Viện Nhân học Văn hóa xin trân trọng giới thiệu công trình mới “Văn học dân gian Cao Lan nhìn từ văn hóa tộc người” (Nxb Khoa học xã hội, 2023) của TS. Nguyễn Văn Ba. Sau đây là lời giới thiệu cuốn sách của PGS. TS. Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa. Quý vị quan tâm có thể đặt sách qua địa chỉ sau: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLScp3Jr8PuGYDH2joiZxMF1H5JuhvFGyGGpew9QpZ3-pAOYJKg/viewform

Tôi có may mắn được làm việc với các nhà nghiên cứu trẻ là Nguyễn Mạnh Tiến, Đàm Nghĩa Hiếu và Nguyễn Văn Ba. Mỗi người, tuy mức độ thành công có khác nhau, nhưng cả ba đều cố gắng tìm cách nới rộng đường biên văn học về phía văn hóa.

Nguyễn Mạnh Tiến “xếp chồng” các bài dân ca Mông để tìm ra các biểu tượng ám ảnh, rồi kiểm nghiệm chúng qua truyện kể, tập tục, sinh hoạt văn hóa tộc người. Anh chứng minh đó chính là các mẫu gốc (archetype), cái tạo nên cá tính người Mông, căn cước hay bản sắc văn hóa Mông.

Đàm Nghĩa Hiếu tiếp cận truyện cổ Bru – Vân Kiều từ phân tâm học tộc người. Qua các thao tác khoa học và trực giác thực địa, Hiếu cũng rút ra kết luận là đặc sắc của văn hóa tộc người này là khả năng thích nghi một cách cực đoan với môi trường sống, với các tộc người láng giềng… Từ đó đặt ra một vấn đề thời sự văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa: thích nghi là để tồn tại, nhưng quá thích nghi cũng là tự tiêu diệt.

Người Cao Lan thôn Đồng Quân, xã Thắng Quân (Yên Sơn) duy trì hát Sình Ca. Ảnh: Báo Dân tộc & Phát triển

Nghiên cứu văn học dân gian Cao Lan, Nguyễn Văn Ba cũng đi tìm một cách tiếp cận mới, khác với tiếp cận xã hội học quen thuộc. Đó là từ văn hóa tộc người. Chìa khóa lý thuyết của Ba đó là khái niệm không gian xã hội của nhà nhân học văn hóa người Pháp Condominas (1921, Hải Phòng – 2011, Paris). Không gian xã hội ở đây thực chất là không gian văn hóa, bởi nó liên quan đến tất cả các phương diện sống của người Cao Lan. Tuy nhiên, không gian xã hội tập trung nhiều hơn đến các mối quan hệ của các yếu tố hơn là bản thân mỗi yếu tố của văn hóa tộc người.

Nhận biết được điều này và trên cơ sở xâu chuỗi các mối liên hệ, vận dụng trong trường hợp cụ thể, trong công trình này, Nguyễn Văn Ba đã khái quát thành hai cạnh khía quan trọng nhất là không gian sinh tồn/thế tục và không gian thiêng/tâm linh. Dĩ nhiên, trong mọi xã hội cổ truyền, thì bất kì một hoạt động sinh tồn nào cũng ẩn chứa lý do linh thiêng và mọi điều linh thiêng đều hiện hữu trong các sinh hoạt đời thường. Tuy chia hai để nghiên cứu như vậy, nhưng tác giả không lúc nào quên thiêng phàm là một, là nhất nguyên. Đây cũng là điều đặc sắc trong tư duy khoa học của công trình này.

Đồng bào dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang sở hữu một kho tàng văn hóa truyền thống phong phú; hiện toàn xã Kim Phú (thành phố Tuyên Quang) có 5 câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan. Ảnh: TTXVN

Một đặc sắc khác là tổng thể văn học dân gian Cao Lan được giải thích từ văn hóa Cao Lan như là cái-đã-biết-trước, để rồi, kết hợp với sự phân tích văn bản truyện cổ, truyện thơ, dân ca, ca dao, tục ngữ, đồng dao, câu đố, phát hiện ra những nét khác của văn hóa tộc người này, mà trước đó còn chưa biết. Chính cái văn hóa này mới là đóng góp mới của công trình.

Như vậy, nghiên cứu văn học không chỉ còn bó gọn trong văn học, mà đi từ văn hóa đến văn học, rồi lại từ văn học đến văn hóa. Nghiên cứu văn học như vậy thực chất là nghiên cứu văn hóa. Điều này phù hợp với xu hướng trên thế giới hiện nay, nhất là trong bối cảnh chúng ta còn nhiều ngộ nhận tưởng như là sự lắp ghép giản đơn về tri thức liên ngành, phương pháp liên ngành hay khoa học liên ngành.

Lễ hội Xuống đồng của người Cao Lan xã Quang Yên, Sông Lô, Vĩnh Phúc. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Con đường nghiên cứu văn học từ văn hóa tộc người sẽ thênh thang hơn, nhiều phát kiến và gợi mở hơn, nếu tác giả không chỉ đặt văn học vào một không gian văn hóa đã sinh ra văn học đó, mà mở rộng hơn nữa, tham chiếu sang các tộc người lân cận. Đó có thể là vùng văn hóa tộc người, nhất là với tộc người có khả năng thích nghi cao như Cao Lan. Lúc này có thể trưng dụng thêm được các thành tựu của lý thuyết vùng văn hóa và so sánh văn hóa tộc người.

Tuy nhiên, với tác phẩm đầu tay của một nhà nghiên cứu trẻ, người ta không thể đòi hỏi tất cả mọi điều được. Vì vậy, với những thành công, tôi hân hạnh giới thiệu Văn học dân gian Cao Lan nhìn từ văn hóa tộc người tới đông đảo bạn đọc.

Đỗ Lai Thúy


Nguyễn Văn Ba – người đã bén duyên với văn hóa Cao Lan

Chuyên luận Văn học dân gian Cao Lan nhìn từ văn hóa tộc người của Nguyễn Văn Ba, thực chất, đã vượt khỏi những bờ biên khuôn thức của văn học dân gian (folklore) chỉ tập trung nghiên cứu các thành tố trong tổng thể văn hóa dân gian và dân tộc học thuần túy mô tả, để vươn đến những chân trời khả kiến của nhân học diễn giải.

Bìa cuốn Văn học dân gian Cao Lan nhìn từ văn hóa tộc người.

Nghĩa là, dựa trên khảo cứu kho tàng văn học dân gian Cao Lan, tác giả đã tìm thấy một cánh cửa để định vị và tường giải tâm lý của tộc người thiểu số này. Bởi, văn học dân gian là phương tiện dung chứa những ký hiệu – biểu trưng tâm lý, phóng chiếu sự kết tinh hội tụ của những chân lý siêu hình cao nhất trong tâm thức mỗi tộc người.

Song, để mở một cánh cửa thần bí như tâm lý tộc người, cần phải có chìa khóa. Nguyễn Văn Ba đã tìm ra cho mình một lý thuyết dẫn đạo ở không gian xã hội (L’Espace social) của Georges Condominas. Nhờ lý thuyết này, tác giả đã nhận chân được hai không gian cốt yếu của người Cao Lan, đó là không gian sinh tồn và không gian thiêng, mạch nguồn sinh thành của những sắc diện tâm lý tộc người đặc thù.

Một sự chuyển giao lý thuyết thành công, phải nhờ khả năng tiếp nhận và ứng dụng, cũng như óc sáng tạo và trực giác trong việc dự ước giả định nghiên cứu của chủ thể diễn giải, điều tác giả đã làm được. Hiển nhiên, hành trình này không thể thành công, nếu thiếu đi niềm say mê nhiệt tâm của một người đã bén duyên với văn hóa Cao Lan một cách chân thành…

Phạm Minh Quân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *