa nhân văn thời đại Hồ Chí Minh, đề tài khoa học cấp Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam được giáo sư Nguyễn Khánh Toàn chủ nhiệm Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam nhiệt liệt tán thành, tin tưởng ủng hộ. Tuy nhiên sau đó lại có lệnh từ cấp trên yêu cầu ngừng đề tài nghiên cứu về Văn Cao để ưu tiên cho nghiên cứu ngôn ngữ văn hoá tộc người Đông Nam Á.
Sau Đổi mới (1986), nhóm nghiên cứu độc lập của giáo sư Trần Văn Giàu (1911 – 2010) khởi động nghiên cứu đề tài: Văn Cao với tư tưởng cách mạng nhân dân, thuộc mã ngành lịch sử tư tưởng Việt Nam. Và một lần nữa lại có lệnh từ cấp trên yêu cầu ngừng nghiên cứu về Văn Cao…các cấp có thẩm quyền giải thích rằng: đề tài nghiên cứu về Văn Cao ở thời điểm đó là chưa phù hợp. Và nhóm nghiên cứu độc lập của giáo sư Trần Văn Giàu cũng không nhận được bất kỳ một công văn giải thích nào khác. Trong di cảo của giáo sư Phạm Đức Dương có đề cập, sau sự kiện đó giáo sư Trần Văn Giàu nói với giáo sư Phạm Đức Dương “500 năm sau khi nói về thế kỷ hai mươi, người ta sẽ chỉ nhắc nhiều nhất đến ba nhân vật vĩ đại, đó là: Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Văn Cao”. Sau này có nhiều cơ quan báo chí truyền thông trong nước có đăng lại ý kiến đó của giáo sư Trần Văn Giàu, nhưng biên tập viên đã cắt bỏ chữ Văn Cao. Tất nhiên đây là ý kiến chủ quan của giáo sư Trần Văn Giàu, nhưng qua đó cũng đáng để chúng ta hôm nay suy ngẫm về một nhân cách văn hoá của nghệ sĩ thiên tài Văn Cao. Trong vòng hơn ba mươi năm tính từ năm 1955 đến sau Đổi mới (1986), lịch sử đã bỏ lỡ ba cơ hội nghiên cứu về Văn Cao ở ba hệ quy chiếu khác nhau.
Quy luật tất yếu của lịch sử đã chứng minh lực lượng xã hội nào đó dùng quyền lực để hạn chế thiên tài và chính nghĩa thì thiên tài và chính nghĩa càng được khẳng định, cũng như càng được quần chúng nhân dân lao động ủng hộ, cảm phục và kính trọng nhiều hơn. Nguồn năng lượng tinh thần nhân văn của quần chúng nhân dân lao động Việt Nam và cả dân tộc Việt Nam đã dành cho Văn Cao sự yêu kính âm thầm mãnh liệt, nguồn năng lượng trân quý đó được bộc lộ bằng những hoạt động thực tiễn có hiệu quả nhất. Hệ quả tất yếu năm 1987, ba nhà thơ giàu tài năng và tâm huyết là Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Trọng Tạo (1947 – 2019) và Thanh Thảo đã được Văn Cao uỷ quyền biên soạn, chọn lọc những thi phẩm của ông để xuất bản Tuyển thơ Văn Cao. Và trong năm 1988, Nhà xuất bản Trẻ, xuất bản tập ca khúc và thơ: Thiên Thai; Nhà xuất bản Tác phẩm mới xuất bản tập thơ: Lá. Trong năm 1993, Nhà xuất bản Âm nhạc xuất bản: Ca khúc Văn cao; Nhà xuất bản Văn học xuất bản Tuyển tập thơ Văn Cao. Tiếp sau đó Nhà xuất bản Đồng Nai tái bản, kỷ niệm một năm ngày mất Văn Cao (1996) và năm 2008 tái bản lần thứ hai. Năm 2013, Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tác phẩm: Văn cao và tác phẩm, thuộc diện sách nhà nước đặt hàng.
Về sách biên soạn nghiên cứu: nhà nghiên cứu Lữ Huy Nguyên (1939 – 1998), công bố tác phẩm Văn Cao cuộc đời tác phẩm, Nhà xuất bản Văn học, 1996. Lữ Huy Nguyên tuyển chọn, đầy đủ ba phần: thơ, nhạc, hoạ và bao gồm hơn 60 bài viết của văn nghệ sĩ trí thức và các nhà nghiên cứu nổi tiếng (Thái Bá Vân, Hoàng Như Mai, Vũ Bằng, Tạ Tỵ, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn, Trọng Bằng, Đinh Cường, Nguyễn Thuỵ Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Trinh Đường, Đỗ Chu…) đánh giá về sự nghiệp hoạt động văn hoá nghệ thuật, hoạt động cách mạng của Văn Cao.
Từ sau Đổi mới (1986), nhiều bài viết nghiên cứu chuyên sâu đã lần lượt xuất hiện trên các phương tiện truyền thông báo chí. Đặc biệt sau khi Văn Cao đi về cõi bất tử của thế giới người hiền (1995), những bài báo khoa học, những bài viết về chân dung, con người sự nghiệp Văn Cao ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong đời sống văn hoá tinh thần của xã hội Việt Nam. Kể từ khi Văn Cao được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (1996), vấn đề nghiên cứu về Văn Cao được tự do cởi mở hơn rất nhiều. Xung quanh việc ra đời Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật tại sao lại xuất hiện không sớm hơn từ thập niên tám mươi hay có thể muộn hơn sau năm 1996, cũng được giới nghiên cứu đặt câu hỏi thật nghiêm túc và tế nhị, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại (2023), điều đó vẫn là một ẩn số của lịch sử.
Trong khi giới nghiên cứu hàn lâm còn đang chuẩn bị tinh thần, lực lượng, tư liệu và tâm lý sẵn sàng nghiên cứu chuyên sâu về Văn Cao theo một nhiệm vụ chính trị hay từ động lực cá nhân thôi thúc vẫn hoài thai ở trạng thái khả năng, có thể và không thể… Song yêu cầu tất yếu của ý thức/tinh thần xã hội Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ vào tâm tư nguyện vọng của giới văn nghệ sĩ trí thức cần phải tổng kết đánh giá về Văn Cao công bằng và nghiêm túc hơn trong lịch sử văn hoá của dân tộc Việt Nam. Kết quả, vào năm 2005, nhà văn Bích Thuận (1929- 2018) đã công bố tác phẩm Văn Cao tài năng và nhân cách, Nhà xuất bản Thanh niên (2005, tái bản, 2007). Trong công trình này, nhà văn Bích thuận tiếp cận xem xét đánh giá Văn Cao từ góc độ lịch sử xã hội (tiểu sử học). Ngoài phần tác giả viết về Văn Cao, bà còn biên soạn, tuyển chọn các bài viết của một số tác giả khác và phần cuối là sưu tầm tuyển chọn một số tác phẩm nhạc, hoạ, văn thơ của Văn Cao. Tiếp theo nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha, người được mệnh danh là nhà Văn Cao học đã công bố tác phẩm Văn Cao, Nhà xuất bản Văn học (2017). Đây là tác phẩm được tác giả tập hợp các bài báo đã viết về Văn Cao trong nhiều năm. Ngoài nội dung xem xét tái hiện chân dung con người và sự nghiệp Văn Cao, còn có phần phụ lục sưu tầm biên soạn tác phẩm thơ của Văn Cao. Về phương pháp tiếp cận, cơ bản là phương pháp tiểu sử học. Tính đến nay (2023), ba tác phẩm viết và biên soạn hay nhất về Văn Cao, thuộc thẩm quyền ba tác giả: Lữ Huy Nguyên với tác phẩm Văn Cao cuộc đời tác phẩm, Nxb Văn học, (1996); Bích Thuận với tác phẩm Văn Cao tài năng và nhân cách, Nxb Thanh niên (2005; 2007) và Nguyễn Thuỵ Kha với tác phẩm Văn Cao, Nxb Văn học, (2017).
Tình hình nghiên cứu về Văn Cao ở nước ngoài, nổi bật nhất có công trình biên khảo (Nhân văn Giai phẩm và vấn đề …), của học giả Thuỵ Khuê (Cộng hoà Pháp), tác giả dành hẳn một chương 13 (dung lượng tương đương 60 trang giấy khổ A4), để khảo sát về Văn Cao với ngôn ngữ biên khảo sắc sảo và giàu tư liệu, kết hợp với khả năng tư duy tư biện sâu sắc của tác giả, hình ảnh Văn Cao trong công trình của Thuỵ Khuê hiện lên vừa bi kịch, cô đơn, vừa trong sáng thánh thiện. Và quan trọng nhất của công trình biên khảo là đã khắc hoạ được chân dung con người và sự nghiệp của Văn Cao tương đối khách quan, công tâm.
Xuất phát từ quan điểm nghiên cứu liên văn hoá, xuyên văn hoá về nhân cách văn hoá Văn Cao, xét một cách tổng quát nhân cách văn hoá Văn Cao, thường được nghiên cứu ở các mô hình nhân cách văn hoá: 1, Mô hình nhân cách văn hoá công dân; 2. Mô hình nhân cách văn hoá chiến sĩ; 3. Mô hình nhân cách văn hoá nghệ sĩ. Riêng mô hình nhân cách văn hoá nghệ sĩ được xem xét nghiên cứu ở ba phương diện: Văn Cao thi sĩ; Văn Cao hoạ sĩ và Văn Cao nhạc sĩ.Tuy nhiên, phạm vi khảo sát của tác giả trong bài tham luận được giới hạn trong chủ đề nhân cách văn hoá của nghệ sĩ Văn Cao phản ánh qua bản Quốc ca, nhằm làm rõ tư tưởng nghệ thuật Vì nhân dân chiến đấu không ngừng của nghệ sĩ thiên tài Văn Cao. Như vậy nội dung bài tham luận chỉ khiêm tốn xem xét một tia rất nhỏ và hẹp thuộc phương diện nghiên cứu Văn Cao nhạc sĩ.
Văn Cao (1923 – 1995), tên khai sinh là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại Lạch Tray, Hải Phòng, nguyên quán: thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Tuổi thiếu niên Văn Cao học trường tiểu học Bonnal (Hải Phòng), sau học trung học tại trường dòng Saint Josef (Hải Phòng). Năm 1942, Văn Cao về Hà Nội học dự thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Từ năm 16 tuổi Văn Cao đã bộc lộ khả năng sáng tạo/sáng tác nghệ thuật (âm nhạc, hội hoạ và văn chương), giàu cá tính và nội lực sáng tạo. Năm 1944, Văn Cao tham gia Việt Minh, chính thức bước vào con đường hoạt động cách mạng chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân. Trong kháng chiến chống đế quốc Pháp, Văn Cao được tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động tình báo. Từ 1955 – 1975, Văn Cao công tác tại báo Văn nghệ, thuộc biên chế trong Hội đồng biên tập và giữ cương vị Uỷ viên chấp hành Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt nam. Từ 1983 – 1989, Văn Cao giữ cương vị Uỷ viên chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (khoá 3). Văn Cao mất ngày 10 tháng 7 năm 1995.
Trở lại với chủ đề nhân cách văn hoá Văn Cao phản ánh qua nhạc phẩm Tiến quân ca/Quốc ca. Cuối năm 1944, Văn Cao tham gia Mặt trận Việt Minh, ông được đồng chí Vũ Quý (Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương), giao nhiệm vụ sáng tác một hành khúc cho trường Quân chính kháng Nhật ở chiến khu Thái Nguyên để cổ vũ động viên tuyên truyền khí thế cách mạng cho dân quân du kích, quân đội cách mạng Việt Minh. Bài hành khúc khi mới ra đời có tên gọi là Tiến quân ca. Tiến quân ca được in trên trang báo Độc lập tháng 11 năm 1944. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Tiến quân ca được Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, Tuyên Quang, do lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì, đã quyết định dùng làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Tiến quân ca trở thành Quốc ca, là do con mắt tinh đời của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Người được các nhà nhân văn quan niệm là “hằng số văn hoá của phép biện chứng mở; là biểu tượng mang chở những giá trị văn hoá Đông – Tây, kim cổ” đã thẩmđịnh và quyết định công nhận Tiến quân ca là Quốc ca, trên cơ sở thông qua Quyết nghị của Quốc dân Đại hội.
Trước hết do giá trị nội tại của văn bản Tiến quân ca đã là kiệt tác ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc (thanh nhạc) của Văn Cao và của quốc gia dân tộc Việt Nam. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cân nhắc lựa chọn ba bài: Tiến quân ca; Chiến sĩ Việt Nam (Văn Cao), và Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi, kết quả, Người đã quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca. Lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp sửa chữa một vài ca từ, nhằm phù hợp với tinh thần văn hiến, nhân văn của tâm hồn văn hóa Việt Nam, trước khi trình Quốc dân đại hội (1945), phê chuẩn.
Tiến quân ca dành được cảm tình và sự ủng hộ của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngoài những lý do nội dung tư tưởng, giá trị ý nghĩa lịch sử, giá trị ý nghĩa phổ quát… mà chính đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật trùng hợp ngẫu nhiên với tư duy biểu đạt ngôn ngữ (hệ thống khái niệm, từ nguyên…) của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã quyết địnhviệc lựa chọn Tiến quân ca làm Quốc ca. Chính tại Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, Tuyên Quang (1945), lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thuyết trình trước Đại hội Quốc dân, về Tiến quân ca, với nội dung: “Ca khúc thể hiện được ý chí khát vọng độc lập tự do của dân tộc, lại ngắn gọn, đầy đủ ý nghĩa, dễ thuộc lời và giai điệu hào hùng”
Theo nhà sử học Trần Huy Liệu lãnh tụ Hồ Chí Minh đã giảng giải và cắt nghĩa cho các đồng chí trong Ban thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương (1945), ý nghĩa khoa học biện chứng của Tiến quân ca với nội dung cơ bản: “Tiến quân ca trở thành Quốc ca, bởi vì Tiến quân ca phản ánh cụ thể phép duy vật biện chứng về lịch sử một cách nhuần nhuyễn, khúc chiết sâu sắc, đồng thời Tiến quân ca đã chỉ rõ nhiệm vụ chiến lược, phương pháp cách mạng và mục đích của cách mạng Việt Nam, cả trước mắt và lâu dài. Hơn ai hết người nhạc sĩ cách mạng triệt để Nguyễn Văn Cao đã dự cảm, tiên đoán đúng đắn về Quốc hiệu, Quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập tự do…”,
Nghiên cứu văn hóa nhân cách Văn Cao, thực chất là nghiên cứu “sự tác động qua lại giữa văn hóa và nhân cách (con người), nhân cách trong văn hóa và văn hóa tái sản xuất. Đối tượng chung của phương hướng này là phân tích cá nhân hành động, suy nghĩ (nhận thức, tri giác), và cảm nhận (phản ứng về mặt cảm xúc) như thế nào trong những điều kiện môi trường văn hóa khác nhau”.
Ngay từ năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khái quát, quy nạp/tổng hợp về giá trị, ý nghĩa nội dung văn bản nghệ thuật Tiến quân ca theo phong cách ngôn ngữ biểu đạt ngắn gọn và súc tích của Người. Trong nghiên cứu, với lợi thế của người đi sau, bằng cái nhìn liên văn bản, chúng tôi phát triển công thức mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhìn nhận, đánh giá về văn bản nghệ thuật Tiến quân ca theo nguyên tắc tư duy khoa học về nhận thức, với các phạm trù cụ thể, diễn giải và phân tích, để làm thao tác tiếp cận nhân cách văn hóa Văn Cao được phản ánh qua văn bản nghệ thuật Tiến quân ca
Xét về phương diện tiểu sử học, từ cuối năm 1944, Văn Cao đã trở thành chiến sĩ cách mạng, hoạt động trong Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo triệt để toàn diện của Đảng cộng sản Đông Dương (Đảng cộng sản Việt Nam). Do đó, với tư cách là một chiến sĩ cách mạng đứng trong tổ chức tiên phong, có kỷ luật thép và tự giác chiến đấu cho lý tưởng của Đảng, của cách mạng vì hạnh phúc của nhân dân, Văn Cao đã ý thức sâu sắc và nhất quán tinh thần hoàn thành nhiệm vụ mà tổ chức tín nhiệm phân công. Ý thức đó đã trở thành mệnh lệnh, trở thành quán tính văn hóa trong nhân cách văn hóa của Văn Cao từ nhận thức đến hành động. Thật vậy, trong văn bản nghệ thuật Tiến quân ca, nét nhạc và lời ca mở đầu đã phản ánh rõ nhiệm vụ của người chiến sĩ trong đoàn quân Việt Nam, một cách khách quan, từ nhận thức của chủ thể sáng tạo nghệ thuật (tức của nhạc sĩ Văn Cao), phóng chiếu, khúc xạ vào tác phẩm Tiến quân ca.
