Trương Tửu (1913 – 1999) vốn là một nhà tiểu thuyết xã hội, rồi cây bút phê bình nổi tiếng trên báo Loa, cuối cùng từ 1940 trở thành nhà phê bình học giả. Bấy giờ trung tâm trí thức chuyển từ Tự lực văn đoàn về tạp chí Thanh Nghị và nhà xuất bản Hàn Thuyên. Quanh nhà xuất bản này, quần tụ các trí thức cánh tả, các nhà mác xít (cả Bốn lẫn Ba), các nhà văn hiện thực. Nếu Lương Đức Thiệp nghiên cứu Xã hội Việt Nam, Nguyễn Tế Mỹ nghiên cứu cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ góc độ xã hội học, thì Trương Tửu đem cái tinh thần khoa học này vào phê bình văn chương.
Trương Tửu đã nghiên cứu mảng ca dao dâm tục (Kinh thi Việt Nam, 1940), thơ Hồ Xuân Hương (Sự ám ảnh của Hồ Xuân Hương, tạp chí Tiến hóa, 1936), Truyện Kiều (Văn chương Truyện Kiều, 1943) từ phân tâm học; Nguyễn Du (Nguyễn Du và Truyện Kiều, 1942) từ trường phái văn hóa – lịch sử; Nguyễn Công Trứ (Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, 1944) từ xã hội học mác xít. Có thể nói, ông là người đầu tiên vận dụng các lý thuyết phương Tây này vào nghiên cứu các tác giả Việt Nam, những “viên đá triết học”, một cách bài bản và sáng tạo. Trước đây tôi đã xiển dương ông như một nhà phê bình khoa học khách quan (xem Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, 2011, tr. 225 – 333), nay tôi muốn nói tới cạnh khía khác tiên phong của ông trong tiếp nhận các lý thuyết văn chương của thế giới vào phê bình văn chương Việt. Và, để làm nổi bật được sự khởi điểm này, tôi buộc phải nói nhiều đến văn cảnh.
1. Phê bình phân tâm học vào Việt Nam rất sớm. Năm 1936 đã có hai công trình áp dụng phương pháp này: tiểu luận Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương[1] của Trương Tửu và chuyên luận Hồ Xuân Hương: tác phẩm, thân thế và văn tài[2] của Nguyễn Văn Hanh. Cả hai đều ứng dụng học thuyết của Freud vào nghiên cứu một hiện tượng giàu dữ liệu phân tâm là Hồ Xuân Hương. Có thể phân tâm học bấy giờ đã trở thành một học thuyết thời thượng trên thế giới. Có thể một lý thuyết được biết đến qua những sáng tác văn chương hợp với cơ chế tiếp nhận của tâm thức Việt Nam. Chỉ biết rằng cũng vào năm 1936 đó có Số đỏ của Vũ Trọng Phụng và những năm sau là Giông tố, Làm đĩ. Trong Số đỏ có bác sĩ Trực Ngôn người lúc nào mở miệng là nói đến Freud, bà Phó Đoan bị ẩn ức tình dục, cậu Phước “em chã” bị cố định vào tình dục ấu thời, Tuyết, Hoàng Hôn, vợ chồng Văn Minh, ông Tuýt Phờ Nờ (TYPN – tôi yêu phụ nữ) bị ám ảnh tình dục phô bày. Vũ Trọng Phụng ở các tác phẩm này rơi vào mâu thuẫn: một mặt muốn giải thích cái dâm, một thứ cấm kỵ trong văn hóa chính thức Việt Nam, như là một bản năng phổ quát bằng lý thuyết khoa học, mặt khác lại cho cái dâm ấy như là hậu quả của phong trào Âu hóa, tức đô thị hóa, hiện đại hóa, mà ông muốn chế giễu.
Nguyễn Văn Hanh dựa vào tiểu sử Hồ Xuân Hương để lý giải thơ bà. Hồ Xuân Hương, theo Nguyễn Văn Hanh, là một người đàn bà khỏe mạnh, nhưng xấu gái, thậm chí da còn đen nữa, “da nó xù xì, múi nó dày” (“Quả mít”), nên cũng khó được người khác đáp ứng đủ nhu cầu tình dục. Đã thế, cuộc đời bà lại không may về chuyện chồng con. Hai lần xuất giá, một lần thì lấy phải Tổng Cóc, một anh trọc phú nhà quê chắc cũng chẳng đẹp đẽ gì (cũng là phỏng đoán theo cái tên gọi xấu xí đó), lần khác tuy lấy được người xứng ý, ông phủ Vĩnh Tường, thì ngoài việc ông ta là thư sinh trói gà không chặt, còn phải chịu cảnh Làm lẽ, “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” và “năm thì mười họa hay chăng chớ, một tháng đôi lần có cũng không”. Sau này, tuy gặp gỡ nhiều văn nhân tài tử thì hoặc họ đã yên bề gia thất, hoặc như Chiêu Hổ, khi hàn vi thì đầy những “nhắn nhe”, nhưng khi đã công thành danh toại, “mần cha thằng xích tử” rồi thì sẵn sàng “đù mẹ cái hồng nhan”. Trong tình cảnh ấy, dù cho Hồ Xuân Hương có cố chịu đấm để được ăn xôi, dẫu là xôi hẩm, thì hẳn không phải lúc nào cũng có xôi mà ăn. Sự không thỏa dục này bị dồn nén thành những ẩn ức, có khi sinh bệnh. Nên, để giải tỏa những ẩn ức đó, bà phải sáng tác. Thơ Hồ Xuân Hương là sự thăng hoa của con dục (libido)
Trên kia là sự tóm lược và vạch ra cái sơ đồ lý thuyết dồn nén → ẩn ức → giải toả/ thăng hoa mà Nguyễn Văn Hanh đã áp vào nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương. Có thể thấy rõ điều này qua những con chữ sôi nổi của Nguyễn Văn Hanh: “Dục tình ngày càng tăng, càng nén lại càng bồng bột. Ngày qua tháng qua sức đã nén, dồn ép tình dục càng tăng và sự cần kia càng khẩn cấp. Kết quả: Xuân Hương khủng hoảng tình dục, khủng hoảng nặng sẽ kết bệnh thần kinh”.[3] Hoặc: “Xuân Hương không bao giờ thỏa thích dục vọng, nàng bị dồn ép luôn luôn. Nàng bị bệnh thần kinh. Dục tình chiếm cả đầu óc, ám ảnh nàng mãi. Nó nhuộm thấm cái tư tưởng của nàng. Bao nhiêu thơ của Xuân Hương đều biểu lộ sự khát khao, sự bất mãn. Dục tình biến chuyển qua mỹ thuật thơ văn”.
Đến năm 1940, trong Kinh Thi Việt Nam, Trương Tửu lại trở về áp dụng Freud vào phân tích mảng ca dao dâm tục và thơ Hồ Xuân Hương. “Cái óc Việt Nam lúc nào cũng có cái hình tục tĩu kia ám ảnh đến nỗi cái hình ấy đã thành cái khuôn, bao nhiêu ngoại vật phải chiếu qua nó, rồi mới vào được trong đầu. Có thể người Việt Nam trông sự vật, tả sự vật bằng cái giống […]. Không có giả thuyết cho rằng não trạng ấy là một di tích của một tôn giáo thờ sự sinh đẻ thì làm sao mà cắt nghĩa được nó? Làm sao cắt nghĩa được Hồ Xuân Hương, cái thiên tài hiếu dâm đến cực điểm kia? Bất kỳ tả cảnh gì, vật gì, nàng cũng tả qua cái khung dâm, cái giống. Chúng ta chẳng đã đọc những bài “Đánh cờ người”, “Đánh đu”, “Dệt cửi”, “Cái giếng” của nữ sĩ có một không hai ấy”.[4]
Hai năm sau, Trương Tửu đã chuyển sang phương pháp phê bình “phê bình biện chứng mác xít” như ông tự gọi, nhưng trong Nguyễn Du và Truyện Kiều vẫn còn những ảnh hưởng của Freud qua việc xét đoán tâm lý Nguyễn Du, coi tác giả Truyện Kiều là một con bệnh thần kinh (“bệnh của ông thuộc thứ bệnh không có tổn thương về khí quan”), đặc biệt là việc bắt mạch xem bệnh cho nhân vật con cưng của thi nhân là Thúy Kiều, rằng nàng bị mắc bệnh ủy hoàng (chlorose) sinh ra chứng ưu uất (hystérie), “luôn luôn bị những cảnh ân ái ám ảnh và luôn luôn hứng tình, chỉ khao khát những vỗ về của người đàn ông”. Nguyên nhân bệnh này “một phần ở phủ tạng suy nhược của nàng (di truyền và hoàn cảnh nhàn hạ) không đủ sức chịu đựng sự nảy nở mãnh liệt của cơ quan sinh dục, một phần là ở cái đè nén của luân lý Nho giáo đối với sức phát triển của tính dâm đãng của nàng”.[5] Tuy nhiên, phân tâm học của Trương Tửu vẫn là phân tâm học tiểu sử của Freud, giai đoạn đầu của phê bình phân tâm học.
2. Trường phái văn hóa – lịch sử gắn liền với chủ nghĩa thực chứng của A.Comte (1798 – 1857), người chủ trương ứng dụng các phương pháp của khoa học thực nghiệm vào nghiên cứu xã hội. Đến H.Taine (1828 – 1893), ông thu gọn một trạng thái văn hóa/ văn minh vào 3 khởi nguyên là chủng tộc, môi trường và thời điểm. Rồi đến E.Zola (1840 – 1902), nhà văn khởi xướng của “tiểu thuyết thực nghiệm”, thì ba khởi nguyên này, một lần nữa, lại được rút gọn chỉ còn một là khí chất. Theo ông, khí chất là cửa sổ để nhà văn nhìn ra thế giới, còn theo tôi, khí chất cũng còn là cửa sổ để nhà phê bình nhìn vào thế giới nhà văn
Trường phái văn hóa – lịch sử sau khi ra đời có ảnh hưởng sâu rộng ở nhiều nước. Riêng ở Pháp thì G.Lanson (1857 – 1934) là người kế tục nổi tiếng hơn cả, tuy ít nhiều có biến đổi. Bởi lẽ, ở Lanson không chỉ có phương pháp văn hóa – lịch sử, mà còn có chủ nghĩa ấn tượng và xã hội học. Hẳn vì vậy mà ở Việt Nam, Lanson là người ảnh hưởng nhiều hơn cả đến các nhà phê bình. Một phần, sách của Lanson được dạy trong nhà trường Pháp – Việt. Phần khác, quan trọng hơn, phương pháp mang tính dung hòa của ông hợp với tì vị của người Việt. Dấu ấn Lanson, vì vậy, đậm nhạt trong nhiều tác phẩm phê bình văn học Việt Nam cuối thập niên 30, đầu thập niên 40 thế kỷ XX. Đặc biệt trong công trình đồ sộ có tính văn học sử Nhà văn hiện đại (1942) của Vũ Ngọc Phan. Ảnh hưởng trực tiếp của Taine phải chờ đến Trương Tửu của thập kỷ 40, khi ông đã vượt qua giai đoạn phê bình ấn tượng trên báo Loa (1935 – 36) để đến với phương pháp khoa học vốn là “tinh thần thời đại” của văn hóa giai đoạn 1940 – 45 này. Hơn nữa, sự hạnh ngộ với Taine hình như chỉ có thể có được ở những người cứ thích đẩy sự việc đến cùng như Trương Tửu.
Phê bình văn hóa – lịch sử thể hiện trọn vẹn và sáng tạo trong tác phẩm Nguyễn Du và Truyện Kiều[6] của Trương Tửu với bút danh Nguyễn Bách Khoa. Có điều ba khởi nguyên chủng tộc, môi trường, thời điểm của Taine được ông chuyển thành huyết thống, quê quán, thời đại. Trước hết, huyết thống Nguyễn Du thuộc về họ Nguyễn Tiên Điền, được định danh bởi câu ca dao: “Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước, (thì) họ này hết quan”. Đó là truyền thống khoa bảng, thư lại. Còn một truyền thống khác ít nhiều làm nhạt loãng truyền thống trên là văn chương, nghệ sĩ. Nguyễn Nghiễm để lại hai tập thơ chữ Hán và với bài phú Nôm nổi tiếng Khổng tử mộng Chu công. Nguyễn Khản nổi tiếng thơ Nôm và thích hát xướng, để lại một bản dịch Chinh phụ ngâm. Cháu Nguyễn Du là Nguyễn Thiện, người nhuận sắc truyện Hoa tiên, còn Nguyễn Hành, một cháu khác, có thi tập Minh quyên. Trong “An Nam ngũ tuyệt” bấy giờ, thì họ Nguyễn Tiên Điền đã có hai, là Nguyễn Du và Nguyễn Hành. Như vậy, chảy trong huyết quản Nguyễn Du là hai dòng máu đối lập quan lại và nghệ sĩ.
Nghệ Tĩnh, quê hương Nguyễn Du, là một vùng đất rừng rậm, núi cao, sông sâu, biển rộng. Thiên nhiên hùng vĩ, khắc nghiệt thường kích thích ở con người một sức kháng cự bền bỉ, một lòng kiên nhẫn phi thường, trước để tồn tại, sau để tồn tại một cách xứng đáng. Dân Nghệ, bởi thế, rất cứng cỏi, kiên cường. Xứ này từ xưa vốn là một vùng biên viễn, miền giáp ranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Sự cọ xát bao giờ cũng làm con người tăng ý chí. Hơn nữa, biên cương bao giờ cũng là vùng đất hiểm nguy nhưng tự do. Đất đến của những người bị lưu đày, người tỵ nạn chính trị (tổ tiên Nguyễn Du là một trường hợp), những kẻ phiêu lưu, những người thích “vượt biên”. Họ mang đến cho người Nghệ những nguồn sinh lực mới, lòng yêu tự do, sức mạnh chống lại những khuôn mẫu do một thổ ngơi áp đặt. Yếu tố địa – văn hóa này đã in sâu vào tâm thức Nguyễn Du.
Tuy nhiên, nói đến Nguyễn Du mà chỉ nói đến quê Nghệ là chưa đủ, cần phải thêm quê Bắc nữa. Đây là một vùng văn hóa cổ của người Việt. Đặc biệt đất Kinh Bắc, quê mẹ nhà thơ, có sinh hoạt quan họ trữ tình độc đáo. Nơi sản sinh ra các cô thôn nữ “khỏe mạnh mà không thô kệch, quê mùa mà thanh lịch, yêu kiều mà đoan trang, áo nâu non, váy lưỡi trai bảy bức, yếm thắm hoa hiên, răng đen hạt huyền, mắt trong như dòng suối”.[7] Đây là hình ảnh tiêu biểu của người đàn bà Bắc bộ, tuy ít sản sinh ra anh hùng, nhưng lại là mẹ của nhiều thi nhân. Như vậy, Nguyễn Du đã kết hợp được trong bản thân mình hai nết đất, tuy đối lập nhau, nhưng bổ sung nhau đắc lực.
Huyết thống và quê quán dù góp phần quan trọng vào việc hình thành Nguyễn Du, nhưng đều là những yếu tố tĩnh, nên chúng chỉ thực sự có tác động mạnh mẽ vào những thời điểm động. Thời đại Nguyễn Du chính là thời điểm động đó. Bấy giờ do chiến tranh liên miên nên Nho giáo, cái học thuyết trị bình ấy, bị khủng hoảng. Phật giáo, Đạo giáo và văn hóa dân gian, chủ yếu là lễ hội dân gian, hồi sinh và phát triển trở lại. Nho giáo mất vai trò ý thức hệ độc tôn. Lần đầu tiên, ở xã hội Việt Nam, xuất hiện tầng lớp thương nhân và đẳng cấp quan binh. Tầng lớp nho sĩ thư lại bị xuống giá, suy tàn. Điều này trước hết đụng chạm đến gia đình và bản thân nhà thơ. Nguyễn Nghiễm, người cha suốt đời ôm mộng “Khổng tử gặp Chu công”, mất khi Nguyễn Du mới 5 tuổi, 2 năm sau mẹ cũng mất. Nhà thơ phải sống với người anh cả cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản ở Thăng Long. Rồi loạn Trịnh Tông Trịnh Cán, Kiêu binh nổi dậy, Tây Sơn kéo quân ra Bắc, cửa nhà bị thiêu trụi, anh em tan tác, Nguyễn Du phải trải “mười năm gió bụi”. “Đẳng cấp Nguyễn Du điêu tàn, huyết tộc Nguyễn Du điêu tàn, lý tưởng tôn vương của Nguyễn Du chưa nở đã héo từ trong chồi nụ, tương lai Nguyễn Du đen mù đen mịt, thân thế Nguyễn Du bấp bênh như cánh bèo trên mặt sóng”.[8]
Như vậy, ba khởi nguyên trên: huyết thống, quê hương, thời đại đã tạo nên cá tính Nguyễn Du. Vượt qua được lối nghiên cứu tâm sự Nguyễn Du, tức tâm sự hoài Lê, do Đào Duy Anh đúc rút,[9] Trương Tửu đã đẩy con thuyền phê bình ngược nước đi xa hơn, nghiên cứu cá tính, tức khí chất trong quan niệm của Zola. Ông tuyên bố: “Phận sự của nhà phê bình không phải là khám phá tâm sự nhà văn. Tâm sự nhà văn thuộc về phần hữu thức (…). Còn cá tính tức là tất cả những tầng lớp sự vật ẩn tàng ở phía dưới, cái đó gọi là tiềm thức”. Nguyễn Du là người đa bệnh, trong đó nổi bật là bệnh đa sầu đa cảm, thứ bệnh không phải do tổn thương thực thể, mà do sự nhiễu loạn tâm lý bề sâu mà thành. Bệnh này thường gây ra tâm lý âu lo, hốt hoảng “đi không yên ổn, ngồi không vững vàng” (Kiều), đồng thời trí tưởng tượng bị kích thích thái quá gây ra hoang tưởng bộ phận (paranoïa). “Ngần ấy yếu tố sinh lý và tâm lý đã tạo thành cá tính Nguyễn Du. Trong đời sống thì cá tính ấy là một tính lãng mạn, trầm muộn, thích cô liêu, thèm an nhàn, mộng mị, ghét những hoàn cảnh mới lạ. Trong văn chương thì nó là sự rung động thành thực và mãnh liệt, sự tưởng tượng dồi dào, sự cảm xúc ủy mị và bi thương, sự cảm thông với đồng loại đau khổ và thần linh”.[10]
Tóm lại, phê bình Truyện Kiều nói riêng và phê bình văn học nói chung, đến Trương Tửu, đã đặt được cột mốc mới. Bởi, từ tâm sự đến cá tính là hành trình từ con người xã hội, bề mặt đến con người tâm lý bề sâu; từ con người hữu thức đến con người tiềm thức. Với khái niệm – chìa khóa cá tính Nguyễn Du, một mặt nhà phê bình đã lý giải được những động lực sáng tác, một thứ tâm lý học sáng tạo, những đặc sắc nghệ thuật của Truyện Kiều. Sau Nguyễn Du và Truyện Kiều, Trương Tửu không còn sử dụng phương pháp văn hóa – lịch sử nữa, mà chuyển hẳn sang phê bình xã hội học mác xít. Sau cách mạng tháng Tám, các phê bình ấn tượng, tiểu sử và văn hóa lịch sử đều được/ bị nhất thể hóa vào phê bình xã hội học. Đây đó khi nghiên cứu một tác giả, người ta vẫn thấy thoáng các tiểu mục như quê hương, dòng họ, thời đại, nhưng thực sự chỉ chú ý đến mặt kinh tế – xã hội, tức mặt ngoài, mặt hữu thức của tác giả đó, còn mặt trong, mặt vô thức thì cố ý để khuất lấp đi. Những mảnh vỡ phê bình văn hóa – lịch sử, vì vậy đã trở thành một bộ phận yên ổn trong phê bình xã hội học.
3. Phê bình xã hội học lấy cái xã hội như một nguyên nhân để giải thích văn học như một kết quả. Nó rất gần với phê bình văn hóa – lịch sử, bởi chúng cùng một cơ sở triết học là chủ nghĩa thực chứng của A.Comte (1798 – 1857). Phê bình xã hội học đến Việt Nam là phê bình xã hội học mác xít, nhánh duy lý nhất của nó. Phê bình xã hội học mác xít trừu xuất mối quan hệ tác phẩm – hiện thực thành chức năng phản ánh của văn học. Đến Plekhanov (1856 – 1918), nhà mác xít Nga này, một mặt công thức hóa cứng hơn những luận điểm cơ bản của phê bình xã hội học, mặt khác cấy thêm vào quan điểm giai cấp, rồi đến thời Lênin thì thành tính giai cấp, thậm chí, tính đảng. Và, hiện thực được phản ánh là một chuyện, nhưng hiện thực đó được phản ánh như thế nào lại tùy thuộc vào quan điểm của cái giai cấp mà nhà văn thuộc về.
Vào Việt Nam, phê bình xã hội học đã ít nhiều cụ thể hóa và hiện đại hóa chức năng “văn dĩ tải đạo” của văn học Nho giáo trước đấy thành vai trò phục vụ của văn học. Hơn nữa, bối cảnh đấu tranh giải phóng dân tộc, rõ ràng, đã quy định phê bình xã hội học mác xít Việt Nam tiếp thu cái gì và thích ứng với văn hóa bản địa ra sao. Bởi vậy, nó mang nặng màu sắc chính trị xã hội đến mức có người, như Lại Nguyên Ân, đề nghị nên gọi đó là phê bình chính trị xã hội. Nhưng, tôi nghĩ, dưới góc nhìn học thuật, dù nó có bị chính trị hóa đến mức nào đi nữa, thì những nguyên lý nền tảng mà nó dựa vào vẫn là phê bình xã hội học.
Người đầu tiên sử dụng phương pháp phê bình này là Hải Triều (1908 – 54), một nhà báo mác xít nổi tiếng qua các cuộc tranh luận Duy tâm hay Duy vật chủ yếu với Phan Khôi, và Nghệ thuật vị Nghệ thuật hay Nghệ thuật vị Nhân sinh chủ yếu với Hoài Thanh. Cuộc tranh luận sau thể hiện rõ quan niệm phê bình văn học của các nhà văn mác xít, dù rằng thoạt nghe thì tưởng nó tái diễn lại cuộc tranh luận cùng tên trong văn học Pháp cuối thế kỷ XIX. Ở Việt Nam “phái vị nghệ thuật” thực chất là muốn đề cao tính văn chương (“văn trước hết phải là văn” – Hoài Thanh), nhằm đưa văn học thoát khỏi quan niệm “văn dĩ tải đạo” của Nho giáo, hoặc “văn có ích” của Phạm Quỳnh, còn “phái vị nhân sinh” (ở đầu cuộc tranh luận là “dân sinh”) muốn văn học phải phản ánh hiện thực xã hội, đặc biệt là đời sống của giai cấp cần lao, xây dựng một nền văn học tả chân gần gũi với tư tưởng bình dân thời bấy giờ, thực chất cũng là một thứ “văn có ích” thời mới. Nhân phê bình Kép Tư Bền, tập truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Hải Triều đã trình làng quan niệm của mình về văn học và đồng thời qua đó đặt những viên gạch đầu tiên cho phương pháp phê bình xã hội học mác xít: “Hãy đọc những truyện như Người ngựa và ngựa người, Thằng ăn cắp, Kép Tư Bền, các ngài sẽ thấy trong xã hội, một số đông người phải bán thân nuôi miệng, hoặc các ngài sẽ thấy những đứa bé khốn quá, quyết ăn lường để chịu đấm, hoặc các ngài sẽ thấy một giai cấp đủ ăn đủ mặc, chịu mua cái cười, vui cái khổ của kẻ nghèo khó. Rồi các ngài lại đọc qua những chuyện Báo hiếu, Mợ nó đi Tây, Tôi chủ báo, các ngài sẽ thấy trình bày biết bao những sự xấu xa, mục nát của một chế độ xã hội. Những cái đạo đức, luân lý, tình ái mà trước họ cho là thiêng liêng cao quý lắm, thì ngày nay đã hóa ra một bức màn che đậy biết bao nhiêu sự thối tha hèn mạt ở trong”.[11]
Tác phẩm có tính lý luận của phê bình xã hội học mác xít là cuốn Văn học khái luận[12] của Đặng Thai Mai, một nhà giáo khả kính, một dịch giả uy tín của Lỗ Tấn, Tào Ngu. Cuốn sách này, tiếp nối cuốn sách cùng tên của một nhà mác xít Trung Quốc in 1936, đề cập đến hầu hết những vấn đề quan trọng của đường lối văn học mác xít, từ khái niệm văn học đến mục đích sáng tác, từ mối quan hệ giữa nội dung và hình thức đến vấn đề tự do sáng tác của nghệ sĩ. Nhưng tác giả không chỉ dừng lại ở việc trình bày những nguyên lý lý luận văn học cơ bản theo quan niệm mà ông đã tiếp nhận được từ các nhà lý luận văn học mác xít Trung Quốc, mà còn lấy dẫn chứng ở thực tế văn học Việt Nam bấy giờ để dùng những nguyên lý ấy chống lại những quan điểm phi mác xít. Như vậy, cùng với những người mác xít khác, ít nhiều có xu hướng Đệ Tứ, như Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh, Trương Tửu quanh nhà xuất bản Hàn Thuyên, Đặng Thai Mai, một học giả Đệ Tam, là người có công đầu trong việc xây dựng đường lối văn nghệ mác xít. Tuy nhiên, cả Hải Triều lẫn Đặng Thai Mai, xét cho cùng, vốn là những nhà truyền bá lý thuyết bẩm sinh, nên các ông không đi vào phân tích những tác phẩm hoặc tác giả cụ thể, mà chỉ nói lý lẽ. Vì thế, phê bình xã hội học chỉ thật sự được khẳng định khi xuất hiện Nguyễn Bách Khoa – Trương Tửu với tác phẩm tiểu biểu Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ.[13]
Trước hết, Trương Tửu nhận thấy ở cuộc đời và thơ văn Nguyễn Công Trứ có hai nhịp mạnh là công danh và hành lạc. Cái trước thuộc về mẫu nhà nho hành đạo, nhà nho chính thống, cái sau thuộc nhà nho hành lạc, phi chính thống. Hai chiều kích này không thể dung hòa với nhau được. Để lý giải cái nghịch lý trong con người này, tức tìm cách biến nó thành thuận lý, Trương Tửu đã tiến hành phân tích mâu thuẫn giai cấp ở thời đại Nguyễn Công Trứ. Thời đại của nhà thơ, tức giai đoạn cuối Lê – đầu Nguyễn, đặc biệt là giai đoạn đầu Nguyễn. Đây là thời kỳ trong xã hội có ba đẳng cấp (hoặc quá lên: giai cấp) đấu tranh với nhau. Trước hết là đẳng cấp nho sĩ của Nguyễn Công Trứ. Tầng lớp này vốn đã suy vong, bị đẳng cấp quan binh và phú thương chèn ép vào thời Lê mạt, Tây Sơn thì đến đầu Nguyễn bắt đầu được phục hưng với việc suy tôn Nho giáo và khôi phục lại chế độ khoa cử. Tầng lớp thứ hai là phú thương, sản phẩm của chính sách mở cửa buôn bán từ cuối Lê. Tuy đã bị thất bại trong việc giành quyền lãnh đạo đất nước (ví dụ Cống Chỉnh), nhưng đến thời Gia Long, Minh Mệnh, phú thương vẫn còn là một thế lực đáng gờm. Thứ ba là giai cấp địa chủ, mà kẻ đại diện quyền lợi cho nó là quý tộc thống trị.
Tầng lớp sĩ, để khẳng định được tính ưu việt của mình, trong cơn cuồng hứng hồi phong, nó phải gia nhập bằng được tầng lớp thống trị. Bởi thế, chí nam nhi là lẽ sống của Nguyễn Công Trứ: Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông; Không công danh thì nát với cỏ cây. Còn để đối lập mình với tầng lớp phú hộ ô trọc dốt nát, “trưởng giả học làm sang”, tầng lớp sĩ phô bày tính học thức cao quý của mình. Bởi thế, ngoài hành đạo (để thực hiện chí nam nhi), Nguyễn Công Trứ còn hành lạc, hành lạc có triết lý, có nghệ thuật, để làm bỉ mặt bọn trọc phú, khẳng định tính hơn hẳn của sĩ đối với thương, đồng thời cho hả giận: “vui này cho bõ đau ngầm ngày xưa” của thuở hàn vi. Hơn nữa, tầng lớp sĩ bao giờ cũng tin rằng chính trị của quý tộc phải làm lợi cho địa chủ thì xã hội yên ổn và địa vị của quý tộc và sĩ phiệt mới vững chãi. Vì thế, ít nhiều sĩ phiệt, một mặt, vẫn là đại diện của địa chủ và, mặt khác, ở một chừng mực nào đó lại là đối thủ của chính sách quân quyền chuyên chế. Chính tính hai mặt này của tầng lớp sĩ là lý do tại sao Minh Mệnh vừa tin vừa ngờ, vừa dùng vừa bỏ Nguyễn Công Trứ, khiến con đường hoạn lộ của ông luôn lên voi xuống chó. Có điều, tinh thần thời đại Nguyễn Công Trứ hoàn toàn phù hợp với cá tính và chí hướng của bản thân ông, nên nó đã trở thành hộp cộng hưởng khuếch đại tiếng nói của nhà thơ vang xa và đi sâu vào tâm hồn người.
Sự phân tích giai cấp ở văn phẩm này, nhờ còn vương đôi chút tư tưởng của các trí thức cánh tả Pháp hoặc các nhà Mác học, nên quả thực hết sức sắc sảo và độc đáo, đặc biệt là sự lý giải tư tưởng hành lạc và hoạn lộ thăng trầm của Nguyễn Công Trứ từ phương diện xã hội. Một vài luận điểm của Trương Tửu ở tác phẩm này được nhiều nhà phê bình về sau vô tình hay hữu ý (dù không thừa nhận!) kế thừa và phát triển. Như vậy, có thể nói, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ là một tác phẩm phê bình xã hội học mác xít xuất sắc không chỉ của Trương Tửu, mà của toàn bộ nền phê bình xã hội học Việt Nam trước, thậm chí cả sau, 1945.
Như vậy, phê bình văn học trước sự kiện Cách mạng tháng Tám 1945 là lối tiếp cận từ tác giả bao gồm các phương pháp như phê bình ấn tượng chủ nghĩa dựa vào các ấn tượng còn lại sau khi đọc tác phẩm; phê bình tiểu sử học dựa vào con người xã hội của tác giả; phê bình theo trường phát văn hóa – lịch sử dựa vào một tình trạng văn hóa/ văn minh được quy thành ba khởi nguyên: chủng tộc, thời điểm, môi trường và ba yếu tố này, đến lượt nó, thu lại một là khí chất tác giả; phê bình xã hội học dựa vào một hoàn cảnh kinh tế – xã hội với động lực phát triển là đấu tranh giai cấp trong đó tác giả nhất thiết phải đứng về một giai cấp nào đó; phê bình phân tâm học dựa vào những đặc điểm của tính dục ấu thời của tác giả, nên gọi là phân tâm học tiểu sử, để phân biệt với các phê bình phân tâm học khác, gọi là phân tâm học văn bản. Các phương pháp phê bình này tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi nhưng đều cố gắng vươn tới một tinh thần khoa học thực chứng là “tinh thần thời đại” bấy giờ; và, quan trọng hơn, đều có những tác phẩm và tác giả tiêu biểu và thành công. Tuy nhiên, sau 1945, các phương pháp này đã bị hoặc tự đánh vỡ mình với tư cách là một phương pháp để các mảnh vỡ của nó trở thành thủ pháp của phê bình xã hội học mác xít lúc này đã dần dần trở thành duy nhất và độc tôn.
Nhiều tác giả và tác phẩm mà Trương Tửu sử dụng các lý thuyết mới để phê bình đều là những tượng đài của văn chương Việt Nam. Những phát hiện mới và khác của ông càng dễ để bạn đọc so sánh với các cách tiếp cận trước, thậm chí cả sau ông. Có không ít ý kiến chê trách Trương Tửu “ăn sống nuốt tươi” lý thuyết, hoặc áp dụng lý thuyết còn gượng ép, “chặt chân cho vừa giầy”. Nhưng, tôi nghĩ, nếu có thì chỉ ở các chi tiết, còn ở tổng thể là sự ứng dụng thành công. Lỗi không phải ở tài năng của ông, mà còn ở sự ứng dụng lý thuyết “từ trên xuống”. Những người sau ông, chỉ cần đảo lại cách tiếp cận “từ dưới lên” là tránh được các nhược điểm của người tiền bối, người khai hoang.
Hà Nội, 10 – 2023
Đỗ Lai Thúy
[1] Trương Tửu (1936), “Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương”, Tiến hóa, số 1, Hà Nội.
[2] Nguyễn Văn Hanh (1936), Hồ Xuân Hương: tác phẩm, thân thế và văn tài, Aspar xb, Sài Gòn.
[3] Nguyễn Văn Hanh (1936), Hồ Xuân Hương: tác phẩm Thân thế và văn tài, Aspar, xb, Sài Gòn
[4] Nguyễn Bách Khoa (1940), Kinh thi Việt Nam, Nxb Hàn Thuyên, Hà Nội.
[5] Nguyễn Bách Khoa (1951), Nguyễn Du và Truyện Kiều, Nxb Thế Giới, Hà Nội.
[6] Nguyễn Bách Khoa/ Trương Tửu (1942), Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn Mới/ thuộc Nxb Hàn Thuyên, Hà Nội.
[7] Nguyễn Bách Khoa (1951), Nguyễn Du và Truyện Kiều, tái bản, Nxb Thế Giới, tr.21.
[8] Nguyễn Bách Khoa (1951), Nguyễn Du và Truyện Kiều, tái bản, Nxb Thế Giới, Hà Nội.
[9] Đào Duy Anh (1943), Khảo luận về Kim Vân Kiều, Quan Hải tùng thư xb, Huế.
[10] Nguyễn Bách Khoa (1951), Nguyễn Du và Truyện Kiều, tái bản, Nxb Thế Giới, Hà Nội.
[11] Hải Triều (1935), “Kép Tư Bền, một tác phẩm về cái triều lưu Nghệ thuật vị dân sinh ở nước ta”, Tiểu thuyết thứ bảy, số 62, tháng 8, Hà Nội.
[12] Đặng Thai Mai (1942), Văn học khái luận, Nxb Hàn Thuyên, Hà Nội.
[13] Nguyễn Bách Khoa (1943), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Nxb Hàn Thuyên, Hà Nội.