Thời gian có thể xóa nhòa tất cả, nhưng khó có thể vùi lấp ký ức của một cộng đồng dân tộc can trường, quả cảm với những chiến công oanh liệt bảo vệ mảnh đất quê hương. Ở đó, khát vọng tự do độc lập không chỉ nằm trong ý chí sắt đá của những trang nam nhi oai dũng mà còn gắn bó thiết tha với bóng dáng người phụ nữ hiên ngang. Đất nước ta kể từ khi xây móng dựng nền cho tới ngày nay đã đối mặt với nhiều đợt can qua nổi dậy, nhưng chưa bao giờ hình bóng người phụ nữ bị phai nhòa trong tâm khảm cộng đồng dân tộc.
Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chị Út Tịch dũng mãnh với khẩu hiệu “còn cái lai quần cũng đánh”. Lùi về lịch sử, An Tư công chúa hiến thân vì đại nghiệp cơ đồ trong trận Chiến tranh Nguyên Mông – Đại Việt lần II vào năm 1285. Bà Triệu đanh thép với câu nói:“Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch bọn giặc, giành lại giang sơn, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Khí thế nữ nhi xả thân vì quốc, đánh quân xâm lược vốn không hiếm trong lịch sử nước nhà. Trong đó, sự kiện khởi đầu chói lọi để lại ấn tượng nhất trong tâm hồn con người Việt Nam là hình ảnh Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa đầu xuân năm Canh Tý (năm 40). Sự kiện này là dấu son chói lọi của lịch sử nước nhà, là bản hùng ca về hình ảnh người phụ nữ Việt kiên trung bất khuất, tạo nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều lĩnh vực trong xã hội hiện đại trong đó có lĩnh vực văn học, nghệ thuật với các thế hệ nghệ sĩ, nhà yêu nước, nhà sử học, từ những tác phẩm văn học đến những bài ca tôn vinh. Cùng trong nguồn cảm hứng về nhân vật lịch sử đó, gần 2000 năm sau nhà thơ Phùng Văn Khai đã tái hiện lại uy linh đầy khí thế của hai vị nữ anh hùng dân tộc. Đặc biệt với sắc thái Trưng Vương oai phong, dũng mãnh, quyết trả “thù nhà, nợ nước” qua tác phẩm Bài ca Trưng Nữ Vương.
Đất Mê Linh nghìn năm xanh mát
Trưng Nữ Vương bát ngát huân công
Rạng danh dòng giống Lạc – Hồng
Phong quang quấn quýt con Rồng cháu Tiên.
Mở đầu bài thơ, tác giả khẳng định lập trường tư tưởng mạnh mẽ của mình. Ở đây, nhà thơ không chỉ nhắc đến mảnh đất Mê Linh trù phú đã có từ ngàn xưa, mà còn khẳng định sự trường tồn, bền vững của vùng đất này. Hình ảnh “nghìn năm xanh mát” ngầm thể hiện quan điểm của tác giả về sự bất khả xâm phạm của văn hóa và ý chí dân tộc, phản bác ý niệm “ngàn năm Bắc thuộc”. Bởi nếu là một quốc gia bị lệ thuộc trước đó, sẽ chỉ tồn tại “nghìn năm u uất” chứ khó lòng có được một “nghìn năm xanh mát”. Tư tưởng này từng được nhà văn đề cập trong Những Bài Học Từ Lịch Sử (năm 2024), tuy nhiên góc nhìn này vẫn cần thêm lời minh biện để làm sáng tỏ thêm.
Một dân tộc nếu đã chịu cảnh lệ thuộc suốt trăm năm qua thì ý thức dân tộc chắc hẳn đã phai nhòa, liệu họ có đủ sức đề kháng để vụt dậy hay không? Dân tộc ấy có sẵn lòng đáp lại những lá cờ khởi nghĩa đã bao lần nhen nhóm trong thời kỳ dài đằng đẵng ấy không? Đối với Trưng Vương, điều này lại càng khó khăn hơn, bởi là nữ nhi, dù ý chí có kiên cường đến đâu cũng không dễ cầm gậy gộc, vũ khí ra chiến trận như nam nhân. Người dân đã mỏi mệt qua nhiều đợt kháng chiến, liệu họ có tin tưởng mà đi theo hai người phụ nữ dẫn đầu cuộc khởi nghĩa?
Nhưng thử ngồi lại suy ngẫm: nếu quả thật “nghìn năm xanh mát” như cách thi nhân hình dung, khi đất nước vốn yên bình, đời sống ấm no, thì phải có nguyên nhân lớn lao, phải có sự đè nén khắc nghiệt lắm mới khiến làn sóng phẫn nộ bùng lên dữ dội. Đỉnh điểm của sự bất mãn này là chính sách tàn bạo của Thái thú Tô Định. Khi đời sống bị kiểm soát gắt gao cũng là lúc ý chí quật khởi của người dân sẽ trào dâng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Đây chắc hẳn là cuộc chiến mới của một đất nước từ yên bình bỗng rơi vào thảm cảnh phong ba.
Tiếp theo, nhà thơ Phùng Văn Khai gợi nhắc về lai lịch nhị vị Trưng Nữ Vương. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư “Trưng Vương tên huý là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên” (本 姓 雒 峯 州 麋 冷 縣 雒 將 之 女 朱 鳶 縣 詩 索 之 妻 也. Bản tính Lạc, Phong Châu Mê Linh huyện Lạc tướng chi nữ, Chu Diên huyện Thi Sách chi thê dã)[1]. Bà cùng em là Trưng Nhị từng lãnh đạo nhân dân giành độc lập dân tộc, đánh tan giặc Đông Hán, lên ngôi vua đất Lĩnh Nam, đóng đô ở Mê Linh cũng là quê hương của hai Bà (tại vị các năm 40-43), sau được dân các thời đại suy tôn thờ phụng đến ngày nay.
Bạn đọc chiêm nghiệm lời ca sẽ nhận ra tác giả Phùng Văn Khai đã khéo léo gửi gắm vào ý thơ quan niệm văn hóa hết sức uyên thâm của người Việt. Đại Việt sử ký toàn thư chỉ đề cập đến bà Trưng “nguyên là họ Lạc”, nhưng bất kỳ người Việt nào cũng dễ dàng liên tưởng đến cặp đối xứng quen thuộc “dòng giống Lạc – Hồng”. Vật biểu Rồng – Tiên của văn hóa Việt có sự quân bình nam nữ, âm dương, khác biệt với nhiều nền văn hóa khác vốn chỉ duy trì một biểu tượng đơn lẻ. Giáo sư Kim Định từng viết trong Kinh Hùng Khải Triết có đoạn: “Nếu có một ai chịu đưa mắt nhìn rộng ra năm châu, rồi nhìn sâu vào thời cổ đại sẽ thấy không một nước nào trên thế giới có vật biểu đi đôi như thế (như Việt Nam) mà tất cả chỉ là một: Ấn Ðộ là con voi. Nước Pháp là con gà. Nước Ðức là con chim ưng. Nước Anh là con sư tử. Nước Tàu trước hổ sau rồng. Riêng nước Việt lại nhận cả đôi, cả tiên lẫn rồng”. Nam nữ, âm dương cân xứng tạo nên sự hài hòa tự nhiên, hợp với nền triết Việt, vượt lên trên những nền văn hóa chỉ tôn vinh một biểu tượng độc tôn duy nhất.
Không dừng ở đó, khổ thơ tiếp theo tác giả tiếp tục khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam từ thuở sơ khai cho đến hiện tại. Dù trải qua bao biến động của thời cuộc, đất nước này vẫn luôn thuộc về nhân dân Việt Nam, không chỉ trên phương diện chính trị mà còn trong chiều sâu văn hóa.
Kể từ lúc khai minh thiên địa
Người phương Nam chủ đất phương Nam
Sánh cùng Ngũ Đế, Tam Hoàng
Chia riêng phong tục Bắc – Nam ngàn đời.
Phương Nam và phương Bắc không lệ thuộc, không hơn kém nhau mà cả hai chủ thể đều “sánh cùng”, đều tồn tại song song trong tiến trình phát triển của lịch sử. Thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc thường được gọi Tam Hoàng Ngũ Đế, gồm các vị quân chủ huyền thoại khoảng từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN. Tuy nhiên, do không có di tích đủ lớn để khảo cứu và mô tả, nên thời kỳ này mang tính truyền thuyết, huyền thoại hơn là thực tế lịch sử. Tam Hoàng tức là ba vị quân chủ được mô tả như thần thánh, người chuyên dùng các phép màu để giúp chúng dân, nên thời kỳ cai trị của Tam Hoàng khá dài lâu và hòa bình thịnh vượng. Ngũ Đế là năm vị quân chủ nối tiếp theo Tam Hoàng, có công khai hóa dân tộc Trung Hoa. Thời kỳ này, người Trung Hoa đã biết chế ra lửa, làm nhà, mặc quần áo, trồng ngũ cốc, chài lưới, thực hiện nghi lễ và bắt đầu tạo ra chữ viết.

Dầu vậy, đây vẫn là thời kỳ bình minh của lịch sử nên còn nhiều vấn đề tồn tại chưa thể phân định rõ ràng. Đến giai đoạn từ năm 21 TCN đến 16 TCN, nhà Hạ được ghi nhận là vương triều đầu tiên trong ba vương triều khai quốc của Trung Hoa: Hạ, Thương và Chu. Song song với các triều đại ở phía Bắc là thời kỳ họ Hồng Bàng, nơi các vua Hùng trị vì với quốc hiệu Văn Lang ở phía Nam. Cho đến giai đoạn từ năm 257 TCN – 208 TCN, Thục Phán xưng vương đổi quốc hiệu thành Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội ngày nay). Trong khoảng thời gian này, nhà Tần với dã tâm mở mang bờ cõi đã bắt đầu tiến hành những cuộc xâm lược tàn bạo vào lãnh thổ phía Nam, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước.
Vừa trước đó nhà Tần vô đạo
Dấy can qua lốc bão phương Nam
Đồ Thư trăm vạn binh hùng
Tràn vào Ngũ Lĩnh ầm ầm muôn nơi.
Bách Việt tộc không cam chịu khuất
Khắp núi cao, vực thẳm, sông sâu
Tần binh “người chết trông nhau”
Đồ Thư bị bắt muôn màu tang thương.
Năm 221 TCN, nhà Tần tiêu diệt 6 nước lân bang, kết thúc cục diện “thất hùng” thời Chiến quốc, thâu tóm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc. Vua Tần, Doanh Chính, tự xưng Tần Thủy Hoàng đế, thiết lập nhà nước quân chủ tập quyền chuyên chế. Vừa hoàn thành đại nghiệp thống nhất Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng chưa kịp củng cố nội bộ đã bắt đầu nghĩ đến việc mở mang bờ cõi. “Các dân tộc du mục miền Bắc gọi chung là Hung Nô vẫn là mối lo từ thời Thương, Chu; họ thường xuyên xâm lấn biên giới, có chỗ sống lẫn lộn với người Trung Hoa; đầu đời Tần họ đã len lỏi vào Hà Nam, do vậy Tần Thuỷ Hoàng vội chặn họ lại và sai Mông Điền đem quân lên đánh dồn họ về phía Bắc và đắp Trường Thành để ngăn họ”[2].
Sau khi dẹp yên phía Bắc, họ Tần lập tức thi hành kế sách bành trước về phương Nam. Thuỷ Hoàng sai hiệu uý Đồ Thư đem quân lâu thuyền, sai Sử Lộc đào ngòi vận lương, đi sâu vào đất Lĩnh Nam, đánh lấy miền đất Lục Dương, đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận (使 校 尉 屠 雎 將 樓 船 之 士 使 史 祿 𮢶 渠 運 糧 深 入 嶺 南 略 取 陸 糧 地 置 桂 林 今 廣 西 明 貴 縣 是 也 南 海 即 今 廣 東 象 郡 即 南 安 以 任 囂 爲 南 海 尉. Sử hiệu uý Đồ Thư tương lâu thuyền chi sĩ, sử Sử Lộc tạc cừ vận lương, thâm nhập Lĩnh Nam, lược thủ Lục Lương địa, trí Quế Lâm [Kim Quảng Tây Minh Quý huyện thị dã] Nam Hải [Tức kim Quảng Đông] Tượng Quận [Tức Nam] An dĩ Nhâm Ngao vi Nam Hải uý)[3].
Trước sức mạnh áp đảo của quân Tần, “người Việt bấy giờ đều rủ nhau núp vào trong rừng rậm, không ai chịu để cho người Tần dùng”[4]. Đó không phải là một cuộc chạy trốn vì sợ hãi hay thất bại, mà ngược lại, là một chiến lược khéo léo tương tự kế sách “vườn không nhà trống” sau này. Việc rút vào rừng không chỉ để tránh thế mạnh ban đầu của quân Tần mà còn là cách người Việt kéo dài thời gian, tránh trận chiến lớn khi chưa có đủ chuẩn bị và chưa nắm được ưu thế. Đây chính là biểu hiện của sự khôn khéo và kiên nhẫn, chờ thời cơ thuận lợi phản công.
Ở phân đoạn này, nhà thơ khắc họa thế trận đánh giặc tinh vi, bao trùm “khắp núi cao, vực thẳm, sông sâu”. Kết hợp với sử liệu “ngầm bầu những người tài giỏi lên làm tướng, đánh nhau với người Tần”[5]. Rõ ràng, đây là cuộc chiến đấu kiên cường, đầy mưu trí và có tổ chức. Hai Bà Trưng đã khéo léo lợi dụng địa hình núi rừng để tiến hành một cuộc kháng chiến trường kỳ, áp dụng lối đánh nhỏ và thường xuyên tấn công vào ban đêm nhằm làm suy yếu sức mạnh của quân địch, đồng thời cắt đứt nguồn lương thực mà chúng cướp bóc. Có thể nói, đây chính là hình thức sơ khai của chiến thuật đánh du kích – một phương thức chiến đấu dựa trên sự linh hoạt, tận dụng địa thế tự nhiên và gây hao mòn dần lực lượng đối phương. Sử gia Tư Mã Thiên từng miêu tả cuộc chiến Tần – Việt với thảm trạng quân Đồ Thư như sau: “Đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái không xong. Đàn ông mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta phải thắt cổ trên cây dọc đường. Người chết trông nhau”.
Ở phương Bắc, trong khi nhân dân lao lực lầm than, Tần Thủy Hoàng lại chạy theo những ảo vọng hão huyền. Thuỷ Hoàng cho xây dựng nhiều công trình hoành tráng, từ Vạn Lý Trường Thành đến lăng tẩm lộng lẫy nguy nga khiến dân chúng gánh chịu biết bao khổ cực. Ngay cả khi đối diện với sự sống và cái chết, Thuỷ Hoàng cũng muốn tước quyền tạo hóa, cho người đi “tìm kiếm người bất tử và thuốc trường sinh” với hy vọng hưởng thụ cuộc sống trường thọ và vinh hoa. Sử Ký có đoạn viết về Tần Thuỷ Hoàng đã phái Hàn Chung, Hầu Công và Thạch Sinh đi tìm kiếm người bất tử và thuốc trường sinh (因使韓終、侯公、石生求僊人不死之藥)[6]. Công trình lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Thiểm Tây, Trung Quốc, còn dấu vết đến ngày nay là minh chứng rõ rệt cho sự bạo tàn của ông đối với bản quốc. Điều này càng làm nổi bật tính tàn ác mà quân Tần đã thực hiện khi kéo quân xuống phía Nam, dùng quân sự và tư tưởng pháp trị của Hàn Phi làm bàn đạp vơ vét tận cùng các dân tộc ngoại biên. Trong đoạn thơ này, nhà thơ Phùng Văn Khai đánh giá “nhà Tần vô đạo” không phải không có chứng cớ.
Người đời thường chỉ nhắc đến việc kế thừa sản nghiệp và tinh thần văn hóa, chớ chẳng ai kế thừa tội ác và lòng tham. Thế nhưng cuộc chuyển giao quyền lực giữa nhà Tần sang nhà Hán còn là sự tiếp nối dã tâm xâm lược, kế tục “chứng tật” của triều đại đi trước. Có lẽ vết tích của tham vọng đã truyền sâu vào huyết mạch của những người cầm trịch quyền bính ở Bắc quốc.
Hán thay Tần vẫn nguyên chứng tật
Dụng mưu gian thống thuộc phương Nam
Muôn dân rên xiết, cơ hàn
Oán Tô Thái thú tham lam thấu trời.
Quân vô đạo sát phu hiếp phụ
Tướng vô luân bụng dạ sói lang
Dầu sôi, lửa bỏng lan tràn
Mẹ già, con đỏ xương tàn, máu rơi.
Tô Thái thú, tức Tô Định, được Hán Quang Vũ Đế cử xuống làm Thái thú Giao Chỉ năm 34. Là người gian hùng, tham lam, tàn bạo, chuyên vơ vét của cải, trấn áp bách dân Giao Chỉ, người đã bắt và chém đầu Thi Sách – thủ lĩnh đất Chu Diên, chồng của Trưng Trắc. Hành động này gây phẫn nộ và dẫn đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng khiến Tô Định bại trận phải cắt tóc, cạo râu, trốn chạy về phương Bắc.
Dù sử sách không ghi lại chi tiết những tội ác của quân xâm lược, nhưng lịch sử đã cho thấy kẻ mạnh thường tự cho mình quyền thống trị, chà đạp lên nước nhỏ nhằm thoả mãn thị dục của bản thân. Không chỉ chính sử nước ta mà ngay cả chính sử Trung Hoa cũng ghi lại rành rành tội ác bạo tàn của Tô Định. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Thái thú Giao Chỉ là Tô Định chính sự tham lam tàn bạo, Trưng Nữ Vương dấy binh đánh. (交 趾 太 守 蘇 定 爲 政 貪 暴 徵 女 王 起 兵 攻 之. Giao Chỉ Thái thú Tô Định vi chính tham bạo, Trưng Nữ Vương khởi binh công chi)[7]. Hậu Hán thư chép: Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trưng Trắc nổi giận, do đó phản kháng (交阯太守蘇定以法繩之,側忿,故反)[8].
Tô Định chẳng qua chỉ là một trong vô vàn kẻ tham lam, tàn bạo của Hán quốc lúc bấy giờ. Nếu không phải Tô Định, sẽ là một nhân vật khác tiếp quản vị trí, vai trò ông ta trên mảnh đất Giao Chỉ còn non nớt với chiến sự. Nếu có một Thái thú giúp dân “khai hóa, dạy lấy điều lễ nghĩa”[9], chẳng qua cũng là cơn mưa móc lẻ loi trong cánh đồng khô hạn đã lâu. Không phải sau này Pháp quốc cũng mang danh “khai hóa An Nam”, mà lại mang máy xới và bom đạn giày xéo mảnh đất này hay sao? Nếu không ra sức bảo vệ chính mình thì đừng mong một ngày nào đó “giặc hóa tình thương”.
Đầu Thi Sách lìa rơi vô cớ
Đất Mê Linh lệ ứa máu tuôn
Thù nhà, nợ nước chất chồng
Chị em Trưng thị xưng vương, phất cờ.
“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.
Sau nợ nước, đến thù nhà. Thi Sách là thủ lĩnh đất Chu Diên, người dũng lược, chồng Bà Trưng Trắc, bị Tô Định sát hại dẫn đến cuộc khởi nghĩa năm 40. “Vô cớ” trong cái chết của Thi Sách không chỉ đơn thuần là cách diễn đạt trong thơ ca, mà còn phản ánh thực tế lịch sử đầy tranh luận khi nhiều khía cạnh vẫn chưa được sáng tỏ.
Sách Thiên Nam ngữ lục vào thời nhà Lê, cuối thế kỷ XIV, chép rằng: “Thấy quân Tô Định thế mạnh, Thi (Sách) khuyên vợ nên đi đường tắt mà về Hát Môn. Nhân đấy, hai chị em kéo về Hát Môn và lập thành luỹ ở đó mà dự bị dụng binh. Nhưng Thi bị quân Tô Định vây và đốt dinh, Thi chết. Tin ấy truyền sang Hát Môn. Chị em Trưng Trắc quyết chí báo cừu, truyền hịch đi khắp thiên hạ để dấy nghĩa – Hát Môn là cửa sông Hát, hiện nay có đền thờ Hai Bà. Làng ấy thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây”[10].Sách Hậu Hán thư chỉchép: “Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật để trừng trị, Trắc căm phẫn nên nổi dậy phản kháng” (交阯太守蘇定以法繩之,側忿,故反)[11]. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa xuân, tháng 2, vua khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Định giết chồng mình” (春 二 月 王 苦 太 守 蘇 定 绳 以 法 及 讐 定 之 殺 其 夫. Xuân, nhị nguyệt, vương khổ Thái thú Tô Định thằng dĩ pháp, cập thù Định chi sát kì phu)[12].
Đại Việt sử ký toàn thư chỉ nói trống là Thi Sách bị Tô Định giết, Hậu Hán thư dừng lại ở việc họ Tô dùng pháp luật để trừng trị, duy chỉ có Thiên Nam ngữ lục ghi chép chi tiết nhất. Dù trang sử không viết rõ nguyên nhân cái chết của Thi Sách là vì ông khởi binh đánh Tô Định hay bị Tô Định dắt quân đồ sát, nhưng sử liệu ghi rất rõ về bản tính bạo tàn của Tô Thái thú và chính ông ta là người giết hại chồng bà Trưng Trắc. Từ đây, “thù nhà, nợ nước” đã lên đến đỉnh điểm và nổi bật ở cuộc khởi nghĩa đầu xuân Canh Tý (năm 40) với bốn lời thề sắt đá được ghi trong Thiên Nam ngữ lục. Trên đền thề cửa sông Hát ngày hội quân, chủ soái và toàn thể quân lính đã khẳng định mục tiêu chính của cuộc khởi nghĩa là để trả nợ nước, đồng thời sạch nợ nước cũng chính là rửa mối thù nhà.
Khí thế hiên ngang, cùng với quyết tâm sắt đá đã nâng cao ý thức dân tộc lên tầm vóc mới. Nghĩa quân “đi đến đâu như gió lướt đến đấy”[13], xuất trận lẫm liệt:
“Ngàn tây nổi án phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên”[14]
Đội quân Hai Bà Trưng nhanh chóng tụ hội được quần chúng và lan rộng khắp nơi:
Khắp Giao Chỉ, Cửu Chân, Hợp Phố…
Bắc Động Đình, nam tới Nhật Nam
Theo về cờ nghĩa chứa chan
Quét quân đô hộ vén quang mây mù.
Sáu lăm thành theo về chính nghĩa
Dân suy tôn hoàng đế Lĩnh Nam
Vẹn nghĩa nước, thắm tình làng
Ban chầu văn võ hai hàng uy nghi.
Sức mạnh cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lan tỏa khắp vùng Giao Chỉ, Cửu Chân và Hợp Phố, tạo thành một phong trào yêu nước mạnh mẽ. Khi cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, Trưng Trắc được muôn dân suy tôn Nữ Vương và đặt tên nước là Lĩnh Nam, kinh đô đóng tại Mê Linh, nơi hiện nay trở thành Đền thờ Hai Bà Trưng. Cho thấy thanh thế buổi đầu chống giặc ngoại xâm không nhỏ. Vậy, nguyên nhân nào đã giúp hai Bà có đủ sức mạnh và quyền uy để thu phục lòng dân, thực hiện đại nghiệp phục quốc?
Ở phương diện văn hóa, nước ta xuất phát từ nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, tín ngưỡng âm dương cân xứng nên không mang tư tưởng “trọng nam khinh nữ” như phương Bắc. Nhiều câu tục ngữ, phong dao còn lưu lại trong đời sống dân gian là minh chứng rõ rệt cho thấy vai trò quan trọng của người nữ trong gia đình và xã hội, như câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, “lệnh ông không bằng cồng bà”, “nhất vợ nhì trời”, hay “phúc đức tại mẫu”. Sự thật này xé toạc luận điểm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” mà giới thống trị Trung Hoa cố cài cắm vào văn hóa Việt Nam.
Lại thêm, ở Giao Chỉ lúc bấy giờ di tích của chế độ thị tộc vẫn rõ nét, địa vị của đàn bà con gái còn cao, nên không những hai chị em bà Trưng cầm quân xướng nghĩa mà trong số người hưởng ứng, phụ nữ cũng chiếm đông đảo như bà Nát Bàn, bà Đào Nương, bà Lê Chân, bà Lê Thị Hoa… sau đều được suy tôn công chúa. Nhiều gia đình cả mẹ con, anh em cũng đứng lên quật khởi dưới ngọn cờ Trưng Vương khởi nghĩa: ba mẹ con bà Man Thiện, năm mẹ con bà Lê Thị Hoa (Thanh Hóa), vợ chồng Phương Dung – Đào Kỳ (Hà Nội), hai chị em Nguyệt Thai – Nguyệt Độ (Nam Hà), ba anh em họ Đào (Hà Nội). Sử gia Lê Văn Hưu nhận xét: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng. Việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, đủ biết hình thế đất Việt ta có thể dựng được nghiệp bá vương”[15].
Trên bình diện chính trị, xuất thân Hai Bà Trưng vốn thuộc dòng dõi cao quý vì là “con gái Lạc tướng huyện Mê Linh” (峯 州 麋 冷 縣 雒 將 之 女. Phong Châu Mê Linh huyện Lạc tướng chi nữ)[16] và bà Trưng Trắc có chồng Thi Sách cũng là con Lạc tướng huyện Chu Diên, con hai nhà Lạc tướng kết hôn với nhau. (詩 索 亦 雒 將 子 两 家 子 相 爲 婚 姻 . Thi Sách diệc Lạc tướng tử, lưỡng gia tử tương vi hôn nhân)[17].
Trong lịch sử Việt Nam và thế giới, việc kết hôn giữa hai thủ lĩnh, hai quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu ngoại giao, liên minh quân sự và chính trị cũng không ít. Ở Đường triều, thế kỷ thứ 7, khi thúc đẩy quan hệ giữa triều Đường và Tây Tạng, Hoàng đế Đường Thái Tông gả Công chúa Văn Thành cho Tùng Tán Cán Bố, vua của Thổ Phồn (Tây Tạng ngày nay). Thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, thế kỷ 17, Chúa Nguyễn gả Công chúa Ngọc Vạn cho Vua Chân Lạp Chey Chetta II. Cuộc hôn nhân này tạo điều kiện cho người Việt mở rộng xuống phía Nam và lập các cơ sở thương mại ở vùng đất Chân Lạp. Ngay như phương Tây vào thế kỷ 18, để củng cố liên minh giữa Pháp và Đế quốc Áo, Marie Antoinette, con gái Nữ hoàng Maria Theresa được gả cho vua Pháp Louis XVI.
Còn Giao Chỉ lúc bấy giờ, cuộc hôn nhân giữa hai nhà Lạc tướng huyện Mê Linh và Chu Diên vừa trên phương diện tình cảm, cũng vừa là sợi dây thắt chặt tình đoàn kết, tăng cường liên minh chính trị. Tạo thanh thế thuận lợi cho cuộc khởi binh đánh quân xâm lược nhà Hán, bước đầu dành thắng lợi.
Noi theo lá cờ đại nghĩa Hai Bà Trưng, nhân dân các quận huyện nhất tề nổi dậy hưởng ứng “đánh phá các châu quận” (Giao Châu ngoại vực ký). Cả bộ máy chính quyền đô hộ xây dựng rung chuyển và sụp đổ từng mảng. Cuộc nổi dậy lan rộng khắp nơi, khi Hai Bà đánh hạ quận Giao Chỉ thì “người Man Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng đánh được 65 thành” (於是九真、日南、合浦蠻里皆應之,凡略六十五城,自立為王)[18]. Lúc này tàn quân Tô Định chỉ kịp “giữ lấy thân mình” (交阯刺史及諸太守僅得自守)[19].
Hán Quang Đế thất kinh, uất nghẹn
Vội triệu ngay Mã Viện trưng binh
Lại phong Đoàn Chí, Lưu Long
Ba quân thủy bộ núi sông chuyển dời.
Hán Quang Đế hay Hán Quang Vũ Đế là vị hoàng đế sáng lập triều đại Đông Hán. Ông trị vì từ năm 25 đến năm 57, là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Dưới sự thất bại của tàn quân Tô Định, Hán Đế thất kinh hồn vía liền hạ chỉ triệu danh tướng Mã Viện chinh phạt phương Nam. Mã Viện vốn là đại tướng nhà Đông Hán đã lập nhiều chiến công giúp Hán Quang Vũ Đế thống nhất Trung Nguyên sau thời kỳ loạn Vương Mãng, sau được phong chức Phục Ba tướng quân thống suất binh tướng thủy bộ xuống đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Ông là người khởi nguồn câu thành ngữ:“Ngõa cách khỏa thi” (Da ngựa bọc thây). Cùng với đại quân Mã Viện là Lâu thuyền tướng quân tổng quản thủy quân Đoàn Chí và Phù Lạc hầu Lưu Long – phó tướng của Phục Ba tướng quân. Cuộc ra quân hoành tráng của Mã Viện có thể thấy sức đối địch ở phương Nam vốn không yếu, đến mức Hán Đế phải dùng đến binh tướng và đại quân hùng dũng nhất của mình “ba quân thuỷ bộ núi sông chuyển dời”.
Binh năm vạn, thuyền hai nghìn chiếc
Chiến xa đen đặc cả vòm trời
Những toan nuốt sống, ăn tươi
Tấm thân bồ liễu, nụ cười trung trinh.
Ở đoạn thơ này, thi sĩ Phùng Văn Khai vẽ ra cảnh tượng kiêu hùng khi toán quân Mã Viện kéo xuống phương Nam “Binh năm vạn, thuyền hai nghìn chiếc/ Chiếc xa đen đặc cả vòm trời”. Nhịp thơ 3/4/7 như rấp rút, hối hả muốn “nuốt sống, ăn tươi” cả đất trời phương Nam. Đây không thuần là sản phẩm từ trí tưởng tượng của một người con phương Nam nói về quê hương mình, mà thực tế, lịch sử Hán thất cũng đã ghi lại rõ ràng trong sách Hậu Hán thư về cuộc chiến này “chuẩn bị xe thuyền, sửa chữa đường sá và cầu, khai thông các khe núi bị cản trở, tích trữ lương thực” (具車船,修道橋,通障谿,儲糧穀)[20]. Toán quân Đông Hán đã có kế hoạch chu đáo và đánh giá cao sức mạnh của dân tộc Việt Nam thuở bấy giờ. Họ không chỉ đến để tiêu diệt mà còn mang quyết tâm rất lớn rửa mối thù từ cuộc khởi nghĩa trước đó của Hai Bà Trưng.
Đối diện với đại quân lang sói là “tấm thân bồ liễu” với “nụ cười trung trinh”. Hai chữ “bồ liễu” được nhà thơ sử dụng hết sức đắt giá. Dù ở cương vị danh tướng oai nghi, nhưng thâm sâu trong tâm hồn Hai Bà vẫn giống như bao người phụ nữ khác tựa loài bồ liễu mềm yếu. Hình ảnh tương phản, một bên muốn “nuốt sống ăn tươi”, một bên với “nụ cười trung trinh” làm người ta không khỏi khắc khoải trước viễn cảnh đầy trắc trở và cam go. Hai chữ “bồ liễu” thể hiện sâu sắc bản chất mềm mại, nhạy cảm của phái nữ, nhưng cũng chính từ đây bật lên dũng khí phi thường khi đối diện với kẻ thù hung ác. Việc giữ vững “nụ cười trung trinh” dù đứng trước hiểm nguy tột cùng gợi lên cảm giác kính phục xen lẫn xót xa, khắc sâu thêm ý nghĩa về một cuộc chiến không chỉ vì lãnh thổ, mà còn vì nhân phẩm và lý tưởng con người.
Sóng Động Đình kinh tâm Mã tướng
Lửa Đằng Giang rúng động Đoàn gia
Uy phong lẫm liệt vua bà
Bành voi chém tướng binh xa rụng rời.
Mã tướng bí xui quân trò bẩn
Bỏ áo quần lâm trận như điên
Than ôi! Đấng, đấng nam nhân
Lại dùng trò khỉ như quân vô loài.
Trong cuộc khởi nghĩa, thủ lĩnh nghĩa quân đã làm chủ các vùng đất rộng lớn tới tận hồ Động Đình (Trung Quốc). Binh tướng Mã Viện, dù mang trong mình sức mạnh của quân đội nhà nghề cũng phải chịu thất bại thảm hại trước khí phách dũng cảm và tài trí của các nữ tướng như Phật Nguyệt, Thánh Thiên. Thậm chí đời sau vẫn còn lưu truyền câu ca: “Một trận Động Đình uy trấn Hán/ Tên còn trong sử sức phù Trưng”, như một minh chứng cho hùng khí của nghĩa quân. Trên mặt trận Đằng Giang, khi Lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí theo lệnh Mã Viện đem chiến thuyền tiến xuống vùng An Biên đã bị nữ tướng Lê Chân sử dụng hỏa công tháo chạy về Hợp Phố trong sự nhục nhã.
Khí thế cuộc khởi nghĩa hùng hồn đã dồn cánh quân Mã Viện vào thế trận điêu đứng. Hết đường tiến đánh, Mã Viện nhơ nhuốc dùng mưu hèn kế bẩn để dành chiến thắng. Theo nhà thơ, khi phát hiện binh tướng Hai Bà Trưng phần nhiều là thanh nữ chưa chồng, Mã Viện gấp rút cho binh lính trút bỏ áo quần khi lâm trận khiến họ thẹn mà bỏ chạy. Kế sách này bị người đời sau phỉ báng, chê bai thậm tệ, không xứng bậc nam nhi quân tử và cũng là một trong những nguyên nhân thất bại của khởi nghĩa Trưng Vương.
Nhị Vương phải lấy lui làm tiến
Đưa quân về Lãng Bạc, Mê Linh
Biết không giữ được trị bình
Bèn đem thân ngọc gieo mình Hát Giang
Trưng Nữ Vương đã đánh đuổi quân Hán, khôi phục giang sơn và gầy lập nền độc lập tự chủ cho đất nước, mang lại thái bình an lạc cho dòng dõi Tiên – Rồng. Với tinh thần kiên cường, Trưng Nữ Vương không chịu khuất phục nhà Hán, không nghĩ đến việc sai sứ sang Trung Quốc cầu phong như lệ thường của các nước chư hầu. Hai Bà chọn con đường đối mặt tác chiến, giành lại độc lập cho dân tộc.
Sau nhiều cuộc lui binh trước thế giặc rất mạnh, để tránh bị rơi vào tay binh tướng Mã Viện, Hai Bà đem số tàn quân thưa thớt chạy đến Hát Giang, thuộc làng Hát Môn, chỗ sông Đáy nhập vào Hồng Hà. Để khỏi bị Mã Viện bắt sống, ngày mồng 6 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43)[21], hai chị em Trưng Vương cùng nhảy xuống sông trầm mình tại đây. Cuộc đời Hai Bà làm rạng rỡ giống nòi, làm phấn khởi tinh thần nhân dân và làm điểm tựa cho tâm thức dân tộc mỗi khi đất nước gặp nạn can qua nổi dậy.
Người trung liệt danh thơm vạn thuở
Bậc nữ lưu khí tiết đế vương
“Đồng trụ chiết hoàn, Giao Lĩnh trĩ
Cẩm Khê doanh trạc, Hát Giang trường”.
Nhà thơ Phùng Văn Khai không chỉ vẽ nên hình ảnh cao đẹp của hai bậc Nữ Vương kiên trung, liệt sĩ mà còn phản ánh lòng tôn vinh vĩnh cửu mà Hai Bà xứng đáng nhận được qua bao thế hệ: “Người trung liệt danh thơm vạn thuở/ Bậc nữ lưu khí tiết đế vương”. Dù mang hơi thở thơ ca, nhưng tác phẩm này được viết ra từ những dòng sử liệu khách quan, đủ sức để trở thành một bài diễn văn ca ngợi và khẳng định công lao trời biển của Hai Bà. Lời thơ không chỉ tôn vinh giá trị về lòng yêu nước và khí tiết quật cường mà còn khuyến khích thế hệ hôm nay gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp đó.
Đoạn kết Bài Ca Trưng Nữ Vương, nhà thơ khéo léo gợi nhắc điển cố cột đồng Mã Viện. Theo ghi chép trong sách Việt Nam sử lược của tác giả Trần Trọng Kim: “Mã Viện đánh được Trưng Vương đem đất Giao Chỉ về thuộc nhà Hán như cũ, rồi chỉnh đốn binh lương, đem quân đi đánh dẹp các nơi, đi đến đâu xây thành lũy đến đấy và biến cải mọi cách chính trị trong các châu quận. Đem phủ trị về đóng ở Mê Linh và dựng cây đồng trụ ở chỗ phân địa giới, khắc sáu chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”. Nghĩa là cây đồng trụ mà đổ thì người Giao Chỉ mất nòi”[22].
Gần 2000 năm sau, trước giọng điệu khiêu khích từ Mã Viện, nhà thơ mượn đôi câu đối được đặt trang nghiêm tại Đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh (Hà Nội) làm câu trả lời: “Đồng trụ chiết hoàn, Giao Lĩnh trĩ/ Cẩm Khê doanh trạc, Hát Giang trường”. Nghĩa là Đồng Trụ của Mã Viện đã gãy tan, Giao Lĩnh vẫn hiên ngang sừng sững; Cẩm Khê nơi cửa sông Hát Giang vẫn rực sáng và chảy mãi muôn đời. Bằng cách này, nhà thơ đã tạo nên sợi dây liên kết sâu sắc giữa quá khứ và hiện tại, nhấn mạnh rằng dù có trải qua bao thăng trầm thì tinh thần đấu tranh vì độc lập và tự do của dân tộc vẫn luôn vững bền.
***
Người ta có thể dùng “sử mình” để vinh danh công trạng và né tránh những đau thương về phần mình, nhưng để dùng “sử người” để nói lên cái ác và dã tâm của người thì quả thật không hề thiên lệch. Trong phần bình luận về nội dung Bài ca Trưng Nữ Vương của thi sĩ Phùng Văn Khai, chúng tôi chủ yếu dẫn chứng từ cuốn Hậu Hán thư ở Bắc quốc nhằm tránh rơi vào tâm thế “xấu người lợi ta”.
Nhờ những chứng cứ sử liệu còn ghi lại, chúng tôi nhận thấy dù nằm trong phạm vi văn học nhưng tác giả Phùng Văn Khai vẫn hết mực trung thành với sự thật lịch sử. Điểm sáng nhất từ ngòi bút thi nhân là tài năng biến hóa con chữ, cấu trúc chặt chẽ, thể hiện kết cấu rõ ràng từng dòng chảy thời gian của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Sự kiện gì đến trước thì đặt trước, sự kiện gì đến sau thì để sau. Nghệ thuật kết cấu thơ theo trình tự thời gian không vì vậy mà trở nên nhàm chán, bởi vì mỗi nhịp thơ là một sự kiện, không sự kiện nào diễn ra giống sự kiện nào. Tác giả phải vạch trần những căn tính cốt lõi nhất trong tâm lý nhân vật bằng vỏn vẹn vài từ, cốt làm sao cho người đời hiểu được điểm đặc trưng nhất, như “nhà Tần vô đạo”, “Tô Thái thú tham lam”, “Hán Quang đế thất kinh, uất nghẹn”. Bằng cách sắp xếp này, thi sĩ khéo léo dẫn dắt những dòng sử liệu trở thành lời ca giúp người đời dễ khắc ghi và cảm nhận hơi thở dân tộc đang phập phòng trong lồng ngực mỗi người con Việt Nam.
Theo thiển ý chúng tôi, bảo vệ văn hóa và lịch sử dân tộc không thuần ở việc mang lịch sử vào bảo tàng lộng kiếng rồi mặc sức người đời chiêm ngưỡng, cũng không có nghĩa mai táng văn hóa ông cha ở trong chiếc hòm vàng ngọc. Ấy là bắt lịch sử và văn hóa dừng lại ngủ yên trên những chiến công hiển hách, rồi mơ màng về một quá khứ đã qua mà không đoái hoài đến việc tiếp nhận thêm những đóng góp mới.
Một dân tộc hùng cường là dân tộc có một sản nghiệp vĩ đại trong quá khứ, và sản nghiệp ấy phải luôn được truyền thừa và giàu có hơn qua các thế hệ. Dưới tâm hồn của một văn nhân, một thi sĩ giàu lòng cảm mến với hình hài Tổ Quốc và những trang sử oai hùng của dân tộc. Có thể nói, nhà thơ Phùng Văn Khai đã thành công trong việc đón nhận và truyền đạt công lao vệ quốc thiêng liêng của nhị vị Trưng Vương qua Bài ca Trưng Nữ Vương.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tấm lòng của Văn – Thi – Sử sĩ Phùng Văn Khai đã tiếp nối niềm kiêu hãnh của dân tộc, nỗ lực liên kết dĩ vãng và hiện tại trở thành mạch nguồn vô tận cho thế hệ hậu bối như chúng tôi được lắng nghe và học tập. Qua đây, chúng tôi hy vọng Bài ca Trưng Nữ Vương nói riêng và các tác phẩm thơ ca về lịch sử dân tộc cần được lan toả rộng rãi bằng nhiều hình thức diễn xướng dân gian như phổ nhạc, ngâm vịnh… nhằm đưa lịch sử dân tộc gần gũi hơn với những người đang tìm về nguồn cội Ông Cha.
Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2024.
Thái Hải Đăng
[1] Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ Trưng Nữ Vương, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), trang 2.
[2] Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê, Tập 1, NXB Văn hóa, 1997, trang 120.
[3] Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ Nhà Thục, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), trang 8b.
[4] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Viện Sử Học, NXB Giáo dục, 1998, trang 81.
[5] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Viện Sử Học, NXB Giáo dục, 1998, trang 81.
[6] Hậu Hán Thư, đoạn 36: https://ctext.org/shiji/qin-shi-huang-ben-ji/zh.
[7] Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ thuộc Tây Hán, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), trang 1b.
[8] Hậu Hán thư, đoạn 14: https://ctext.org/hou-han-shu/nan-man-xi-nan-yi-lie-zhuan.
[9] Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, Quyển I, Trung tâm học liệu xuất bản, 1971, trang 38.
[10] Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ XIX, Đào Duy Anh, NXB Hà Nội, 2020, trang 109.
[11] Hậu Hán thư, đoạn 14: https://ctext.org/hou-han-shu/nan-man-xi-nan-yi-lie-zhuan.
[12] Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ Trưng Nữ Vương, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), trang 2.
[13] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Viện Sử Học, NXB Giáo dục, 1998, trang 114.
[14] Đại Nam Quốc Sử diễn ca, Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, NXB Giáo dục, 2007, trang 43.
[15] Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ Trưng Nữ Vương, NXB Khoa học xã hội, 1983, trang 146..
[16] Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ Trưng Nữ Vương, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), trang 2.
[17] Đại Việt sử ký toàn thư – Kỷ Trưng Nữ Vương, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), trang 2.
[18] Hậu Hán thư, đoạn 14: https://ctext.org/hou-han-shu/nan-man-xi-nan-yi-lie-zhuan.
[19] Hậu Hán thư, đoạn 14: https://ctext.org/hou-han-shu/nan-man-xi-nan-yi-lie-zhuan.
[20] Hậu Hán thư, đoạn 14: https://ctext.org/hou-han-shu/nan-man-xi-nan-yi-lie-zhuan.
[21] Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, Quyển I, Trung tâm học liệu xuất bản, 1971, trang 40.
[22] Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, Quyển I, Trung tâm học liệu xuất bản, 1971, trang 41.