Nhiệm vụ cách mạng phản ánh trong văn bản nghệ thuật Tiến quân ca
Tiến quân ca/Quốc ca Việt Nam của Văn Cao
“Đoàn quân Việt Nam đi/Chung lòng cứu quốc/Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa/Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca/Đường vinh quang xây xác quân thù/Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu/Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/Tiến mau ra sa trường/Tiến lên! Cùng tiến lên!/Nước non Việt Nam ta vững bền.
Đoàn quân Việt Nam đi/Sao vàng phấp phới /Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than/Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới/Đứng đều lên gông xích ta đập tan/Từ bao lâu ta nuốt căm hờn/Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn/Vì nhân dân chiến đấu không ngừng/Tiến mau ra sa trường/Tiến lên! Cùng tiến lên!/Nước non Việt Nam ta vững bền”.
Mở đầu văn bản nghệ thuật Tiến quân ca, Văn Cao viết: “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc/Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa”, đây là nhiệm vụ chung, chiến lược vĩ mô, có tính tổng quát của cách mạng Việt Nam trước 1945. Con đường mà cách mạng Việt Nam đi qua thật sự gian khổ, đầy thử thách chông gai và còn phải đi những chặng đường rất xa, để mang lại hạnh phúc thật sự cho dân tộc. Điều này Đoàn quân Việt Nam đã dự liệu và nhìn thẳng vào sự thật trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. (Khái niệm chung lòng ở đây được hiểu theo nghĩa đại chúng, trong ngôn ngữ tiêu dùng, mà Văn Cao đã giản lược từ cách nói của triết học là ý thức, là tinh thần. Như vậy, khái niệm chung lòng được phản ánh trong Tiến quân ca, chính là tác giả đã nhấn mạnh đến yếu tố ý thức xã hội, đến tinh thần xã hội, mà ý thức/tinh thần xã hội đó chính là: lý tưởng, niềm tin, ý chí, nguyện vọng và quyết tâm cứu nước của quảng đại quần chúng nhân dân lao động, của giai cấp và của cả dân tộc Việt Nam. Song nếu Văn Cao chỉ dừng ở đó thì tư tưởng của Văn Cao chỉ là không tưởng trong cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân và giải phóng cả dân tộc. Văn Cao vốn là người uyên thâm triết học, và đặc biệt nhuần nhuyễn triết học duy vật biện chứng, cho nên ông không ảo tưởng con đường cứu nước chỉ bằng vũ khí tinh thần. Theo lời kể của Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003), Văn Cao đã đọc thuộc nằm lòng tác phẩm Tư bản luận của Các Mác bằng tiếng Pháp, Văn Cao có thể trích dẫn những luận điểm của Mác thật chính xác khi cần thiết. Cho nên, Văn Cao hiểu rõ hơn ai hết “lý luận sẽ trở thành sức mạnh vật chất một khi nó thâm nhập được vào quần chúng”. Do đó ông không dừng lại ở phạm vi chung lòng (ý thức xã hội) mà Văn Cao đã xử lí mối quan hệ cơ bản của hai yếu tố tinh thần và vật chất nhuần nhuyễn trong văn bản nghệ thuật Tiến quân ca, trên cơ sở đó ông đã viết: “Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới”. Cũng như khái niệm chung lòng, khái niệm chung sức là cách nói giản lược của ngôn ngữ triết học theo ngôn ngữ tiêu dùng của đại chúng, phù hợp với tâm lý, thói quen và văn hóa giao tiếp của người Việt Nam trong thế kỷ hai mươi. Như vậy khái niệm chung sức trong văn bản nghệ thuật Tiến quân ca được hiểu theo nghĩa triết học dùng để chỉ khái niệm vật chất. Phạm trù vật chất (trong Tiến quân ca) được soi chiếu vào xã hội Việt Nam, vào cách mạng Việt Nam ở đây chính là sự tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức, đoàn thể và cá nhân hợp thành toàn thể sức mạnh vật chất (yếu tố con người), của cách mạng Việt Nam. Chỉ bằng một câu trong văn bản nghệ thuật Tiến quân Ca, Văn Cao đã làm rõ được tư tưởng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân lao động”.
Văn Cao đã khái quát hai phạm trù lớn nhất của triết học (tinh thần, vật chất), để diễn đạt nhuần nhuyễn, tinh tế về nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, theo phong cách tư duy, văn hóa và lịch sử đặc trưng của tâm hồn Việt Nam.
Theo sự phát triển của logic nhân cách văn hóa Văn Cao tương tác với môi trường văn hóa và logic văn bản nghệ thuật Tiến quân ca, tư tưởng nhiệm vụ cách mạng ngày càng hoàn chỉnh. Tư tưởng khái quát cách mạng phát triển từ Chung lòng cứu quốc và Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới, được Văn Cao phát triển thành nhiệm vụ cụ thể hơn, đó là: “Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than” và “Đứng đều lên gông xích ta đập tan”. Đoàn quân Việt Nam là biểu tượng tiên phong của trí tuệ, của nhân ái và của bạo lực cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng cộng sản Đông Dương (Đảng cộng sản Việt Nam), theo nguyên tắc tổ chức Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác – Lê Nin quan niệm. Từ hai nhiệm vụ cơ bản chung lòng và chung sức của toàn thể xã hội Việt Nam, của cách mạng Việt Nam, Văn Cao đã tiến đến nhận thức cách mạng ngày càng triệt để, toàn diện. Nhiệm vụ tiếp theo của đoàn quân Việt Nam phải hướng dẫn chỉ đường, giải phóng cho giống nòi (nhân chủng, tộc loại), và quê hương (độc lập toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền sống trên không gian tổng hợp thể lãnh thổ Việt Nam), vượt qua lầm than (vô minh, đau khổ, nô lệ áp bức bât công…), đó cũng chính là hình dung bước đầu của Văn Cao về sự phấn đấu xây đời mới của một xã hội tương lai. Trong khái niệm xây đời mới mà Văn Cao quan niệm, là phải đồng thời làm hai cuộc cách mạng Dân tộc và Dân chủ. Cách mạng Dân tộc là đánh đổ đế quốc tư bản Pháp và phát xít Nhật; Cách mạng Dân chủ là đánh đổ chế độ quân chủ (phong kiến) nhà Nguyễn. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc, Văn Cao đã phát biểu thật giàu hình ảnh nghệ thuật, ký hiệu và biểu tượng để nói về hai cuộc cách mạng nói trên. Trong nguyên tác Tiến quân ca Văn Cao viết “Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới/Đứng đều lên gông xích ta đập tan”. Với đoạn ca từ này, Văn Cao chỉ rõ, toàn thể dân tộc Việt Nam tự giác trưởng thành toàn diện để chiến đấu. Khái niệm gông trong văn bản nghệ thuật chính là ký hiệu biểu tượng cho chế độ quân chủ (phong kiến) triều đình nhà Nguyễn, còn khái niệm xích là ký hiệu biểu tượng cho chủ nghĩa đế quốc tư bản nói chung. Gông và xích là hai ký hiệu biểu tượng của sự kìm kẹp tự do, trói buộc nô lệ con người, làm tha hóa con người… Văn Cao quả thực là bậc thầy về khả năng sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, bằng hai khái niệm (gông, xích), vừa có tính khái quát cao vừa giàu tính biểu cảm, ông chỉ rõ hai ký hiệu biểu tượng, đại diện cho đế quốc tư bản và chế độ quân chủ (phong kiến). Đây chính là lợi thế về ngôn ngữ nghệ thuật biểu đạt của Văn Cao, lợi thế đặc trưng của nghệ thuật âm nhạc (thanh nhạc), Văn Cao chỉ viết một dòng đã làm rõ bản chất của hiện thực. Về vấn đề cách mạng dân tộc, dân chủ, đối với các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác viết chính luận, họ phải viết đến vài tập sách mới chuyển tải hết nội dung và ý nghĩa của cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ. Ở điểm này càng cho thấy nhân cách văn hóa của Văn Cao đạt đến bậc thượng thừa giản dị.
Trong tập hợp nhóm nhiệm vụ mà Văn Cao đề cập trong Tiến quân ca, ông đặc biệt lưu ý nhiệm vụ, tiến công cách mạng. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc học thuyết triết học Mác – Lê Nin, Văn Cao thường tâm sự với Nguyễn Đình Thi (trong quá trình hoạt động cách mạng bí mật), về nguyên lý cách mạng trở thành cách mạng không ngừng, được Nguyễn Đình Thi khâm phục về tư duy triết học. Từ những tri thức triết học đã nhuần thấm trong tư duy nghệ thuật của Văn Cao, nên khi ông sáng tác Tiến quân ca, ông đã khẳng định ở cả phần lời một và phần lời hai tư tưởng tiến công cách mạng, song ông biểu đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo bút pháp rất Văn Cao (chữ của Trần Huy Liệu). Văn Cao phát triển tư tưởng tiến công cách mạng trong Tiến quân ca đầy hào hùng khí phách, tự tin lạc quan và phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam “Tiến mau ra sa trường/Tiến lên! Cùng tiến lên”. Ở đây một lần nữa Văn Cao khẳng định năng lực tư duy triết học của ông thật thông tuệ và minh triết khi chuyển hóa vào tác phẩm nghệ thuật. Đó chính là nguyên lý phủ định khoa học biện chứng của các sự vật và hiện tượng trong thế giới khách quan. Khái niệm Tiến mau ra sa trường là xác định vị trí, môi trường, không gian cần tiếp cận chiến đấu của Đoàn quân Việt Nam. Tiến lên là động viên nhiệm vụ chung, đồng thời là khẩu hiệu là mệnh lệnh hành động xác định lập trường tiến công của cá nhân (bộ phận), trong Đoàn quân Việt Nam, theo nguyên lí tiến công cách mạng không không ngừng. Cùng tiến lên là ghi nhớ, động viên và xác định lập trường tiến công của toàn thể lực lượng cách mạng Việt Nam, là sự tự giác của toàn thể cộng đồng xã hội Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng cứu nước, tuân thủ mục tiêu nguyên lí tiến công cách mạng không ngừng. Với tập hợp nhóm nhiệm vụ mà Văn Cao đề cập trong Tiến quân ca, chúng ta có quyền hình dung về nhân cách văn hóa của Văn Cao chứa đựng những hạt nhân tư tưởng của một nhà chiến lược thông thái, nhìn thấu thế sự để đưa ra những đáp án cho cách mạng Việt Nam.
Phương pháp cách mạng phản ánh trong văn bản nghệ thuật Tiến quân ca
Phương pháp đấu tranh cách mạng phản ánh trong Tiến quân ca, trước hết là phản ánh nhận thức của Văn Cao về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Mặt trận Việt Minh, đồng thời phản ánh hiện thực khách quan của cách mạng Việt Nam. Sự phản ánh đó được khúc xạ qua nhân cách văn hóa nghệ sĩ của Văn Cao, ý thức nghệ thuật của Văn Cao thích ứng với văn hóa đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật âm nhạc (thanh nhạc), trọn vẹn đỉnh cao ngời sáng. Giới nghiên cứu thường quan niệm tư tưởng tiến công cách mạng của Văn Cao được kế thừa, kết tinh từ nguyên lý cách mạng trở thành cách mạng không ngừng của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Tuy nhiên trong trường hợp nghiên cứu văn bản nghệ thuật Tiến quân ca, chúng tôi nhận thấy tư tưởng tiến công cách mạng là một song đề vừa thể hiện là phương pháp đấu tranh cách mạng, vừa là mục đích của đấu tranh cách mạng. Vì bản chất khoa học của cách mạng xã hội không bao giờ dừng lại, mà nó luôn luôn vận động cùng sự vận của thế giới khách quan, còn bản chất của thế giới khách quan gắn liền với vận động. Do đó việc tìm hiểu lý giải tư tưởng tiến công cách mạng của Văn Cao được biểu đạt trong Tiến quân ca, càng thấy rõ nhân cách văn hóa duy vật biện chứng triệt để trong tâm hồn người nghệ sĩ uyên bác, thông tuệ Văn Cao.
Tư tưởng phương pháp tiến công cách mạng, trong nhận thức của Văn Cao là phương pháp bao trùm tổng quát, xuyên suốt cái toàn thể (vĩ mô), và chi phối, tác động ảnh hưởng lên các phương pháp bộ phận (vi mô). Điều đó dẫn xuất đến phương pháp bạo lực cách mạng, Đoàn quân Việt Nam phải sử dụng lực lượng vũ trang, vũ khí hiện đại ngang tầm thời đại để tiến công kẻ thù. Và ca từ “Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca” đã vang lên như một điểm nhấn nghệ thuật trong Tiến quân ca. Với khái niệm súng xuất hiện trong Tiến quân ca, đó chính là ký hiệu/biểu tượng thể hiện sức mạnh vật chất vũ trang của Đoàn quân Việt Nam. Ở điểm này chúng ta một lần nữa lại nhận thấy Văn Cao chứng tỏ năng lực am hiểu triết học duy vật biện chứng và vận dụng rất nhuần nhuyễn, mô phạm vào văn bản nghệ thuật. Vì nguyên lý của triết học duy vật biện chứng – chủ nghĩa Mác – Lê Nin khẳng định “chỉ có một lực lượng vật chất mới có thể đánh đổ được một lực lượng vật chất”. Tinh thần duy vật biện chứng thể hiện trong thông điệp Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca, chính là sự cụ thể hóa, và phát triển cao hơn của nhiệm vụ Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới, của Đoàn quân Việt Nam. Tuy nhiên ở đây Văn Cao không tuyệt đối hóa vai trò của Súng (biểu tượng sức mạnh vật chất), đó cũng chính là nét độc đáo trong tư duy văn hóa quân sự của Văn Cao. Và ở đây chúng ta lại bắt gặp song đề thứ hai trong Tiến quân ca, là Súng và khúc quân hành ca. Như trên đã phân tích, súng là biểu tượng sức mạnh vật chất vũ trang của Đoàn quân Việt Nam, ngược lại, xuất phát từ quan niệm của ký hiệu học nghệ thuật, khúc quân hành ca là sức mạnh tinh thần; là vũ khí văn hóa tư tưởng; là văn hóa quân sự và văn hóa chính trị trang bị lập trường tư tưởng cho Đoàn quân Việt Nam, trong cuộc đấu tranh cách mạng chính nghĩa giải phóng dân tộc. Theo cách nhìn liên văn bản, tinh thần chiến đấu chống kẻ thù xâm lược bằng văn hóa quân sự và văn hóa chính trị đã từng xuất hiện trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, được Văn Cao kế thừa sáng tạo và trình hiện trong cấu trúc ngôn ngữ nghệ thuật Tiến quân ca. Ở song đề súng và khúc quân hành ca, cho thấy tinh thần nhân văn hiếu sinh của Văn Cao tỏa sáng lấp lánh xuyên suốt trong Tiến quân ca.
