Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1938 tại Khoái Châu, Hưng Yên. Nhiều người đã thốt lên khi đặt chân đến Hưng Yên rằng “đây là mành đất văn hiến ngàn năm”. Xã hội có lúc đổi thay nhưng người Hưng Yên luôn luôn chung lưng đấu cật cùng nhân dân cả nước xây dựng hệ giá trị văn hóa bền vững. Tôi tự hào được sinh ra trên mảnh đất “ngàn năm văn hiến” ấy. Tự hào hơn nữa được sinh ra và lớn lên ở vùng đất Khoái Châu văn hiến. Tôi và những người đồng hương Khoái Châu, Hưng Yên với Nhà văn Lê Lựu nói riêng, các nhà văn của cả nước nói chung đồng thời là thế hệ tiếp nối theo nghiệp văn chương, chúng tôi cần có trách nhiệm góp phần biên soạn ra một cuốn sách về cuộc đời, văn chương và số phận của ông, một con người cả đời dành đam mê, nhiệt huyết, dũng cảm, dấn thân hết sức trách nhiệm với văn chương, với xã hội, với đất nước.
Nhà văn Lê Lựu đã giã biệt chúng ta. Thực ra, ông chỉ rời cõi tạm để trở về nơi xa vắng hay “thời xa vắng” của ông. Ông trở về với “thế giới của người hiền” nhưng Văn chương và số phận của ông dường như chưa dừng lại. Đó là một sự thật hiển nhiên, cho dù sự thật ấy, không phải lúc nào cũng khiến chúng ta mừng cho ông hoặc thắc thỏm về ông. Song, ở con người cả đời kiếm tìm sự thật như ông cũng là một lẽ công bằng. Trong một cuộc phỏng vấn về tiểu thuyết Thời xa vắng, Lê Lựu từng thốt lên: “Cái đầu tiên mà mọi người nhận ra là mình không nói dối nữa! Mình nói thật với cuộc đời về cuộc đời đó rồi!” mới thấy Lê Lựu khao khát sự thật, muốn nói thật đến mức nào. Và đương nhiên, Văn chương và số phận của nhà văn Lê Lựu chính là hành trình đi tìm sự thật.
Nhà văn Lê Lựu có cuộc đời nổi chìm, cơ cực, cương cường cũng như văn chương của ông. Sự rèn luyện về văn chất và bản chất người của Lê Lựu luôn không ngưng nghỉ. Kể cả khi ông mất đi, những dòng chữ mà ông chuẩn bị từ trước đều là trình bày một sự thật, rất khốc liệt, rất đắng cay nhưng vấn đề đó là sự thật. Chúng tôi đã quá đỗi băn khoăn khi làm một tập sách về ông. Nhất là tên sách sẽ như thế nào? Ông là một nhà văn lớn của văn chương Việt Nam đương đại. Ông là người luôn ở tuyến đầu, nhất là tuyến đầu Đổi mới. Ông là người nhập cuộc đến tận cùng cái đời sống không hề dễ thở của chúng ta. Vậy giới văn bút viết về ông, định luận cuộc đời và văn nghiệp của ông sẽ quy hoạch ra sao trong một tập sách? Có hai người chúng tôi tham khảo là nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Trí Huân. Đề bài đưa ra là Nhà văn Lê Lựu, văn chương và thời cuộc. Nhà thơ thần đồng ngẫm ngợi rất lâu rồi phản biện: “Nhà văn nào chả nhập cuộc và gắn với thời cuộc. Viết về lịch sử từ mấy nghìn năm trước, nhà văn hôm nay cũng là nhập cuộc chứ. Nhưng với Lê Lựu, nhà văn gắn liền với số phận, thân phận của biết bao người”. Nhà văn Lê Lựu, văn chương và số phận không hẳn đã đặc sắc nhưng rất đúng với văn chương và cuộc đời Lê Lựu. Nhà văn Nguyễn Trí Huân – người rất gắn bó với Lê Lựu suy nghĩ và nhất trí tên sách với chúng tôi. Chúng ta cũng không nên quá cầu toàn, cái trọng yếu là những gì sẽ có trong trang sách.
Hàng chục tiểu thuyết, tập truyện ngắn từ Người cầm súng (1970) đến Gã dở hơi (2012) với gần nửa thế kỷ sống, cầm súng và cầm bút, sử dụng toàn bộ sức lực, trí tuệ, niềm đam mê, niềm tin, trái tim và hành động của mình, thân phận cuộc đời mình đến hơi thở cuối cùng cho văn chương chữ nghĩa và đạo nghĩa đã cho thấy một Lê Lựu dấn thân và cống hiến sâu sắc đến nhường nào. Khi Lê Lựu mất, người ta mới thấy chòng chành, hụt hẫng tiếc thương ông. Đó cũng là một sự thật hiển nhiên. Một tất yếu đến từ văn chương, từ đời sống.
Ở bất cứ lúc nào, Lê Lựu đều là người tỉnh táo. Có tỉnh táo mới chạm được vào sự thật. Ở khoảnh khắc ông viết Thời xa vắng, như ông nhận định: “Năm 1984 nằm trong thời kỳ những năm rất chặt chẽ trên mọi phương diện, cả về kinh tế, văn hóa, chính trị. Đó là những năm chặt chẽ, bảo thủ, cố thủ rất ghê gớm!” Một nhà văn đã nhìn thẳng sự thật như vậy còn cảm nhận rằng: “Chính vì vậy mà mình liều viết ra, rồi in được thì in, mà không thì thôi cũng đành”.
Thời xa vắng được viết ra. Tiếp đó là Chuyện làng Cuội (1990); Sóng ở đáy sông (1994); Hai nhà (1999). Bốn cuốn tiểu thuyết chủ chốt nhất của Lê Lựu được viết ra khi chiếc lò xo đã được nén căng tới đáy. Lê Lựu đã nói ra được sự thật bằng văn chương và số phận không chỉ của riêng ông mà của nhân dân, thời đại ông trong một khoảng thời gian, không gian lịch sử. Lê Lựu từng bảo: “Trong các nhà văn của chúng ta, văn sĩ thì nhiều, nhưng kẻ sĩ thì không nhiều… Những nhà văn kẻ sĩ, như ông Nguyên Ngọc, như Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn. Tôi xem họ là những kẻ sĩ. Họ yêu dân tộc lắm! Yêu Đảng lắm!” Đó chính là dũng khí của Lê Lựu. Đến nói ra sự thật còn không dám làm sao tiệm cận văn chương. Ở những nhận định như thế, đã cho thấy một Lê Lựu không chỉ cầm bút viết ra sự thật mà còn rất trân trọng những người khác cầm bút viết ra sự thật.
Lịch sử văn chương thời dựng nước như có những nhà văn, nhà thơ tiêu biểu như Thiền sư Pháp Thuận (Vận nước), Lý Thường Kiệt (Nam quốc sơn hà), Trần Quốc Tuấn (Hịch tướng sĩ); các danh nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu…; đến nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan…; văn chương thời hiện đại Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh… Văn chương và thời cuộc, gắn số phận, gắn với những thăng trầm trong tiền trình của lịch sử nước nhà, thân phận của nhân dân và đất nước.
Lê Lựu là một nhà văn độc lập. Ông đã đớn đau và dằn vặt, hy sinh rất nhiều, chịu mất đi rất nhiều bao gồm cả hạnh phúc riêng tư chỉ vì cái độc lập đó. Ông không độc lập cho riêng mình mà chính là vì số phận, thân phận của nhân dân và đất nước mà ông quyết làm một ngòi bút độc lập, nói ra những điều cần nói. Trong Một thời lầm lỗi (1988); Trở lại nước Mỹ (1989) thì tiếng nói của ông đã trở thành bản lề để mở ra những khung trời lớn mà ông ý thức rất sâu, thậm chí đã phải sử dụng tới sinh mạng chính trị của mình để nói ra.
Đổi mới là một tất yếu lịch sử. Với văn chương, Lê Lựu là một trong những dấu mốc quan trọng nhất của Đổi mới. Đổi mới là phải nhìn thẳng vào sự thật, nói ra sự thật. Tất cả sự thực của ông có giới hạn không vượt qua “làn ranh đỏ” như một số người đã đi trên một “cỗ xe tam mã” rồi lại quay xe. Chúng tôi không bình luận nhiều những người đó, họ có thể giỏi giang trên văn đàn nhưng có lúc là thiếu hiểu biết về tiến trình của lịch sử và thời thế. Chúng ta đã có những lúc như ở vào bước đường cùng. Đến mức người đứng đầu của Đảng là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã phải thốt lên: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Nói như thế là đau đớn lắm. Người đứng đầu đã phải nói đến câu đó, như một giới hạn cuối cùng với nhân dân mình là đau đớn lắm.
Ở bước ngoặt lịch sử đó, điều gì đã cho nhà văn Lê Lựu với hàng loạt tiểu thuyết và bút ký trực diện với đời sống xã hội giáo điều, quan liêu, bí bách, cứng nhắc đến cùng cực? Ông từng đau xót nói: “Một xã hội chỉ dạy cho nhau ăn gian, nói dối tất sẽ trở thành một xã hội lưu manh… Tất cả sự nhăng nhố ấy, của cái thời ấy, theo mình, nguy hiểm nhất là nó sẽ di hại cho các thế hệ sau”.
Một nhà văn như Lê Lựu đã phải trả lời thẳng thừng cách đó, tức là ông đã không còn lựa chọn khác. Còn cay đắng nào hơn, tủi nhục nào hơn. Biết chắc những tha hóa sẽ diễn ra mà không cách gì ngăn chặn được có khác gì những mũi khoan từng mũivào trái tim ông, để lại những lỗ đen bầm sâu hoắm. Đã có những lúc, như trong Chuyện làng Cuội chẳng hạn, ông đã phải tự nhận đã cuốc vào chân mình. Vì người ta quá sợ sự thật nên nhà văn mới phải cuốc vào chân chăng? Để đánh động lương tri, lương tâm, lương năng cũng là thiên lương của con người? Những câu hỏi như thế đến bao giờ hết được?
Văn chương và số phận của nhà văn Lê Lựu luôn là một hành trình mở. Chúng ta có thể thống kê các nhân vật, khái quát và bình phẩm nội dung và nghệ thuật, từ chủ đề tư tưởng tới cung cách hành văn, từ câu cú ngắn dài tới những thông điệp mà văn chương của ông đã trình ra trong đời sống bằng các tiểu luận, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Đã có nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình rất thành công, tạo sóng dư luận từ các truyện ngắn, tiểu thuyết của Lê Lựu. Bản thân ông cũng rất hăng say với điều này. Các đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên rất mê Lê Lựu vì ông rất thật. Thậm chí là lưu manh, côn đồ, giang hồ cộm cán đều được ông chia sẻ và giúp đỡ theo kiểu chẳng giống ai. Nhưng đó là sự thật. Người ta đang đi móc túi mưu sinh, ông lại đưa vào sách, lên phim, họ không hành nghề được, đến nhờ ông xin cho việc làm cũng là lẽ thường tình. Trách anh em ngoài xã hội thế nào được? Càng không trách được nhà văn. Chẳng nhẽ thôi không đưa ra sự thật nữa, cứ để mặc kệ sự giả dối hoành hành, cứ mặc kệ đời sống nhân dân ra sao cũng được? Than ôi! Đời nào Lê Lựu đi theo con đường ấy!
Nhà văn Lê Lựu chưa bao giờ yên hàn thanh thản trong đời sống, càng chưa bao giờ tĩnh lặng với văn chương. Văn chương của ông từ cuộc sống mà ra, và lập tức chúng ùa vào cuộc sống. Phải tài năng lắm và phải biết giấu tài lắm mới thực hiện được những trang văn như thế. Lê Lựu chính là một bậc hành giả văn chương. Lê Lựu mang hình tượng một Tôn Hành Giả trong lòng bàn tay của Phật, nằm dưới núi Ngũ Hành Sơn bao nhiêu năm từ khi bàn tay đức Phật úp xuống nên ông biết thừa sự thật và càng biết chấp nhận sự thật. Sự thật ở Thiên đình cao vời vợi hay sự thậtkhi đeo chiếc “vòng kim cô” ở chỗ lầm than hành khất, đánh giày, bán báo cũng đều là những sự thật nhiều khi khiến chúng ta như không tin ở mắt mình, tai mình, nhất là ở trái tim mình. Nhưng sự thật, giống như văn chương và số phận, có nghiệt ngã đến thế nào chúng ta cũng phải đối diện và đồng hành với nó. Như ông đã từng nói: “Cái quan trọng là khi viết mà người ta đọc thấy đúng mới là văn chương. Viết hay không quan trọng, mà người ta bảo đúng mới là quan trọng! Nói ‘đúng’ ở đây là đúng với tâm trạng và số phận của mỗi người”. Nghe cứ ngang anh ách, nhưng ngẫm ra lại vô cùng đúng vậy.
Lê Lựu là người hết sức có trách nhiệm với văn chương và số phận của mỗi con người, của nhân dân và dân tộc. Ngay trong đà Đổi mới ông đã có những cột mốc Thời xa vắng; Chuyện làng Cuội; Sóng ở đáy sông; Hai nhà… cùng những cột mốc khác như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; Bến không chồng của Dương Hướng; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường; Trư cuồng của Nguyễn Xuân Khánh… thì bỗng đâu có những “vòng kim cô” như có sự cản trở, những lực cản hữu hình, vô hình níu vít ngòi bút các nhà văn. Và chính Lê Lựu chứ không phải ai khác đã nói thẳng: “Không khí Đổi mới của giai đoạn sau không bằng giai đoạn trước. Cứ thế này, văn học sẽ gặp hai điều trở ngại. Thứ nhất là quản lý không ăn nhập với tâm trạng, với nguyện vọng của xu thế, cái không khí của xã hội và rồi của chính các nhà văn mình. Thứ hai là làm phức tạp lên những chuyện đơn giản, những điều đơn giản. Hôm nay, ngã một cái, thì bảo tôi ngã gãy một cái tay, rồi tìm ai giúp tôi bó bột được cái tay đó. Nhưng ngã một tay, lại lặng lẽ để cho nó thối ra”.
Chỉ có Lê Lựu, bằng ba câu nói có vẻ nôm na mà đã diễn tả đúng đến tận cùng bản chất cả một quãng đường không hề ngắn ngủi.
Lê Lựu luôn là như thế.
Nhà văn Lê Lựu, văn chương và số phận là một phần hay là toàn bộ cuộc đời ông? Liệu có còn những góc khuất nào? Các tác phẩm mà ông đã viết ra đã được in ra trọn vẹn? Thực ra điều này cũng không nhất thiết phải trả lời rành rẽ bằng con số. Mở đầu và kết thúc của nhà văn, nhất là một nhà văn như Lê Lựu không cần thiết phải trả lời hết những câu hỏi, như đời sống nhân dân cần lao ngoài kia, ai sẽ là người trả lời những câu hỏi chính đáng của họ? Bây giờ còn có một nhà văn nào như Lê Lựu nữa không? Chúng tôi, thế hệ hậu sinh chỉ biết bâng khuâng trước văn chương và số phận của ông, của vô số con người.
Văn chương cũng như số phận của nhà văn Lê Lựu có nhiều khúc quanh, bước ngoặt mà tập sách này đã chạm đến, đã chia sẻ và đồng hành, đớn đau và kiêu hãnh về ông, cho ông, một nhà văn của nhân dân và Tổ quốc. Hiếm có một ai yêu nhân dân, nhất là nông dân như Lê Lựu. Càng hiếm có người nào yêu Tổ quốc như ông, nguyện làm con chó, con gà vượt qua phên dậu cương vực đất đai để các vị chủ nhân có cớ làm hòa sau bao nhiêu lầm lỗi. Đều là Lê Lựu vậy! Một Lê Lựu về đình làng, chùa, miếu thì như người thủ nhang tận tụy sớm hôm. Một Lê Lựu Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân đường hoàng, đĩnh đạc, sâu sắc trước các chính khách đến thượng tầng tứ trụ. Một Lê Lựu lo miếng cơm ăn, nước uống cho cậu lái xe, người bảo vệ, đứa bé đánh giày, bán báo vỉa hè… thì vẫn là Lê Lựu ấy, người nông dân bờ bãi sông Hồng đã trót mang tai ách kiếp văn chương cứ thế một mạch xông ra với đời, với dân, với nước.
Nhà văn Lê Lựu, văn chương và số phận tới tay bạn đọc, anh chị em biên soạn chẳng có tham vọng gì nhiều. Chỉ là trình bày ra một sự thật văn chương và con người Lê Lựu, như chính ông, từ chính ông.Nhà văn Lê Lựu, văn chương và số phận, bởi vậy, như một nén tâm nhang của giới văn bút kính cẩn tưởng nhớ ông! Cầu mong nhà văn Lê Lựu luôn mãi bình an nơi miền xa vắng!
Ban biên soạn cuốn sách Nhà văn Lê Lựu, văn chương và số phận xin được trân trọngcảm ơn các đồng nghiệp trên các lĩnh vực; các nhà văn trên cả nước; các bạn hữu trên dặm đường gần xa… tham gia đóng góp ý kiến, gửi bài cùng nhau đồng hành biên soạn cuốn sách này.
Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình!
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn