Đây là một công trình nhân học kinh tế, nghiên cứu chủ thể của hoạt động kinh tế, tức con người, từ góc độ văn hóa, chứ không phải là xã hội học kinh tế. Việt Nam là một quốc gia tiêu biểu với nghề thủ công truyền thống và hệ thống làng nghề lâu đời đã trở thành một phần của Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, với nhiều nét tương đồng với cộng đồng thủ công ở Hy Lạp.

Michael Herzfeld là Giáo sư tại khoa Nhân học, Đại học Harvard, Mỹ. Ông sinh năm 1947 tại London, Anh và tốt nghiệp đại học chuyên ngành Khảo cổ và Nhân học năm 1969, thạc sĩ rồi tiến sĩ văn học chuyên ngành Nghiên cứu Hy Lạp lần lượt vào các năm 1972, 1976 và tiến sĩ chuyên ngành Nhân học xã hội năm 1976. Ông là tác giả của nhiều chuyên khảo nhân học xoay quanh các vấn đề hiện đại như kiến tạo bản sắc, chủ nghĩa dân tộc, quan liêu, sản xuất thủ công và học nghề, chính trị tri thức, bảo tồn di sản và tác động xã hội của nó.

GS. Michael Herzfeld. Ảnh: Wankun Ser, Đại học Harvard.

Gần đây, tác phẩm nổi tiếng Tạo vật vụng về: Nghệ nhân và kỹ xảo trong thang bậc giá trị toàn cầu (The Body Impolitic: Artisans and Artifice in the Global Hierarchy of Value, 2004) của ông, đã được PGS. Đinh Hồng Hải, Chủ nhiệm bộ môn Nhân học văn hóa, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện chuyển ngữ và giới thiệu đến đông đảo bạn đọc Việt Nam.

Tạo vật vụng về, có thể nói, là một nghiên cứu mới mẻ mang tính chất phản biện về truyền thống, coi truyền thống không đơn thuần chỉ là một “khảm nạm” tô điểm cho di sản địa phương và quốc gia, mà còn như là một cối xay với những nghệ nhân tạo ra nó lao động nhọc nhằn ở bên trong. Michael Herzfeld dẫn dắt người đọc đến với thị trấn nhỏ Rethemnos ở bờ biển phía bắc Crete, là nơi giao thoa giữa nghệ thuật chế tác của văn hóa Tây Âu/Venice thế kỷ XIII – XVII với đế chế Ottoman hậu Byzantine. Hình ảnh dẫn dụ tác giả sử dụng là những chàng trai trẻ học việc, ngồi ủ rũ cúi mình thực hiện những công việc lặt vặt. Nếu không chán chường, oán trách, thì cũng mắt trước mắt sau tìm cách đánh cắp bí quyết nghề nghiệp mà thầy của họ che giấu.

Việc nghiên cứu một tổ chức xã hội ở Hy Lạp cho thấy nhiều vấn đề đặc thù thú vị. Tại đây, chúng ta được tác giả đưa vào bên trong một loạt các xưởng chế tác, để thấy quá trình tiếp thu của những người thợ học việc không hề suôn sẻ. Họ bị đào tạo một cách khắc nghiệt, buộc phải viện đến những thái độ và phương thức lén lút hoặc xảo thuật (“…ở đây có tâm lý là người học phải tự mình lấy của ông chủ, hay để học lỏm, – như cách họ nói.” tr. 183). Người ta không quan tâm đến việc dạy nghề thủ công, thay vào đó, dùng kỷ luật, và quan niệm đây là cách thích hợp để dạy cho người học việc những đức tính tự lập và tự chủ.

Đây là sự định hình của tục lệ tác động đến sự chủ động tự giác của nghệ nhân, và phản chiếu trong cả hình ảnh của những sản phẩm tạo vật hữu hình. Rồi thậm chí là đến cách sau này họ ứng xử với khách hàng và thị trường (“Người nghệ nhân đã đặt ra các điều kiện của riêng mình và được tham gia vào các điều khoản đó.” tr. 260).

Nghệ nhân thủ công ở Rethemnos mô tả cách thức làm gốm. Nguồn: Cẩm nang du lịch Rethemnos

Cần nhấn mạnh đây là một công trình nhân học kinh tế, nghiên cứu chủ thể của hoạt động kinh tế, tức con người, từ góc độ văn hóa, chứ không phải là xã hội học kinh tế, vốn chỉ nghiên cứu mối quan hệ xã hội giữa các hoạt động kinh tế, hay là sự hợp thể giữa xã hội học thị trường và tiêu dùng. Tác giả nghiên cứu tất cả các khía cạnh trong một xã hội sản xuất xoay quanh người nghệ nhân và cơ chế kinh tế thị trường gắn liền, cũng như những quy luật và cấu trúc vận hành của nó.

Mỗi gia đình hạt nhân ở Rethemnos cũng là một đơn vị kinh tế tự trị, bởi vậy, việc truyền nghề cũng mang tính chất truyền tử, cha truyền con nối. Nhưng bù lại, tâm lý ngờ vực và e dè lại dành cho những người họ hàng bà con xa hơn, dẫn đến việc tránh thuê nhân công là người trong nội tộc. Và biên độ ngờ vực càng được mở rộng hơn khi xét đến những người học việc mang thân phận con nuôi, đơn thuần chỉ là đáp ứng khả năng tái tạo nhu cầu của người sử dụng lao động.

Nhưng câu chuyện ở một thị trấn nhỏ này thì có liên quan gì đến cả một vấn đề lớn như nghệ nhân và kỹ xảo trong thang bậc giá trị toàn cầu? Sự đào tạo nghiêm ngặt kiến tạo nên một định kiến về nghệ nhân, rằng họ là những người thô lỗ và vô văn hóa. Những định kiến tương tự góp phần khiến cho các nghệ nhân ở địa phương bị gạt ra ngoài lề xã hội, dẫn đến việc người dân Crete bị gạt ra ngoài trong nội hạt quốc gia Hy Lạp, rồi chính Hy Lạp cũng rơi vào vị thế tương tự trong cộng đồng quốc tế. Những nghệ nhân, bị cô lập khỏi thị trường đang thay đổi chóng mặt, cũng như khỏi mọi sự tham dự xã hội có thể khiến họ mở rộng quảng bá tay nghề và sản phẩm của mình ra toàn châu Âu.

Nghệ nhân thủ công ở Rethemnos. Nguồn: Cẩm nang du lịch Rethemnos

Cái Herzfeld cho là “thang bậc giá trị toàn cầu,” bởi vậy, đã khép tội các di tích cổ và nghề thủ công truyền thống của Hy Lạp như một bằng chứng về sự lạc hậu thủ cựu không thể khắc phục, hay nói khác, những tàn dư sót lại. Trong thang bậc toàn cầu, văn hóa đã đạt đến mức độ như một giá trị phổ quát toàn nhân loại hiện nay, nhưng không phải là nó không có hệ thống phân biệt cấp bậc của riêng mình. Với những người dân đảo Crete, văn hóa và vị thế toàn cầu của họ phụ thuộc vào nghề thủ công. Sản phẩm thủ công chủ yếu của họ là đồ gốm, gỗ, da, dệt nhạc cụ, dao và komboloi (tràng hạt Hy Lạp cổ truyền làm từ ngà voi, hổ phách, bạc, thủy tinh hoặc gỗ).

Những quan sát nhạy bén của Herzfeld, một nhà nhân học tối ưu phương pháp điền dã trong vài thập kỷ tại Hy Lạp, đã cung cấp một mô tả dày đặc và cách hiểu sâu sắc về tác động của toàn cầu hóa cũng như một trong những phân nhánh dễ thấy nhất của nó, ngành công nghiệp di sản, đến cuộc sống của người dân ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay. Và Việt Nam cũng là một quốc gia tiêu biểu với nghề thủ công truyền thống và hệ thống làng nghề lâu đời đã trở thành một phần của Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, với nhiều nét tương đồng với cộng đồng thủ công ở Hy Lạp.

Bìa sách ‘Tạo vật vụng về’ do Đinh Hồng Hải dịch.

Cuốn sách sẽ giúp trả lời cho những câu hỏi như tại sao lại có sự bất cân xứng về vị thế xã hội giữa lực lượng nhân công trẻ theo nghề thủ công và nhân công được học hành bài bản rồi theo nghiệp công chức hành chính? Hay tại sao một số nền văn hóa thủ công nghiệp lại tiếp ứng và thích nghi với dòng chảy toàn cầu trong khi một số khác thì không? Và quan trọng hơn, đứng trước tình thế toàn cầu hóa, nghệ nhân cần phải làm gì để cứu vớt hoàn cảnh của mình?

Phạm Minh Quân

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *