Người viết tiểu thuyết lịch sử cũng giống như tuyển thủ lướt trên mặt dao hai lưỡi. Một bên, họ mang đến cho đời sống lịch sử những nét uyển chuyển mềm mại, dễ dàng chạm đến lòng người. Mặt khác, nếu không cẩn trọng với tài hoa dụng chữ, họ dễ sa vào mê hồn trận của ngôn từ và ý tứ chủ quan, xa rời sự thật. Nhà tiểu thuyết lịch sử phải là người đãi cát tìm vàng, không ngừng nung nấu và loại bỏ tạp chất để luyện ra thỏi vàng mười tinh xảo nhất.
Dù vậy, vàng mười chỉ là biểu tượng cho cái đẹp cái sang của trang sức bề ngoài, nhưng tác phẩm văn học lịch sử nếu muốn thành công phải đảm bảo không chỉ lôi cuốn mà còn phản ánh chân thực tinh thần của cả dân tộc. Đây là những bài học quý giá mà tôi rút ra được sau khi đọc tác phẩm “Những bài học từ lịch sử” của hai tác giả Phùng Văn Khai và Hoàng Liên Sơn dưới góc độ là một người đang tìm hiểu lịch sử qua văn chương.
Tác phẩm được chia thành hai phần. Phần đầu, “Những bài học từ lịch sử”, được biên soạn từ những buổi trò chuyện sâu sắc giữa nhà văn Phùng Văn Khai và MC Bảo Thơ. Phần hai, “Tùy bút phê bình Vương triều Tiền Lý”, là những đánh giá sắc bén của nhà phê bình Hoàng Liên Sơn về bộ tiểu thuyết của nhà văn Phùng Văn Khai. Trong bài chia sẻ này, tôi xin phép tập trung vào phần đầu, nhìn nhận từ góc độ của một người mới mẻ với tiểu thuyết lịch sử nói riêng và văn chương lịch sử nói chung.
Tựa đề quyển sách có vẻ không quá xa lạ, bởi bài học luôn là giá trị cốt lõi mỗi khi chúng ta tìm về lịch sử. Ngay cả một học sinh lớp ba, lớp bốn cũng có thể đọc vanh vách từ những trang sách giảng dạy của nhà trường. Nhưng điểm khác biệt ở đây chính là những bài học lịch sử được phát biểu bởi một nhà văn chuyên viết về tiểu thuyết lịch sử. Ông là tác giả của nhiều bộ tiểu thuyết văn học nổi tiếng như “Phùng Vương” (2015), “Ngô Vương” (2018), “Nam Đế Vạn Xuân” (2020), “Triệu Vương phục quốc” (2020), “Lý Đào Lang Vương” (2021), “Lý Phật Tử định quốc” (2022), “Trưng Nữ Vương” (2 tập, 2023), và nhiều tác phẩm khác.

Ở vai trò nhà văn, ông không chỉ vẽ nên những chi tiết hư thực của các nhân vật lịch sử mà còn thẳng thắn làm rõ những khúc mắc trong lòng bạn đọc về tính chân thực ấy. Quyển sách “Những bài học từ lịch sử” không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kinh nghiệm lịch sử từ tổ tiên, dân tộc, mà còn là nguồn cảm hứng và bài học quý giá cho những ai muốn học sử, khám phá lịch sử, và đặc biệt là những người muốn dùng tâm ý văn chương để miêu tả lịch sử hào hùng của dân tộc. Tôi tin rằng đây là tác phẩm không thể thiếu đối với những người yêu thích và đam mê lịch sử.
Giữa cái bao la của biển trời, nhà văn phải biết chọn điều tâm đắc nhất để miêu tả từng góc cạnh hiểm hóc của nhân vật và cảnh vật. Trong mớ tàn dư còn sót lại của lịch sử dân tộc sau nhiều khói lửa truân chuyên, văn tự chỉ còn lại đôi câu ghi chép sơ sài trong chính sử. Nhiệm vụ của nhà văn là “từ một sợi tóc xé ra chín trâu”, họ được phép hư cấu nhưng không được làm thiên lệch lịch sử. Người viết tiểu thuyết trước hết phải đặt mình vào vị trí của một nhà nghiên cứu, tìm kiếm và thu thập thông tin từ thư tịch, tài liệu, di tích, và các lời kể dân gian.
Nhà văn Phùng Văn Khai đã minh chứng sống động cho sự tận tâm này. Với nguồn tư liệu khiêm tốn của chính sử: “Bấy giờ bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm Ấp cướp biên giới, vua (Lý Nam Đế Lý Bí) dấy binh đánh đuổi được, xưng là Nam đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên”[1],ông đã diễn tả cảnh Lý Nam Đế lên ngôi quốc chủ Vạn Xuân một cách trang nghiêm và hùng tráng trong cuốn tiểu thuyết “Nam Đế Vạn Xuân”.
Công việc của nhà văn không chỉ dừng lại ở việc viết nên những trang sách hấp dẫn, mà còn phải đảm bảo tính chân thực và chính xác của lịch sử. Có khi nhà văn phải mất nhiều năm để nghiên cứu đểviết ra một ý sử, một câu văn, nhưng rồi đành cắn răng dứt bỏ vì ngữ cảnh không hợp. Dù có tài hoa hay yêu quý nhân vật đến đâu, họ cũng phải để nhân vật nếm mật nằm gai, sống và thác đi như một người bình thường của lịch sử, chứ không để họ trở thành một vị thần tiên phù phép lướt qua hiện thực. Nhà văn phải đối mặt với sự giằng co giữa hư cấu và hiện thực, giữa việc tạo nên một câu chuyện hấp dẫn và việc giữ gìn sự chân thực của lịch sử. Đó là một hành trình đầy thách thức và cống hiến. Người viết tiểu thuyết lịch sử phải biết lọc từ trong những mẩu chuyện nhỏ nhặt, những sự kiện tưởng chừng như vô nghĩa, để tạo nên một bức tranh lịch sử sống động và đầy sức thuyết phục. Mỗi trang sách không chỉ là kết quả của sự sáng tạo mà còn là mồ hôi, công sức và tình yêu đối với lịch sử dân tộc.
Nói vậy, nhà văn có thể viết khác chính sử hay không? Từ cách nói của nhà văn Phùng Văn Khai, tôi thầm hiểu, tiểu thuyết lịch sử cần dựa vào chính sử nhưng không quá lệ thuộc vào chính sử. Đây là điểm khác biệt giữa văn chương và lịch sử. Chúng ta có quyền hư cấu Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Ngô Quyền bằng xương thịt, hư cấu sâu sắc về tư duy của các bậc anh hùng dân tộc “nhưng phải hư cấu trên nền tảng sự thật, tức là anh không được vượt ra ngoài sự thật… Nước Vạn Xuân là nước Vạn Xuân. Chùa Trấn Quốc là chùa Trấn Quốc. Cụ Lý Nam Đế đã định hình từ bấy giờ rồi thì anh không thể đặt một cái tên nước khác, một cái chùa khác được”.
Sau tất cả, tôi cảm nhận nhà văn có nguyện ý đề cao giá trị thông điệp nhiều hơn là truyền tải câu chuyện lịch sử. Bởi lịch sử nếu thiếu đi thông điệp và bài học thì quả thật quá vô định. Đơn cử như khi nhắc về Triệu Quang Phục xuống tóc đi tu giải nạn binh đao giữa hai miền Nam – Bắc Vạn Xuân, nhà văn Phùng Văn Khai cũng thẳng thắn thừa nhận phân đoạn này không có thật. Thiển nghĩ, điều này không chỉ khắc hoạ hình ảnh nhân vật lịch sử mà còn viết về một con người tiêu biểu của thời đại, là dụng chữ vẽ “tâm” chứ không chỉ vẽ “hình”. Do vậy, cùng là một nhân vật có thật của thời đại nhưng trăm ngàn ngòi bút phác hoạ khác nhau. Giá trị của văn chương lịch sử nằm ở chỗ càng đào càng sâu, vô cùng vô tận, sâu không thấy đáy. Nhà văn mang lấy giá trị này, không chỉ là người kể chuyện mà còn là người truyền tải cảm xúc, tư tưởng và triết lý qua từng câu chữ.

***
Tạm gác câu chuyện thực hư, ranh giới giữa sự thật và hư cấu là nơi tác giả thi triển tài năng văn chương và hiểu biết sâu sắc về lịch sử nước nhà. Tuy nhiên, độ chính xác của thông tin lịch sử mà tác giả đưa ra cũng cần được suy xét cẩn trọng. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà còn là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh lớn của lịch sử dân tộc. Việc cân nhắc giữa hư cấu và sự thật, giữa sáng tạo và chân thực, chính là thử thách lớn nhất đối với bất kỳ nhà văn tiểu thuyết lịch sử nào. Nhà văn Phùng Văn Khai cũng không nằm ngoài thử thách đó.
Xuyên suốt hơn nữa quyển sách là câu hỏi “thật thật giả giả” từ MC Bảo Thơ trở thành một mạch ngầm xuyên suốt nội dung. Nhiều khi tư tưởng của tác giả mạnh mẽ đến mức khiến người đọc không khỏi giây phút “ngờ” lại những thiếu sót trong chính sử. Nói về đoạn Nam Việt Đế Lý Phật Tử giả thuyền thương nhân vào tận sào huyệt cướp biển lập kế hoạch dẹp tan bọn chúng, nhà văn cho rằng “trong đời thực nó cũng diễn ra, những gì từ cuộc sống ùa vào văn học là lẽ đương nhiên chứ, lịch sử cũng như vậy chứ”. Phải chăng nhà văn đã vội vàng, có phần chủ quan khi đưa ra kết luận về “tầm nhìn rất mạnh” của Lý Phật Tử mà dựng nên câu chuyện giả thương gia?
Nếu chỉ dựa vào việc thương thuyền từ Hợp Phố xuống Long Biên đã có từ rất lâu và sau này xuống thương cảng Phố Hiến là cái vệt xưa nay để đi đến câu chuyện giả thương gia dẹp loạn tặc, bình định chủ quyền của Lý Phật Tử thì ranh giới giữa văn chương và lịch sử sẽ cứ mãi quẩn quanh trong vòng tranh cãi. Theo tôi, tư liệu đó chưa đủ để xác lập thành một dẫn chứng lịch sử vững chắc. Tuy vậy, bút lực của nhà văn đã đủ can đảm và tài ba để phác hoạ nên chân dung của bậc đế vương anh dũng trên đất Việt thuở ban sơ. Đó chính là tài năng của người viết tiểu thuyết lịch sử: khả năng kết hợp giữa sự sáng tạo và tri thức lịch sử, từ đó làm sống dậy những nhân vật và sự kiện tưởng chừng bị lãng quên.
Đọc tác phẩm, ta nhận ra rằng nếu chỉ bám víu vào chính sử mà quên đi tư duy phản biện và không đào sâu vào lịch sử, chúng ta chỉ có thể thấy được tảng băng nổi nhỏ bé trong một phần to lớn của địa hạt sử học mênh mông. Có lẽ nhà văn Phùng Văn Khai đang đi trên con đường “làm mới lịch sử”, và điều này không có nghĩa là thêm thắt hay tô vẽ sự thật, mà là một quá trình soi xét và diễn giải lại các sự kiện lịch sử dựa trên những nghiên cứu mới, bằng chứng mới hoặc cách tiếp cận sáng tạotheo phong cách nhà văn.
Không dừng lại ở sứ mệnh văn chương, quyển sách còn chứa đựng những phát hiện chấn động về lịch sử dân tộc. Nhà văn đã mạnh dạn khẳng định chúng ta không có nghìn năm Bắc thuộc, xuất phát từ “dấu mốc 930, cụ Ngô Quyền đánh Bạch Đằng sau đấy lên ngôi vương. Trước đó năm 544, Lý Nam Đế cũng giành độc lập dân tộc và lên ngôi Nam Đế của nước Vạn Xuân. Cách nhau khoảng thời gian gần 400 năm như vậy, lấy đâu ra một thế kỷ Bắc thuộc?”[2]. Không dừng lại ở đây, đương nhiên vẫn còn những dẫn chứng khác theo như lời tác giả trình bày trong quyển sách.
Phát hiện này quả thật đặc biệt, không chỉ trôi ngược dòng chính sử đương thời mà còn thách thức những hiểu biết đã ăn sâu vào tâm trí nhiều thế hệ. Tôi hy vọng tác giả sẽ dành tâm ý làm sáng tỏ tư tưởng này bằng một tác phẩm nghiên cứu riêng biệt. Nếu tư tưởng này được chấp nhận rộng rãi, nó có thể xô đổ những thành trì tự ti và mặc cảm dân tộc mà nhiều người đã mang vào lòng, đặc biệt là trước sự bang giao với đất nước rộng lớn phía Bắc.
Đến đây cũng đã dông dài, thay lời kết, tôi xin trân trọng cảm ơn tấm lòng của nhà văn Phùng Văn Khai và nhà phê bình văn học Hoàng Liên Sơn đã mang đến cho chúng tôi quyển sách “Những bài học từ lịch sử” hết sức quý báu này. Trong bối cảnh nhiều tư tưởng nội sinh ngoại nhập dễ dàng khiến chúng ta xa rời gốc gác nguồn cội và lịch sử dân tộc, đây là một quyển sách cần được suy ngẫm. Nó giúp chúng ta gần gũi hơn với tư tưởng và ý thức của tiền nhân qua nhiều thế hệ, từ đó củng cố niềm tự hào và trách nhiệm với di sản văn hóa lịch sử của dân tộc. Hy vọng rằng, mỗi trang sách sẽ là một nguồn cảm hứng, một bài học quý giá để chúng ta hiểu sâu hơn và trân trọng hơn những giá trị lịch sử mà tổ tiên đã để lại.
Chân thành biết ơn!
Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm Giáp Thìn 2024
Thái Hải Đăng
[1] Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, NXB Khoa Học – Xã Hội, năm 1983, trang 170
[2] Những bài học từ lịch sử, NXB Hội Nhà Văn, trang 159.