Bằng tài năng nghệ thuật của mình, bằng tâm huyết với văn hóa người, Phùng Cung đã kiến tạo lại quê hương của ngôn ngữ, quê chữ, bằng chính thứ ngôn ngữ ấy, chữ quê. Như vậy, con đường sáng tạo của Phùng Cung là từ chữ quê đến quê chữ: Từ nhân cách đến thi cách.
Con dế loanh quanh
Tìm lại tiếng mình đêm trước
Phùng Cung
Phùng Cung (1928-1998) là người Mohican cuối cùng của bộ tộc Nhân văn. Năm 1961, khi ông bị bắt thì phong trào Nhân văn Giai phẩm đã bị dẹp yên. Các đầu sỏ Nhân văn như Trần Dần, Lê Đạt đã từ bỏ cách mạng xã hội để chuyển sang làm cách mạng nghệ thuật 1không chỉ như một lẽ sống, mà còn như một lý do tồn tại sống còn. Riêng Phùng Cung vẫn giữ nguyên “lý tưởng Nhân văn” khởi từ Con ngựa già của Chúa Trịnh thịnh thời Nhân văn, đến Dạ Ký (chưa in) thời thịnh của những người phản Nhân văn. Bởi vậy, kẻ ngoan cố nhất trong Nhân văn Giai phẩm này bị bắt, không được xét xử, bị giam cấm cố đến 13 năm. Năm 1972 được tha về, ông vẫn bị theo dõi, ngăn cấm viết lách, xuất bản.
Phùng Cung sinh ra ở làng Kim Lân, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Nhưng quê tổ ở xã Cam Lâm, tổng Đường Lâm thuộc Sơn Tây – Xứ Đoài. Ngày xưa Sơn Tây bao gồm cả tỉnh Vĩnh Phúc và một phần tỉnh Phú Thọ, nên cả quê sinh và quê gốc của Phùng Cung là một. Họ Phùng nhà ông nếu không có huyết thống trực tiếp của Phùng Hưng, thì ắt hẳn cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng của tinh thần bất khuất của Bố Cái Đại Vương. Hơn nữa, là con trưởng một gia đình giàu có, đông em, từ nhỏ Phùng Cung đã được gửi đi học ở tỉnh lỵ Sơn Tây, được sống với mảnh đất đá ong “khô nhiều ngấn lệ”2 này. Chỉ đến 4 – 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, lại vừa tốt nghiệp trung học, Phùng Cung mới trở lại Vĩnh Phúc. Như vậy, cả quãng đời quan trọng nhất của một con người để tiếp nhận và thẩm thấu thế giới của Phùng Cung đều trôi qua trên đất Sơn Tây.
Cách mạng tháng Tám Phùng Cung làm chủ tịch xã Hồng Châu. Tháng 10-1947, khi thực dân Pháp chiếm lại sân bay Tông và tỉnh lỵ Sơn Tây nhằm khống chế vùng Tây Bắc, thì mấy anh em Phùng Cung chạy lên chiến khu Việt Bắc. Còn gia đình ở lại quê, chịu nhiều liên lụy vì có con đi kháng chiến. Lên chiến khu, Phùng Cung làm thông tin ở liên khu 10. Năm 1948, Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ hai3, do tổng bí thư Trường Chinh chủ trì, giải tán Hội Văn hóa Cứu quốc và thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Phùng Cung được điều về Hội làm việc cùng với các ông Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài… Lúc này quan điểm giai cấp và “giai cấp đấu tranh” của văn nghệ Diên An đã được áp dụng ở Việt Nam. Văn nghệ trở thành “Văn nghệ kháng chiến” làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động cho kháng chiến. Năm 1949, Trong Hội nghị Tranh luận Văn nghệ Việt Bắc, các nghệ thuật không phù hợp với mục đích này đều bị phê phán, chối bỏ. Thơ không vần của Nguyễn Đình Thi bị coi là thơ tiểu tư sản, xa lạ với quần chúng. Hoàng Cầm diễn một hoạt cảnh treo cổ kịch thơ. Tuồng, Cải lương được xem là sản phẩm của phong kiến, thực dân. Tranh sơn mài sắc màu lòe loẹt không thể phản ánh được hình ảnh công nông binh quần nâu áo xám… Cũng lúc này quan hệ giữa anh em văn nghệ sĩ bắt đầu rạn nứt. Đã có sự phân biệt con người theo thành phần giai cấp, người của Đoàn thể và người ngoài Đoàn thể… Quan hệ người – người càng xấu đi khi cơn bão Cải cách Ruộng đất và Chỉnh đốn Tổ chức kéo đến. Giờ đây con người chỉ là con người giai cấp, được đánh giá theo bản chất giai cấp chứ không phải phẩm chất cá nhân. Điều này dẫn đến sự suy thoái nhân cách, kể cả hoặc nhất là, ở tầng lớp Văn nghệ sĩ, mà với họ, không có nhân cách thì còn nói gì đến văn cách. Bấy giờ tuy chưa phải là nhà văn, vì chỉ làm công việc “điếu đóm”4 ở Hội, nhưng Phung Cung cũng đã thấy tất cả. Hòa bình lập lại, ông lại cùng cơ quan và các ông ấy chuyển về Hà Nội. Trong Cải cách Ruộng đất, gia đình Phùng Cung bị quy địa chủ. Bố ông bị đấu tố, rồi bị giam ở trại Cò Nỉ, Thái Nguyên. Biết chuyện oan khuất này, Phùng Cung nóng lòng muốn về quê để tìm hiểu sự tình, nhưng Tô Hoài, người phụ trách công tác Đảng của Hội, khuyên cứ yên tâm làm việc, thế nào Đảng cũng sẽ minh oan cho. Rồi, nhân một chuyến công tác, Phùng Cung tranh thủ sẽ vào Cò Nỉ thăm bố, thì được một ông già bạn tù của cha dẫn ra sau trại, chỉ vào một nấm đất trên cắm một cây sắn để làm dấu, lá còn chưa héo hẳn. Ra về, Phùng Cung buồn nhiều, nghĩ nhiều. Rồi ông cầm bút viết.
Truyện ngắn đầu tiên và duy nhất được công bố của Phùng Cung là Con ngựa già của chúa Trịnh in trên Nhân văn, số 4, tháng 10-1956, chế giễu những người vì bổng lộc của triều đình mà đánh mất tài năng và bản lĩnh của mình. Rồi khi phong trào Nhân văn Giai phẩm “đã được dọn dẹp êm ắng, đã tàn” (Tô Hoài), Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… bị đi lao động cải tạo đợt 1 đã về, nhưng hàng ngày vẫn phải đến cơ quan trình diện, thì Phùng Cung vẫn được tiếp tục công tác ở Hội. Ông chẳng những không lánh mặt như số đông người khác, ngược lại ngang nhiên “tụ bạ” với nhóm này và đặc biệt vẫn tiếp tục viết. Hợp được một tập khoảng 30 truyện ngắn, Phùng Cung đưa cho các bạn Dần, Cầm, Đạt đọc. Đáng lưu ý là trong số truyện ngắn này có bút ký giả tưởng Dạ ký châm biếm sâu cay các lãnh đạo và phó lãnh đạo văn nghệ bấy giờ như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Hoài Thanh, Tô Hoài. Tập truyện không hiểu sao lại đến tai/ tay lãnh đạo. Thế là Phùng Cung bị đem ra đấu tố, rồi bị công an bắt tù từ đầu năm 1961 đến cuối năm 1972 mới được thả. Khi khám nhà, công an đã tịch thu toàn bộ giấy tờ, bản thảo. Sau tù, ông cố nhớ lại, viết lại thì cũng chỉ được chục truyện.5
Như vậy, kể cả Con ngựa già của chúa Trịnh, sự nghiệp văn xuôi của Phùng Cung chỉ có mười lẻ một. Nhưng tất cả các truyện ngắn này đều nhắm đến một mục đích: chống lại sự tha hóa nhân cách, từ người nông dân nghèo đói, bị áp bức đến các trí thức, văn nghệ sĩ, chống lại sự cám dỗ của quyền lực, chống chiến tranh, sự độc tôn… như là những nguyên nhân hủy hoại nền văn hóa cổ truyền của dân tộc. Phùng Cung đã tìm ra được mối liên hệ giữa văn hóa và nhân cách. Văn hóa không chỉ tạo nhân cách mà còn là môi trường nuôi dưỡng, bảo vệ nhân cách. Bởi vậy, hủy hoại văn hóa cũng là hủy hoại nhân cách, đúng hơn nhân cách văn hóa, Vợ chồng kép hát Tư Chản, Đào Khuê cả đời gắn bó với ca trù. Gặp thời buổi “cách mạng văn hóa” đập đàn, chẻ phách, họ đành nghỉ hát. Nhưng mỗi khi nỗi nhớ ca trù không nhịn được, lừa lúc đêm khuya họ mang cây đàn cỗ phách dấu được ra đàn hát. Rồi hàng xóm biết được, họ báo cho chính quyền xã. Đảng ủy sai thằng Thuyên, người con trai duy nhất của vợ chồng đào kép này, đang chờ kết nạp Đảng, đi đập đàn. Mấy tháng sau sự việc này, Tư Chản buồn chết, Đào Khuê chọn ngày cúng chồng rồi đem chôn cỗ phách (Mộ phách). Phó Lâm là một thợ mộc người xưa, với ông “tua, mộng là tuyệt kỹ, khi vào mộng, không tháo ra, chêm lại làm đau gỗ”. Nhưng bây giờ hợp tác xã lại theo chủ trương “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, không cần tua, mộng gì cả, cứ đinh 5 phân chặt mũ đóng ngậm là được. Phó Lâm không chịu, bị đuổi việc. Rồi ít lâu sau người ta thấy ông vai rìu tay đục ngược sông lên núi Tản Viên (Biệt tích).
Trong 13 năm tù ngục, Phùng Cung đã phải trải qua nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) và các trại rừng Bất Bạt (Sơn Tây), Yên Bình (Yên Bái), Phong Quang (Lào Cai)… Thời gian đầu ở biệt giam, Phùng Cung vẫn tiếp tục viết truyện ngắn, dĩ nhiên “viết” bằng ý nghĩ trên những trang giấy tâm tưởng. Nhưng sau một vài truyện, ông biết mình không sao nhớ nổi, nên đành chuyển sang làm thơ. Thơ ngắn dễ nhớ là một phần, nhưng phần khác quan trọng hơn là khi không còn viết tiếp được văn xuôi để bảo vệ văn hóa dân tộc, thì làm thơ để bảo vệ nó, vì thơ là ngôn ngữ, mà ngôn ngữ là cơ sở của văn hóa dân tộc. Giống nòi Lạc Việt sở dĩ còn tồn tại được đến ngày nay mà không bị đồng hóa như các Việt khác ở phía Nam sông Dương Tử là nhờ giữ được tiếng nói. Không phải ngẫu nhiên mà Phạm Quỳnh, để ngăn ngừa những “ông Tây An Nam”, hoặc “hủ Tây” tự sinh ngày một đông, đã nói: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”. Quả vậy, thơ là hồn dân tộc, hồn còn xác mất thì vẫn có cơ khôi phục được, nhưng xác còn mà hồn mất, thì cái xác vô hồn ấy cũng coi như là mất. Thơ với Phùng Cung lúc này trở nên quan trọng như vậy. Ông mài miệt làm thơ, bất chấp những nỗi đau thể xác và tinh thần. Một phần những bài thơ sáng tác trong thời gian tù về sau được tập hợp in thành tập Trăng ngục, phần khác cộng với những bài thơ viết sau tù thành tập Xem đêm6.
Tuy rằng không/chưa làm thơ, nhưng cùng chơi với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm trong và cả sau Nhân văn Giai phẩm, Phùng Cung không thể không chịu ảnh hưởng của họ, hoặc với họ, cái quan niệm mới về chữ trong thơ, thậm trí không chỉ trong thơ. Đó là chữ có trước nghĩa có sau, chữ đẻ ra nghĩa. Trần Dần là người đi tiên phong, bắt chữ đẻ ra nghĩa mới, khác với nghĩa từ điển, nghĩa tiêu dùng. Lê Đạt, vốn có “đầu óc lãnh tụ” (chữ Phùng Cung trong Dạ ký), không chịu đi theo con đường phát nghĩa mới có tính hiện đại chủ nghĩa của Trần Dần, như Dương Tường, Đoàn Văn Chúc, hoặc như Hoàng Hưng sau này, mà tìm cách để một con chữ phát cùng lúc nhiều nghĩa. Sự mở nhiều không gian nghĩa này, một mặt tạo ra hiện tượng nhòe nghĩa hậu hiện đại, mặt khác để mặc người đọc, hoặc lựa chọn nghĩa mình thích ngay lúc này và ở đây, hoặc tự do bay lượn từ không gian nghĩa này đến không gian nghĩa khác.
Phùng Cung cũng chọn cho mình một con đường riêng, khác với cả Dần lẫn Đạt, ông là một người có ý thức cảnh giác cao độ về sự tha hóa, càng thấy sâu sắc hơn sự tha hóa ở ngôn ngữ. Một tha hóa do cách mạng đem lại. Nhiều từ bị tách khỏi đời sống chung của ngôn ngữ dân tộc để dùng với một nội hàm khác như đấu tranh với nghĩa đấu tố, tiêu diệt, địa chủ với nghĩa kẻ thù giai cấp…; nhiều từ có nghĩa mơ hồ được dùng để thay thế nghĩa cụ thể như tồn tại với nghĩa khuyết điểm…, một số từ được dùng với nghĩa biệt phái như đảng, bác7… Điều này đã khiến cho chữ trở nên méo mó, vô hồn. Làm thơ, Phùng Cung muốn gạt hết đám nghĩa rong rêu bám vào con chữ, đưa chữ về thuở ban đầu, khi sự vật ra đời nó cần một tên gọi đúng với nó, hoặc khi một đứa trẻ lần đầu tiên thấy sự vật ấy và bập bẹ gọi tên. Đó là những chữ ra đời đầu tiên “ấm như hạt ngọc Lam Điền mới đông” do những con người đầu tiên gọi ra. Đó là chữ quê. Phùng Cung đã phục nguyên toàn bộ vốn chữ quê ấy. Bởi quê của quê mọi người Việt làng quê, chữ là lời ăn tiếng ở của người nhà quê, gốc gác của mọi người Việt. Nhưng bây giờ con người và làng xã Việt Nam đã thay đổi, nên muốn tìm chữ quê phải về quê chữ.
Sơn Tây Xứ Đoài chính là quê chữ. Không phải đất học đã sinh ra những đồ Bắc, đồ Nam, đồ Nghệ, đồ Quảng, mà là đất để học, bởi Sơn Tây chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử và nhân vật lớn. Trước hết, Sơn Tây nằm trên thềm phù sa cổ, đỉnh của tam giác châu sông Hồng và sông Thái Bình, nơi xuất phát địa lý của cả một dân tộc. Chỉ sau này, khi đỉnh tam giác châu chuyển về Cổ Loa, Long Biên, thềm phù sa trẻ, thì Sơn Tây mới trở thành miền đất cổ/ tổ. Bởi khi người Việt cổ hay Việt Mường chung từ các thung lũng chân/ trước núi đặt chân xuống đồng bằng là ở mảnh đất này. Đất Sơn Tây, bởi vậy, là bước đi đầu tiên của người Việt cổ, hay Việt Mường chung. Các bước tiếp cũng từ đây mà đi. Nếu nhìn trên bản đồ khảo cổ học, các di chỉ văn hóa đều từ đỉnh châu thổ này lan tỏa ra theo các dòng sông thì đấy chính là những dấu chân của người-núi-khổng-lồ đi ra biển. Người núi đó là Sơn Tinh, thần núi Tản Viên, trục vũ trụ, ngọn núi thiêng, của vùng đất này, và về sau, cả đồng bằng Bắc Bộ, rồi cả nước. “Đỉnh non Tản như con gà cổ đại/ Khổng lồ mào đỏ thắp bình minh” (Huy Cận).
Tản Viên Sơn Thánh là vị đầu tiên trong tứ bất tử của tâm thức Việt. Hằng năm ông lại hiện thế với một lý do “rất đời” trong cuộc giao đấu với Thủy Tinh, thần nước sông Đà, sông Thao để tranh giành người đẹp. “Núi cao sông hãy còn dài/ Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”. Từ truyền thuyết mang tính lịch sử Sơn Tinh đến lịch sử mang tính truyền thuyết về những anh hùng của mảnh đất này như Hai Bà Trưng, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Ngô Quyền, Từ Đạo Hạnh… chỉ một bước. Tôi bỗng hiểu ở Xứ Đoài Sơn Tây này truyền thuyết chính là môi trường tồn tại, phương thức sống của lịch sử. Rồi đến thời đại sau-truyền -thuyết, con người thực hơn nhưng cũng kém kỳ vĩ hơn.Họ ít nhiều đã rời xa vùng đất cổ Sơn Tây, hay chí ít truyền thống của nó. Nhưng với ai không xa rời vùng đất tổ này, dẫu chỉ trong tâm tưởng, như Tản Đà, Nguyễn Hiến Lê, Quang Dũng, Phạm Đình Chương…, thì sẽ luôn hồi hướng như những đám mây trắng quay về đậu đỉnh Ba Vì.
Một truyền thống khác, phản huyền thoại, của Xứ Đoài là tính chịu thương chịu khó của người Sơn Tây. Xứ Đoài là vùng bán sơn địa. Những thửa ruộng thiên thẹo nhỏ như bàn tay ếch nằm xen giữa núi rừng, đồi đất đá ong, ao chuôm, đầm phá, sông hồ. Một hệ sinh thái đa dạng, nhưng nghèo dinh dưỡng. Một đời sống lam lũ, nhưng yên bình. “Cô gái Sơn Tây yếm thủng tày dần/ Răng đen hạt nhót, má hồng trôn niêu”, hoặc “Tiếng ai như tiếng Xứ Đoài/ Ăn cơm thì ít ăn khoai thì nhiều”. Những đồi đá ong vốn chứa nhiều chất sắt, nên mỗi khi mưa bão nó thu hút nhiều sấm sét. Nhưng khi mưa tạnh, đất khô hút hết hơi nước, bầu trời trở nên xanh thẳm với những đám mây trắng nhàn tản. Cuộc sống giữa đá ong và mây trắng như vậy đã khiến người Sơn Tây có hai tính cách đối lập, vừa mơ mộng vừa thực tiễn, vừa thi sĩ vừa anh hùng. Đây là khí chất đất sỏi chạch vàng, biết yêu một cái đẹp khắc khổ.
Với quá trình biển tiến biển lui, tam giác châu đồng bằng Bắc bộ đã chuyển đỉnh về Cổ Loa-Long Biên. Nơi đây đồng bằng trù phú, giao thông/ thương thuận tiện, nên mau chóng trở thành trung tâm đất nước như Cổ Loa, Tống Bình, Đại La, Thăng Long… Sơn Tây Xứ Đoài khuất lấp phía sau, trở thành vùng ngoại biên, ít thay đổi, còn lưu giữ môi trường tự nhiên, nếp sống, ngôn ngữ nguyên sơ. Một vùng đất nằm ngoài thời gian trong khi đó ở trung tâm, do tiếp nhận những yếu tố ngoại sinh, để phát triển, nên không tránh khỏi phải thải loại một vài yếu tố nội tại nào đó, không còn tương thích. Đó là chuyện bình thường. Nhưng vào lúc hỗn loạn, chiến tranh hay cách mạng, sự xâm nhập ồ ạt những yếu tố ngoại sinh, bạo hành và cưỡng bức, thì các yếu tố nội sinh bị đàn áp, tiêu diệt. Cấu trúc của văn hóa bị phá vỡ, Quá trình tha hóa của ngôn ngữ bắt đầu. Để chống lại sự tha hóa ngôn ngữ này, Phùng Cung phải tìm về Sơn Tây Xứ Đoài quê chữ, nhằm phục dựng lại chữ quê.
Chữ quê vừa là chữ thuần Việt vừa không phải là chữ thuần Việt. Các nhà ngôn ngữ học khi phân tích vốn từ vựng cơ bản của tiếng Việt đã chỉ ra: lớp từ vựng trong cùng chỉ các bộ phận thân thể thuộc về tiếng Môn-Khơme, lớp thứ 2 – Tạng Miến, lớp thứ 3 các từ nông nghiệp – Tày Thái cổ, lớp thư 4 – Hán, lớp thứ 5 – Ngôn ngữ phương Tây. Như vậy, tiếng Việt không có từ nào của người Việt cả, tức không có từ thuần Việt theo nghĩa chặt của từ này, mà đều lấy từ các tiếng khác biến nó thành của mình. Tôi không theo cách hiểu “nguồn gốc luận” đó của nhà ngôn ngữ học, mà theo cách hiểu văn hóa học một từ bất kể có nguồn gốc từ đâu đến, mà gắn kết và sống với con người và vùng đất Việt ấy, trở thành máu thịt Việt, thì đấy là từ thuần Việt. Chữ quê là vật lần đầu tiên con người nhìn thấy và thốt ra cái tên của nó, và cũng là từ mà nhắc đến là trong lòng hiện ra sự vật ấy. Từ là vật, vật là từ. Mỗi quan hệ ấy có cái gì như ma thuật. Nó không phải là ngôn ngữ-khái niệm bắt vít vào một cách hiểu, mà là ngôn ngữ -hình ảnh gợi ra những hình dung khác nhau. Chữ quê, bởi vậy, là ngôn ngữ của thơ. Không phải ngẫu nhiên trong đêm, khi Phùng Cung muốn làm thơ, thì cả miền ngôn ngữ ấy từ trong thẳm sâu tiềm thức sống dậy.
Xem đêm đầy những chữ quê như cỡn, phàm, bạc, khoắng, nguệch, hẩy, quần… Những chữ này có thể cũng có trong từ điển, nhưng hoặc là nó được dùng với nghĩa khác, nghĩa tha hóa, hoặc là nó nằm chết như một xác hoa, xác lá. Phùng Cung đã làm chúng sống lại, tươi tắn và khỏe khoắn, khi đưa vào ngữ cảnh sử dụng: con sộp phàm vồ hão, gió bạc cánh, khoắng gió xuân, nguệch bàn cờ, nắng hẩy, gió quần lùm ngải cứu… Điều này sẽ càng rõ hơn khi ngữ cảnh sử dụng không chỉ là một cụm từ mà là cả một bài thơ.
Rắn bay
Ngoãy đuôi giấy
Diều lá vông cỡn gió
Con rắn bay
Đuổi gấp vầng trăng
Chữ cỡn có nguồn gốc từ động vật (trâu, bò, chó, mèo) đến mùa sinh sản, có những hành động bất thường, gọi là động đực, hay động cỡn. Cỡn gió có thể hiểu cơn gió động cỡn, nhưng cũng có thể là cái diều động cỡn với gió. Ý thứ hai có cơ sở hơn vì đây là diều lá vông (làm bằng lá vông, có hình dạng lá vông), mà lá vông tượng trưng cho âm vật (ngồi lá vông, chổng mông lá mít. Ca dao). Nhưng cái diều cũng còn có cái đuôi dài nghoe ngẩy (ngoãng) trông như con rắn bay tượng trưng dương vật, đuổi theo vầng trăng (âm, âm vật). Hình ảnh này có gợi nhớ đến cảnh tượng khi ong chúa/ cái bay vút lên trời thả ra một mùi hương kích dục khiến đàn ong đực lao theo để tranh quyền giao hợp. Chữ cỡn đã cấp nghĩa cho hình ảnh, hình ảnh tạo bài thơ ca ngợi sự phồn sinh của vạn vật.
Ngoài việc phục hồi chữ quê, Phùng Cung còn sáng tạo chữ quê bằng việc ghép một chữ với một chữ khác không có quan hệ tương cận về nghĩa như Nắng-Âu-Cơ để chỉ cái nắng nguyên sơ, tinh khôi, đồng thời chỉ ra cái thiên tính nữ của Việt Nam (Tổ quốc tôi/ Nhức nhối yếm son/ Đôi vú căng tròn sữa trẻ/ Sông suốt ngọt/ Từ nguồn sữa ngọt/ Năm tháng đẹp dòng/ Ru trăng – Âu -Cơ). Rồi sáng tạo từ khác: bồn chồn hoa nắng (Mặt nước đầy căng/ Sông chảy bồn chồn hoa nắng), mặt trời – cốm – Đông Đô (Nước hồ Gươm/ Mặt trời cốm – Đông Đô), quãng phong dao (Làng cách làng/ Quãng – phong dao), mùi ngộ cảm (Gió quần lùm ngải cứu/ Mùi ngộ cảm đầy vườn), mùi dòng giống (Mưa vừa tạnh/ Rau cỏ quanh vườn/ Dậy mùi dòng giống), hạt – nắng – son (Dưới bóng cây/ Gà rình mổ hạt – nắng – son), hóc – gió (Chó sủa làng xa/ Sủa hơn xóc ốc/ Sáo diều ai hóc gió/ Ven sông), nắng ngả tương (Cách xòe nghiêng/ Hong nắng ngả tương), mồ hôi xương (Em vất vả/ Tối ngày tất tả/ Lưng áo em/ Ngoang vôi trắng xóa/ Cái trắng này/ Vắt tận trong xương)…
Như vậy, chữ của Xem đêm là chữ – hình ảnh. Hình ảnh của một cuộc sống nghèo khổ, nhưng thanh sạch của những cư dân nông nghiệp, hình ảnh về làng quê ít học vấn, nhưng giàu văn hóa với những lớp trầm tích, hình ảnh về người thôn quê nghèo nhưng không hèn, nghèo nhưng giàu nhân cách. Những hình ảnh như vậy tạo nên cốt lõi thơ Xem đêm. Thơ Phùng Cung nói về nhiều vấn đề, kể cả chính trị, Nhưng thực chất ông là con người văn hóa. Chính trị, với sáng tác của ông, chỉ có tính chất hậu nghiệm, phái sinh. Bởi vậy, thơ ông quan tâm nhiều đến văn hóa, nhất là ngôn ngữ, tiếng nói. Ông chống lại mọi sự tha hóa, đặc biệt là tha hóa văn hóa. Sự tha hóa văn hóa là ngõ về của mọi tha hóa khác: đất nước, con người, nhân cách… Để phục dựng văn hóa, nhất là văn hóa cội nguồn, phải bắt đầu từ ngôn ngữ, bắt đầu từ làm thơ. Có thể thấy được hành trình tư tưởng này khi xếp, ít nhiều ngẫu nhiên, ba bài thơ của ông theo mọi trật tự tuyến tính.
Dâu biển
Chiều sâm sẩm
Vườn dâu đòi – xanh biển
Con chim chích buông cành
bay liệng
Vẽ vòng sóng vỗ xa xưa
Thi nhân chấp nhận sự thay đổi, dâu biển, (bãi biển – nương dâu), từ sự thay đổi của thiên nhiên đến sự thay đổi của con người. Nhất là khi tín hiệu về sự biến dịch đã được phát lên, chiều sâm sẩm, chuẩn bị ngày qua đêm tới. Nhưng không phải mọi sự thay đổi, thay đổi bằng mọi giá, thay đổi để thay đổi, mà phải thay đổi một cách tự nhiên, một cách tự nguyện, nhẹ nhàng, không bị cưỡng bức, mang tính cá nhân, không phá vỡ nền tảng cổ sơ: Con chim chích buông cành/ bay liệng/ Vẽ vòng sóng vỗ xa xưa. Tuy nhiên, đây là quan niệm, là nguyện vọng của Phùng Cung về một chế độ đêm, một văn hóa trăng, còn trên thực tế, “trong trường dạ tối tăm trời đất” (Nguyễn Du), con người thường “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (Nguyễn Gia Thiều)… Một Đêm rất không đáng để xem, đồng thời lại rất đáng để Xem. Phùng Cung đã khái quát thân phận con người, nhất là người trí thức, trong cuộc bể dâu ấy, qua những Xem đêm, bằng một hình ảnh – biểu tượng: bèo.
Bèo
Lênh đênh muôn dặm
nước non
Dạt vào ao cạn
Vẫn còn lênh đênh.
Chữ bèo có cùng vần èo với các chữ nghèo, trèo, chèo, vèo, hèo, hoặc veo, pheo, meo, ngheo tự thân nó chỉ một cái gì đó không vững chắc, trôi nổi. Chữ bèo đích đáng để chỉ cái sinh thể lênh đênh trên mặt nước, rễ không bám vào đâu mà bám vào chỗ không bám. Đó là nước. Bởi vậy, lênh đênh là bản thể cũng như là định mệnh của bèo. Nhưng bi hài là khi không còn nước non muôn dặm/ muôn dặm nước non nữa, khi đã dạt vào ao cạn, mà vẫn còn lênh đênh. Lênh đênh trước là bản thể, lênh đênh sau là định mệnh. Bản thể thì dễ chấp nhận vì bèo còn gắn với nước, định mệnh thì không vì lúc này chỉ còn bùn đất. Thực ra, trong ao cạn thì rễ bèo bám vào đất, bèo không lênh đênh nữa, không còn được sống với bản thể của nó nữa. Lênh đênh vì vậy, đã chuyển sang một nghĩa khác.
Con người không chấp nhận số phận của mình được Phùng Cung thể hiện trong một cảnh tượng khác, là trà.
Trà
Quất mãi nước sôi
Trà đau nát bã
Không đổi giọng – Tân Cương
Rót nước pha trà không thể gọi là quất (đánh bằng roi, gậy, quất roi), trà ngâm nước sôi không thể nói là đau, thậm chí đau nát bã, trà không có giọng mà chỉ có vị. Tất cả những chữ không bình thường, lệch chuẩn này là để chuyển nghĩa, rời câu chuyện nói về trà sang câu chuyện nói về người với nét nghĩa mới. Bây giờ lập tức những lệch chuẩn trở thành chuẩn. Người ta có thể hình dung được một cảnh tượng một (hoặc nhiều) người đối xử với một người và khí phách của người đó. Đây là vấn đề nhân cách. Có điều cũng nên mở ngoặc nói thêm chữ Tân Cương ở đây là tên một vùng trồng chè nổi tiếng ở Thái Nguyên (chè Thái gái Tuyên), chứ không phải là Tân Cương ở Trung Quốc, để mà liên hệ đến sự nổi dậy chống trung tâm của người Duy Ngô Nhĩ ở trên mảnh đất này. Tuy nhiên có điều không sai trong sự “thông diễn” quá đà này là nết đất làm nên tính cách con người. Nhất là khi mảnh đất ấy hàng ngày được tưới đẫm mồ hôi của mẹ, được đồng nhất với mẹ.
Mẹ
Mồ hôi mẹ
Tháng ngày đăm đăm
nhỏ ngọt
Con níu – giọt mồ hôi
Đứng dậy làm người.
Con người giữ được nhân cách của mình, cái tôi của mình, tức làm người, là nhớ níu vào những giọt mồ hôi khi vấp ngã. Mồ hôi của Mẹ, của người khác, của chính mình. Không phải lao động biến con vượn trở thành người, mà lao động biến con người trở thành người. Nhà thơ Phùng Quán, người em kết nghĩa của Phùng Cung, chế hai câu cuối của bài thơ trên thành:
Tôi vịn câu thơ
Đứng dậy làm người
Hai câu thơ “chế” của Phùng Quán phù hợp với hoàn cảnh của ông. Và hoàn cảnh của nhiều thi nhân lận đận khác. Tuy không sâu sắc bằng nguyên bản của Phùng Cung, nhưng được biết đến trước, nên sớm trở thành một chân ngôn có cánh.
Ngày nay, cái thực tại, bản thể thứ hai của ngôn ngữ thơ Phùng Cung, không còn nữa. Đầm ruộng, ao chuôm, khe rạch, gò đống bị san phẳng, biến mất. Phân hóa học, thuốc trừ sâu giết sạch chim chóc, cá tôm, cào cào, châu chấu, cà cuống, niềng niễng, nhện nước… Thiếu các sinh thể này, nắng, gió, mưa cũng không còn như trước nữa, huống chi con người. Mất thực tại, ngôn ngữ cũng tắt dần như một áng chiều tà. Phẫn nộ trước mọi sự tha hóa, nhất là tha hóa ngữ ngôn, Phùng Cung, hơn ai hết, bằng kinh nghiệm của bản thân và của giống nòi, hiểu rằng người Việt Nam hiện nay sở dĩ còn tồn tại được như một hậu duệ cuối cùng của Việt tộc là nhờ giữ được tiếng nói của chính mình qua bao thăng trầm của lịch sử, dẫu hiện nay đang đứng trước một thách đố lớn cần phải vượt qua. Bởi vậy, bằng tài năng nghệ thuật của mình, bằng tâm huyết với văn hóa người, Phùng Cung đã kiến tạo lại quê hương của ngôn ngữ, quê chữ, bằng chính thứ ngôn ngữ ấy, chữ quê. Như vậy, con đường sáng tạo của Phùng Cung là từ chữ quê đến quê chữ: Từ nhân cách đến thi cách. Xem đêm để biết ngày. Từ văn học đến văn hóa, cụ thể là văn hóa học, mà Việt Nam học là trọng tâm. Thơ Phùng Cung, bởi vậy, mãi mãi là hiện tại.
Đỗ Lai Thúy
1. Những nhà Nhân văn ít nhiều chịu ảnh hưởng của nhà thơ cộng sản ngoài Đảng Maiakovski muốn kết hợp cách mạng xã hội (tháng Mười) với cách mạng nghệ thuật (cách tân ngôn ngữ, thể thơ, cái nhìn Vị lai). Hẳn bây giờ Maia, cũng như Trần Dần, Lê Đạt, không ngờ rằng một xã hội tiền hiện đại dù rằng đang thời buổi cách mạng đi nữa, cũng khó có thể dung nạp một nghệ thuật hiện đại. Họ đều đã phải trả giá cho cái nhận thức khập khiễng này của mình.
2 “Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ” (Đôi mắt người Sơn Tây), Thơ Quang Dũng, người Sơn Tây, Phạm Đình Chương, cũng người Sơn Tây, phổ nhạc, nhiều người chép là suối lệ là không đúng. Đá ong khi mới đào, thì ở mỗi mắt đá đều có ngấn nước, nhưng để ra gió hoặc ngoài nắng một lúc thì khô ngay. Điều này đúng với tính cách của dân xứ Đoài, cứng cỏi chứ không ủy mị.
3 Đại hội Văn hóa Toàn quốc lần thứ một diễn ra vào tháng 12 năm 1946, do Nguyễn Hữu Đang bấy giờ làm thứ trưởng Bộ tuyên truyền chủ trì. Đại hội dự định diễn ra nhiều ngày, nhưng sau thu gọn lại chỉ còn một ngày, vì lý do toàn quốc kháng chiến sắp xẩy ra. Sau Đại hội nhiều trí thức chạy tản cư rồi lên Việt Bắc đi kháng chiến.
4 “Phùng Cung công tác chạy hiệu ở văn phòng cơ quan Hội Văn nghệ từ trên Tuyên Quang. Ở rừng những việc tủn mủn không tên, sổ sách, công văn, giữ thư viện, làm lán mới, đi chặt củi, vác gạo, khiêng người ốm ra trạm xá, thui chó liên hoan(…). Phùng Cung ở cơ quan nào dạt đến, không nhớ. Chơi vui cũng không để ý, kể cả việc làm hệ trọng khi tôi nhờ Phùng Cung đưa chị Nam Cao xuống Hoàng Đan tìm mộ anh ấy”. (Tô Hoài, Cát bụi chân ai, Hội Nhà văn, 2000, tr. 148-149, Hà Nội).
5 . Xin xem: Phùng Cung, Truyện và thơ chưa hề xuất bản Tập sách này gồm có 2 phần: Truyện và Thơ. Phần thơ có nhan đề Trăng ngục. Phần truyện gồm có Mạt kiếp, Ván cờ khai xuân, Chiếc mũ lông, Con muông nòi, Biệt tích, Giải thoát, Mộ phách, Phòng tuyên truyền địa ngục, Dạ ký, Hương dạ hợp.
6 . Xem đêm, gần 200 bài thơ ngắn, được Nhà xuất bản Văn hóa thông tin in năm 1995, với lời giới thiệu tâm huyết của nhà thơ Quang Huy, giám đốc. Năm 2016, Xem đêm được Nhà xuất bản Văn học và Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam tái bản. Xem đêm lần này có 315 bài cộng thêm phụ lục: 1) Truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh, 2) Hằng Nga thức dậy của Phùng Quán, 3) Con người Phùng Cung và những bài thơ hay trong tập Xem đêm của Nguyễn Hữu Đang, 4) Nhớ Phùng Cung thoáng nghĩ về thơ Xem đêm của Hoàng Cầm, 5) Ảnh Phùng Cung và bạn bè.
7. Trong bài “Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật sẽ có nhiều tác phẩm hay” (Văn Nghệ, 17/1/1987), Nguyễn Tuân viết: “Ở ta việc nói thật, nói đúng nhiều khi còn đụng đến những húy kỵ kỳ quặc lắm. Tôi lấy ví dụ: Nhân dịp Tết Trung thu vừa qua, tôi có đưa đăng báo một truyện ngắn viết cho thiếu nhi về sự tích trái bưởi đào, trong đó có mấy chữ Đại hội các loài chim, một cán bộ biên tập yêu cầu tôi bỏ chữ đại hội đi, vì sợ người ta liên hệ tới đại hội Đảng, sự kiêng kỵ ấy thật kỳ quặc, và buồn cười.”