Đạo hành binh quý nhất là đặt địa lợi, địa lợi không rõ thì rất khó ra quân kỳ, đặt quân phục.

Khi văn chương hòa quyện với lịch sử, những trang viết không chỉ dừng lại ở việc miêu tả sự kiện mà còn mang đến những góc nhìn, cảm nhận và triết lý sâu sắc. Văn chương lịch sử mang sứ mệnh đưa người đọc trở về quá khứ, thao thức cùng những nhân vật lịch sử, cảm nhận những đau thương, vinh quang, và những bi kịch của thời đại. Những câu chuyện lịch sử được tái hiện dưới ngòi bút văn chương không chỉ làm sống lại những khoảnh khắc đã qua mà còn làm cho lịch sử trở nên gần gũi, sống động và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Ảnh 1: Tiểu thuyết Ngô Vương của Phùng Văn Khai in trên thời báo Văn học Nghệ Thuật

Có lẽ, đó cũng là sứ mệnh mà nhà văn Phùng Văn Khai đã gắn bó trong quãng thời gian vừa qua. Chưa đầy 10 năm, ông liên tục cho ra mắt nhiều bộ tiểu thuyết văn học lịch sử nổi tiếng như “Phùng Vương” (2015), “Ngô Vương” (2018), “Nam Đế Vạn Xuân” (2020), “Triệu Vương phục quốc” (2020), “Lý Đào Lang Vương” (2021), “Lý Phật Tử định quốc” (2022), “Trưng Nữ Vương” (2 tập, 2023), và nhiều tác phẩm khác. Trong số đó, tiểu thuyết “Ngô Vương” được bình chọn đạt giải thưởng Hội Nhà Văn giai đoạn 2014 – 2019, một thành quả danh giá minh chứng cho quá trình khảo cứu, tìm tòi và sáng tạo không ngừng nghỉ của nhà văn.

Tác phẩm Ngô Vương được viết theo lối tiểu thuyết chương hồi, gồm mười tám hồi và một hồi mở đầu do nhà văn Phạm Lưu Vũ đặt bút dành tặng. Trọng tâm tiểu thuyết “Ngô Vương” khắc họa cuộc đời và sự nghiệp Ngô Quyền, vị anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Tác phẩm diễn ra trong bối cảnh đất nước rơi vào thảm cảnh thù trong giặc ngoài. Mang trong mình dòng máu anh dũng của quê hương, Ngô Quyền đã hoàn thành đại nghiệp thống nhất giang sơn, dẹp yên khắp cõi, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập tự chủ của dân tộc. Tác phẩm không chỉ tái hiện những trận chiến khốc liệt mà còn đi sâu vào tâm tư, tình cảm của các nhân vật. Từ đó truyền tải thông điệp về tinh thần đoàn kết, ý thức dân tộc và đưa người đọc chạm vào mạch nguồn văn hóa Việt. 

Đọc Ngô Vương, ta sẽ có dịp khám phá dụng ý văn chương hết sức thâm sâu của nhà văn. Tiểu thuyết không chỉ dừng ở việc tìm hiểu các sự kiện mà còn khám phá lớp lớp ý nghĩa, tư tưởng và nỗi thao thức mà tác giả muốn truyền tải. Đây có thể là những suy tư về cuộc sống, những triết lý về nhân sinh, hay những lời khơi gợi hành động vì một mục tiêu cao cả. Thông điệp này thường được truyền tải tinh tế, không trực diện, đòi hỏi người đọc phải suy ngẫm và cảm nhận sâu sắc.

Công việc của nhà văn không chỉ dừng ở việc viết nên những trang sách hấp dẫn, mà còn đảm bảo tính chân thực của lịch sử. Do vậy, nhà văn Phùng Văn Khai đã đặt mình vào vị trí của một nhà nghiên cứu, tìm kiếm và thu thập thông tin từ thư tịch, tài liệu, di tích và các lời kể dân gian. Việc hư cấu trong tác phẩm văn học lịch sử cốt yếu là để tôn lên tinh thần dân tộc, làm nổi bật những giá trị văn hóa và nhân văn của dân tộc. Trong trận thủy chiến do Ngô Quyền thống lĩnh đánh quân xâm lược Lý Tiến, nhà văn cho rằng “đám binh lính phương Bắc vốn không thạo sông nước[1]. Tuy nhiên, chi tiết này nếu được nhìn nhận lại sẽ nhận thấy rõ hơn sự đối đầu giữa hai thế lực hầu như đều có lợi ở trận địa trên thủy. Sự thất bại của đội quân Lý Tiến không phải do tiềm lực thiếu thốn, quân binh hạn hẹp, sở đoản trên thủy, mà là do thiếu tinh thần chính nghĩa và ý chí chiến đấu. 

Tại Trung Quốc, năm 907 nhà Đường sụp đổ, đế chế rộng lớn này lâm vào thế phân chia cát cứ thành cục diện Ngũ đại – Thập quốc. Quốc gia Nam Hán dưới sự trị vì của hoàng đế Lưu Cung là một trong mười nước của cục diện này, địa bàn gồm tỉnh Quảng Đông và một phần Quảng Tây, Phúc Kiến. Từ thời Đường, “con đường tơ lụa trên biển” đã phát triển mạnh và Nam Hán nằm trên hải trình quan trọng này, do đó quốc gia Nam Hán có đủ điều kiện thuận lợi để mở mang và giàu mạnh. Đây là khu vực kinh tế phát triển, bờ biển rộng, quan hệ giao thương đa dạng. Đồng thời, cư dân vùng này lại thạo nghề sông biển và giỏi đóng thuyền. 

Trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng chép Lưu Cung nhận thấy “lợi ở chiến thuyền”, cho nên sau này trong trận Bạch Đằng vua Nam Hán chủ yếu dùng thủy chiến để phát huy thế mạnh. Do vậy, các trận địa trên thủy chắc chắn là thế mạnh của đội quân Nam Hán lúc bấy giờ. Tuy nhiên, mặc cho sức mạnh oai dũng, quân Nam Hán vẫn không tài nào địch nổi binh quân Ngô Quyền. Chi tiết này nếu được nhìn nhận lại sẽ càng tỏ rõ uy vũ bất năng khuất, tài thao lược binh quyền của Ngô chủ tướng và tinh thần quật khởi của nhân dân Việt Nam thuở bấy giờ. 

Ảnh 2: Nhà nghiên cứu Thái Hải Đăng

***

Thật thiếu sót nếu không minh biện tài thao lược của Ngô Nguyền dưới ngòi bút của nhà văn Phùng Văn Khai. Khi còn là tướng sĩ dưới trướng Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền đã đối mặt với yêu cầu chiến địa đòi hỏi phải dụng kế liên hoàn thủy bộ, đốt chiến thuyền và xua voi trận đánh vào trại quân Nam Hán. 

Đang vào mùa nước sông dâng cao, việc đưa voi lên thuyền chèo ngược dòng trở nên vô cùng thách thức. Trung bình một con voi trưởng thành nặng khoảng 4-5 tấn, và việc di chuyển ngược dòng nước là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Thách thức đặt ra cho Ngô Quyền là phải đưa đủ số lượng voi chiến đến kịp lúc trận địa trên bộ diễn ra theo kế hoạch. Còn ở trận địa “trên giấy”, nhà văn không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào. Ông không cho phép những yếu tố hoang đường như voi biết bay, nước đổi dòng, hay thần thánh can thiệp. Thay vào đó, ông để Ngô Quyền – một con người bằng xương bằng thịt giải quyết bài toán khó khăn này. Ngô chủ tướng đã khéo léo dùng nhiều ngựa chiến buộc dây chão lớn kéo chiến thuyền ngược sông, kịp giờ hẹn trước với Phạm Bạch Hổ

Nhà văn Phùng Văn Khai không để họ Ngô bất chợt tài ba, bất chợt anh dũng hay bất chợt nhanh trí trong trận Bạch Đằng sau này. Ông đã xây dựng một quá trình phát triển nhân vật rất “người ta” để tạo nên thành quả đó. Ngô Quyền không chỉ là một vị tướng tài ba mà còn là một người có khả năng ứng biến và giải quyết vấn đề thực tế xuất sắc. Điều này minh chứng rằng, chiến thắng của Ngô Quyền tại cửa sông Bạch Đằng sau này không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của quá trình rèn luyện và phát triển bản lĩnh qua nhiều thử thách cam go.

***

Phân đoạn Ngô Quyền đưa ra quyết định xuất quân và dẫn dắt binh tướng hỏi tội Kiều Công Tiễn diễn ra với tốc độ nhanh chóng và đầy quyết đoán, điều này tạo nên một điểm nhấn mạnh mẽ trong tácphẩm. Tuy nhiên, cách miêu tả này cũng mở ra những tranh luận về tính cách và chiến lược của Ngô Quyền.

Phép binh gia đời nào cũng vậy, tướng sĩ các nơi được phân định ranh giới rõ ràng, mỗi lần động binh ắt phải nghĩ đến máu đổ thịt rơi. Việc họ Ngô di binh từ Ái Châu (khu vực Thanh Hóa ngày nay) ra Long Biên nhanh chóng là một bước đi hết sức quan yếu, thậm chí quyết định vận mệnh binh nghiệp của ông. Phải chăng đây là bước đi liều lĩnh?

Ngô Quyền trưởng thành trong chiến trận, trước hết ông đã hiểu rõ tình trạng phân tranh cát cứ, chiếm đoạt binh quyền, giết chủ soái hồng giữ ngôi cao là chuyện không hiếm của binh gia. Vì vậy, việc kéo quân ra Bắc thảo phạt nghịch thần Kiều Công Tiễn không chỉ đơn giản ở việc tình riêng. Hành động họ Kiều hành thích Dương Đình Nghệ không nằm ngoài một vụ ám sát cá nhân, ám sát cha vợ Ngô Quyền, đây còn là hành động đe doạ đến sự ổn định và an ninh đất nước. 

Bối cảnh Giao Chỉ lúc bấy giờ, sau khi tướng lĩnh họ Khúc bị bắt về Nam Hán, Dương Đình Nghệ được suy tôn kiêm quản thành Đại La. Khắp nơi vẫn có lực lượng chiếm giữ các vùng rộng lớn mà thủ lĩnh là các vị hào trưởng, châu mục, lão trượng. Đơn cử như họ Ngô ở Đường Lâm, họ Kiều ở Phong Châu (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây xưa, nay là Hà Nội), họ Đinh ở Hoa Lư (Ninh Bình), họ Dương ở Dương Xá (Thiệu Hóa, Thanh Hóa)… Ngô Quyền trước hết đã nắm rõ đâu là cừu địch, đâu là đồng minh, và tương quan lực lượng giữa quân đội Ái Châu và Phong Châu. Việc động binh nhất định phải nắm chắc phần thắng, phải vạn toàn, không được làm thử.

Sau phép “liệu thế giặc”, đến kế “dụng lòng dân”. Kiều Công Tiễn thất bại là do say mê bả danh quyền trong khi đức nhân chưa bao phủ rộng khắp, tham vọng to lớn nhưng tài trí còn hạn hẹp nên không thu phục được lòng người. Yếu điểm Công Tiễn lại là thế mạnh của Ngô Quyền. Để củng cố thêm sức mạnh thảo phạt Công Tiễn, Ngô Quyền muốn tập trung các tướng lĩnh và các thế lực địa phương thì phải có một ngọn cờ chính nghĩa. Chỉ có chính nghĩa mới có thể khích lệ ba quân, nâng cao sĩ khí, được chính khí dẫn dắt. Ngọn cờ ấy được nhà văn sáng tạo bằng một văn bản Hịch tố cáo Công Tiễn, nhiếp phục lòng người.

Hịch văn ra đời như bản cáo phó đính trên áo quan chờ sẵn kẻ phản tặc. Lời văn gãy gọn, hàm súc, lý lẽ sắt bén. Trước là phép “tâm thuật” nhằm nuôi chí căm phẫn của tướng sĩ đối với Công Tiễn, sau là kể tội kẻ nghịch thần làm rối loạn cương thường, kêu gọi nhân dân và binh sĩ cùng nhau hiệp lực diệt trừ phản tử.

Một mặt chỉa vào tội ác Kiều Công Tiễn, hịch văn còn hàm chứa thâm ý sâu sắc về đạo làm người mà nhà văn Phùng Văn Khai đã mượn lời Ngô chủ tướng bày tỏ. Thứ nhất, Kiều Công Tiễn “vì tham hư danh đã ủ mầm phản loạn”, cảnh báo người đời về bả vinh hoa dễ đưa người ta vào chỗ phản nghịch, muôn dân căm ghét, tiếng xấu muôn đời. Thứ hai, “trước là giữ giềng mối cương thường của nước, sau là tỏ rõ tấm lòng trung hiếu với Dương gia”. Há chẳng phải việc nước đặt trước việc nhà, việc đại nghiệp đôi khi cần đặt trước tấm lòng riêng hay sao? Thứ ba, “người Phong Châu là cùng một nước không được giết bừa”, thể hiện tinh thần dân tộc cao cả: “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Ngô Quyền thảo hịch diệt phản tử đất Phong Châu chớ không diệt người Phong Châu. Đây là lời khẳng định tính nhân nghĩa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam đã có tự muôn thuở ngàn xưa.

***

Trận Bạch Đằng đại chiến, từ lúc chiêu binh tìm cọc, tinh thần đoàn kết vô bờ của quân dân nước ta đã được thể hiện rõ nét. Bất luận giàu nghèo, bất luận tình riêng, lợi ích cá nhân đều nhường chỗ cho lợi ích dân tộc. Hễ ai mang dã tâm chạm đến cương vực quốc gia với ý đồ xâm phạm bờ cõi, nhân dân trong nước sẽ nhất thể đồng lòng hướng tâm diệt giặc. “Có những nhà cự phú xung quanh thành Đại La hiến nguyên cả bè gỗ lim lớn đang chuẩn bị làm nơi thờ tự”. Những vật liệu quý giá như gỗ đá dùng để xây cất đình làng cũng được tạm hoãn để trưng dụng làm cọc.

Chi tiết này dấy lên luồng tranh luận. Cột đình, cột làng, cột xây nơi thờ tự thuộc chốn linh thiêng, tồn tại sâu sắc trong đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Trưng dụng những vật liệu này khiến ta không khỏi suy nghĩ: Phải chăng nhà văn đưa Ngô Quyền vào chỗ tội nhân, phá dỡ đền đài, xâm phạm thần linh?

Tuy nhiên, cách hiểu như vậy có phần thiển cận. Chi tiết “mượn tạm cọc gỗ” tựa như điển tích “ngọn lửa Prometheus” trong thần thoại Hy Lạp. Nếu thần Prometheus trộm lửa Trời trao cho loài người, thì ở đây Ngô Quyền mượn cọc của thần tiêu diệt kẻ xâm lăng. Cả hai đều là biểu tượng của ý chí bất khuất và khát vọng tự do. Việc tạm hoãn xây nơi thờ tự để bảo vệ đất nước chính là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước của nhân dân. Mỗi khi đất nước gặp cuộc quốc biến gia nguy, không chỉ nhân dân nhất tề đứng lên chống giặc ngoại xâm mà các vị thần linh bảo vệ tộc Việc cũng ra mặt phò trợ. Đền đài miếu mạo là nơi thần ở, nếu mất nước thần sẽ ở đâu?

Huyền thoại nhân gian Việt Nam để lại nhiều truyện kể, như Tản Viên Sơn Thánh thị uy trước Cao Biền khiến họ Cao sợ hãi chạy về phương Bắc, hay truyện thần Đồng Cổ báo mộng phò trợ Lý Phật Mã trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành vào thế kỷ XI. Trong tiểu thuyết, nhà văn cũng nhắc đến việc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng báo mộng giúp binh quân Ngô Quyền phá giặc. Vì vậy, không thể nói họ Ngô xâm phạm thần quyền; trái lại, ý thức dân tộc được nâng lên tầm cao mới, đó là sức mạnh tương thông, người thần hòa hợp.

Lịch sử đã trải qua hàng ngàn năm mà chính sử chỉ ghi lại đôi dòng sơ sài, nhà văn Phùng Văn Khai hiểu được nỗi lòng ấy và đón nhận sứ mệnh đưa “bút pháp thành binh pháp” thuyết phục nhân tâm. Sáng tạo việc chọn cọc đã khó, nay phải đóng cọc giữa dòng Bạch Đằng rộng lớn ra sao để người đời cảm nhận còn khó khăn gấp bội. Sau khi khảo sát địa thế, Ngô chủ tướng đã cho đắp nổi sa bàn mô phỏng thế trận, nắm bắt tường tận quy luật của thủy triều và bắt đầu hạ cọc xuống lòng sông. Các binh gia, tướng sĩ và cả thường dân đã dũng cảm dầm mình dưới biển suốt mấy ngày liền, chịu đựng tiết trời mùa đông lạnh buốt của miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ cho việc thần tốc đóng cọc.

Bên cạnh tài trí văn chương, nhà văn còn thể hiện bản lĩnh của một nhà quân sự thực thụ, điều này giúp phân đoạn đóng cọc trở nên hết sức tài tình. Nếu không nói đây là tiểu thuyết đã được hư cấu, có lẽ người đời sẽ tin rằng chi tiết này là một sự thật lịch sử.

Đại thắng Bạch Đằng chỉ giới hạn trong một con nước, từ lúc nước triều lên cho đến lúc nước triều xuống thấp nhất. Với chế độ nhật triều ở vịnh Bắc Bộ, thời gian đó chỉ khoảng nửa ngày đêm. Nếu nói đây là một trong những chiến công đầu tiên theo lối đánh nhanh thắng nhanh của quân dân ta cũng không ngoa. Đạo hành binh quý nhất là đặt địa lợi, địa lợi không rõ thì rất khó ra quân kỳ, đặt quân phục. Vậy mà Ngô Quyền đã khéo léo dụ giặc từ chỗ “thông địa” ngoài biển khơi vào chỗ “tử địa” phục binh bốn phía, dụng được thiên địa, thủy thổ tuần hoàn mà đưa giặc từ chỗ uy vũ ngất trời trở thành kẻ bại binh nhuộm máu Đằng Giang. Há chẳng phải cướp trí khôn tạo hóa mà tạo nên cơ nghiệp vĩ đại cho dân tộc hay sao!

***

Tiểu thuyết Ngô Vương thể hiện rõ nét tấm lòng của nhà văn Phùng Văn Khai, một nhân sĩ yêu nước tha thiết, có tình cảm đặc biệt với văn hóa và lịch sử nước nhà. Giữa những diễn biến phức tạp trong tâm lý nhân vật và các trận chiến ác liệt, ông vẫn không xa rời nhân dân và đời sống thường nhật của họ. Nhà văn khắc hoạ sinh động và sắc nét những tập tục, văn hóa của người dân bản địa lúc đương thời. 

Nhà văn mô tả món cơm nếp cá rô ở vùng đầm Dạ Trạch như “người nhà nghề”, cho thấy sự am tường đến mức thành thạo của tác giả về ẩm thực địa phương. Có những món ăn gắn liền với đời sống cư dân bản địa dần mất mát trong cuộc sống hiện đại. Phải là người có lòng với văn hóa mới có thể diễn tả sống động như vậy. Đây không chỉ là một tình tiết trong tiểu thuyết lịch sử mà còn là câu chuyện văn hóa cần được bảo tồn. Bởi lẽ, “ăn, mặc, ở” là những yếu tố nền móng và cốt yếu để tạo nên một đời sống văn hóa. Nếu chẳng may những giá trị này bị mất mát hoặc phai lợi đi trong đời sống thường nhật, thế hệ con cháu chúng ta sẽ dần lạc loài với nguồn cội, ông cha.

Sau cuộc đại chiến trên sông Bạch Đằng, nhà văn Phùng Văn Khai khéo léo mượn lời Ngô Quyền diễn tả cảnh xây dựng lại đền đài, trao trả cọc đình, tôn tạo tông miếu, khôi phục đời sống bình thường và đồng thời phục hưng kinh tế. Đây vừa là nỗi trăn trở của nhà văn dành cho đời sống nhân dân, vừa là sự trưởng thành trong ý thức dân tộc về việc khôi phục văn hóa đã bị đứt mạch và lãng quên trong những đợt khói lửa chiến tranh. Cho nên, bất luận phương diện nào, trong mọi cuộc xây cất và gìn giữcủa dân tộc đều cần nhớ đến bảo tồn, phục hưng nền văn hóa Việt. Bởi văn hóa là nội dung tinh thần của một dân tộc độc lập cần phải có.

Dù là kẻ ngoại đạo và kém hiểu biết về thuyết âm dương, địa lý, phong thủy, tôi vẫn cảm nhận được rằng nhà văn Phùng Văn Khai luôn đưa ngòi bút vào thế tiến thủ chắn chắn, có tiền có hậu, có trên có dưới, có trước có sau, có âm có dương. Ông sai ngựa trên bờ dẫn voi dưới nước, dùng hoả lực diệt thủy quân, dựa hậu phương (nhân dân) tiếp sức cho tiền tuyến (trận địa), trên trời dùng đạn đá, dưới nước dùng cọc nhọn, tạo thế liên thủ âm dương mà đưa quân Nam Hán vào thế tận diệt, không có đường lui. Há chẳng phải lấy nhu thắng cương, lấy ít địch nhiều, điệu hổ ly sơn, dẫn địch từ cửa sinh chạy vào cửa tử hay sao? Sự khéo léo trong cách bày binh bố trận của Ngô Quyền không chỉ là minh chứng cho tài năng quân sự mà còn thể hiện rất rõ góc nhìn sâu sắc của nhà văn về chiến tranh và cuộc sống.

***

Ngô Quyền dưới ngòi bút của nhà văn Phùng Văn Khai hiện lên với một hình ảnh hoàn mỹ, không một tì vết, cả về dũng khí, tài trí  đức độ. Hoàn hảo đến mức khiến người ta không khỏi ngờ vực về “tính người” của nhân vật. 

Trước hết, đây là tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, cho nên nhà văn có được đặc quyền phác hoạ nhân vật đến mức toàn mỹ. Suy cho cùng sức mệnh văn chương nằm ở việc truyền tải thông điệp hơn là diễn tả chính xác lịch sử, ghi chép sự kiện là việc của các sử gia. 

Dầu vậy, tôi cũng góp phần đồng điệu với tâm tư nhà văn, khẳng định Ngô Vương là một thiên tài hiếm có được hồn thiêng đất Việt hun đúc nên. Sinh ra trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở Đường Lâm, Ngô Quyền hoàn toàn có khả năng được cha ông là Ngô Mân truyền dạy và cho học hành nghiêm cẩn. Do vậy, võ công, binh pháp và đạo làm người là những điều cốt yếu không thể bỏ qua.

Thêm một chi tiết về dòng dõi Ngô gia. Sau khi đất nước thoát khỏi tình cảnh loạn 12 sứ quân, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua liền cho mời Khuông Việt Đại sư nhậm chức Tăng thống lãnh đạo tinh thần Phật giáo quốc gia. Đây là vị Tăng thống đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Bước ngoặc này cho thấy Phật giáo không đơn thuần trở nên mạnh mẽ và tiếp nhận sứ mệnh song hành cùng vận mệnh đất nước một cách đột ngột; quá trình này tất yếu đã trải qua thời kỳ dài tiếp nhận, phát triển và đi sâu vào đời sống nhân dân.

Trong khi đó, Tăng thống Khuông Việt (930 – 1011) và Ngô Quyền (898 – 944) chỉ cách nhau trên dưới 30 tuổi. Sách Thiền Uyển Tập Anh, đoạn viết về Đại sư Khuông Việt miêu tả ông là “người Cát Lợi, họ Ngô, thuộc dòng dõi Ngô Thuận Đế”. Cho đến hiện tại, lịch sử Việt Nam ở giai đoạn này chưa ghi nhận bất kỳ vị vua họ Ngô nào ngoài Ngô Quyền, không kể đến Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập đều sinh sau Khuông Việt. Cho nên Tăng thống Khuông Việt, hay tục danh Ngô Chân Lưu, không nằm ngoài dự liệu là cháu trực thuộc dòng dõi Ngô Vương. 

Do vậy, có khả năng Ngô Quyền và dòng dõi con cháu Ngô gia đã chịu ảnh hưởng không ít từ tinh thần nhà Phật. Cũng vì lẽ đó mà Ngô Quyền đã vận dụng tối ưu tư tưởng “bác ái, từ bi” của Phật giáo và triết lý “thương người như thể thương thân” của người Việt trong cả đời thường và đời binh nghiệp của mình. Điều này tác động tích cực đến những quyết sách giàu lòng nhân ái của ông.

Những luận chứng trên đủ để nói đến tài trí của nhà văn Phùng Văn Khai. Ông không mang theo xu hướng tư tưởng tuyệt đối hóa giá trị của dân tộc mình mà vô cớ phác họa nhân vật lịch sử như một vị thần có khả năng “ban phúc giáng họa”. Người giỏi cầm binh không cần thắng nhiều lần mà cần toàn thắng, thắng cả về dũng khí, tài trí và đức độ. Nhà văn đủ sáng suốt và ngòi bút đủ tài hoa để diễn tả nên Ngô Vương là một nhân vật như thế. Đây cũng là thông điệp nhắn đến sự vĩ đại của một dân tộc không chỉ nằm ở sức mạnh quân sự mà còn ở nền tảng văn hóa và tinh thần, điều đã giúp dân tộc Việt Nam trường tồn và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử.

Xin chân thành cảm ơn nhà văn Phùng Văn Khai đã dành trọn tấm chân tình cho lịch sử và văn hóa dân tộc. Thông qua tiểu thuyết Ngô Vương, không chỉ làm sống dậy trận đại chiến Bạch Đằng mà còn thổi hồn vào những nhân vật tiêu biểu của lịch sử, đưa chúng tôi trở về với những giá trị cao đẹp của dân tộc. Chúng tôi rất mong đợi những tác phẩm tiếp theo của ông, hy vọng tiếp tục được “khám phá dụng ý văn chương” tài ba của nhà văn. Kính chúc anh linh dân tộc và hồn thiêng đất Việt luôn kề cận bên ông. 

Hà Nội, ngày 5 tháng 10 năm Giáp Thìn 2024

Thái Hải Đăng


[1] Tiểu thuyết Ngô Vương, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, năm 2021, trang 90.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *