Sara Mills viết dẫn nhập cho một nhân vật quái đản Michel Foucault có phải bất khả? Nguyên tắc của thể loại dẫn nhập là quy giản tư tưởng của tác giả về một vài điểm chính, đối với một tác giả không thể tóm tắt mà không sợ làm xuyên tạc, cũng là bất khả?

Michel Foucault (1926 – 1984) là một triết gia từ chối tự gọi mình là triết gia, một lý thuyết gia chạy trốn việc bị định vào một trường phái, từ cấu trúc luận tới hậu cấu trúc luận, giải cấu trúc, hậu hiện đại, và một nhà phê bình chính trị từ chối cố định lập trường chính trị. Nói rộng, điều ông chất vấn, muốn đẩy tới cùng, không nhượng bộ, là cái lý của sự phân loại hiểu biết của con người.

Ông xét vậy đối lập với truyền thống triết học hệ thống Tây Âu từ thời Socrates, với những triết gia suốt đời dựng lâu đài triết học nhất quán, đồ sộ, có thể giải thích mọi sự trên đời. Hai triết gia tiêu biểu của truyền thống đó: thánh Thomas Aquinas (1225 – 1274) muốn thống nhất thứ triết học Hy Lạp bách khoa nhất là của Aristotle (384 – 322 TCN) vào trong thần học Kitô giáo nhằm diễn giải Kinh Thánh, và Hegel (1770 – 1831) gắng dựng một hiểu biết tuyệt đối khách quan của thế giới. Michel Foucault ngược lại không xem truyền thống ấy như chìa khóa của vấn đề, nhưng là bản thân vấn đề, bởi chúng không dùng tất cả khả năng nhận thức của con người mà khuôn ép nó đi theo một vài đường hướng nhất định, góp phần dựng những lý thuyết đơn tuyến. Việc của ông không gì khác là nghi ngờ bản thân truyền thống triết học hệ thống Tây Âu, đẩy xa hơn là chất vấn cái lý nơi những khuôn khổ của nhận thức, đồng thời suy nghĩ về những khả năng khác của nhận thức.

Sara Mills, Michel Foucault (Nguyễn Bảo Trung dịch, chú thích), Khải Minh Books & NXB Dân trí, 2021

Dự án tham vọng của ông – theo cuốn sách dẫn nhập Michel Foucault của Sara Mills, do Nguyễn Bảo Trung dịch, viết tựa, làm bảng thuật ngữ, rồi chú thích một cách phê phán – từ thập niên 1960 đã thu hút những người ngoài giới hàn lâm. Nhiều luận điểm của ông không thể tránh được, bị tách khỏi bối cảnh, được dùng và trích một cách độc lập và rộng rãi. Chẳng hạn, tính nặc danh của “diễn ngôn” (discourse, còn được nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng dịch là “định ngôn”) dẫn tới “cái chết của con người”, là hai luận điểm đi ra từ cuốn Trật tự các vật (The order of things) in năm 1966. Sự tình không làm ông phiền. Sara Mills trích lời ông trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde năm 1975: “[tác phẩm của ông] càng được mượn dùng theo những cách khác đi, mới hơn, khả biến hoặc không ngờ được bao nhiêu, thì tôi lại càng hạnh phúc bấy nhiêu”.

Vả lại, chính ông cũng lạc lối trong dự án của mình, khi ngập trong khối tài liệu khổng lồ nơi những thư viện và những trung tâm lưu trữ. Ông không xử lý tài liệu nghiêm ngặt như các sử gia nhà nghề, cho bằng bắt chúng phải nói ra những gì ông cảm thấy thiết thân – dẫu điều đó dẫn tới phản ứng gay gắt từ các sử gia, cho ông đã xuyên tạc tài liệu, và là kẻ giả dối nhất thế kỷ XX. Dù được ủng hộ hay bị phê phán, suốt sự nghiệp ông cắm đầu trong đống tài liệu, xử lý chúng không chỉ một lần nhưng trở đi trở lại. Cũng trong quá trình mò mẫn ông đã cố thủ tiêu ranh giới phân biệt các loại nhận thức cũng như các khoa học, dù chưa có sự phân biệt dự phòng như triết gia Rene Descartes (1596 – 1650) từng đưa ra đạo đức dự phòng trước khi tạo ra đạo đức mới. Hoạt động này ông gọi tên là “sự tò mò muốn biết”: “Sau cùng thì giá trị của sự ham muốn nhận thức là gì nếu nó chỉ đem lại một lượng nhất định nào đó của nhận thức có thể nhận thức chứ không, theo cách này hay cách khác… dẫn đến sự lạc lối của người nhận thức trong cánh đồng nhận thức của/về chính mình” (trang 41).

Như vậy Sara Mills viết dẫn nhập cho một nhân vật quái đản Michel Foucault có phải bất khả? Nguyên tắc của thể loại dẫn nhập dù gì đi nữa cũng là quy giản tư tưởng của tác giả về một vài điểm chính, đối với một tác giả không thể tóm tắt mà không sợ làm xuyên tạc, cũng là bất khả? Sara Mills đã làm hết sức để trả lời câu hỏi ấy. Trước nhất bà giữ nguyên tắc của thể loại: quy tư tưởng của Michel Foucault thành 9 từ khóa chính trong nhan đề 5/6 chương của sách: 1) Quyền lực và các thể chế (hay “các thiết chế”), 2) Diễn ngôn (hay “định ngôn”), 3) Quyền lực/Tri thức, 4) Cơ thể và Tính dục, 5) Truy vấn về tính chủ thể: Sự điên và bình thường. Bà tiếp đó gắng không đơn giản hóa suy nghĩ của Michel Foucault tới mức thủ tiêu những mâu thuẫn, tối nghĩa, không hoàn toàn nơi tác phẩm của ông. Ngược lại, bà trình bày trung thực chúng tới mức tự sự trình bày ấy đẩy chúng vào tình thế để lộ những điểm yếu, và bị chất vấn bởi các tác giả khác mà bà trích dẫn. Bà khi đó không đứng ra biện hộ cho ông, nhưng để ông tự trả lời, thông qua các tác phẩm và các phỏng vấn. Michel Foucault trả lời phỏng vấn năm 1983, một năm trước khi ông qua đời: “Khi mọi người nói, “Ồ, vài năm trước ông nghĩ thế này và giờ ông lại nói khác đi”, thì câu trả lời của tôi [Michel Foucault] sẽ là “Ồ, chẳng lẽ bạn nghĩ tôi phải làm việc ngần ấy năm trời chỉ để nói đi nói lại cùng một thứ và không đổi khác đi ư?”” (trang 37).

Hai hoạt động cơ bản của Sara Mills trong lúc viết quyển sách này chỉ có thể làm được khi am hiểu những nghiên cứu của Foucault và về Foucault. Bà tuy vậy không phải lúc nào cũng đúng. Dịch giả Nguyễn Bảo Trung đã chú thích không ít trích dẫn sai và luận điểm không thỏa đáng của bà. Chẳng hạn, đoạn trích của Foucault được bà lấy làm lời đề tựa cuốn sách, không phải trong tài liệu 1991a, nghĩa là bản dịch tiếng Anh cuốn Giám sát và Trừng phạt (mới có bản dịch tiếng Việt của Trần Thị Châu Hoàn và Nguyễn Ngọc Tuấn, Hoàng Hưng hiệu đính, NXB Tri thức in), cho bằng tài liệu 1991c, tuyển tập Hiệu ứng Foucault (Foucault Effect). Nguyễn Bảo Trung cho chỗ sai đó có lẽ ở lỗi đánh máy.

Sara Mills (sinh năm 1954) là Nguyên Giáo sư về Ngôn ngữ học tại Đại học Sheffield Hallam. Bà chú ý tới sự khác biệt và tương đồng giữa các hình thức diễn đạt ngôn ngữ học trong các ngôn ngữ khác nhau, cụ thể là trong quy chiếu tới những gì được xét là chính trị.” (giới thiệu về Sara Mills trong cuốn English Politeness and Class (2017) của cùng tác giả).

Dịch giả Nguyễn Bảo Trung đặt gần như toàn bộ phần chú thích của anh vào phần cuối quyển sách. Chúng có độ dài tương đương văn bản của Sara Mills, với 106 trang chữ nhỏ so với 150 trang chữ lớn hơn chính văn. Cách làm của Nguyễn Bảo Trung cho thấy anh tôn trọng và thừa nhận những việc Sara Mills đã làm cho Michel Foucault, nghĩa là thừa nhận những điểm tối nghĩa, chưa hoàn toàn trong tác phẩm của ông, chứ không lấy đó để phê bình triệt hạ.

Cách làm việc của tác giả Sara Mills và dịch giả Nguyễn Bảo Trung dường như đã cố tình tuân theo yêu cầu của Michel Foucault trong bài giảng tại Hội Triết học Pháp, 22/2/1969, “Thế nào là một tác giả?” (What is an author?). Tác giả, theo đó là một chức năng giúp tập họp các văn bản đã từng được viết ra, từ đó có thể phác thảo một lược đồ tiến trình phát triển suy nghĩ của anh ta theo đường thẳng tắp tới một cái đích tất yếu. Suy nghĩ của con người, theo Michel Foucault, ngược lại với lược đồ ấy: ngoằn nghòe, gấp khúc, có lẽ không tuân theo các luật của sự phát triển và tiến bộ, kể cả với tư tưởng của chính ông. Nếu trình bày quá trôi chảy suy nghĩ của Michel Foucault, mài nhẵn đi những tối nghĩa, mâu thuẫn của chúng, không khác gì đi ngược lại Michel Foucault. Con đường tóm lấy tư tưởng của ông qua một lượng nhỏ các từ khóa hay luận điểm chính trong cuốn sách dẫn nhập này là con đường tắt, không thể đưa tới suy nghĩ của Michel Foucault. Tác giả Sara Mills và dịch giả Nguyễn Bảo Trung thường trực cảnh báo những người muốn đi đường tắt: “Không có cuốn sách dẫn nhập nào nói cho bạn biết mọi thứ” (trang 32). Quyển dẫn nhập này xét đến cùng có chức năng an ủi người đọc bằng cách kể cho họ sự tò mò và can đảm dám biết của Michel Foucault, ròi khích lệ họ đối diện với các tác phẩm của chính Michel Foucault, với tất cả những điều chưa thể biết được.

Đăng Thành*

*Nhà nghiên cứu độc lập về cách tiếp cận cấu trúc luận, lịch sử học thuyết Marx tại Việt Nam, và lịch sử trí thức tại Việt Nam thế kỷ XX. Website: dangthanhsite.wordpress.com.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *