Con người, trước khi là một thực thể độc lập với tự nhiên, thậm chí còn được coi là kẻ chế ngự được tự nhiên, thì phụ thuộc vào tự nhiên, trước hết là môi trường sống. Và càng trở ngược lại thời gian về thời cổ sơ bao nhiêu thì sự phụ thuộc ấy càng nhiều hơn bấy nhiêu. Bởi vậy, người ta mới gọi các văn minh tiền công nghiệp (săn bắt, hái lượm, trồng trọt, chăn nuôi) là nền văn minh dựa vào thiên nhiên. Nếu con người tộc loại phổ quát đã như vậy, thì người Việt lại càng như vậy. Điều này, trước hết, bị quy định bởi môi trường tự nhiên của Việt Nam, và từ đó, như là một hệ quả, là những ứng xử với môi trường ấy của người Việt.
Việt Nam là một nước thuộc khu vực Đông Nam Á lục địa (xin nói thêm, trước đây người ta không coi Đông Nam Á là một khu vực bởi tiêu chí nhận diện khu vực dựa vào các “lò” văn minh, ngày nay bước sang thời đại hậu công nghiệp, thái độ vị trung đó đã nhạt dần, người ta ngày càng thấy rõ hơn những đặc sắc của ngoại vi. Đó là chưa kể ngoại vi của địa hình dương ngày nay có thể là trung tâm của một địa hình âm). Đây là một dải đất nằm dưới chân hai dãy núi vào loại lớn nhất thế giới là Hy Mã Lạp Sơn – nóc nhà thế giới và dãy Thiên Sơn. Đây cũng là nơi có những dòng sông lớn phát nguyên và chảy qua như Mekong, Hồng Hà, Dương Tử,… Và, vì thế mà có những đồng bằng như châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long,… những đồng bằng trẻ mới kiến tạo. Đồng thời, đây cũng là một vùng có địa hình đa dạng, có cả núi, đồng bằng và biển. Đông Nam Á là một vùng nhiệt đới gió mùa. Khí hậu nóng ẩm, mưa gió thất thường.
Với những điều kiện địa chất, khí hậu như trên, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã hình thành một hệ sinh thái tiền sử riêng biệt. Trên thế giới, cho đến nay, sinh thái có thể quy thành hai kiểu: hệ sinh thái phổ tạp và hệ sinh thái phổ chuyên biệt. Hệ sinh thái tiền sử Đông Nam Á và Việt Nam thuộc loại phổ tạp. Tức là, số lượng loài cây con thì nhiều còn số lượng cá thể trong mỗi loại cây con thì ít. Hơn nữa, hệ sinh thái tiền sử Việt Nam (và cả Đông Nam Á nữa) còn thêm một đặc điểm nữa là thực vật nhiều hơn động vật. Về đặc điểm này liệu có thể giải thích như sau: khí hậu nóng ẩm, nắng lắm mưa nhiều thuận lợi cho sự phát triển của cây cối các loài, nhưng lại ảnh hưởng xấu đến sự sinh sống của động vật, đặc biệt là các loài động vật lớn, sống theo đàn, bởi khí hậu này dễ sinh ra dịch bệnh.
Hai đặc điểm trên của hệ sinh thái tiền sử Việt Nam, đặc biệt là đặc điểm thứ hai: thực vật nhiều hơn động vật, đã ngay từ đàu quy định phương thức sinh sống của người Việt cổ là hái lượm trội hơn săn bắt. Từ đó, khi từ nền kinh tế chiếm đoạt tự nhiên chuyển sang nền kinh tế sản xuất, tức là từ hái lượm săn bắt chuyển sang nông nghiệp, thì người Việt Nam trồng trọt trội hơn chăn nuôi, đặc biệt là không có chăn nuôi đại gia súc. Điều này ảnh hưởng nhiều đến lối sống người Việt. Còn cụ thể hơn thì nó làm cho cơ cấu bữa ăn cơm – rau – cá của người Việt thiếu sữa và thịt, còn đồ dùng và trang phục thì thiếu đồ làm bằng da và lông thú. Đến đây, đặc điểm thứ nhất (tức hệ sinh thái phổ tạp) của hệ sinh thái tiền sử lại chi phối tính chất trồng trọt của nền nông nghiệp Việt Nam. Đó là tính chất đa canh, mỗi thứ trồng một tí. Đúng như ca dao vẫn nhắc nhở: Được mùa (lúa) chớ phụ ngô khoai, Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng. Chúng tôi lại xin mở ngoặc để nói thêm rằng, tính phổ tạp của Việt Nam không chỉ ở động vật và thực vật mà còn ở cả khoáng vật nữa. Việt Nam có hầu hết các loại khoáng sản, nhưng trữ lượng của mỗi mỏ hầu như không đáng kể, nên nếu khai thác thì đôi khi thu không bù chi. Ngay cả than và dầu mỏ là những thứ mà chúng ta tưởng rất nhiều, thì cũng chỉ là vừa phải so với một số nước có hai loại khoáng sản này. Từ đó có thể nghĩ rằng phải chăng tính phổ tạp này là một trong những hằng số của Việt Nam? Hằng số này có thể khiến tư duy Việt Nam trở nên vụn vặt, thẩm mỹ Việt Nam thích những cái nhỏ, vừa, xinh?
Một điều đáng chú ý khác là nông nghiệp Việt Nam lại không phải nông nghiệp khô (trồng ngô, kê) như của những người Trung Hoa ở cao nguyên hoàng thổ thượng nguồn sông Hoàng Hà, mà là nông nghiệp trồng lúa nước. Việc trồng lúa nước của người Việt cổ là do sự quy định của môi trường sống của họ. Đến lượt nó, việc trồng lúa nước lại chi phối lại lối sống, lối ứng xử của người Việt và một vài đặc điểm của các thiết chế xã hội Việt Nam. Trồng lúa nước thì nước là quan trọng nhất (Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống), nhưng nước lại phụ thuộc vào trời đất, nên con người chỉ còn có trông mong (Người ta đi cấy lấy công, tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề…). Trông mong và cầu khấn nước như vậy, nên con người hiểu nước và từ đó phải chăng có sự kiên nhẫn, mềm dẻo và linh hoạt như nước? Và, từ đó, liệu có thể khái quát nên là người Việt, văn hóa Việt có tính nước (thủy tính) như đề xuất của nhà nghiên cứu Cao Xuân Huy? Tuy nhiên, người Việt Nam cũng thấy được tính hai mặt của nước, đặc biệt là khi Thủy tinh nổi giận. Bởi vậy, trông chờ vào thiên nhiên một phần, phần khác con người phải dựa vào sức mình, tức là phải dựa vào nhau, dựa vào cộng đồng.
Người Việt cổ biết sống định cư từ khi chuyển sang trồng trọt. Đầu tiên là trồng rau củ, chủ yếu là bầu bí. Có người còn gọi giai đoạn này là văn minh bầu bí (nhiều huyền thoại kể loài người sinh ra từ một quả bầu…). Cũng giai đoạn này, người ta lấy tinh bột để ăn từ thân của một loại cây họ cau gọi là báng, sagô…, nên cũng còn gọi là văn minh cau cọ. Sau đó, họ biết trồng lúa nước ở thung lũng, vùng chân trước núi. Cuộc sống định cư yên ổn và đầy đủ lương thực làm cho dân số phát triển. Đến một lúc nào đó, sự bùng nổ dân số xảy ra, thúc giục họ phải tiến xuống đồng bằng. Có điều đáng lưu ý là trong khi các tộc người khác chiếm lĩnh đồng bằng ở giai đoạn đồ sắt và khi đồng bằng đã bồi tụ xong, thì người Việt cổ tiến xuống đồng bằng hơi sớm, khi trong tay chỉ có công cụ đồng và châu thổ sông Hồng thì chưa bồi đắp xong, còn rất nhiều vùng trũng. Bởi vậy, khi từ vùng chân núi và thung lũng tiến xuống đồng bằng Bắc Bộ để trồng lúa nước, người Việt cổ phải sống co cụm lại ở những vùng đất cao và cấy lúa ở nhưng vùng đất trũng.
Đến đây, yếu tố thủy lợi trở nên rất quan trọng. Và quan trọng hơn là cách làm thủy lợi. Để bảo vệ lúa khỏi lũ lụt, họ phải đắp những khúc đê dọc theo triền sông. Về sau, mỗi đời lại đắp thêm những khúc đê mới. Cứ như vậy, đến đầu thế kỷ X, những khúc đê đã được nối lại với nhau để tạo thành một hệ thống đê hoàn chỉnh như ngày nay. Việc đắp đê ngăn sông và ngăn biển đã tạo ra lối làm thủy lợi lấy nước tại chỗ dựa vào hệ thống ao chuôm đầm hồ. Và phù sa trôi tuột ra biển làm đất trồng mau chóng bạc màu. Lòng sông ngày càng đẩy lên do phù sa lắng đọng nên đã kéo con đê phải cao theo. Bởi vậy, công việc đắp đê không bao giờ chấm dứt. Vì thế, Việt Nam được một người nước ngoài mệnh danh là “dân tộc đắp đê”. Để làm một công việc có tính chất vạn lý trường thành như vậy, người Việt phải sống thành làng.
Làng là đơn vị cộng cư cơ bản của người Việt. Làng Việt được thoát thai từ công xã nguyên thủy và sau đó, công xã nông thôn. Bởi thế, đầu tiên làng được tạo lập theo huyết thống, làng của một dòng họ (như tên một số làng còn lưu lại dấu tích như: Phạm Xá, Đỗ Xá, Hoàng Xá,…), chỉ sau này làng mới đa họ cho thuận tiện việc hôn nhân ngoại tộc và cuộc sống cộng cư. Làng phải có một tổ chức chặt chẽ, một cấu trúc vừa khép kín vừa hé mở, để có thể: một mặt dễ huy động sức người sức của của các hộ trong làng, bởi lũ lụt thì lút cả làng, mặt khác, các làng cùng chung một đoạn đê đi qua dễ liên kết với nhau để đắp đê, chống lũ, chống hạn; các liên làng xuất hiện. Rồi, cùng với nhu cầu chống giặc ngoại xâm, để bảo vệ hệ thống đê điều và các công trình thủy lợi khác, ra đời một nhà nước. Cũng cần phải nói thêm, làng Việt khi còn là công xã nông thôn thì cấu trúc lỏng lẻo. Về sau, có lẽ từ thời Lê Sơ, một phần do đồng bằng Bắc bộ đã ổn định, ruộng tư đã nhiều hơn, phần khác do ảnh hưởng của nhà nước Nho giáo, nên cấu trúc làng trở nên chặt chẽ, hoàn chỉnh. Làng trở thành làng tiểu nông, một tổ chức tự trị, khép kín, phép vua thua lệ làng, một hiện tượng thuần Bắc bộ, khác với làng Nam bộ, lại càng khác với làng của phương Tây. Bởi vậy, từ góc độ cấu trúc làng xã mà nói, xã hội Việt Nam cổ truyền hoặc chỉ là một làng được mở rộng, được phóng chiếu, hoặc là một tổng số các làng.
Nhà nước hoặc một hình thức nào đó tương tự nhà nước của Việt Nam thời cổ đại, nhà nước Văn Lang, có thể được xây dựng trên những liên minh bộ lạc, mà bộ lạc của Vua Hùng[1] đứng đầu. Hình bóng của thứ nhà nước này có thể tìm thấy ở xã hội Mường trước đây… Còn các nhà nước đầu trên thuộc kỷ nguyên độc lập, được xây dựng dựa trên cơ sở những liên làng với những thủ lĩnh địa phương. Nhà nước quân chủ nông nghiệp Phật giáo Lý, Trần còn lưu lại hình bóng của thứ nhà nước này. Về sau, nhất là từ thời Lê Thánh Tông, nhu cầu thống nhất đất nước không chỉ về địa lý (điều đã làm được sau loạn 12 sứ quân), mà cả về tôn giáo, tư tưởng, phương thức cai trị, giáo dục,… đã cho ra đời một chính quyền trung ương tập quyền mạnh. Nhà nước này tồn tại trên thực tế cho đến cuối thế kỷ XIX khi thực dân Pháp thực hiện xong cuộc chinh phục, và trên danh nghĩa cho đến năm 1945, khi đất nước giành được độc lập. Nhà nước Việt Nam cổ truyền là nhà nước nông nghiệp quân chủ Nho giáo. Đây là một kiểu nhà nước toàn trị. Vua là chủ của tất cả: từ tấc đất ngọn rau đến bản thân các thần dân. Không ai có quyền tư hữu, từ tài sản, địa vị, thân thể, đến đầu óc. Nhà nước thâu tóm tất cả. Tất cả đều bị nhà nước hóa. Trong một nước như vậy, sự xã hội hóa và cá nhân hóa là không thể.
Trên thế giới thường có sự phát triển tương ứng giữa loại hình gia đình và các giai đoạn văn hóa (hoặc làn sóng văn minh theo cách gọi của A. Toffler): ở văn minh nông nghiệp thì hình thức đại gia đình là phổ biến; ở văn minh công nghiệp – gia đình hạt nhân, còn ở văn minh hậu công nghiệp – gia đình hỗn hợp (gồm vợ, chồng, và “con em, con anh, con chúng ta”), gia đình khuyết thiếu (chỉ có bố hoặc mẹ và con cái), thậm chí hiện nay còn có gia đình đồng giới, có con nuôi. Như vậy, so với sơ đồ chung của thế giới thì hình thức gia đình hạt nhân Việt xuất hiện ở giai đoạn văn minh nông nghiệp quả là sớm một bước. Điều này dĩ nhiên, là chịu sự quy định chủ yếu của việc trồng lúa nước trên những mảnh ruộng nhỏ (Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa) của đồng bằng và trung du Bắc bộ. Tuy nhiên hình thức gia đình hạt nhân đến sớm (hoặc “dậy non”) và trong một môi trường lãng xã đậm đặc tính cộng đồng này không thể làm tiền đề cho mỗi cá thể – thành viên của nó trở thành cá nhân, mà chỉ làm cho nó trở thành người tiểu nông điển hình.
Nhân đây cũng nói thêm về người tiểu nông như là sản phẩm của người tiểu nông tự cấp tự túc và học thuyết Nho giáo hình nhi hạ nặng về đạo đức, nghi lễ, thù ghét thương mại. Bởi thế, chỉ ở đồng bằng Bắc bộ mới có người tiểu nông. Còn ở Nam bộ vì ruộng đất nhiều do chính sách khuyến khích khai khẩn đất đai từ thời các Chúa Nguyễn, nên ở đây có rất nhiều các địa chủ lớn và những người nông dân trung nông giàu có. Còn những người tá điền làm thuê thì cuộc sống cũng không bị bó buộc lắm. Bởi nếu bị bóc lột quá đáng thì họ với một chiếc xuồng, một con dao phát cỏ, một chiếc bao tải thay mùng màn có thể bỏ đi, phát một bãi đất hoang, dựng một cái lều là có thể sống được. Nam bộ không có tiểu nông là vì vậy. Cá tính tự do, phóng túng, đôi khi đến mức bất cần, cũng là vì vậy. Và ở Nam bộ, một khi có sự tác động của đô thị thương mại thì sản xuất nông nghiệp dễ trở thành kinh tế hàng hóa. Điều này không thể có ở Bắc bộ.
Như vậy, làng xã với tính chất tự trị, với nền kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc, chế độ ruộng công tồn tại dai dẳng như là hạt nhân cố kết của tính cộng đồng, rồi nhà nước quân chủ Nho giáo, hà nho, quan/thư lại là những người tiểu kỷ (chữ của Trần Đình Hượu),… tất cả điều đó đều ra sức kìm hãm sự phát triển của thương nghiệp, nhất là ngoại thương. Bởi lẽ, thương mại sẽ là nhân tố làm mất ổn định cái xã hội thích ổn định này. Xã hội Việt Nam không có kinh tế hàng hóa. Mạng lưới chợ quê chỉ là nơi trao đổi những nông phẩm thừa và một số mặt hàng thủ công. Mạng lưới chợ ven sông cũng phát triển rất phập phù, chưa trở thành một sức mạnh thương mại có khả năng ảnh hưởng đến xã hội nông nghiệp. Cái gọi là ngoại thương của Việt Nam chỉ là mở cửa để cho thương nhân nước ngoài vào mua hàng (danh từ này ngày nay gọi là xuất khẩu tại chỗ) và phái người bị tội mang tiền ra nước ngoài mua đồ xa xỉ phẩm cho triều đình (như trường hợp Phan Huy Chú, Cao Ba Quát).
Thương mại kém phát triển kéo theo sự kém phát triển của đô thị Việt Nam. Đành rằng Việt Nam có đô thị, nhưng đô thị xuất hiện muộn, và chất đô (tức tính chất hành chính) bao giờ cũng lấn át chất thị (tức chất thương mại). Bởi vậy, đô thị mang tính chất hành chính hơn mang tính chất thương mại. Vì thế, đô thị, suốt trong lịch sử Việt Nam, bao giờ cũng là hòn cô đảo trên cái biển tiểu nông, bị nông thôn bao vây và chi phối. Bởi vậy, khi gặp thời điểm mà đô thị ít nhiều có tính tự trị, tức chất thị mạnh hơn chất đô, tầng lớp thị dân phát triển, mới bước đầu hình thành lối sống và tư tưởng thị dân, thì bấy giờ văn hóa Việt Nam mới ít nhiều đổi khác. Một xã hội như vậy là môi trường lý tưởng để hình thành và bảo lưu con người tiểu nông, cái cốt lõi của con người làng xã. Con người làng xã với tư cách là một mẫu người văn hóa, chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Và do làng xã từ khi định hình đến nay không mấy thay đổi nên con người làng xã ít khi thay đổi trong thời gian. Và một khi xã hội Việt Nam như là sự phóng chiếu của làng xã, thì con người làng xã trở nên có tính phổ quát. Và con người tiểu nông cũng trở thành căn tính của người Việt. Nó tồn tại trong cả hai cõi vô thức và hữu thức, chi phối toàn bộ ứng xử của bản thân người Việt nói chung và con người làng xã nói riêng.
Con người làng xã, chủ yếu là con người cộng đồng. Trước khi nó là nó thì nó phải thuộc về gia đình, dòng họ, làng xóm, đất nước… Ở con người này tính cộng đồng rất cao. Tinh thần cộng đồng được hun đúc từ trong gia đình, làng xóm. Bởi gia đình vẫn còn là một đơn vị kinh tế, nơi nuôi nấng, giáo dục, duy trì nòi giống, chỗ tựa tình cảm của con người. Còn làng xã là không gian xã hội chính của người nông dân. Đó là chưa kể đến chế độ ruộng đất công buộc con người phải gắn bó với cộng đồng làng xã để lĩnh một suất đất canh tác… Hầu như toàn bộ các thiết chế xã hội (thờ thành hoàng làng, phe, giáp, hội, hương ước, lệ làng, lũy tre, sự phân biệt dân chính cư ngụ cư,…) đều nhằm củng cố và nâng cao tính cộng đồng trong mỗi con người.
Tính cộng đồng của người Việt không chỉ được hình thành và củng cố theo chiều ngang, chiều của các liên kết xã hội, mà còn theo chiều dọc của các quan hệ huyết thống. Đó là quan hệ gia đình, dòng họ. Tuy dòng họ Việt Nam không phải lúc nào và ở đâu cũng sâu đậm như ở Trung Quốc (chế độ cửu tộc theo chiều dọc và tam tộc theo chiều ngang), nhưng nó vẫn chi phối nhiều đến quan hệ người – người ở Việt Nam, củng cố tính cộng đồng bằng máu mủ, bằng thờ chung một tổ, bằng niềm từ hào về một truyền thống (đôi khi bịa đặt), bằng hy vọng sau khi chết sẽ bất tử trong truyền đời con cháu hay đi vào gia hệ tổ tiên. Bởi vậy, cả họ vì một người (góp tiền gạo nuôi ăn học), một người vì cả họ (một người làm quan, cả họ được nhờ).
Tính cộng đồng làm cho chúng ta biết thương yêu nhau hơn, có lòng thương người như thể thương thân. Tuy nhiên, tính cộng đồng của người Việt không phải khi nào có tính tự nguyện, mà đôi khi mang tính nhân nhượng, thỏa hiệp để cùng tồn tại. Giữa con người với con người nhiều lúc phải chịu đựng lẫn nhau. Hơn nữa sự vật nào cũng có mặt trái của nó. Một khi tính cộng đồng phát triển mạnh, nó sẽ cầm tù ý thức cá nhân, làm cho cá nhân không phát triển được; con người mãi mãi là cá nhân thành viên, cá nhân khuyết thiếu. Tức là chỉ khi tồn tại với tư cách thành viên của một cộng đồng nào đó thì nó mới có chút ít giá trị. Con người trước hết là của gia đình, dòng họ, làng xóm,… rồi mới là của chính nó. Điều này được thể hiện trong truyện Chí Phèo của Nam Cao. Ra khỏi cấu trúc làng xã, chỉ còn lại cá nhân trần trụi, Chí Phèo không còn giá trị gì. Sự cô đơn, hẫng hụt khủng khiếp này khiến Chí say rượu triền miên, tự nguyện làm cho tôi đòi kẻ khác.
Sự thiếu vắng ý thức cá nhân còn thể hiện trong lời ăn tiếng nói hàng ngày như là hiện thân của vô thức. Chữ tôi mà người Việt dùng để tự xưng, tự minh định mình có nghĩa là tôi tớ. Sự hạ thấp bản thân này không phải một cách nói nhún mình, một uyển ngữ, một sự “khiêm tốn giả vờ” như ngày nay ta thường thấy, mà là ảnh xạ cái địa vị thực tế của cá nhân trong cộng đồng. Ngoài ra, qua xưng hô tiếng Việt, ta còn thấy con người không thể tự xác định được mình, mà phải thông qua quan hệ với người khác. Như, khi nói với bố mẹ thì tôi là con, khi nói với ông bà thì tôi là cháu, khi nói với con cái thì tôi là bố, khi nói với đàn em thì tôi là anh… Nghĩa là tôi không phải là tôi, một cá nhân có giá trị tư thân, tự trị, mà tôi là cái vai trò mà tôi đóng trong quan hệ với người khác. Mà trò thì có rất nhiều vai. Bởi vậy, trong sự chia năm sẻ bảy ấy, cá nhân không phát triển được. Chỉ đến đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam bước vào hiện đại hóa, thì chữ tôi mới đúng nghĩa là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất.
Nói đến sự kém phát triển của ý thức cá nhân ở con người làng xã không có nghĩa là con người làng xã không có cá tính. Cá nhân và cá tính là những phạm trù khác nhau. Con người ai cũng có cá tính. Trước hết nhờ sự khác biệt sinh học. Đến hai đứa trẻ sinh đôi cùng một trứng cũng không hoàn toàn giống nhau từ vân tay, nét mặt, thể trạng. Sau đó là sự khác biệt do hoàn cảnh sống, gia đình, sự giáo dục, kinh tế, đẳng cấp xã hội,… Do đó, xét cho cùng, ai cũng có cá tính cả, chỉ khác nhau ở độ đậm nhạt. Bởi, để thích nghi với cuộc sống, có người thì tự bào mòn cá tính, để dễ lẩn mình vào cái vào môi trường nhờ nhờ nước hến xung quanh. Ngược lại, có người thì chuốt nhọn mình để đối lập với xung quanh. Đời sống làng xã, một mặt, với sự tiêu chuẩn hóa, tầng bậc hóa chặt chẽ làm cho cá tính kém phát triển, mặt khác tính chất tiểu nông và gia đình hạt nhân lại làm cho người nông dân, đặc biệt là tầng lớp trung nông, phát huy được cá tính của mình, dù rằng cá tính đó chỉ là những biến thái khác nhau của cái tôi tập đoàn, cái tôi đại diện.
Do tính cộng đồng phát triển nên con người làng xã là con người duy tình. Vì quyền lợi chung của cộng đồng (trong đó có quyền lợi cá nhân, hay đúng hơn, quyền lợi cá nhân chỉ có được thông qua quyền lợi cộng đồng), vì sự cố kết của nó, người ta phải gắn bó với nhau. Sự duy tình này không chỉ diễn ra trong những cộng đồng huyết thống như gia đình, dòng họ, mà còn cả ở những cộng đồng láng giềng với nhau: ngõ, xóm, làng, vùng, miền… Bởi, họ nhận thức được đây là nơi tắt lửa tối đèn có nhau, nên bán anh em xa mua láng giềng gần,… Bởi vậy, con người làng xã sống với nhau rất hòa thuận (tuy không ít khi gà tức nhau tiếng gáy), một đức tính quý báu để cùng nhau làm việc chung: Thuận vợ, thuận chồng biển Đông tát cạn, thuận bè thuận bạn tát cạn biển Đông.
Tuy nhiên, lối sống duy tình chỉ phát huy tích cực trong xã hội nông nghiệp cổ truyền, một xã hội tĩnh. Nó sẽ là cản trở trong xã hội động, tức xã hội đang có sự biến đổi, sự thay đổi về cấu trúc, nhất là trong xã hội hiện đại. Con người, với tính cách là một động vật lưỡng thê, không chỉ có tình mà còn có lý. Con người để có tình có lý một cách hài hòa cần phải trải qua một giai đoạn duy lý, giai đoạn mà xã hội Việt Nam cổ truyền chưa trải qua. Lối sống duy tình, cùng với một vài nhân tố khác nữa, đã cản trở con người làng xã trở thành một con người duy lý. Bởi vậy, con người làng xã đã áp đặt lối xưng hô gia đình vào đời sống xã hội (cháu, em, chú, bác, cụ,…), không có sự rạch ròi công tư: sân siu, xàng xê, chín bỏ làm mười; tinh thần pháp luật, vì thế kém phát triển (Đã đưa đến cửa công, Ngoài thì là lý, song trong là tình – Kiều). Tóm lại, trong đời sống xã hội hiện đại, lối sống duy tình sẽ làm cho nhiều thứ trở nên nhập nhằng, khó minh bạch hóa, ánh sáng của lý trí ít nhiều bị “khúc xạ”, bẻ queo.
Tính cộng đồng và lối sống duy tình khiến con người làng xã yêu thích sự công bằng. Ý thức về sự công bằng đó xuất hiện từ chỗ đời sống làng xã buộc mọi người vào một con thuyền chung số phận, chung niềm vui nỗi khổ, chung nghĩa vụ, quyền lợi. Hơn nữa, chỉ có sự đảm bảo giữa mọi người với mọi người thì mới đảm bảo sự cố kết trong cộng đồng, tính cộng đồng là lối sống duy tình. Bởi vậy không sợ thiếu, chỉ sợ phân chia không đều. Và công bằng trở thành “áo ước ngàn đời” của người nông dân. Các nước cộng hòa lý tưởng của họ như thời cổ tích, thời Nghiêu Thuấn, xứ Đào Nguyên,… đều là nơi ngự trị sự công bằng, hay cao bằng, tuyệt đối. Đây cũng là lý do giải thích tại sao chủ nghĩa cộng sản (communisme, nếu dịch đúng nghĩa phải là chủ nghĩa cộng đồng) tìm thấy ở nông dân Việt mảnh đất màu mỡ để lý tưởng của mình sinh hoa kết trái.
Tuy nhiên, đời sống làng xã tiểu nông chưa có sự phân hóa xã hội sâu sắc và phân nghề triệt để nên dễ hiểu sai ý niệm công bằng, hoặc biến công bằng thành cào bằng (tức chủ nghĩa bình quân thô thiển). Nghĩa là muốn cho tất cả mọi người trước hết phải bằng nhau về mặt quyền lợi, sau đó giống nhau về diện mạo, thân phận và cùng nhau thụ hưởng một mỹ học đồng phục. Họ không hiểu được rằng đó là một đòi hỏi không bao giờ thực hiện được, hơn nữa, nhiều khi bằng nhau lại không phải là công bằng. Bởi vậy, với họ xấu đều còn hơn tốt lỏi. Họ sẽ dàn hàng ngang mà tiến, sẽ ngáng cẳng những ai do khỏe chân mạnh tay mà bước nhanh hơn. Muốn tất cả mọi người đều là cá đối bằng đầu. Tuy với riêng từng người thì biết rằng tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ, nhưng trong xã hội thì không muốn chấp nhận nguyên lý làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng.
Công bằng (hoặc cào bằng) không dẫn đến bình đẳng, một khái niệm của chế độ dân chủ, của xã hội công dân. Cũng có người cho rằng xã hội nông nghiệp cổ truyền Việt Nam đã có bình đẳng. Theo tôi, nếu có thì đấy chỉ là sự “bình đẳng” của những con người chưa có cá biệt tính, một thứ bình đẳng thấp, thấp hơn cả những người ở các xã hội phương Tây kĩ trị, bị “tiêu chuẩn hóa” bởi cùng sử dụng những món đồ thời trang, cùng ăn một thứ ẩm thực, cơm hộp văn phòng loại sang, cùng xem một bộ phim, nghe một bản nhạc,… Bình đẳng này là đồng đẳng hơn là nhất tính.
Như trên đã nói, kinh tế làng xã là kinh tế tự nhiên tự cấp tự túc, người nông dân đầu tắt mặt tối, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; con trâu đi trước, cái cày theo sau mà vẫn không đủ ăn, vì phải trông chờ rất nhiều vào thiên nhiên, phụ thuộc rất nhiều vào tình hình giặc giã (Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan). Bởi vậy, con người làng xã là con người thực tế, cẩn thận, chín chắn (Ba đo một đẵn; Một câu nhịn là chín điều lành; Chớ thả mồi bắt bóng; Chớ bóc ngắn cắn dài,…). Dần dần cái tính thiết thực này trở thành cái ngưỡng ứng xử, ngưỡng văn hóa của người Việt. Bao giờ cũng chừng mừa vừa phải, ăn nói nước đôi (Người khôn ăn nói nửa chừng; Làm trai cứ nước hai mà nói…). Không được voi đòi tiên, không đứng núi này trông núi nọ. Chính cái ngưỡng văn hóa này đã giúp họ vượt qua được nhiều hoàn cảnh khó khăn để đạt được mục đích của mình. Thực hiện cái “đạo sống”, đúng hơn, “đạo sống sót” của người Việt Nam.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tính thiết thực đáng quý đó trở thành tính thực dụng, thiển cận, nhìn không xa hơn mũi của mình, chỉ nhìn thấy cái gần không thấy cái xa, chỉ có đối sách trước mắt không có chiến lược lâu dài, nước đến chân mới nhảy, mưa lúc nào vuốt mặt lúc ấy,… Sự thực dụng của con người làng xã khiến cho họ không thể tiếp thu được những nguyên lý triết học cao viễn đã đành, mà còn làm cho họ khi tiếp thu một tôn giáo nào đó thì bao giờ cũng bỏ phần triết học mà chỉ tiếp thu lấy phần nghi thức, phần thực tế. Đồng thời biến ngay các ông tổ tôn giáo – triết học thành những vị thần bảo trợ dân gian có khả năng ban phúc giáng họa cần phải thờ cúng.
Nói chung, người nông dân của quốc gia nào thì cũng có tính ăn chắc mặc bền, sợ phiêu lưu, sợ sự bất trắc, may rủi. Nhưng trong tâm thức người nông dân Việt thì những tính chất này đậm đặc hơn cả. Bởi lẽ, thương mại chưa kịp phát triển để có thể khiến chúng bị hòa loãng hoặc tẩy rửa. Con người làng xã kỳ thị với những người buôn bán. Buôn bán trong con mắt của họ gần như với gian lận. Người đi buôn luôn được gọi một cách miệt thị là con buôn. Và về sau, khi Nho giáo phát triển ở Việt Nam, thì thương nhân chỉ là một phó thường dân đội sổ trong “tứ dân”: sĩ, nông, công, thương. Bốn nếu rút lại còn hai thì công, thương không có mặt trong cái trò chơi luẩn quẩn này: Nhất sĩ nhì nông, Hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ.
Sự không phát triển của thương mại, tức không phát triển tính phiêu lưu, được ăn cả ngã về không, cũng như sự cầm chân của mấy thước ruộng công nơi làng xã, khiến cho người nông dân không dám rời khỏi làng, sống bám làng bám ruộng, không thích di chuyển. Sống giữa rừng một bên và biển một bên, mà người nông dân Việt “xa rừng nhạt biển”. Mặc dù vẫn cứ nói tiền rừng bạc bể, hoặc rừng vàng biển bạc, nhưng đó lại là nơi sơn lam chướng khí, đi dễ khó về,… Rất ngại lên rừng, người nông dân Việt cũng quay lưng lại với bể. Họ chỉ lấn biển để lấy đất trồng trọt. Nếu có đánh cá thì chỉ đánh quẩn ven bờ, không dám đi khơi về lộng. Đặc biệt, không có buôn bán đường biển như người Tàu, người Chăm, người Chà Và (Indonesia),…
Việc quay lưng lại với rừng với biển, tức là tránh tiếp xúc một cách chủ động với cái khác, một mặt làm cho con người làng xã quá yêu những gì là “của mình” (Một giọt máu đào hơn ao nước lã; Rắm ai vừa mũi người ấy; Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn; Chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người,…), mặt khác ghét cái dị kỳ, cái xa lạ, cái khác, thậm chí coi cái khác, cái mới là kẻ thù. Từ đó bảo lưu chủ nghĩa bộ lạc, sống khép kín, bé quan tỏa cảng, không giao tiếp. Không có sự đối sánh qua tấm – gương – cái – khác, họ cũng không có phản tư về chính cuộc sống của mình, tức là không có ý thức về chính cuộc sống của mình. Vì thế, người Việt coi trọng kinh nghiệm, sống bằng kinh nghiệm (sống lâu nên lão làng; nguyên tắc trọng xỉ, coi tuổi tác là thiên tước), không thích và do đó kém về lý thuyết, kém óc tư biện, giỏi cảm nhận và kém khái quát, kể cả những khái quát tiền khoa học. Môi trường làng xã tiểu nông, xã hội tiểu nông, vì thế, không phải là đất nước cho các nhà tư tưởng lớn, các học thuyết lớn, các tôn giáo lớn,…
Việt Nam hiện nay đang bước vào xã hội hiện đại, các giá trị truyền thống, trong đó có có căn tính tiểu nông – căn tính Việt, có thể thay đổi và phải thay đổi, bởi trong căn tính tuy hình thành trong quá khứ nhưng thuộc về tương lai.
Đỗ Lai Thúy
* Đây là tham luận trình bày tại Hội nghị bàn tròn “Tâm lý học tộc người và tâm lý các tộc người ở Việt Nam” tại Hội thảo Tâm lý học Khu vực Đông Nam Á lần thứ nhất “Hạnh phúc con người và phát triển bền vững,” trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội, 29/11/2017.
Tài liệu tham khảo
Đào Duy Anh (1938). Việt Nam văn hóa sử cương. Huế: Quan hải tùng thư.
Từ Chi (1984). Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền. Hà Nội: Khoa học Xã hội.
Từ Chi (1996). Góp phần nghiên cứu Văn hóa và Tộc người. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.
Nguyễn Ngọc Chương (1990). Trầu cau – Việt Điện thư. Hà Nam: Sở Văn hóa.
Huyền Giang (2017). Đi tìm cách tiếp cận bản tính tộc người. Trong: Huyền Giang Bàn về văn hóa. Hà Nội: Hội Nhà văn.
Phạm Bích Hợp (1993). Tâm lý dân tộc – Tính cách và bản sắc. Tp.HCM: Thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Đình Hượu (1995). Đến với hiện đại từ truyền thống. Hà Nội: Văn hóa.
Đặng Phương Kiệt (2002). Những vấn đề tâm lý và văn hóa hiện đại. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.
Đỗ Long (2008). Tâm lý học với văn hóa ứng xử. Hà Nội: Văn hóa Thông tin.
Nguyễn Khắc Viện (2008). Tâm lý lâm sàng trẻ em Việt Nam. Hà Nội: Y học.
Trần Quốc Vượng (2000). Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm. Hà Nội: Văn hóa Dân tộc.
[1] Chữ Hùng cũng có thể do một từ cổ là Khun (thủ lĩnh), Pò Khun (thủ lĩnh lớn); cũng từ chữ Khun này trở thành chữ Quân (tiếng Hán), chữ Khan, Hãn (Genghis Khan, Thành Cát Tư Hãn của tiếng Mông Cổ..)