Trong Tiến quân ca, Văn Cao không chỉ đề xuất phương pháp bạo lực cách mạng (quân sự) và phương pháp văn hóa chính trị cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, mà Văn Cao còn phát triển cụ thể hơn phương pháp xây dựng lực lượng và căn cứ địa cách mạng. Đó là lập trường văn hóa quân sự của Đoàn quân Việt Nam, sau khi chiến thắng gian lao bên ngoài và chiến thắng gian lao bên trong, Đoàn quân Việt Nam, mà theo cách biểu đạt ngôn ngữ nghệ thuật của Văn Cao là, “Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu”. Vì chiến khu là nơi tập trung lực lượng quân sự cách mạng của Đoàn quân Việt Nam, vừa làm nhiệm vụ phòng thủ và mở rộng địa bàn chiến đấu khi có điều kiện và sẵn sàng cơ động chiến đấu trên khắp chiến trường toàn quốc, hỗ trợ cho nhân dân các địa phương vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi có thời cơ. Chiến khu còn là nơi tái sản xuất lực lượng chiến đấu, thực hiện công tác dự bị hậu cần kỹ thuật chiến lược, bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả của cách mạng an toàn tuyệt đối. Tầm quan trọng của các chiến khu ra đời trước năm 1945, đã minh chứng sinh động cho hoạt động thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Đối chiếu với lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã diễn ra đúng với những dự báo trong Tiến quân ca, về xây dựng lực lượng cách mạng và phương pháp tiến hành cách mạng, về điểm này càng xác định rõ biệt nhãn thiên tài của Văn Cao.
Mục đích cách mạng phản ánh trong văn bản nghệ thuật Tiến quân ca
Mục đích cách mạng phản ánh trong văn bản nghệ thuật Tiến quân ca được Văn Cao xác định bằng hai luận điểm: 1. Vì nhân dân chiến đấu không ngừng; 2. Nước non Việt Nam vững bền.
Quan điểm nhân văn mà Văn Cao đề ra vừa là nhiệm vụ, vừa là mục đích cách mạng của Đoàn quân Việt Nam. Tư tưởng Vì nhân dân chiến đấu không ngừng có nội hàm văn hóa rất rộng, về cơ bản Đoàn quân Việt Nam phải tự giác chiến đấu cống hiến thường xuyên liên tục cho độc lập tự do hạnh phúc tốt đẹp nhất của nhân dân Việt Nam. Luận điểm này một lần nữa khẳng định cách mạng Việt Nam phải trở thành cách mạng không ngừng theo nguyên lý của học thuyết duy vật biện chứng. Tư tưởng Nước non Việt Nam vững bền, cũng mang nội hàm văn hóa rất rộng, hiểu một cách chung nhất là Việt Nam thống nhất, độc lập, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, có quan hệ bình đẳng với các nước trên thế giới. Quyền con người, phẩm giá con người được tôn trọng, được phát huy tài năng sáng tạo không hạn chế vì sự văn minh tiến bộ của con người… để đạt được mục đích cách mạng vinh quang đó, một trong các điều kiện cần và đủ, được Văn Cao khái quát, động viên cụ thể (“Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn”), cho chúng ta phải biết hy sinh quyền lợi của bộ phận (cá nhân), vì quyền lợi của toàn thể (xã hội), trong tương lai được tốt đẹp hơn vì một Việt Nam văn minh tiến bộ hạnh phúc.
Dự cảm tiên đoán của Văn Cao về Quốc hiệu, Quốc kỳ nước Việt Nam mới
Văn bản nghệ thuật Tiến quân ca được viết một cách khách quan, song nó lại bao hàm được dự cảm tiên đoán chủ quan thiên tài của Văn Cao về Quốc hiệu và Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mở đầu Tiến quân ca (phần lời 1), Văn Cao đã viết “Đoàn quân Việt Nam đi” và được nhắc lại ở phần lời hai với câu mở đầu. Câu cuối của phần lời 1 và lời 2 đều viết “Nước non Việt Nam ta vững bền”. Như vậy trong toàn bộ văn bản nghệ thuật Tiến quân ca, bốn lần Văn Cao nhắc đến Quốc hiệu Việt Nam.
Về Quốc kỳ, Văn Cao nói đến hai lần trong Tiến quân ca (hợp thành mới hoàn chỉnh khái niệm Quốc kỳ), lần thứ nhất ông hé lộ về màu Quốc kỳ “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”. Ý tưởng nghệ thuật của ca từ nói đến lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, phải được viết lên bằng những giọt máu anh hùng. Ở điểm này Văn Cao bộc lộ tư tưởng sử dụng bạo lực cách mạng. Sự ngầm định của ký hiệu ngôn ngữ cho biết màu cờ sẽ là màu đỏ. Tiếp theo đến phần lời hai, câu ca từ mở đầu, Văn cao viết “Đoàn quân Việt Nam đi/Sao vàng phấp phới”. Trên cơ sở tường minh của ngôn ngữ thể hiện trong Tiến quân ca, Văn Cao đã hoàn thành nhiệm vụ dự cảm tiên đoán về Quốc kỳ của nước Việt Nam mới là lá cờ đỏ sao vàng.
Lời tạm khép
Văn bản nghệ thuật – tác phẩm Tiến quân ca của Văn Cao, từ khi mới ra đời đã phải cọ sát với nhiều luồng dư luận không thống nhất. Tuy nhiên những ý kiến đó thường đến từ các phía thù địch phản động, bất đồng chính kiến. Hiện nay có một bộ phận không nhỏ chưa hiểu đúng tinh thần của Tiến quân ca, thậm chí có cả những người được công nhận hoặc tự nhận mình là môn đồ của chủ nghĩa Mác. Họ thường lấy dẫn chứng lời ca từ “Đường vinh quang xây xác quân thù” để lập luận bác bẻ tính chất nhân văn của Tiến quân ca.
Về điểm này, chúng tôi xin thưa!
Luận điểm của nhóm xã hội (cá nhân, tổ chức), nào đó đưa ra ý kiến trên hoàn toàn sai lầm vì hạn chế về nhận thức triết học. Quan điểm của chúng tôi khẳng định, tư tưởng “Đường vinh quang xây xác quân thù”, là hoàn toàn đúng và hợp logic phát triển của lịch sử xã hội loài người. Trước hết, đứng trên lập trường triết học duy vật biện chứng, bằng quan điểm lịch sử cụ thể, chúng ta đều biết rằng Văn Cao sáng tác Tiến quân ca trong bối cảnh tinh thần thời đại xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh đang khẩn trương sửa soạn vũ khí tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân. Mặt trận Việt Minh phát động cao trào kháng chiến chống phát xít Nhật, gọi tắt là cao trào kháng Nhật. Đối với thế giới dân chủ văn minh nửa đầu thế kỷ hai mươi xem phe phát xít (Đức, Ý và Nhật) là ba quốc gia cầm đầu phát động chiến tranh xâm lược … chống lại loài người. Trong khi đó, Mặt trận Việt Minh, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng về phe Đồng Minh kháng Nhật. Đó là cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của người Việt Nam. Văn Cao nhận nhiệm vụ của tổ chức phân công sáng tác một bài hành khúc cho trường quân chính kháng Nhật ở chiến khu Thái Nguyên, nhằm cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu cho quân đội cách mạng. Như vậy về ý nghĩa nguyên khởi (lịch sử cụ thể), xây xác quân thù là nhiệm vụ sống còn của đoàn quân Việt Nam phải tiêu diệt phát xít Nhật tàn bạo hiếu chiến. Nhiệm vụ chiến lược đó của đoàn quân Việt Nam được cả thế giới dân chủ văn minh tiến bộ ủng hộ. Việc làm của quân đội cách mạng Việt Nam là đúng đắn hợp quy luật vận động phát triển của lịch sử. Còn xét về quan điểm khách quan của Tiến quân ca, đó chính là quyền lực bạo lực cách mạng chính nghĩa đập tan quyền lực bạo lực phi nghĩa phản nhân văn, mà lịch sử loài người đã nhiều lần chứng minh, không thể dùng quan điểm cải lương để cải tạo xã hội, để xây dựng một xã hội tốt đẹp được. Lí tưởng tiêu diệt kẻ thù của đoàn quân Việt Nam phản ánh ý chí nguyện vọng, lợi ích của dân tộc Việt Nam, cho nên nó hoàn toàn khách quan và hợp quy luật phát triển. Tinh thần đó, là thuộc tính, đặc tính tâm lý, là hằng số văn hóa của bất kỳ quốc gia dân tộc nào phải đối diện với kẻ thù xâm lược tổ quốc của họ. Xét từ quan điểm phát triển của phép biện chứng, khái niệm chỉ kẻ thù cũng thay đổi về mặt chất, kẻ thù theo nghĩa rộng là vô minh, lạc hậu, tàn ác…, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, thủy hỏa đạo tặc…, đều là kẻ thù đối với lương tri nhân loại. Nói tóm lại toàn bộ mặt đối lập với thiện, đều là kẻ thù của nhân loại văn minh tiến bộ. Việc xây xác kẻ thù để đạt mục đích vinh quang theo quan điểm phát triển tất yếu phải tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa mặt đối lập (đối kháng), gây hại đối với con người, như vậy mới là nhân văn tiến bộ. Xét từ quan điểm toàn diện thì tất cả những hình thức mâu thuẫn đối kháng gây hại (là kẻ thù), đối với nhân loại đều bị hạn chế hoặc vô hiệu hóa, để loài người bước lên một bậc cao hơn của văn minh nhân loại.
Ngày Văn Cao hoá thân thành khối “tinh cầu bay trong đêm trăng”, để ngợi ca lý tưởng nhân văn, “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi lại cảm tưởng của ông về Văn Cao thật trân trọng.
“Văn Cao đã ra đi!
Chúng ta vô cùng thương tiếc người nghệ sĩ tài ba xuất chúng.
Những tác phẩm của anh, đặc biệt là bài Quốc ca, những bài ca hùng tráng, những bản nhạc trữ tình, sẽ sống mãi với thời gian, với dân tộc, như một điểm sáng trong nền nghệ thuật Việt Nam”.
Lịch sử sáng tác và ra đời của Tiến quân ca đã có độ lùi lịch sử 79 năm (1944 – 2023), lịch sử sẽ ngày càng phán xét khách quan và công tâm hơn đối với kiệt tác Tiến quân ca/Quốc ca Việt Nam. Tác phẩm âm nhạc (thanh nhạc) Tiến quân ca/Quốc ca Việt Nam, xứng đáng là báu vật của quốc gia dân tộc Việt Nam. Tại thời điểm này (2023) và hơn bao giờ hết, chúng ta cần quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị văn bản nghệ thuật Tiến quân ca/Quốc ca Việt Nam sâu sắc và phổ biến hơn nữa, vì bản chất khách quan của tác phẩm đã trở thành tâm thức văn hóa, hằng số văn hóa của người Việt Nam.
Cả cuộc đời sự nghiệp Văn Cao đã cống hiến trọn vẹn cho lý tưởng nhân văn cao đẹp “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng”. Lý tưởng “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng”, đã đồng nghĩa với nhân cách văn hoá của Văn Cao, đồng nghĩa với sự nghiệp, tài năng của Văn Cao.
Tôi tin tưởng sâu sắc, sau Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh nghệ sĩ thiên tài Văn Cao, danh tính của Văn Cao sẽ có một nội hàm mới để duy danh định nghĩa về Người. Với chúng tôi, Văn Cao là biểu tượng nhân văn của “Ý muôn người trong một Người”.
Hà Nội, 19/8/2023
Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa
Nguyễn Văn Sơn