Nghệ An (Bao gồm Hà Tĩnh) đầu triều Lý là vùng đất cực nam của Đại Cồ Việt (sau 1054 đổi thành Đại Việt). Vùng đất phên dậu có vị trí quyết định đến sự hưng vong của đất nước. Do vậy, triều đình đặc cử các hoàng thân, quốc thích vào trấn trị: Lý Thái Giai, Lý Nhật Quang, Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt (Ngô Tuấn)… đã lần lượt kinh dinh đất xứ Nghệ.

Sự kiện đáng chú ý nhất là từ sau tháng 8 năm 1044 tại phủ lỵ Bạch Đường- Nghệ An, có ba vị hoàng tử của vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) là: Dực Thánh Vương Lý Phó, Đông Chinh Vương Lý Lực, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang cùng sống và làm việc. Vua Lý Thái Tổ có 6 hoàng tử:

-Khai Thiên Vương, huý Đức Chính, pháp danh Phật Mã làm thái tử.
-Khai Quốc Vương, huý Lý Bồ trấn giữ cố đô Hoa Lư.
-Võ Đức Vương, huý? Mất 1028.
-Dực Thánh Vương, huý Lý Phó.
-Đông Chinh Vương, huý Lý Lực.
-Uy Minh Vương, huý Lý Nhật Quang, pháp danh Phật Ân.

“Mồng 1 tháng 3, mùa xuân Nhật thực 1028 Lý Thái Tổ mất”, liền có biến loạn: Võ Đức Vương, Dực Thánh Vương, Đông Chinh Vương (Tam vương) kéo quân tam phủ vào tranh giành ngôi báu với anh là Thái tử Phật Mã. Lê Phụng Hiểu, Lý Nhân Nghĩa được Thái tử uỷ quyền dẹp loạn, Võ Đức Vương phải chịu chết tại trận, Dực Thánh Vương và Đông Chinh Vương trốn thoát được.

Đến ngày Kỷ Hợi, thái tử Phật Mã lên ngôi (niên hiệu là Lý Thái Tông), thì Dực Thánh và Đông Chinh đến cửa cung khuyết xin chịu tội, nhà vua xuống chiếu tha tội, lại cho khai lại tước vương. Từ đó, tại kinh thành Thăng Long vua- tôi, huynh đệ, quần thần dẹp oán vong để lo việc nước.

Di tượng thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang tại Đền Quả Sơn (Ảnh tác giả chụp năm 2008)

Để xác định thế đứng Đại Việt, dẹp yên bờ cõi Nam, đối phó với phương Bắc. Năm 1039 Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang được cử vào Nghệ An xây dựng lực lượng, chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo của Lý Nhật Quang, nên 1044 Lý Thái Tông chinh phạt Chiêm Thành đã giành đại thắng, ta diệt được Chúa Chiêm Thành là Sạ Đẩu (Quách Gia Di là người chém đầu Sạ Đẩu đem dâng), bắt được 5000 tù binh, thu nhiều vàng bạc… Khải hoàn trở về đến Nghệ An, vua cho vời Uy Minh Hầu đến uý lạo rồi trao Tiết Việt (tức là toàn quyền thay mặt triều đình hành xử phương Nam), gia phong tước vương (tước cao nhất), năm 1039 Lý Nhật Quang được phong tước hầu, năm 1041 nhận chiếu làm Tri Châu Nghệ An. Xét thấy cần tăng cường xây dựng Nghệ An, vua Lý Thái Tông đã giao cho hai em là Dực Thánh và Đông Chinh Vương ở lại phò tá cho Uy Minh Vương. Từ đó, ba anh em chung sức xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng biên viễn này của tổ quốc.

Mộ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang tại Đền Quả Sơn (Ảnh tác giả chụp năm 2008)

Uy Minh Vương Lý Nhật Quang- danh nhân lịch sử vĩ đại! Theo “Việt Điện u Linh” (1329) Lý Tế Xuyên (là quan Quản Giám Bách Thần), khi xếp truyện ông không xếp theo thứ tự thời gian, mà thần nào có công đức lớn hơn ông xếp lên trên. Truyện “Uy Minh Dũng Liệt Tá Thánh Phu Hữu Đại Vương” viết về Uy Minh Vương được xếp đầu tiên, trên cả thần Long Đỗ, Tô Lịch, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… “An Nam Chí Lược” (1333), Lê Tắc (một sử gia lưu vong) gồm 19 quyển, trong đó quyển thứ 15 về nhân vật chí viết rằng: “Danh nhân Đại Việt gồm 9 vị: Liêu Hữu Phương, An Trung Vương, Uy Minh Vương (Lý Nhật Quang), Lê Phụng Hiểu, Trần Lâm, Trần Toại, Trần Tấn, Lê Tần, Lê Văn Hưu”, cách đây khoảng 700 trăm năm Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã được coi là danh nhân Đại Việt. Phải chăng đó là cách đánh giá, nhận định toàn diện của thời bình? Thời gần với Uy Minh Vương? Sau này, thời kỳ đất nước chống ngoại xâm và do yêu cầu thực dụng chúng ta chỉ tập trung đề cao võ công, thiếu sự đánh giá toàn diện chăng?…

Lễ tế Uy Minh Vương Lý Nhật Quang tại Đền Quả Sơn (Ảnh tác giả chụp năm 2008)

Về bia ký: Sau khi đánh thắng giặc Minh, nhà Lê “Khảo Xét Bách Thần” thì Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được xếp vào vị thần bậc nhất Đại Việt… Có những câu đối cổ tại Đền Quả Sơn rất sát với lịch sử:

                           “Xã tắc nguyên thần hoàng Lý tử
                           Hồng- Lam cự khổn Quả Sơn thần”.

(Đại ý là: Hoàng tử (Lý Nhật Quang) là người tiêu biểu nhất trong triều Lý (tồn tại 215 năm), Thần Quả Sơn là vị thần đứng đầu vùng Nghệ Tĩnh).

Sự nghiệp của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang quả thật lớn lao, đáng kính phục. Thuở ông nhận chiếu rời Kinh thành Thăng Long vào xứ Nghệ, thì đây đang là vùng đất nghèo nàn, biến loạn. Và 16 năm sau trở thành một vùng đất phồn thịnh làm chỗ dựa cho Thăng Long, cho triều Lý và các triều đại về sau này. Để làm nên kỳ tích đó, Uy Minh Vương đã chủ trương và tổ chức thực hiện thành công hàng loạt vấn đề như:

Ông cho lập lại trật tự kỷ cương xã hội, giữ nghiêm phép nước, đề cao quản lý xã hội bằng bộ máy hành chính có hiệu lực, dựa vào bộ Hình Thư 1042 (Bộ luật đầu tiên của nước ta), dựa vào không khí chuẩn bị chiến tranh (1039- 1044) và phát huy khí thế chiến thắng Chiêm Thành (1044). Ông chăm lo phát triển kinh tế đủ các loại thành phần, nghề nghiệp. Đặc biệt, ông đã chủ trương khai hoang, lập ấp quy mô lớn, đắp đê sông Lam (tiền thân của đê 42 ngày nay), đào sông Đa Cái (nay thuộc xã Hưng Chính- Hưng Nguyên), khởi xướng đắp đê sông Lam, dạy dân trồng trọt và chăn nuôi. Tại Đền Quả Sơn thờ và rước hạt lúa tạc bằng gỗ, sơn son thiếp vàng to bằng cái mo cau- Đây là biểu tượng lòng tri ân của dân xứ Nghệ với Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Bên cạnh đó, ông còn chủ trương khuyến khích nghề Rèn, Mộc, Nuôi Tằm…

Hạt lúa thần được thờ tại Đền Quả Sơn (Ảnh tác giả chụp năm 2008)

Về Thương nghiệp (vào thời đó ít ai nghĩ đến, hầu như chưa có chủ trương nào về vấn đề này), nhưng Lý Nhật Quang đã cho mở nhiều chợ búa, bến sông, cửa biển, tiền đồng “Càn Phù Nguyên Bảo” và “Minh Đạo Thông Bảo” đúc vào thời đó, đã được dùng rộng rãi trên đất Nghệ An (các tiêu bản theo Đào Tam Tĩnh – Nhà nghiên cứu và sưu tầm tiền cổ, thì tìm thấy nhiều nơi trên đất Nghệ An)… Hiện tại, hình mẫu đồng “Tiền cổ” thời đó cũng đang được thờ tự tại Đền Quả Sơn. Có thể coi Lý Nhật Quang là người đầu tiên đề ra và thực thi việc khai thác một cách cơ bản vùng đất Nghệ An, làm bật dậy tiềm năng to lớn của xứ Nghệ.

Đồng tiền “Càn phù nguyên bảo” thời Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được thờ tại Đền Quả Sơn (Ảnh tác giả chụp năm 2008)

Uy Minh Vương Lý Nhật Quang còn là một danh tướng, ông đã kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng và đấu tranh ngoại giao. Ông cho mở các cảng biển dọc biển Thanh – Nghệ – Tĩnh, mở các tuyến đường Thượng đạo (tiền thân của quốc lộ 7 và quốc lộ 15 hiện nay), đóng nhiều thuyền vận tải đường sông. Vì thế, ông được xem là sư tổ của ngành giao thông vận tải Nghệ Tĩnh, tích luỹ lương thực vào hơn 50 sở kho… là để vừa phát triển kinh tế, vừa để củng cố quốc phòng. Ông còn trực tiếp cầm quân nhiều phen đánh giặc Lão Qua ở phía Tây, có lần thống lĩnh thuỷ quân vào Bình Định dẹp loạn theo sự cầu viện của chúa Chiêm Thành, và cũng được nhân dân Chiêm Thành lập đền thờ để ghi nhớ công ơn Ngài. Ông xây trại Bà Hoà “Thành cao, hào sâu”, thành lập đội quân “Nghiêm Thắng” thường trực bảo vệ phủ lỵ Bạch Đường. Để có lực lượng quân sự mạnh, ông đã cho kê khai dân đinh, thực hiện tuyển binh theo luật vương triều và thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông”…

Ông còn dùng ấn tín để phủ dụ các tù trưởng, thu hút họ về phía mình, mở mang được “5 Châu (đơn vị ngang với huyện bây giờ), 22 Trại, 56 Sách, số hộ là 46.450, số đinh là 54.346”. Nếu như chúng ta nghĩ rằng đây là con số hộ khẩu có tư cách nộp thuế ở Nghệ An, thì có thể suy ra rằng bấy giờ dân số Châu Nghệ An lúc đó phải đông gấp bội (theo lịch sử Nghệ Tĩnh, 1984), giữ yên được bờ cõi phương nam và cùng với việc người Chiêm Thành lập đền thờ ông tại núi Tam Toà, cạnh hồ Thị Nại (Quy Nhơn), tại làng Tam Thái (Quảng Bình). Điều đó, đã nói lên được tầm cỡ về tài ngoại giao của Uy Minh Vương như thế nào rồi.

Ông là người có công tìm, định phủ lỵ Bạch Đường. Năm 1010 vua cha (Lý Công Uẩn) với con mắt “xuyên cả không gian và thời gian” (Huy Cận) để định đô ở Thăng Long – Trung tâm của đất nước Đại Việt. Thì sau này, hoàng tử Lý Nhật Quang được vua cha “truyền cho đôi mắt ấy” để định phủ lỵ Bạch Đường – Trung tâm của xứ Nghệ lúc bấy giờ.

Sự tích “Quả Sơn Linh Từ”, ghi khá cụ thể:

“Ngài ở Châu 19 năm (tức là trước khi làm Tri Châu Nghệ An 16 năm, thì Lý Nhật Quang đã vào Nghệ An làm việc thu thuế 3 năm. Như vậy, tổng cộng là 19 năm), trừng trị bọn gian thần, khen thưởng người lành; khai khẩn đất hoang; chiêu mộ lưu dân… Bọn vô lại phải im hơi, người dân về với Vương được yên nghiệp. Người thường qua lại vùng này, vùng khác, dạy nghề làm ruộng, chăn tằm, trồng cây cối, nuôi gia súc, có nhiều chính sách làm lợi cho dân, làm cho nhân dân đoàn kết. Có người đến kiện tụng thì Ngài lấy đạo lý (liêm, sỉ, lễ, nghĩa) giảng dạy cho tự giác ngộ, ai nấy đều cảm hoá không bàn đến việc kiện cáo nữa”.

“Việt Điện U Linh Tập” ghi lại rằng: “Coi việc Châu ấy (Nghệ An) 16 năm, tiếng lành ngày càng vang  xa, nhân dân tin yêu, nay nghe tin Vương từ chức, dân tranh nhau níu xe, giữ ngựa, khóc lóc xin Vương ở lại”.

Bia đá tại Đền Quả Sơn (Ảnh tác giả chụp năm 2008)

Các bộ chính sử như: “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, “Việt Sử Thông Giám Cương Mục” xác nhận Lý Nhật Quang có công lớn khi bảo vệ và xây dựng biên cương phía Nam vững chắc. Đồng thời, ông đã chuẩn bị khá đầy đủ cơ sở hậu cần cho cuộc Nam chinh của Lý Thái Tông thắng lợi, từ đó địa bàn Nghệ An ngày càng được củng cố vững chắc.

Có thể nói tóm lại: Công lao của Lý Nhật Quang đối với xứ Nghệ của thời kỳ dựng nước quả là hết sức to lớn. Nhân dân xứ Nghệ khắp nơi lập đền thờ là một cách bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao đó. Trong ký ức và tâm khảm của nhân dân núi Hồng sông Lam, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là bất tử, rất xứng đáng là thành hoàng của cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay.

Uy Minh Vương Lý Nhật Quang qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân xứ Nghệ và nhân dân cả nước. Để tưởng nhớ công lao của vị danh tướng, danh thần kiệt xuất, đồng thời để tăng thêm hào quang cho vương triều mình, các triều đại đã lần lượt gia phong cho Lý Nhật Quang như:

Triều Lý: gia phong Uy Minh Hầu lên “Uy Minh Vương”.
Triều Trần: lần lượt gia phong đến “Uy Minh Dũng Liệt Hiển Trung Tá Thánh Phu Hữu Đại Vương”.
Triều Lê:
– Lê Thánh Tông (Lê sơ) phong tặng: “Tam Toà Quốc Chủ Thượng Đẳng Thần”.
– Lê Thần Tông (Lê Trung Hưng) phong tặng: “Hiển Linh Hộ Quốc Hồng Huân Đại Vương”.
– Triều Nguyễn (dưới triều Khải Định) sắc phong hiện đang còn: “Tam Toà Tá Thánh Đại Vương Thượng Đẳng Thần”

Nhân dân lại suy tôn Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là: “Thượng, Thượng, Thượng Đẳng Thần”.

Tên tuổi của ông, công đức của ông đời đời được ghi trong lòng người dân xứ Nghệ nói riêng và toàn dân tộc Việt Nam nói chung:

            “Tiết liệt tráng sơn hà hoàng Lý dĩ lai lưu chính khí
            Huân danh thuỳ vũ trụ Hoan nam tuỳ tại mộc cao ân”.
           (Tiết liệt sáng sơn hà, từ đời Lý đến nay còn lưu chính khí

  Huân danh trùm vũ trụ, châu Hoan ở phương nam muôn nẻo đội ơn cao.

Tài liệu tham khảo:
1. Phan Huy Chú (1960), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Sử học, tập 1.
2. Bùi Dương Lịch (1993), Nghệ An ký, Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội.
3. Khâm định việt sử thông giám cương mục (1986), Nxb Giáo dục Hà Nội, tập 1.
4. Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (1981), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Bùi Thiết (1993), Từ điển hội lễ Việt Nam, Nxb Văn hoá Hà Nội.
6. Hoàng Hữu Yên (1988), Đền Quả Sơn, Nxb Nghệ An.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *