1. Nhận diện di sản văn hoá
Trong phạm vi nghiên cứu đề tài Nhận diện phát huy bảo tồn phức hợp di sản văn hoá vùng đất Uông Bí, chúng tôi sử dụng khái niệm phức hợp theo nghĩa hẹp, nhằm biểu hiện các hiện tượng văn hoá có cùng loại hình văn hoá lịch sử. Và trong khuôn khổ một bài viết tham luận khoa học, chúng tôi cũng không có cao vọng giải thích, hoặc cắt nghĩa toàn bộ di sản văn hoá vùng đất Uông Bí theo nghĩa rộng của khái niệm phức hợp. Vấn đề nghiên cứu giải đáp di sản văn hoá lịch sử vùng đất Uông Bí, theo chúng tôi (Viện Nhân học Văn hoá), chắc chắn cần phải được tiến hành lâu dài với sự tham chiếu của nhiều lĩnh vực tri thức khoa học giáp ranh (khoa học liên ngành), mới hi vọng có tiếng nói xác quyết tiệm cận sự thật khoa học khách quan về di sản văn hoá lịch sử vùng đất Uông Bí.
2. Nhận diện di sản văn hoá lịch sử vùng đất Uông Bí
Nhận diện theo nghĩa rộng của triết học, là một khái niệm chỉ quá trình nhận thức các mặt của sự vật, hiện tượng cụ thể đang vận động (hiện tượng tự nhiên, hiện tượng xã hội và hiện tượng tư duy). Bản chất của nhận diện không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận xem xét đánh giá bề ngoài của sự vật, hiện tượng, mà nó đi sâu khám phá, phân tích lí giải, mô tả khái quát những thuộc tính, đặc tính quy định bản chất của sự vật, hiện tượng cụ thể trong thế giới.
Ở mỗi lĩnh vực tri thức học thuật khác nhau, nhận diện sự vật, hiện tượng cụ thể lại có phương pháp luận tiếp cận khác nhau về hình thức, song tính chất nội dung nhận diện đều nhằm phản ánh hiện thực khách quan.
Thành phố Uông Bí, là một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm trong tổng hợp thể lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Diện tích tự nhiên của thành phố Uông Bí là: 256, 3 km2 . Dân số 120. 982 người. Cơ cấu tộc người người, bao gồm người Kinh, Dao, Tày, Sán Dìu, Hoa.
Tính đến thời điểm hiện nay (2024), thành phố Uông Bí có 10 đơn vị hành chính cấp phường, xã trực thuộc: 9 phường (Bắc Sơn, Nam Khê, Phương Đông, Phương Nam, Quang Trung, Thanh Sơn, Trưng Vương, Vàng Danh, Yên Thanh) 1 xã (Thượng Yên Công).
Khái niệm chỉ vùng đất Uông Bí thường được giới nghiên cứu giải thích theo ba hướng chính: hướng thứ nhất giải thích dựa trên cơ sở văn hoá, văn học dân gian (folklore), với những huyền thoại, truyền thuyết về anh em Uông Thượng và Bí Thượng là hai trong số một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, được ghép tên chung để trở thành Uông Bí. Hướng thứ hai giải thích trên cơ sở ngôn ngữ học lịch sử, mà hạt nhân của nó là sự tiếp biến giao thoa ngôn ngữ trong lịch sử giữa cư dân thuộc lớp văn hoá Tày Thái (cổ) và Việt – Mường (cổ). Hướng thứ ba giải thích theo quan điểm hành chính dựa trên các văn bản pháp lí của nhà nước quy định về tên gọi các địa danh trong mỗi thời đại lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Tiếp cận nghiên cứu địa danh Uông Bí từ mã ngành Văn hoá học và khảo cổ học lịch sử, chúng tôi (Viện nhân học Văn hoá), nhận thấy bản chất tự thân của địa danh Uông Bí đã là một hiện tượng văn hoá, do đó chúng tôi xem khái niệm Uông Bí như là hiện tượng văn hoá đang vận động và cần được tôn trọng như một loại hình di sản văn hoá – văn hoá phi vật thể.
Ngay từ thời cổ đại vùng đất Uông Bí đã diễn ra sự gặp gỡ giao lưu tiếp thu văn hoá Hạ Long và văn hoá Bắc Sơn sâu sắc, nhiều bằng chứng cứ khảo cổ học đã chứng minh thuyết phục cho luận điểm khoa học trên. Do điều kiện địa lí tự nhiên và các điều kiện địa lí nhân văn quy định, vùng đất Uông Bí đã để lại cho chúng ta nhiều di sản văn hoá đặc sắc có ảnh hưởng lâu dài và phát huy giá trị tích cực trong tâm thức văn hoá của người Việt Nam hiện đại.
2.1. Di sản văn hoá danh thắng lịch sử Yên Tử – Bảo Đài.
Hệ thống núi Yên Tử và núi Bảo Đài, nằm trong sơn hệ của cánh cung Đông Triều. Dãy núi Yên Tử thuộc địa phận xã Thượng Yên Công, dãy núi Bảo Đài thuộc địa phận phường Vàng Danh. Hệ thống núi Yên Tử- Bảo Đài nằm ở điểm cận bắc của thành phố Uông Bí. Núi Yên Tử có độ cao tuyệt đối (1068 m), so với mực nước biển, núi Yên Tử là ngọn núi cao đứng ba trong sơn hệ/cánh cung Đông Triều. Vị trí cao nhất trong sơn hệ Đông Triều thuộc về ngọn núi Cao Xiêm, huyện Bình Liêu, có độ cao tuyệt đối (1429 m), so với mực nước biển. Tiếp theo vị trí thứ hai là ngọn núi Thiên Sơn (Am Váp), thành phố Hạ Long, độ cao tuyệt đối (1096 m), so với mực nước biển. Tuy nhiên trong tâm thức văn hoá của người Việt Nam, ngọn núi Yên Tử đã trở thành tổ đình sơn Thánh, tổ đình Phật đạo của người Việt từ hơn hai nghìn năm nay. Điều gì đã làm cho ngọn núi Yên Tử trở nên ngọn núi thiêng? Mượn lời cổ nhân từng dạy (“Sơn bất tại cao hữu tiên tắc linh”), theo nghĩa thông dụng, “Núi không cao có tiên sẽ nổi danh”. Với cách tiếp cận theo văn hoá truyền thống, phần nào chúng ta bắt đầu cắt nghĩa được sự nổi danh linh thiêng của ngọn núi Yên Tử. Ngược dòng lịch sử văn hoá Việt Nam, theo quan niệm truyền thống, An Kỳ Sinh là một đạo sĩ người Trung Quốc đã từng tu tiên và đắc đạo trên núi Yên Tử vào cuối thế kỷ III (tr. CN), do đó nhân/dân gian gọi là núi An Tử/Yên Tử (núi thầy An). Giả thuyết này thường lấy cơ sở thư tịch cổ đại từ Sử ký Tư Mã Thiên [145/135 (tr.CN) – 86 (tr.CN)], thời Tây Hán [206 (tr. CN) – 9 (CN)]. Trong khi đó quan điểm viết sử ký của Tư Mã Thiên vẫn lấy dân tộc Hán, lấy người Hoa Hạ làm trung tâm. Do hạn chế của lịch sử, Tư Mã Thiên viết sử cũng phải phục vụ cho quan điểm Nho giáo chính thống của nhà Tây Hán. Giả thuyết An Kỳ Sinh là người Trung Quốc, tu tiên đắc đạo tại núi Yên Tử, thuộc không gian lãnh thổ của nhà nước Văn Lang, đã từng thống trị hằng nghìn năm qua ở cả Trung Quốc và Việt Nam, do hạn chế bởi tuyệt đối hoá phương pháp tiếp cận văn hoá dân gian đơn tuyến.
Ngay từ đầu thế kỷ III, thiền sư Khương Tăng Hội (196 – 280), đã khẳng định An Kỳ Sinh chính là Arsaces, người Ba Tư (là một quốc gia của người Iran ở Trung Đông, có nền chính trị và quân sự phát triển mạnh), đã đến kinh đô Hàm Dương, Thiểm Tây (Trung Quốc), yết kiến Tần Thuỷ Hoàng, để thuyết pháp bát chính đạo, Tần Thuỷ Hoàng (259 tr.CN – 210 tr.CN), không chấp nhận, Arsaces đã vượt biển Nam Hải, vào châu Giao tu tập trong núi Yên Tử, đệ tử có đến hơn ba trăm người theo học Phật Pháp. Trong truyền thống hệ phái thiền tông Việt Nam, thiền sư Khương Tăng Hội đã tôn vinh Arsaces là Tổ sư đầu tiên của thiền tông Việt Nam. Bộ kinh điển mà thiền sư Khương Tăng Hội được tiếp xúc buổi đầu noi theo trí huệ Phật Tổ là những trước tác dịch thuật của Arsaces từ tiếng Phạn (Pali), sang tiếng Việt cổ.
Tài liệu quan trọng nhất liên quan đến An Kỳ Sinh/Arsaces, đó là tác phẩm Lược truyện cao tăng của thiền sư An Thế Cao (chưa rõ năm sinh năm mất, chỉ biết là người sống cùng thời đại với thiền sư Khương Tăng Hội). Thiền sư An Thế Cao vốn là hậu duệ của dòng dõi đế chế Parthia/Arsaces (bản thân ông cũng là một hoàng thái tử trong hoàng tộc Arsaces), và có quan hệ huyết thống với An Kỳ Sinh/Arsaces. Theo các tài liệu lịch sử Phật giáo Trung Quốc cho rằng vào giữa, hoặc cuối thế kỷ II, ông đến kinh đô Trường An của nhà Tây Hán để dịch kinh và giảng giải Phật pháp. Lợi thế của thiền sư An Thế Cao là thông hiểu lịch sử đế chế Parthia và lịch sử thần phả dòng tộc Arsaces, cho nên hành trạng của Arsaces đã được ông tái hiện trong Lược khảo cao tăng truyện rất đầy đủ và chi tiết. Theo An Thế Cao, An Kỳ Sinh/Arsaces (247 Tr.CN – 158 Tr. CN), là hoàng thái tử của đế chế Parthia (247 Tr. CN – 224 CN), Ngài chán ghét cảnh chiến tranh mà phụ vương của Ngài là người say mê quyền lực chỉ huy và tổ chức chinh chiến. Vào năm Ngài hai mươi tuổi, Ngài từ chối vương vị, nhường lại cho chú của Ngài, và Ngài lên đường truy tầm giáo lí Phật pháp. Năm ba mươi tuổi Ngài xuyên trung Á đến kinh đô Hàm Dương của nhà Tần để thuyết giảng Phật Pháp. Tần Thuỷ Hoàng thấy Ngài thông hiểu nhiều giáo lí kinh điển và tri thức đương thời đã yêu cầu Ngài xuôi phương Nam để tìm thuốc trường sinh bất lão. Năm 217 (Tr.CN), Ngài dời kinh đô Hàm Dương đến Quảng Châu nghiên cứu Đạo giáo và Nho giáo. Trong thời gian bảy năm nghiên cứu ở Quảng Châu, Ngài đã nhiều lần thám hiểm đảo Hải Nam và quần đảo Gia Va. Năm 210 Tr.CN, khi nghe tin Tần Thuỷ Hoàng băng, Ngài không trở về Hàm Dương nữa, mà Ngài đã xuôi biển Nam Hải đến tu tập nghiên cứu Phật giáo tại núi Yên Tử, nước Văn Lang vào năm 209 Tr.CN.
Đến giữa thế kỷ thế kỷ IV, Cát Hồng (283 – 363), người từng sống dưới thời Đông Tấn (317 – 420), đã mạnh mẽ bác bỏ quan niệm cho rằng An Kỳ Sinh là người Trung Quốc. Cát Hồng là một nhà thông thái trong lịch sử văn hoá Trung Quốc, ông được tôn xưng là truyền nhân chân chính đời thứ 4 của đạo sĩ Tả Từ (chưa rõ năm sinh, năm mất, sống vào đầu thời kỳ Tam quốc). Cát Hồng tên tự là Trĩ Xuyên, hiệu là Bão Phác Tử, ông được xem là nhà triết học, nhà hoá học, nhà y học thời cổ xưa của Trung Quốc, ông am hiểu sâu sắc Đạo giáo, ông có tác phẩm/công trình đáng chú ý nhất là bộ lịch sử Đạo giáo Trung Hoa. Ông đã sưu tầm nhiều nguồn tài liệu về An Kỳ Sinh thông qua những tác phẩm ghi chép của thiền sư Khương Tăng Hội (196 – 280), và thiền sư An Thế Cao (người sống cùng thời với Khương Tăng Hội), viết về An Kỳ Sinh, là một thiền sư người gốc Ba Tư thuộc bộ tộc Parthia (sống ở vùng đông bắc Ba Tư). An Kỳ Sinh vốn là hoàng thái tử thuộc đế chế Parthia (247 tr. CN – 224 CN) hay còn gọi đế chế Arsaces, người Trung Quốc cổ đại đã phiên âm danh xưng Arsaces (vốn là danh từ chung để chỉ dòng tộc Arsaces), sang tiếng Trung Quốc thành An Kỳ Sinh. Arsaces, xuất phát truyền bá đạo Phật từ Ba Tư, xuyên qua đại lục Trung Quốc, khi gặp Tần Thuỷ Hoàng (259 Tr.CN – 210 Tr.CN), để thuyết pháp, Arsaces không được Tần Thuỷ Hoàng tiếp đón trọng thị mà có phần bài xích đạo Phật. Tần Thuỷ Hoàng sai ông ra đảo Hải Nam tìm thuốc trường sinh bất lão, nhân cơ hội đó Arsaces thâm nhập vùng ngoại lĩnh – phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh (thuộc lãnh thổ của nhà nước Văn Lang), tu tập ở núi Yên Tử, không trở về nước Tần (Trung Quốc) nữa. Kết quả nghiên cứu của Cát Hồng ngay lúc đương thời đã được nhiều học giả Trung Hoa tán thưởng đồng tình. Tất nhiên ở Trung Quốc, trước đây vẫn có những ý kiến lẻ tẻ, phi chính thống xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, muốn bảo vệ quan niệm An Kỳ Sinh là người Hán.
Tuy nhiên từ thế kỷ VII, thời Đường Thái Tông (598 – 629) trở đi, toàn bộ văn bản pháp lí và thư tịch sử liệu của Trung Hoa đã ghi chép và chú giải An Kỳ Sinh/Arsaces là người Ba Tư, Ngài là một danh tăng đại thiền sư đã tu tập ở núi Yên Tử – phúc bồn địa thứ tư của châu Giao.
Trải qua biến thiên thăng trầm của lịch sử, vào thế kỷ X, Yên Tử đã trở thành trung tâm tu tập và truyền giảng Phật Pháp danh tiếng với sự thành đạo của nhiều bậc cao tăng.
Đầu thế Kỷ XI, khi Lý Thái Tổ (974 – 1028), vị vua khai sáng triều Lý (1009 – 1225), định đô tại kinh thành Thăng Long, và đề ra nhiều chính sách phát triển quốc gia dân tộc Đại Cồ Việt, trong đó có chính sách hạn chế quyền lực của các vị cao tăng trong triều đình. Chính sách của Lý Thái Tổ quy định bãi miễn chức vụ tăng thống, các vị cao tăng không được tham gia chính sự của triều đình. Các vị cao tăng từng tham chính ở kinh đô Hoa Lư được an trí về núi Yên Tử tu tập, chỉ khi nào có chiếu lệnh của nhà vua mới được phép về kinh đô Thăng Long. Do đó núi Yên Tử vốn đã là một trung tâm Phật học có bề dày lịch sử gần 1300 năm (tính đến thời Lý Thái Tổ), ngày càng trở nên nổi tiếng về uy danh Phật Pháp.
Danh sơn Yên Tử thật sự phát triển vượt ra khỏi chiều kích biên giới quốc gia dân tộc Đại Việt vào thế kỷ XIII, khi vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308), sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, núi Yên Tử được coi là chốn Tổ đình thiền môn của Thiền phái Trúc Lâm. Tầm quan trọng và ảnh hưởng của Trần Nhân Tông được lịch sử Phật giáo Thiền tông xem là một trong những luận sư vĩ đại đã chuyển pháp luân hoằng dương Phật pháp. Lịch sử trên 2500 năm qua của Phật giáo Thiền tông mới chỉ có năm người (Phật Thích Ca, Long Thọ, Bồ Đề Đạt Ma, Trần Nhân Tông, Osho), được xem là đã làm nên những cuộc cách mạng tôn giáo, làm thay đổi nhận thức của chúng ta về Phật giáo, về thế giới. Thành tựu và công nghiệp của Trần Nhân Tông được thể hiện rõ nét nhất qua ba mô hình (thi sĩ, hoàng đế, thiền sư). Trong tư cách thi sĩ Trần Nhân Tông để lại nhiều tác phẩm thơ, phú, tác phẩm nổi tiếng nhất của Ngài là: Cư trần lạc đạo phú. Trong tư cách hoàng đế, Trần Nhân Tông hai lần chỉ huy quân dân Đại Việt kháng chiến, đánh thắng đế quốc Nguyên – Mông (1285; 1288). Trong tư cách thiền sư, Trần Nhân Tông là đệ nhất Tổ Thiền phái Trúc Lâm, là giáo chủ thiền phái Đại Việt. Nhân cách văn hoá của Ngài thống nhất giữa vương quyền với thần quyền, vương quyền gắn liền với duy mỹ. Giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài đánh giá Trần Nhân Tông có vị trí quan trọng trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, lịch sử văn hoá Việt Nam. Nhiều học giả châu Âu đã khẳng định tầm quan trọng của Trần Nhân Tông với Việt Nam và Đông Nam Á, có vị trí như Hoàng đế La Mã Constantinus I (280 – 337), người có công gây dựng nền văn minh châu Âu.
Tầm quan trọng và ảnh hưởng của Trần Nhân Tông đã vượt ra khỏi Việt Nam và trở thành biểu tượng văn hoá của thế giới. Vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, tại Đại học Harvard, Boston (Hoa Kỳ), nơi được coi là cái nôi của trí tuệ đại học thế giới đã thành lập Viện nghiên cứu Trần Nhân Tông (Tran Nhan Tong Academy), và thành lập Giải thưởng Quốc tế Trần Nhân Tông hoà giải yêu thương, do Giáo sư Thomas Patterson làm Chủ tịch Viện nghiên cứu Trần Nhân Tông, và Chủ tịch Giải thưởng Quốc tế hoà giải yêu thương. Mục dích của Viện nghiên cứu Trần Nhân Tông trong tương lai sẽ thúc đẩy ứng dụng những tư tưởng nhân ái giàu trí tuệ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông vào cuộc sống, đồng thời quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Trần Nhân Tông trên toàn thế giới.
Thiền phái Trúc ra Lâm ra đời đã đánh dấu sự trưởng thành của trí tuệ dân tộc Việt Nam, sự trưởng thành thống nhất hệ ý thức thời Trần. Hai thiền sư kế tục sự nghiệp của Trần Nhân Tông là đệ nhị Tổ Pháp Loa (1284 – 1330), và Đệ Tam Tổ Huyền Quang (1254 – 1334), đã phát triển Thiền phái Trúc Lâm sâu rộng, xác lập được đức tin vững chắc trong ý thức văn hoá tinh thần của toàn thể dân tộc. Những nguyên lí cơ bản trong tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm có giá trị phổ quát toàn nhân loại. Luận điểm “Gặp ác diệt ác” của Trần Nhân Tông được quân dân nhà Trần vận dụng sáng tạo trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên – Mông xâm lược, và làm nên chiến thắng oanh liệt vang danh trong lịch sử dân tộc và trên thế giới. Những nguyên lí mang ý nghĩa triết học nhân văn sâu sắc của Trần Nhân Tông có tính xuyên văn hoá, xuyên không/thời gian lịch sử (Hoà quang đồng trần; cư trần lạc đạo). Xuất phát từ tư tưởng Hoà quang đồng trần, mà Thiền phái Trúc Lâm chủ trương thực hành lí tưởng Tam giáo đồng nguyên/Tam giáo tịnh hành triệt để.
Sau những biến động của lịch sử, vai trò của danh sơn Yên Tử với tư cách là tổ đình của Thiền Phái Trúc Lâm có phần sa sút nguyên nhân khách quan do giặc Minh xâm lược (1406) tàn phá. Nguyên nhân chủ quan, do nhà Lê (1428 – 1788), đặc biệt vào thời vua Lê Thánh Tông, không chú trọng Phật giáo, vì đã nâng Nho giáo lên vị thế độc tôn, đi ngược lại lí tưởng Tam giáo đồng nguyên/Tam giáo tịnh hành của Thiền phái Trúc Lâm.
Từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, thiền sư Chân Nguyên (1647-1726), xuất thân thuộc phái thiền Lâm Tế, đời thứ 36, về sau được truyền thừa y bát của Thiền phái Trúc Lâm, đã phục hưng danh sơn Yên Tử trên hai phương diện cơ sở vật chất (trùng tu xây dựng toàn bộ hệ thống sinh thái nhân văn chùa núi), và cơ sở tinh thần của Phật Pháp (phục hưng tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm). Thiền sư Chân Nguyên trực tiếp trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm. Trong thời gian trụ trì ở chùa Long Động thiền sư đã cho in khắc những trước tác của Trúc Lâm Tam Tổ.
Năm 1692, thiền sư Chân Nguyên được vua Lê Hy Tông (1663 – 1716), mời vào cung để tham vấn Phật pháp, vua khâm phục tài đức, ban cho thiền sư hiệu Vô Thượng Công và cúng dâng áo cà sa cùng những pháp khí để thờ tự.
Năm 1722, thiền sư Chân Nguyên được vua Lê Dụ Tông (1679 – 1731), phong chức Tăng thống và ban hiệu là Chính giác Hoà Thượng.
Trong thời gian từ năm 1666 đến 1726, thiền sư Chân Nguyên đã phục hưng và làm sáng danh tổ đình Yên Tử, làm sáng danh tư tưởng thiền học của Thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử văn hoá của dân tộc. Và quan trọng hơn nữa thiền sư đã đào tạo được những đại đệ tử chân truyền để gách vác trọng trách của mạnh nguồn tư tưởng triết học Thiền phái Trúc Lâm, những đại đệ tử ưu tú của thiền sư đều nổi tiếng thông tuệ là Như Hiển, Như sơn, Như Tùng.
Tư tưởng thiền học, tư tưởng triết học của Thiền Phái Trúc Lâm được phổ biến sâu rộng trong giới sĩ phu thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, bởi công trình/tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh nổi tiếng của Ngô Thời Nhậm (1746 – 1803). Ngô Thời Nhậm thi đỗ tiến sĩ thời Lê – Trịnh (1775), sau phò tá cho vua Quang Trung, được thăng thượng thư bộ Lại và thượng thư bộ Binh. Năm 1792, vua Quang Trung mất, Ngô Thời Nhậm chuyên chú nghiên cứu Phật học. Ông lấy pháp danh là Hải Lượng thiền sư, và tự nhận lấy sứ mệnh đệ tứ Tổ Thiền phái Trúc Lâm. Năm 1796 ông viết xong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ Nguyên Thanh. Tư tưởng chủ đạo của tác phẩm được ông vận dụng tư tưởng triết học của Nho giáo để luận giải minh định tư tưởng Phật giáo, mà cụ thể là tư tưởng thiền học của Thiền phái Trúc Lâm. Với tinh thần tiếp cận theo lối khảo luận truyền thống của hệ hình học thuật trung đại, Ngô Thời Nhậm đã cung cấp những góc nhìn có phần duy lí của Nho giáo, chứ chưa đứng trên lập trường nội tại của lối tiếp cận nghiên cứu truyền thống của Phật giáo. Tuy nhiên, đây cũng là một công trình có giá trị và ý nghĩa lịch sử độc đáo đối với sự khảo luận về tư tưởng thiền học của Thiền phái Trúc Lâm.
Vào thập niên tám mươi của thế kỷ XX, công tác nghiên cứu về Trần Nhân Tông và danh thắng lịch sử văn hoá Yên Tử được triển khai với quy mô mang tầm Quốc gia. Mở đầu cho công cuộc nghiên cứu này đánh dấu bằng Hội nghị khoa học Yên Tử do Bộ Văn hoá và Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 11 năm 1981. Tại Hội thảo khoa học Yên Tử lần thứ nhất đã tập hợp được mười ba bài tham luận có tính chất gợi mở định hướng nghiên cứu chuyên sâu. Các tham luận khoa học đều tập trung đánh giá về con người sự nghiệp của Vua Trần Nhân Tông, vai trò vị trí của Trần Nhân Tông trong lịch sử chống ngoại xâm và tác dụng của Thiền phái Trúc Lâm trong lịch sử văn hoá Việt Nam. Tính từ năm 1981 đến nay (2024), đã có 9 Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về danh thắng di tích lịch sử văn hoá Yên Tử và Trần Nhân Tông.
Danh sơn Yên Tử đã ghi dấu biết bao nhiêu cao tăng và danh nhân văn hoá, chính trị kiệt xuất từng tu học và thành danh, làm vẻ vang cho lịch sử văn hoá Việt NamTiêu biểu cho mô hình danh nhân văn hoá chính trị phải kể đến Đào Cam Mộc (984 – 1015), người đã góp phần quan trọng đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vị hoàng đế khai sáng triều Lý, mở đầu cho nền thịnh trị của hệ hình văn hoá Đại Việt. Danh nhân văn hoá chính trị thứ hai là Phùng Tá Chu (1186 – 1241), người đã cùng Trần Thủ Độ đưa Trần Cảnh lên ngôi vua, mở ra thời đại văn hoá phát triển rực rỡ, với hào khí Đông A, văn trị võ công hiển hách trong lịch sử dân tộc.
Danh Sơn Yên Tử từng là nguồn cảm hứng sáng tạo thi ca bất tận của đại thi hào, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi (1380 – 1442), và hoàng đế Lê Thánh Tông – vị chủ soái Tao đàn thế kỷ XV. Và hơn nữa các nhà bác học lừng danh trong lịch sử dân tộc ta như Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585), Lê Quý Đôn (1726 – 1784), Phan Huy Chú (1782 – 1840), đều ít nhiều có thời gian tham vấn học hỏi truy tầm tri thức với các bậc đại chân sư ở sơn môn Yên Tử.
Vùng đất danh sơn Yên Tử đã từng là đại bản doanh đóng quân của hai chị em nữ tướng Nguyệt Thai, Nguyệt Độ (bộ tướng của nữ tướng Lê Chân), tham gia cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng năm 39, chống quân Hán xâm lược).
Trong kháng chiến chống đế quốc Pháp (1946 – 1954), núi Yên Tử từng được Trung ương Đảng, Bác Hồ và quân Uỷ trung ương lựa chọn đặt sở chỉ huy chiến dịch đường số 18 (chiến dịch Hoàng Hoa Thám – 1951). Địa điểm đóng sở chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy tại phía trước ngôi chùa Gải Oan, nằm cạnh suối Hổ Khê, dưới tán rừng đại ngàn Yên Tử.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 – 1975), danh sơn Yên Tử được Trung ương Đảng, Bác Hồ và Bộ quốc phòng lựa chọn làm địa điểm huấn luyện bộ đội chiến đấu giai đoạn (1967 – 1975). Trung đoàn 5 (sư đoàn 350), của quân đội nhân dân Việt Nam, do đồng chí Giáp Văn Khương – anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân chỉ huy đã huấn luyện được 113 tiểu đoàn, quân số 72.000 chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam, chiến trường Lào và Cam Pu chia. Và trong số đó có 27.000 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Danh sơn Bảo Đài
Danh sơn Bảo Đài có độ cao tuyệt đối 500 m so với mực nước biển. Danh Sơn Bảo Đài từng được biết đến trong sách Giao châu ngoại vực ký. Theo nhà sử học Đặng Xuân Bảng (1828 – 1910), danh sơn Bảo Đài vốn là cơ sở của Đạo giáo từ thời Đông Hán (25 – 220), “khoảng đầu thế kỷ IV, danh sĩ, đạo sĩ Cát Hồng đã từng dựng am trên núi để luyện đan”.
Ba ngọn núi mà Cát Hồng từng dựng am đều được ghi chép là núi Bảo Đài. Ngọn núi Bảo Đài thứ nhất thuộc huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, ngọn núi thứ hai thuộc Đông Triều, Quảng Ninh, ngọn núi thứ ba thuộc Uông Bí, Quảng Ninh, tạo thành một tam giác cân, mà đỉnh tam giác thuộc về phía bắc, chính là ngọn núi Bảo Đài thuộc Hữu Lũng, Lạng Sơn. Ngọn núi Bảo Đài thuộc Uông Bí có hình dáng lăng trụ đứng, các nhà khoa bảng thường mô tả là giống như chiếc nghiên mực, còn dân gian gọi là núi Oản. Cấu tạo của ngọn núi Bảo Đài hoàn toàn bằng đá cát kết (sa thạch), trên núi có giếng nước ngọt và khoảng đất rộng hơn 20 ha, có thảm thực vật xanh tốt (rừng nhiều tầng). Theo mô tả của nhà sử học Đặng Xuân Bảng, khi cụ còn làm Án sát Quảng Yên (1864), Cụ đã nhiều lần điền dã nghiên cứu những tấm bia ký trên núi Bảo Đài. Bia ký trên núi Bảo Đài có nhiều mẫu tự khác nhau, nhưng cơ bản đã bị đập phá do giặc Minh xâm lược tàn phá vào đầu thế kỷ XV. Theo nhà khảo cổ học Giáo sư Phạm Huy Thông (1916 – 1988), và nhà ngôn ngữ học, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (1926 – 2011), mẫu tự khắc trên bia ký ở núi Bảo Đài là chữ Phạn (Pali), chữ Ba Tư cổ và số ít là chữ Hán.
Trên núi Bảo Đài trước năm 1945, còn dấu tích của đài thiên văn, Giáo sư Hà Văn Tấn (1937 – 2019), và Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934 – 2005), đã từng khảo sát đọc mảnh bia vỡ và dịch ra là Khâm thiên giám Bảo Đài sơn. Giới nghiên cứu sử học cho rằng rất có thể Đài thiên văn trên núi Bảo Đài do Đặng Lộ (chưa rõ năm sinh năm mất), một danh sĩ thời Trần kiêm nhà thiên văn học, theo lệnh vua Trần Thái Tông đã xây dựng Đài thiên văn trên núi Bảo Đài.
Vào đầu thế kỷ XIV, khi Thiền phái Trúc Lâm phát triển mạnh, đệ nhị Tổ Pháp Loa đã cho xây dựng hơn 800 ngôi chùa thuộc phạm vi không gian địa lí vùng Đông Bắc, do đó lớp văn hoá của Đạo giáo đã nhường chỗ cho lớp văn hoá Phật giáo (xét về mặt vật thể), thay thế.
Điểm quan trọng và có ý nghĩa tư liệu khoa học cung cấp dữ liệu cho mã ngành lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, đó là sự kiện đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912 – 1941), nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản Đông Dương, khi còn giữ chức vụ Đại diện của Xứ uỷ Bắc Kỳ (1930), hoạt động ở Đặc khu uỷ Hồng Gai – Uông Bí, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã từng sống và làm việc trên núi Bảo Đài hơn 3 tháng để chỉ đạo hoạt động cách mạng vùng mỏ.
Trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1951), danh sơn Bảo Đài được đích thân Bác Hồ, Tổng bí thư Trường Chinh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn, lựa chọn làm vị trí đóng đại bản doanh, sở chỉ huy của Đại đoàn 308/Đại đoàn quân tiên phong, do đồng chí Vương Thừa Vũ (1910 – 1980), làm Đại đoàn trưởng. Chính từ sở chỉ huy núi Bảo Đài, Đại đoàn quân Tiên phong đã tiến công đánh tiêu diệt đồn nhà máy lọc nước, đập nước, đồn cao núi Xống Trâu và đồn Bí Chợ thắng lợi. Sau đó Đại đoàn quân Tiên phong dịch chuyển sở chỉ huy về Đồng Châu Hố Sếu, Chí Linh để đánh đồn Bến Tắm.
Di sản văn hóa danh sơn Yên Tử và danh sơn Bảo Đài, trước hết có giá trị về kiểu địa mạo, địa hình, cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên, với lớp thảm thực vật rừng nhiệt đới nhiều tầng còn khá nguyên vẹn (nguyên sinh), tính đa dạng sinh học phong phú. Thảm thực vật xích tùng cổ kính, mà trong ngôn ngữ thông dụng vẫn gọi là đường tùng Yên Tử, là nguồn gene thực vật quý hiếm, đồng thời là tài sản văn hóa chung cực kỳ quý báu của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Về địa hình địa lí tự nhiên, di sản văn hóa hệ thống núi Yên Tử, Bảo Đài, có ý nghĩa chiến lược về mặt địa – quân sự, thuận tiện cho việc xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Hệ thống di sản văn hóa Yên Tử, Bảo Đài, không chỉ có ý nghĩa quân sự đơn thuần, mà nó trở nên có ý nghĩa văn hóa quân sự sâu sắc trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nhìn từ tính chất nội dung địa lí nhân văn, theo quan niệm của khoa địa lí phong thủy Phương Đông cổ quan niệm, hình thế sơn văn và thủy văn của hệ thống núi Yên Tử và núi Bảo Đài, được xem là một đại long mạch của sơn hệ/cánh cung Đông Triều (ở đây chúng tôi không bàn đến đúng sai, mà chúng tôi chỉ nêu ra một quan niệm có tính tham chiếu trong nghiên cứu khoa học). Các nhà phong thủy hằng ngàn năm qua đã coi mạch núi Yên Tử là thế long mạch cường kình hùng hổ từ trên cao vươn xuống thấp ẩm thủy (uống nước), ở suối Hổ Khê. Từ thời nhà Đường (618 – 907), Trung Quốc các học giả đương thời đã tổng kết danh sơn Yên Tử là một trong bảy mươi hai phúc bồn địa (tính cả không gian lãnh thổ của đế quốc Đại Đường, danh sơn Yên Tử là một trong bốn phúc bồn địa của châu Giao.
Di sản văn hóa Yên Tử, Bảo Đài có giá trị về lịch sử văn hóa, tín ngưỡng liên tục hơn 2000 năm nay, kể từ khi Arsaces đến Yên Tử tu tập thuyết pháp (209 Tr.CN). Nơi đã ghi dấu sự giao lưu văn hóa, cộng sinh văn hóa giữa Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Trong một không gian địa lí diện tích không lớn, nhưng đã tồn tại hai Tổ đình của Phật giáo và Đạo giáo. Trong truyền thống Thiền tông Việt Nam, Yên Tử được coi là Tổ đình sơn Thánh của Phật giáo, còn trong truyền thống Đạo giáo ở Việt Nam, Bảo Đài được coi là Tổ đình sơn Thánh của Đạo giáo.
Về văn hóa vật thể, di sản văn hóa Yên Tử, Bảo Đài đã từng hiện hữu hệ sinh thái nhân văn chùa, tháp và đạo quán phong phú đa dạng về kiến trúc và tạo hình, bởi dấu ấn nghệ thuật của nhiều triều đại/niên đại khác nhau.
Trong quá khứ, chùa Cả (chùa Hoa Yên), được lịch sử ghi nhận là uy nghiêm hùng tráng, trầm mặc tĩnh lặng nhất. Chùa Vân Tiêu được đánh giá là lộng lẫy, tiên cảnh bồng lai cực lạc. Chùa Bảo Sái được các sử gia và các nhà khoa bảng đại Nho bình chú là Trường thành chính trung khống bắc an bang định quốc.
Ngoài hệ thống sinh thái nhân văn chùa núi, di sản văn hoá Yên Tử còn sở hữu những vườn tháp/bảo tháp quý có kiến trúc tôn nghiêm, cất giữ xá lị của nhiều thế hệ cao tăng từng tu tập ở danh sơn Yên Tử. Tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc bảo tháp Yên Tử, thuộc về vườn tháp Huệ Quang. Điểm nhấn nghệ thuật và không gian kiến trúc độc đáo tôn nghiêm và hoành tráng nhất là tháp Tổ Huệ Quang, nơi cất giữ một phần xá lị của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tháp Huệ Quang do Vua Trần Anh Tông và Đệ Nhị Tổ Pháp Loa chủ trì xây dựng vào năm 1309, sau khi Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308). Trong Tháp Tổ Huệ Quang hiện còn lưu giữ pho tượng bằng đá cẩm thạch, thể hiện sinh động thần thái thiền sư Trần Nhân Tông trong trang phục Thượng toạ bộ, Phật giáo nguyên thuỷ. Theo giới nghiên cứu mỹ thuật trong nước và nước ngoài đánh giá, đây là pho tượng đẹp nhất trong lịch sử điêu khắc mỹ thuật Việt Nam. Pho tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tháp Huệ Quang thực sự trở thành báu vật quốc gia đặc biệt, cần được bảo vệ đặc biệt.
Trong tổng thể hệ sinh thái nhân văn chùa núi, di sản văn hoá vật thể của danh sơn Yên Tử, còn một bảo vật cực kỳ quan trọng, cũng được giới nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn nước ta đánh giá là báu vật di sản văn hoá lịch sử của Việt Nam. Đó chính là pho tượng An Kỳ Sinh/Arsaces bằng đá sa thạch trên đỉnh núi Yên Tử. Pho tượng An Kỳ Sinh/Arsaces, chính là bằng chứng vật chất cho sự tôn vinh tri ân, ghi nhận sự hiện diện của Ngài, thường hằng vĩnh cửu trong tâm thức người Việt Nam. Soi vào hiện thực đó, chúng ta cần đặt lại vấn đề nghiên cứu tìm hiểu, nhận thức mới về An Kỳ Sinh/Arsaces một cách nghiêm túc dưới góc độ của khoa học liên ngành hiện đại, tiến bộ nhất, nhằm giải đáp những khuất lấp về Ngài trong lịch sử văn hoá của dân tộc ta.
Ngoài những giá trị văn hoá vật thể, không gian danh sơn Yên Tử, Bảo Đài còn chứa đựng những giá trị văn hoá phi vật thể, đó là giá trị, thông điệp ý nghĩa của ngữ ngôn khắc trên các bia ký và trên những phiến đá sa thạch, với những mật ngữ mà hiện tại chúng ta chưa giải mã, chưa làm chủ được lĩnh vực tri thức ký hiệu học ngôn ngữ này. Về cơ bản các nhà ngôn ngữ học hiện đại đã xác định được các nhóm chữ viết ở các tảng đá sa thạch trên núi Yên Tử, Bảo Đài, thuộc hệ ngôn ngữ chữ viết Ba Tư (cổ), chữ Phạn (Pali) và chữ Hán. Cá biệt có cả nhóm chữ viết thuộc lớp văn hoá Tày – Thái (cổ). Với tư cách là khách thể/đối tượng nghiên cứu của các khoa học giáp ranh liên ngành, trong tương lai sẽ rất hấp dẫn và vẫy gọi các nhà nghiên cứu khoa học giải đáp.
Tiếp theo và quan trọng hơn hết đó là giá trị tự thân của tư tưởng triết học Thiền Phái Trúc Lâm, ở cấp độ bác học đó là lí tưởng tu thiền Phật tại tâm, theo quan niệm của Kinh Hoa Nghiêm “…hãy quán tính pháp giới tâm, tất cả đều do tâm tại”. “Tư tưởng Thiền Phái Trúc Lâm chú trọng tâm học, đề cao đối tượng chứng đắc, chủ trương phép tu tuỳ tục”. Cũng chính là tinh thần nhận thức của Đại chúng bộ (Đại thừa), thức tỉnh người tu thiền quy về bản tâm. Nguyên lí tu thiền tâm học cũng từng được Tuệ Trung Thượng Sĩ, thầy của Trần Nhân Tông di ngôn [“Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (Xoay lại chính mình, không thể hướng ra bên ngoài mà được)].
Còn ở cấp độ phổ thông, đại chúng chỉ cần tu thiền theo nguyên lí thập thiện mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông thuyết giảng theo ba nhóm chủ đề. Tu thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm. Tu khẩu: không nói dối, không nói lời chia rẽ, không nói lời độc ác, không nói lời dơ bẩn. Tu ý: không tham lam, không giận dữ, không tà kiến.
Tất cả pháp tu nhằm đạt lí tưởng sống cư trần lạc đạo, hoà quang đồng trần, và xuất xử hành tàng đều tuỳ duyên.
Giá trị văn hoá phi vật thể của Thiền Phái Trúc Lâm đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam và đã biểu hiện thành sức sống vĩnh cửu trong văn hoá dân tộc Việt Nam sâu sắc: Trăm năm tích đức tu hành/Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu (có dị bản là chưa đành quả tu). Tuy có phần thánh hoá, thiêng hoá, tuyệt đối hoá giá trị tư tưởng Thiền học Trúc Lâm, song nó vẫn phản ánh hạt nhân sự thật về tầm quan trọng của tư tưởng Thiền Phái Trúc Lâm trong đời sống tình cảm, đạo lí, lí tưởng đạo đức nhân văn của con người Việt Nam trong hệ ý thức dân gian.
2.2. Di sản văn hoá hệ thống chùa núi Bảo Quang, Đỉnh Hương
Từ đầu thế kỷ XX, khi Viện Viễn Đông Bác cổ (thành lập 1900), phát huy tác dụng tích cực và đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu Đông Phương học (dân tộc học, ngôn ngữ học, khảo cổ học, tôn giáo, lịch sử, địa lí…). Hệ quả tất yếu dẫn đến lực lượng, nhân sự người Việt Nam nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn cũng bắt đầu trưởng hành và làm chủ được những phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại.
Quan điểm mới của các nhà khoa học Việt Nam, từ thập niên sáu mươi của thế kỷ XX, đã từng bước khẳng định và chứng minh giả thuyết khoa học về sự du nhập Phật giáo vào nước ta. Theo kết quả nghiên cứu của Giáo sư Hà Văn Tấn và Giáo sư Trần Quốc Vượng đã chứng minh, khoảng từ (250 Tr.CN – 245 Tr.CN), một nhánh của giáo đoàn số 9 do Đại đế Asoka (304 Tr.CN – 232 Tr.CN), cử đi truyền bá Phật pháp đã đến châu Giao (miền Bắc Việt Nam). Hai Giáo sư chỉ rõ, giáo đoàn xuất phát từ Ấn Độ, đã men theo đường biển đổ bộ vào vịnh Hạ Long, tại đây giáo đoàn chia thành hai nhánh. Nhánh thứ nhất ven theo bờ biển ngược lên phía bắc tiến về Quảng Châu, nhánh thứ hai tiến vào vịnh cửa Lục thuộc châu Giao, và đóng cơ sở đầu tiên tại núi Mằn Sơn, Hạ Long, sau đó giáo đoàn tiến về vị trí vị trí núi Lôi Âm, Hạ Long. Từ núi Lôi Âm, đoàn truyền giáo tiếp tục hành tiến về núi Ba Vàng (tên Nôm thuộc lớp văn hoá Tày – Thái), tại đây các cao tăng đã dựng một ngôi chùa nhỏ và khắc chữ Phạn (Pali), lên những phiến đá sa thạch trên đỉnh núi, ghi lại hành trình vượt biển để phổ độ Phật pháp. Sau đó các vị cao tăng khắc bia ghi một số đoạn trong Kinh Hoa Nghiêm, và ghi tên núi Ba Vàng là Thành Đẳng, với khát vọng việc đổ bộ vào nội địa lãnh thổ của nhà nước Văn Lang đã thành công. Từ núi Thành Đẳng, giáo đoàn tiếp tục tiến đến vị trí chùa Quỳnh Lâm và theo đường sông Lục Đầu Giang tiến sâu vào vùng lõi của nhà nước Văn Lang, điểm dừng chân cuối của của giáo đoàn được xác định là vị trí núi Tam Đảo.
Nhánh thứ nhất tiến về Quảng Châu đã không thành công trong việc hoằng dương Phật pháp, do những điều kiện khách quan chủ quan của Trung Hoa lúc đó đang bước vào hồi kết khốc liệt của thời đại Chiến quốc (475 Tr.CN – 221Tr.CN), nước Tần đang mở rộng quy mô chiến tranh thống nhất Trung Hoa.
Những phát hiện khoa học của Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng, được dựa trên những thành tựu nghiên cứu tiên tiến hiện đại của ngành khảo cổ học, ngôn ngữ học lịch sử, với sự trợ giúp về khoa học kỹ thuật và sự cộng tác nhiệt tình tâm huyết của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu của Liên Xô (Cộng hoà Liên bang Nga). Với những bằng chứng khoa học mà Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng đưa ra, đã làm lay động lập trường khoa học của giới nghiên cứu sử học nước ta. Nhiều ý kiến của giới nghiên cứu đã mạnh dạn đặt vấn đề phải viết lại phần mở đầu lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Vào thế kỷ X, chùa núi Thành Đẳng đã có nhà sư trụ trì, đến thời Lý Anh Tông (1136 – 1175), chùa núi Thành Đẳng được triều đình nhà Lý quan tâm chú ý hơn, do chùa Thành Đẳng nằm trên tuyến đường bộ kết nối kinh thành Thăng Long với thương cảng Vân Đồn. Vào thời cực thịnh của Thiền Phái Trúc Lâm, chùa núi Thành Đẳng được Đệ Nhị Tổ Pháp Loa đặt tên là chùa Bảo Quang, tên núi giữ nguyên là Thành Đẳng, và cho xây dựng thêm chùa trên núi Đỉnh Hương (Bình Hương), hiện nay (2024), chùa núi Đỉnh Hương chỉ còn là phế tích.
Vào cuối thế kỷ XVII, thiền sư Tuệ Bích (1658 – 1757), đã trụ trì tại chùa Bảo Quang, thiền sư đã kế tục sự nghiệp của thiền sư Chân Nguyên, tiếp tục phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
2.3. Di sản văn hoá thành Uông, miếu Cao Linh
Năm 1973, khi Giáo sư Phạm Đức Dương (1930 – 2013), và Giáo sư Trần Quốc Vượng phát hiện được năm tấm bia cổ ở đền Thát Gừng, (Bắc Sơn, Uông Bí), trong một đợt nghiên cứu điền dã dài ngày trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đã hé lộ những bí ẩn về sự hiện diện của toà thành Uông trong lịch sử.
Theo kết quả nghiên cứu và giám định của các nhà khoa học, bước đầu đã xác định được nguồn gốc lịch sử và sự tồn tại của thành Uông. Trên thực tế, hồ sơ về thành Uông đã được Viện Viễn Đông Bác cổ nắm rõ từ năm 1916, người Pháp đã xác định chính xác vị trí của toà thành Uông, chính là vị trí nhà máy nhiệt điện Uông Bí hiện nay. Sự kiện phát hiện năm tấm bia ở đền Thát Gừng, có tác dụng tái khẳng định việc tồn tại thành Uông với bằng chứng vật chất cụ thể thêm phần thuyết phục giới nghiên cứu.
Vào năm 1149, khi vua Lý Anh Tông cho mở thương cảng Vân Đồn để phát triển giao thương quốc tế. Vấn đề đặt ra cần có sự giao thông thường xuyên an toàn từ kinh đô Thăng Long đến Vân Đồn và ngược lại. Vua Lý Anh Tông đã cho đặt các trạm ngựa, nhiệm vụ của các trạm ngựa là đưa thông tin về kinh đô, theo cách hành tiến tiếp sức cục bộ giữa các trạm từ Thăng Long về Vân Đồn. Theo tính toán của các nhà khảo cổ học và sử học ước tính cứ 15 km lại đặt một trạm ngựa và có quân lính địa phương đồn trú bảo vệ. Trong bối cảnh lịch sử đó, vị trí làng Uông được lựa chọn để đặt một trạm ngựa.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên – Mông, lần thứ hai, nhà Trần đã cho xây dựng thành doanh trại quân đội. Nhiệm vụ của đơn vị quân đội này thực hiện đảm bảo công tác hậu cần chiến dịch. Và khai thác gỗ trong cánh rừng Phượng Hoàng để phục vụ kế hoạch tác chiến đóng cọc gỗ xuống sông Bạch Đằng làm vật cản để tiêu diệt đoàn quân thuỷ thiện chiến của đế quốc Nguyên – Mông, do Ô Mã Nhi chỉ huy, khi chúng rút chạy từ sông Lục Đầu ra biển. Cụm di tích đền Thát Gừng (phường Bắc Sơn), đền Vua Bà, đền Quan Sơn (phường Quang Trung), là những điểm tập kết gỗ để vận chuyển ra sông Bạch Đằng. Vị trí đền Thát Gừng là quan trọng nhất vì là đoạn ngã ba sông và giữ thế yết hầu chặn cửa rừng. Vào thời nhà Trần lòng sông Uông sâu hơn ngày ngay (2024), tầm 3 mét, do đó thuyền nhẹ có thể đi vào đến bến sông đoạn cửa đền Thát Gừng. Năm 1916, các nhà nghiên cứu người Pháp đã tìm thấy nhiều hiện vật của quan đội nhà Trần và khẳng định doanh trại làng Uông chính là một trung tâm đóng thuyền rất lớn của quân đội nhà Trần.
Ngoài doanh trại đóng trên trạm ngựa làng Uông thời Lý, nhà Trần còn bố trí một doanh trại dự bị sâu trong cánh rừng đại ngàn Phượng Hoàng (phường Bắc Sơn). Vào thời vua Trần Anh Tông (1276 – 1320), đã cho dựng một ngôi chùa trên nền đất của doanh trại dự bị thời kháng chiến chống đế quốc Nguyên – Mông lần thứ hai (1288). Ngôi chùa được dân gian gọi là chùa Hồ, còn tên chữ của chùa là Phượng Hoàng.
Năm 1468, khi vua Lê Thánh Tông kinh lí An Bang và duyệt binh trên sông Bạch Đằng, Ngài đã ghé thăm đền Thát Gừng, sau khi ngắm phong thuỷ vùng đất làng Uông, trong mối tương quan với sông Bạch Đằng, Lê Thánh Tông đã quyết định cho đắp thành trên đất làng Uông, và đích thân Ngài bút phê tên thành Uông vào năm 1469. Thành Uông được đắp bằng đất cao 4,5 mét, có chu vi 1350 mét, biên chế 300 quân lính của triều đình thường trực đóng giữ, không kể dân binh sở tại. Từ thành Uông, theo đường thuỷ ra đến sông Bạch Đằng đoạn xã Điền Công chỉ tầm 10 km. Chính nhờ vị trí địa quân sự của thành Uông quan trọng như vậy nên vua Lê Thánh Tông mới có quyết định sáng suốt cho đắp toà thành quân sự đề phòng chiến tranh chống ngoại xâm.
Vào thời nhà Mạc (1527 – 1592), các đời vua nhà Mạc đều hết sức chú ý mở rộng và xây dựng thành Uông chắc chắn hơn. Thời vua Mạc Thái Tông (1500 – 1540), trị vì, Ngài đã cho xây thành Uông quy mô với chu vi lên đến 1860 mét, tường thành vẫn đặp bằng đất và có gia cố thêm đá cuội kè bao bề mặt, tường thành được đắp cao thêm 2 mét so với thời Lê Thánh Tông. Thành Uông được thiết kế có 5 cổng, cổng phía đông nhìn ra đền Thát Gừng, cổng tây nhìn ra miếu Chúa Năm Phương (phường, Quang Trung), cổng phía bắc nhìn về chùa Phổ Am, cổng đông nam nhìn về đền Quan Sơn, cổng tây nam nhìn về đền Sơn Lăng. Các công trình trong thành Uông được thiết kế xây những toà nhà bằng gạch đất nung, tổng thể đồ hình kiến trúc quay về phía nam. Phía đông thành Uông là một thuỷ trại quân sự với đoàn thuyền chiến tầm 12 – 15 chiếc, loại thuyền mười người chèo.
Năm 1592, khi nhà quân đội Lê – Trịnh đánh bại nhà Mạc, nhà Mạc lúc này phải rút chạy lên Cao Bằng, tồn tại đến 1677. Trong các chiến dịch tấn công quân đội nhà Mạc ở An Bang, quân đội Lê – Trịnh đã tàn phá hầu hết các thành quân sự của nhà Mạc, trong bối cảnh lịch sử đó thành Uông cũng bị tàn phá nặng nề.
Năm 1866, vua Tự Đức (1829 – 1883), cho xây thành Quảng Yên để làm lị sở của tỉnh Quảng Yên, đồng thời nhà vua cũng cho trùng tu thành Uông theo mô hình mặt bằng kiến trúc ban đầu nhưng tường thành, được đắp bằng chiều cao của thời vua Lê Thánh Tông (4,5 mét).
Trong công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 – 1929), người Pháp, đã xây dựng một số công trình công sở quản lí hành chính và doanh trại quân đội, đồn cảnh sát, đồn hiến binh… trên đất làng Uông thành một thị trấn để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa. Tuy nhiên người Pháp vẫn giữ nguyên sự toàn vẹn của thành Uông. Mặt bằng trong thành Uông được người Pháp sử dụng với các công năng là quảng trường, sân vận động, trung tâm triển lãm hội chợ và các sinh hoạt văn hoá công cộng…và mở toà án lưu động.
Trong Chiến dịch đường số 18 (Chiến dịch Hoàng Hoa Thám), bộ đội chủ lực quân đội nhân dân Việt Nam (một đơn vị thuộc Đại đoàn quân tiên phong), tấn công núi Xống Trâu, và uy hiếp thị trấn Uông Bí, quân Pháp trên đồn cao đã bắn hỏng nhiều hạng mục công trình nhà cổ trong thành Uông.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, vị trí thành Uông được các chuyên gia Liên Xô tư vấn, lựa chọn để xây dựng nhà máy nhiệt điện lớn nhất miền Bắc nước ta vào thập niên sáu mươi của thế kỷ XX. Lúc đầu Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn phân vân chưa quyết định việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Uông Bí trên diện tích mặt bằng thành Uông. Nhưng sau đó các chuyên gia đã lí luận rằng việc khảo sát thiết kế địa tầng địa chất để tìm một địa điểm khác sẽ phải thăm dò khảo sát đánh giá mất vài ba năm, cho nên sẽ không đảm bảo tiến độ cung cấp điện năng cho các ngành công nghiệp. Các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã dùng ngay kết quả thăm dò địa chất của người Pháp, và nhận thấy chưa thể tìm ra vị trí nào trên địa bàn Uông Bí tốt hơn vị trí thành Uông. Sau đó, khi luận chứng về công tác bảo đảm an ninh cho nhà máy trong điều kiện có chiến tranh, các hội đồng khoa học nhận thấy vị trí xây dựng nhà máy nhiệt điện Uông Bí ở đất thành Uông là lí tưởng nhất cho công tác bảo vệ nhà máy của các lực lượng phòng không, vì xung quanh nhà máy Uông Bí, ba mặt được che chắn bởi hệ thống núi cao, rất phù hợp cho pháo binh bảo vệ.
Cuối cùng ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn dặn. “Sau này thống nhất nước nhà, các cô, các chú phải tìm một địa điểm khác phù hợp, để phát triển công nghiệp điện năng”. Trên tinh thần đó, ngày 19 tháng 5 năm 1961, được khởi công xây dựng, đến ngày 18 tháng 1 năm 1964, khánh thành nhà máy.
Kể từ đây thành Uông chỉ còn trong sử sách, trong ký ức của nhân dân. Và thi thoảng khi có nhà nghiên cứu nào viết về trận chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân đội nhà Trần thì mới đề cập một cách hạn chế đến doanh trại làng Uông tức thành cổ làng Uông.
Di sản văn hoá lịch sử miếu Cao Linh
Di sản văn hoá lịch sử miếu Cao Linh, thuộc xã Điền Công, dân gian vẫn gọi là miếu Cu Linh. Vị trí miếu Cao Linh, vốn là nơi đặt sở chỉ huy tiền phương của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong chiến dịch Bạch Đằng năm 1288, tiêu diệt hoàn toàn đạo thuỷ binh thiện chiến của Ô Mã Nhi, trên đường hành quân rút chạy về nước. Nhiều nhà nghiên cứu thường lí giải đơn giản về nguồn gốc lịch sử miếu Cao Linh theo phương pháp folklore đơn thuần, cho nên đã làm giảm đi vai trò thông tuệ, thiên tài quân sự kiệt xuất của Đức Thánh Trần. Ngay cả đến nhóm các tác giả biên soạn Địa chí Quảng Ninh, cũng chỉ dừng lại ở mức kể truyện dân gian về việc ba vị Thượng đẳng phúc thần Cao Sơn, Quý Minh và Bạch Thạch, đã giúp Đức Thánh Trần phá tan giặc Nguyên – Mông trên sông Bạch Đằng. Và sau khi chiến tranh kết thúc thắng lợi Đức Thánh Trần cảm động công đức của ba ngài, nên đã tâu vua Trần Nhân Tông cho xây dựng miếu thờ.
Thật bình tâm và lí tính, khi chúng ta giải thích trên quan điểm khoa học lịch sử, với những dữ liệu lịch sử so sánh cụ thể, chúng ta nhận thấy, những câu truyện dân gian chỉ là sự thiêng hoá các vị thần và mặt khác, văn hoá dân gian cũng tỏ ra bất lực trước việc giải thích một hiện tượng văn hoá lịch sử.
Trở lại diễn biến vắn tắt trận Bạch Đằng (1288), khi đoàn thuỷ binh 5 vạn quân Nguyên – Mông, đi trên 600 chiến thuyền do Ô mã Nhi chỉ huy, từ căn cứ Vạn Kiếp tiến đến thượng lưu sông Đá Bạch, chúng đã cho thăm dò nhánh sông Giá, để rút lui nhanh hơn, nhưng quân đội nhà Trần đã tổ chức đánh chặn ở Trúc Động (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), buộc Ô Mã Nhi phải quay lại đi vào sông Đá Bạch, để tiến ra sông Bạch Đằng. Khi tiền quân của Ô Mã Nhi tiến đến đoạn đầu tiên của sông Bạch Đằng, và hậu quân của Ô Mã Nhi vừa vào hết địa phận sông Đá Bạch, đoạn Hang Son (Bảo Phúc Nham), núi Chu Cốc (quân đội nhà Trần mai phục trong hang), thì quân đội nhà Trần tấn công trên toàn mặt trận. Vấn đề đặt ra, phải có hiệu lệnh thống nhất cho việc hành động chiến đấu, vậy vị trí nào là nơi nổ phát pháo hiệu cho toàn quân biết. Trước đây, theo quan niệm truyền thống, một số nhà sử học thời nhà Nguyễn (1802 – 1945), cho rằng phát pháo hiệu nổ ra nhất định phải là trên núi Tràng Kênh (Hải Phòng), vì phía núi Tràng Kênh cao và có vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đóng quân trên núi chỉ huy. Tuy nhiên vào đầu thập niên hai mươi của thế kỷ XX, giả thuyết này đã bị bác bỏ. Quan điểm hiện đại đã khẳng định, chính những loạt pháo hiệu thông báo cho toàn quân biết trận đánh mở màn được bắn lên từ sở chỉ huy tiền phương của Đức Thánh Trần tại thôn Điền Công (vị trí miếu Cao Linh). Và các nhà sử học đã xác định được vị trí đại bản doanh của Đức Thánh Trần chỉ huy chiến dịch Bạch Đằng được đóng ở thôn Yên Trì, xã Hiệp Hoà, Quảng Yên. Còn trong quá trình tác chiến, sở chỉ huy tiền phương của Đức Thánh Trần linh hoạt cơ động bằng soái thuyền trên sông.
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên – Mông lần thứ ba (1288), kết thúc thắng lợi thuộc về quân dân quốc gia dân tộc Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông trực tiếp thực hiện biên soạn bộ sách Trung Hưng thực lục, để ghi chép nhân vật, sự kiện đã làm nên chiến thắng oanh liệt của Đại Việt và cho phép nhân dân tu sửa, tôn tạo các đền miếu thờ phụng những anh hùng nghĩa sĩ đã hi sinh trong ba cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên – Mông. Hưởng ứng tinh thần đó, những người chiến binh Đại Việt, giải ngũ được phân công ở lại lập làng khai khẩn ở thôn Điền Công, đã chủ động lập miếu thờ Đức Thánh Trần và phối thờ cùng các vị Thượng đẳng phúc thần Cao Sơn, Quý Minh và Bạch Thạch ở miếu Cao Linh, thôn Điền Công.
Về di sản văn hoá lịch sử Hang Son (Bảo Phúc Nham), cũng vậy, tuy trước đây ở Hang Son đã từng là cơ sở của Đạo Giáo, nhưng sau chiến thắng Bạch Đằng (1288), và nhất là khi Thiền Phái Trúc Lâm cực thịnh vào thời Đệ Nhị Tổ Pháp Loa, Hang Son đã trở thành cơ sở thờ Phật, và tín ngưỡng văn hoá dân gian (Bát Hải Đại Vương).
3. Phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hoá lịch sử vùng đất Uông Bí
Phát huy và bảo tồn di sản văn hóa là hai mặt của vấn đề không thể tách rời, có bảo tồn được tính toàn vẹn của nguyên thể (sự kiện, dữ liệu, hiện vật, văn bản, không gian phát sinh lưu giữ), hiện tượng văn hóa cụ thể trong không/thời gian lịch sử tốt nhất, sẽ là tiền đề tích cực hiệu quả cho việc phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Uông Bí ngày càng phát triển và thấm sâu vào đời sống tinh thần xã hội trên địa bàn Uông Bí nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung.
Quan niệm về bảo tồn theo khung khổ lí thuyết hiện đại, kinh nghiệm trên thế giới đã chỉ ra rằng, việc bảo tồn không thể cứng nhắc theo một công thức cố định, mà phải luôn luôn thích ứng biến đổi sáng tạo. Điều bất biến trong bảo tồn là không được tách rời, cô lập sự vật hiện tượng văn hóa ra khỏi không gian tồn tại vốn có của nó. Việc tách rời cô lập sự vật hiện tượng văn hóa, chỉ có thể áp dụng mang tính lâm thời đối với công tác triển lãm lưu động các hiện vật văn hóa. Trong công tác trùng tu tôn tạo các công trình văn hóa, nguyên tắc cơ bản là phải đúng với vị trí không gian địa lí tự nhiên, và mô hình, kích thước, hình dáng, màu sắc ban đầu mang tính lịch sử cụ thể của sự vật hiện tượng văn hóa đó. Còn đối với chất liệu, vật liệu trùng tu có thể thay thế loại hình vật liệu đồng chất, đồng dạng, còn lí tưởng nhất vẫn là sử dụng vật liệu chất liệu nguyên thể vốn có của hiện tượng văn hóa gốc nguyên bản. Tuy nhiên trong thực tế công việc bảo tồn văn hóa đối với loại hình văn hóa vật thể, các chuyên gia vẫn có thể linh hoạt trong một số trường hợp nhất định. Ví dụ trùng tu cột gỗ lim di tích chùa Tây Phương, các chuyên gia, đã sử dụng bằng gỗ táu, nhưng kích thước hình dáng tạo hình nghệ thuật vẫn đúng như nguyên bản gốc thế kỷ XVII. Hoặc trong việc tạc tượng thờ trong Phật điện cũng vậy, đối với những ngôi chùa làng quê trước đây các nghệ nhân dân gian thường tạc bằng gỗ mít, nhưng khi trùng tu bảo tồn, các nghệ nhân hiện đại đã thay thế bàng vật liệu gỗ tùng, gỗ bách xanh, gỗ pơ mu…v.v…. tuy nhiên vẫn phải ghi chú trong hồ sơ bảo tồn đó là phiên bản. Còn đối với công tác bảo tồn các hiện vật khảo cổ học thì không áp dụng nguyên tắc này được.
Đối với văn hóa phi vật thể (chữ viết, ca từ các làn điệu cổ), nhất định không được sửa lời trong công tác bảo tồn, mà phải tôn trọng triệt để tính nguyên thủy của sự vật hiện tượng văn hóa đó.
Xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về lịch sử, về mặt phương pháp luận, chúng ta có thể kết luận việc bảo tồn di sản văn hóa sẽ được bảo tồn theo hai nguyên tắc: bảo tồn định tính, bảo tồn định lượng.
Vận dụng những nguyên tắc trên vào việc bảo tồn di sản văn hóa vùng đất Uông Bí, chúng ta có thể tham khảo để áp dụng cho việc bảo tồn trùng tu hệ sinh thái nhân văn chùa núi Yên Tử, Bảo Đài, Đỉnh Hương, Phượng Hoàng. Và bảo tồn trùng tu đền Thát Gừng, miếu Cao Linh, chùa Hang Son, xứng tầm với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố Uông Bí trong tương lai và xứng tầm với lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Uông Bí là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Về cấp độ nhận thức chúng ta phải đặc biệt quan tâm ghi nhận tôn vinh giá trị di sản văn hóa vùng đất Uông Bí trong tâm thức như một tập quán văn hóa, như một hằng số văn hóa tốt đẹp, quý báu phải giữ gìn trân trọng.
Về cấp độ hành động, các cơ quan chức năng quản lí nhà nước về văn hóa cần ban hành những công văn, văn bản hướng dẫn đến toàn xã hội về ý nghĩa và giá trị của di sản văn hóa vùng đất Uông Bí. Và đề xuất tham mưu với Đảng ủy chính quyền những phương án làm lan tỏa giá trị di sản văn hóa sâu rộng trong quần chúng nhân dân lao động, nhằm hướng đến nhận thức chung, hành động chung về việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Uông Bí hiệu quả nhất.
Về công tác truyền thông quảng bá hình ảnh di sản văn hóa vùng đất Uông Bí cần vận dụng triệt để kỹ thuật công nghệ số, không gian mạng để giới thiệu những hình ảnh, hiện vật, dữ kiện, tư liệu, công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng tâm linh trên không gian mạng. Nói tóm lại là chúng ta phải số hóa được di sản văn hóa vùng đất Uông Bí, có làm được tốt việc số hóa, chúng ta mới lan tỏa được hình ảnh biểu tượng di sản văn hóa vùng đất Uông Bí ra thế giới. Hệ quả tích cực sẽ tác động trở lại, đó là viễn cảnh không xa trong tương lai gần, chúng ta sẽ thu hút được lượng lớn khách du lịch quốc tế đến với Uông Bí và họ là những người sẽ sử dụng các dịch vụ văn hóa thương mại của Uông Bí, góp phần nâng tổng thu nhập, doanh thu cho thành phố phát triển.
Về công tác phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Uông Bí theo chiều sâu và thực chất, chúng ta cần thực hành nghiêm túc những lí tưởng tốt đẹp trong tư tưởng triết học của Thiền Phái Trúc Lâm, mà trước hết là thực hành tư tưởng thập thiện mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã di ngôn cho chúng ta. Việc học tập và thực hành nghiêm túc triết lí cư trần lạc đạo, hòa quang đồng trần, của Phật Hoàng Trần Nhân Tông hoàn toàn phù hợp với tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế nhân văn phổ quát của nhân loại.
Công tác phát huy di sản văn hóa cần được nhận thức theo hướng: Vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đất Uông Bí là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của toàn xã hội.
Ý kiến đề xuất để thành phố Uông Bí phát triển bền vững
Mục tiêu phát triển bền vững chính là khát vọng muôn đời của nhân loại, xét về vĩ mô, phát triển bền vững chính là việc con người phải trả lời đáp án bài toán đa tiêu chuẩn, tựu chung thể hiện dưới dạng tổng quát: Mối quan hệ thân thiện giữa con người với môi trường sinh thái tự nhiên; Mối quan hệ thân thiện bao dung nhân văn giữa con người với con người; Mối quan hệ an lạc giữa con người với đời sống tinh thần của chính bản thân cá nhân con người.
Trước hết chúng ta cần phát triển trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, nhiều, nhanh, mạnh hơn nữa để tăng lớp thảm hệ thực vật bảo vệ bề mặt của vỏ trái đất.
Nhóm thực vật ưu tiên trồng sẽ là cây rừng bản địa Việt Nam. Đặc biệt chú ý phát triển rừng tre, trúc đa dạng về chủng loại.
Xây dựng đề tài nghiên cứu thí điểm nhân giống xích tùng Yên Tử để tạo ra một thảm thực vật xích tùng trên địa bàn miền núi Uông Bí. Và trong tương lai, cây xanh đô thị của Uông Bí phải được thay thế bằng xích tùng Yên Tử, vừa là cây di sản, cây văn hóa, vừa là cây biểu tượng của Uông Bí (xét trên một ý nghĩa nhất định, đây cũng chính là hành động phát huy, giá trị di sản văn hóa vùng đất Uông Bí).
Để phát triển Uông Bí bền vững trong tầm nhìn năm mươi năm, tầm nhìn một trăm năm, chúng tôi (Viện Nhân học Văn hóa), đề xuất với các cơ quan chức năng quản lí nhà nước có thẩm quyền, trong tương lai, khi nhà máy nhiệt điện Uông Bí hết khấu hao, chúng ta nên chuyển nhà máy nhiệt điện Uông Bí đến vị trí khác (…), quỹ đất của nhà máy nhiệt điện Uông Bí, nhà máy cơ điện, sẽ chuyển mục đích, công năng sử dụng, để xây dựng khu hành chính mới (lị sở của thành phố Uông Bí), về vị trí mà gần một nghìn năm qua, tổ tiên, ông cha chúng ta đã lựa chọn vùng đất thiêng, lành, nằm giữa trung tâm làng Uông cổ xưa.
Trong kế hoạch, quy hoạch thành phố Uông Bí xanh sạch đẹp, trong tương lai chúng ta cũng nên chuyển hệ thống giao thông tàu hỏa từ mỏ Vàng Danh ra cảng Điền công sang bờ đông sông Uông, tránh đi qua vùng lõi hạt nhân của đô thị Uông Bí, như hiện nay (2024).
Di sản văn hóa Uông Bí thời đại Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ đề cập đến trong một Hội nghị khoa học chuyên đề.
Chúng tôi trân trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản biện của công chúng/học giới, để chúng ta có nhận thức đúng đắn hơn nữa trong việc luận chứng khoa học khách quan, toàn diện về Uông Bí, nhằm làm cho lí luận về xây dựng phát triển Uông Bí bền vững ngày càng hoàn thiện.
Hà Nội, 23/5/2024
Tác giả: Nguyễn Văn Sơn