Sau Freud, người ta không còn có thể tư duy hay viết được như trước nữa

Bernard Pingaud

Nửa đầu thế kỷ XX có ba cuộc đảo lộn lớn trong đời sống tinh thần của nhân loại. Đó là chủ nghĩa Marx, thuyết tương đối của Einstein và phân tâm học của Freud.

Phân tâm học không phải là một triết học. Bởi, ở phân tâm học, thực hành đi trước lý thuyết. Trước khi trở thành một học thuyết, phân tâm học là một khoa chữa bệnh. Con người có hai loại bệnh: Một do tổn thương thực thể và hai không do tổn thương thực thể. Loại thứ hai này người ta thường gọi là bệnh vờ, bệnh tưởng hoặc ma làm/ám. Ở phương Tây thế kỷ XIX, người ta không coi đó là bệnh, bởi lẽ với một đầu óc cơ giới thì cơ thể người giống như một cỗ máy, nếu không hỏng một bộ phận nào thì không thể coi cỗ máy/cơ thể đó là hỏng hóc/bệnh tật được. Về sau do sự bớt dần của tư duy cơ giới và sự tăng dần những hậu quả của bệnh không tổn thương thực thể, mà tiêu biểu là chứng hystérie (cuồng loạn), người ta bắt đầu coi đó là một loại bệnh và bắt đầu tìm cách chữa trị. Thoạt tiên là chữa bằng thôi miên và ám thị (Jean Martin Charcot 1825 – 1893, Sarah Bernheim 1844 – 1923), rồi bằng cocaine, sau cùng mới tới phương pháp phân tích tâm lý (Joseph Breuer). Phân tâm học (psychanalyse) chỉ thực sự bắt đầu với S. Freud (1856 – 1939) sau khi ông đã trải qua tất cả những phương pháp trên. Freud không phải là người phát hiện ra cái vô thức, bởi lẽ trước ông, Charcot trong tâm thần học, Taine trong tâm lý học, anh em nhà Goncourt, Dostoyevsky trong văn học đã nói đến nhiều rồi. Công lao của Freud là sự đổi mới nhận thức về cái vô thức, tìm ra “con đường hoàng đạo” để đến với nó, chứng minh được sự tồn tại của một thứ “động cơ vô thức” có liên quan đến sự “dồn nén,” đặc biệt là “dồn nén tính dục.”

Sigmund Freud

Ngay từ khi mới ra đời, phân tâm học đã phải chịu ngay “búa rìu dư luận.” Người ta coi nó là sự “hạ nhục” con người lần thứ ba và triệt để nhất. Lần đầu khi Copernicus lật đổ thuyết địa tâm chứng minh Trái Đất quay quanh Mặt Trời, khiến địa vị con người từ trung tâm vũ trụ phải ra rìa. Lần thứ hai với học thuyết tiến hóa của Darwin chứng minh con người được tiến hóa từ loài khỉ cao cấp (linh trưởng) khiến con người bị mất nguồn gốc thần thánh, hay ít nhất cũng bán thần thánh của mình, điều đã được ghi rành rành trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, con người vẫn còn hơn con vật ở chỗ nó có ý thức (ví dụ “con ong xây tổ” của Marx), có lý trí/đầu óc (“con người đứng bằng đầu” của thế kỷ Ánh sáng), nhưng với Freud thì lý trí/ý thức chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, còn xung năng tính dục (libido)/phần chìm mới quyết định hướng trôi/đi của tảng băng/người. Như vậy, con người từ con vật lại trở về con vật “khỉ lại hoàn khỉ.” Và Freud, người đề xướng phân tâm học cũng lãnh đủ hậu quả. Người ta lăng mạ ông, tẩy chay ông trong các hội họp chuyên môn, hội thảo khoa học. Rồi chứng minh phân tâm học không phải là khoa học, mà chỉ là huyền thoại, tưởng tượng của một đầu óc bệnh hoạn, thậm chí bịp bợm. Đến đây, người ta hiểu vì sao cả đời Freud bám lấy nghiên cứu lâm sàng, cố chứng minh bằng được phân tâm học là một khoa học.

Nhưng Freud là người có tư tưởng độc lập, kiên trì theo đuổi mục đích của mình, dù phải “một mình chống lại cả thế giới.” Dần dần bằng những hiệu quả chữa bệnh, bằng những công trình học thuật nghiên cứu nghiêm túc, Freud đã thuyết phục được mọi người tin tưởng vào phân tâm học. Người chữa bệnh và nghiên cứu phân tâm học ngày càng đông. Năm 1902, hoàng đế François – Joseph ký quyết định bổ nhiệm Freud làm giáo sư đặc biệt (extraordinarius). Năm 1908, Hội nghị quốc tế về phân tâm học lần thứ nhất họp tại Salzbourg quyết định thành lập Hội Phân tâm học quốc tế do Freud làm chủ tịch. Sau đó hội phân tâm học của các quốc gia cũng lần lượt ra đời. Như vậy, phân tâm học và Freud đã chính thức được thừa nhận, không chỉ trong giới khoa học. Phân tâm học ra đời đã phá vỡ bức tường ngăn cách giữa tâm lý học và tâm bệnh học, giữa cái bình thường và cái không bình thường. Từ đó nhà phân tâm học ngộ ra rằng bản chất của chứng loạn thần kinh là sự thật không được biết đến, còn bản chất của phân tâm học là sự thật được tìm lại. Chính điều này khiến người bệnh được chữa khỏi.

Phân tâm học, như một cái cây, càng phát triển thì càng có nhiều cành lớn vươn ra xa và vươn lên cao. Và, do đó, càng xa với gốc. Các phạm trù, khái niệm của Freud dần dà cũng được/bị đệ tử của các thế hệ sau hiểu khác đi. Vì thế, với các đệ tử thế hệ đầu (F1), không thể không có mâu thuẫn thầy trò. Những mâu thuẫn lớn thì dẫn đến ly khai. Có điều đây là vấn đề học thuật chứ không phải vấn đề đạo đức hoặc chính trị như vẫn xảy ra ở ta. Với những học trò lớn thì sau khi ly khai thầy đã phát triển phân tâm học theo một hướng khác, có đóng góp lớn cho khoa học này, thậm chí có thể trở thành một đại thụ khác. Người ly khai sớm nhất, năm 1911, là Alfred Adler (1870 – 1937). Tuy vẫn thừa nhận luận điểm của Freud về tầm quan trọng của thời thơ ấu, nhưng Adler diễn giải khác, bằng mặc cảm tự ti, và do đó đề cao giáo dục gia đình và xã hội. Adler đã sáng lập ra ngành tính tình học và nhân cách học. Bốn năm sau, 1914, Carl Jung (1875 – 1961) cũng ly khai với Freud. Cuộc chia tay này do quan niệm khác nhau về libido. Với Freud thì libido thuần túy chỉ là xung năng tính dục, tức chỉ có ý nghĩa sinh học, còn với Jung thì libido là năng lượng sống, tức là có ý nghĩa văn hóa. Sự mở rộng nội hàm khái niệm libido của người học trò đã khiến cho phân tâm học tách khỏi lâm sàng, vốn là cơ sở khoa học của phân tâm học, mà người thầy đau đáu bảo vệ. Bởi thế, với Freud đây là sự phản bội, một mũi dao đâm từ phía lưng. Còn với Jung, ông chỉ đơn giản nghĩ lúc này phân tâm học đã phát triển tới mức không cần bệ đỡ sinh lý nữa, mà có thể mở rộng sang văn hóa. Và, quả vậy, nhờ ly khai này mà Jung đã đưa phân tâm học (mà ông gọi là tâm lý học phân tích hoặc tâm lý học các chiều sâu) từ vô thức cá nhân sang vô thức tập thể. Tuy nhiên, những người ly khai, rẽ lối, hoặc chống đối Freud vẫn phải dựa trên những tiền đề của Freud, và do đó, ở một cạnh khía nào đó mà họ không thể thoát ra khỏi bàn tay của ông, như chuyện Tề thiên Đại thánh với bàn tay Phật tổ.

Carl Jung

Sự phát triển của phân tâm học cũng mang đến một hệ quả khác nữa. Cây đại thụ càng lớn thì càng nhiều giao cành chen bóng với những cây đại thụ bên cạnh của các khoa học khác, để mang lại những không gian mới cho mỗi bên. Trước hết, phân tâm học kết hợp với chủ nghĩa Marx, đúng hơn xã hội học Mác xít. Nếu những hiện tượng trước đây chỉ được giải thích bằng các nguyên nhân xã hội thì nay được diễn giải thêm bằng cả nguyên nhân phân tâm học. Xu hướng này đã nảy sinh ra một nhà phân tâm học lỗi lạc E. Fromm. Những nghiên cứu của ông về tình yêu (Phân tâm học Tình yêu), về tôn giáo (Phân tâm học Tôn giáo), về sự phát triển xã hội từ thời Cải cách đến Thế chiến Một (Chạy trốn khỏi tự do)… đã mở ra một hướng mới cho phân tâm học. Một “giao cành” nữa giữa phân tâm học và cấu trúc luận đã sản sinh ra một bậc thầy phân tâm học khác, đại diện cho Trường phái Paris, là Jacques Lacan. Thấy người ta đi qua xa với gốc, Lacan chủ trương quay về với Freud. Ông lấy lại các phạm trù, khái niệm của thầy mình, nhưng đưa ra một diễn giải khác, không dựa trên cơ sở sinh lý nữa, mà trên cơ sở ngữ học cấu trúc. Từ định đề nổi tiếng: vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ, Lacan đã có một cái nhìn mới về cái biểu đạt/cái được biểu đạt, đồng thời đưa ra những khái niệm mới như trật tự tượng trưng/trật tự lãng mạn, biểu tượng dương vật và sự thiến hoạn tượng trưng… Tóm lại, với Lacan, vô thức là diễn ngôn của kẻ khác.

Phân tâm học càng phát triển bao nhiêu thì diện ứng dụng của nó càng rộng lớn bấy nhiêu. Đầu tiên là ứng dụng trong chữa các thứ bệnh tâm thần, làm tư vấn cho những người, những cặp đôi có trục trặc về tâm/sinh lý, cơ sở cho những phán đoán, diễn giải tâm trạng, hành vi của các đối tác làm ăn buôn bán, những hợp tác hoạt động chung. Như vậy, phân tâm học đã đi vào mọi ngõ ngách của đời sống người. Nhưng cũng còn một bình diện ứng dụng khác là phân tâm học đi vào các khoa học, xã hội và nhân văn, tạo ra những ngành khoa học học mới, nằm ở đường biên đã trở nên xơ cứng của hai khoa học đã định hình từ lâu. Trước hết phải kể đến phân tâm học và nhân học với Geza Roheim (Nguồn gốc và chức năng của văn hóa, 1943; Phân tâm học và nhân học, 1950), với M. Mead (Từ vùng biển Nam, 1939), với Devereux (Phân tâm học tộc người, 1978); sau đó là phân tâm học và chủ nghĩa Marx với W. Reich (Chủ nghĩa duy vật biện chứng với phân tâm học, 1929), với H. Marcuse (Dục tính và văn minh, 1955; Con người một chiều kích, 1964); rồi phân tâm học và nghiên cứu trẻ em với M. Klein (Phân tâm học trẻ em, 1932); với Anna Freud (Cái bình thường và cái bệnh lý ở trẻ em, 1965); cuối cùng là phân tâm học với phê bình văn học. Một lĩnh vực học thuật và nghệ thuật hết sức sâu rộng có nhiều tương đồng hơn cả, không chỉ làm giàu cho ngành phê bình, mà cho cả chính khoa học phân tâm. Tóm lại, phân tâm học đã ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống tinh thần của thế kỷ XX.

Jacques Lacan

Trước hết, các nhà phân tâm học đã có một ảnh hưởng rất lớn đến phê bình văn học. Đầu tiên là S. Freud, ông tổ thứ nhất của phân tâm học, sau đó đến tổ hai C. Jung, cuối cùng là tổ ba J. Lacan. Họ cũng đã đào tạo nên một loạt các học trò thuộc trường phái khoa học của mình. Với tư cách nhà phân tâm học, trong quá trình xây dựng học thuyết hoặc luận điểm của mình, ngoài việc lấy dữ liệu trực tiếp từ người bệnh, họ còn lấy dữ liệu gián tiếp từ các tác phẩm văn học, hoặc chính bản thân các nhà văn được coi như một ca tâm bệnh. Có thể kể đến trường hợp René Laforgue, nhà phân tâm học Pháp với công trình Sự thất bại của Baudelaire năm 1931. Ông không nghiên cứu thi phẩm Ác hoa như một tác phẩm nghệ thuật, mà chỉ căn bệnh của thi nhân. Ông dịch ngôn ngữ thơ ra ngôn ngữ lâm sàng, và biến những biểu tượng của Baudelaire thành những phúng dụ đơn giản của chứng loạn tâm. Trường hợp khác là Marie Bonaparte (1882 – 1962), người sáng lập Hội Phân tâm học Paris, với công trình Edgar Poe năm 1953. Nghiên cứu Poe, bà luôn đặt tác phẩm và tiểu sử của ông song song với nhau, và lấy cái tiểu sử giải thích tác phẩm. Tóm lại, mặc dù có những phát hiện thú vị và sâu sắc về văn học, nhưng đây vẫn chỉ là những nghiên cứu phân tâm học hơn là phê bình văn học. Bởi lẽ, phân tâm học luôn là tính thứ nhất, còn văn học chỉ là tài liệu khảo sát, thậm chí minh họa. Điều này khác với nhà phê bình văn học thực thụ, vì với họ văn học là tính thứ nhất, còn phân tâm học chỉ là lối tiếp cận.

Như vậy, ngoài những tổ sư phân tâm học đã đổi thay hoặc làm mới những quan điểm, khái niệm của văn học nghệ thuật, những nhà phân tâm học sử dụng văn học như một thứ luận cứ để minh chứng cho những luận điểm của mình, thì còn lại rất đông đảo các nhà phê bình văn học từ phân tâm học. Họ tiếp thu những lý thuyết phân tâm học khác nhau, sáng tạo ra lý thuyết phê bình của mình, và làm giàu cho chẳng những lý thuyết văn học và phê bình văn học, mà còn cho cả tác phẩm nghệ thuật. Để dễ nhận thức và thông tỏ, đặc biệt với bạn đọc Việt Nam, tôi trình bày phê bình văn học theo lý thuyết hệ hình: phê bình tiền hiện đại tiếp cận tác phẩm từ tác giả (tác giả tiểu sử và tác giả mở rộng, tác giả hữu thức và vô thức), phê bình hiện đại – từ văn bản và phê bình hậu hiện đại – từ người đọc. Ở mỗi hệ hình phê bình lại được trình bày theo trật tự sau: 1) Tổ sư phân tâm học, 2) Nhà phê bình phân tâm học tiêu biểu, 3) Các nhà phê bình Việt Nam theo xu hướng này. Như vậy, ở hệ hình phê bình phân tâm học tiểu sử sẽ có S. Freud, Ch. Mauron và Nguyễn Văn Hanh, Trương Tửu, Đỗ Lai Thúy; ở hệ hình phân tâm học văn bản sẽ có C. Jung, G. Bachelard, Đàm Quang Thiện, Lê Tuyên, Đỗ Long Vân, Đỗ Lai Thúy; ở hệ hình phân tâm học người đọc có J. Lacan, Holland và các nhà nữ quyền luận, Đỗ Lai Thúy… Tuy nhiên, ở Việt Nam do sự phát triển không đồng đều giữa hai miền Nam Bắc từ 1945 đến 1975, do sự tiếp nhận đồng thời, cùng lúc cả ba khuynh hướng phê bình trên của thế giới, hoặc do lối tư duy đại quát, chung chung của người Việt, nên đã xuất hiện lối phê bình phân tâm phức hợp dựa trên những thành tựu của cả ba hệ hình phê bình phân tâm nói trên. Đây là lý do chúng ta thấy Đỗ Lai Thúy xuất hiện ở cả ba hệ hình phê bình phân tâm học. Như vậy, lối trình bày theo lý thuyết hệ hình này, tuy có nhược điểm là giản lược hóa, nhưng còn cho thấy thêm hai ưu điểm nữa. Một là nó cho thấy phê bình văn học nói riêng và văn học nói chung phát triển theo các quy luật nội tại, chứ không chỉ theo các sự kiện xã hội chính trị như trước đây. Hai là phê bình phân tâm học dù có rất nhiều đặc thù nhưng sự vận động của nó vẫn không đi ra ngoài quy luật của phê bình văn học nói chung, như một bộ phận với toàn thể.

Đỗ Lai Thúy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *