- Tác giả bài báo: Linh mục Władysław Zuziak, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo Hoàng John Paul II.
- Dịch giả: Đào Quốc Minh
- Phần dịch:
Lời mở đầu
Louis Lavelle và Jean-Paul Sartre là hai triết gia hiện sinh lỗi lạc của thế kỷ 20. Khởi điểm trong tư tưởng của họ là luận đề “hiện hữu có trước bản chất”, được Lavelle đề xướng và Sartre phát triển thêm. Nói một cách khái quát, luận đề này có thể được hiểu là con người có thể tự xác định bản chất – tức là con người là gì, hoặc là ai. Tất nhiên, giữa họ có sự khác biệt trong từng chi tiết, xuất phát từ những cái nhìn khác nhau về thế giới và con người, nhưng cả hai đều nhấn mạnh rằng cùng với hiện hữu là một thế giới giá trị: “Thực tại con người là cái khiến cho giá trị xuất hiện trong thế giới” (Sartre 2007, tr. 139). Chúng ta sống, và vì vậy chúng ta buộc phải lựa chọn – bằng cách đó, ta khám phá ra thế giới giá trị, rồi sắp xếp nó theo những ưu tiên và dự định của mình.
Đối với cả hai triết gia, những quan niệm hiện sinh là nền tảng để họ xây dựng các mô hình nhân văn chủ nghĩa rất khác biệt của riêng mình. Dù họ cùng đồng thuận rằng “Chủ nghĩa nhân văn có thể được hiểu là một học thuyết xem con người là mục tiêu và là giá trị cao nhất” (Sartre 1998, tr. 79), thì với Sartre, chủ nghĩa nhân văn này mang hình thức triệt để, đối lập với mọi dạng thức quy định lên con người. Trong khi đó, với Lavelle, chủ nghĩa nhân văn lại có tính ôn hòa hơn, do ông có một cách hiểu khác về tự do. Cả hai đều cố gắng xác định thế nào là tồn tại xác thực và con người cần “gột rửa” hiện hữu ra sao để có thể sống chân thật, phù hợp với tiếng gọi nội tại của chính mình. Cả hai nhà triết học cũng thể hiện cách tiếp cận hiện tượng luận trong những suy tư về hiện hữu và tự do, dù bản thân thuật ngữ “hiện tượng luận” không được nhắc đến.
Mặc dù có những giả định và mục tiêu tương tự, nhưng các quan niệm của họ lại khác biệt rất lớn ở cách chẩn đoán và kết luận. Các hệ quả của những giải pháp mà họ đề xuất cũng mang tính đối lập sâu sắc. Bởi vì những hệ quả này có tác động thực tiễn, ảnh hưởng đến cái nhìn hiện tại về thế giới và vị trí của con người trong thế giới, nên việc so sánh hai mô hình hiện sinh chủ nghĩa và các quan niệm nhân văn chủ nghĩa tương ứng là điều đáng thực hiện.
Mục đích của bài viết này là chỉ ra rằng, quan niệm đã bị lãng quên của Lavelle có thể truyền cảm hứng và “hữu ích” hơn cho sự phát triển văn hóa của chúng ta, so với những dự phóng triết học giai đoạn đầu của Sartre – những công trình được ông xây dựng trước khi xuất bản Cahiers pour une morale, dù ngày nay chúng nổi tiếng và hiện diện rộng rãi hơn trong ý thức xã hội.
Cả hai triết gia đều đồng ý rằng hiện hữu “bị bỏ rơi trong thế giới, bị giam trong chính sự cô đơn của mình và không thể thoát ra, không biết nguồn gốc của mình, bị kết án bởi một số phận không thể hiểu nổi và chỉ chắc chắn một điều duy nhất – rằng mình bị kết án phải chết, cái chết sẽ tiêu diệt nó vào một ngày nào đó” (Lavelle 1947, tr. 34), nên cần phải tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Và cả hai đều cố gắng phác họa tầm nhìn riêng của mình về ý nghĩa đó. Họ cho rằng con người, ở mức độ nào đó, có thể tự tạo ra chính mình bằng cách tìm thấy ý nghĩa của hiện hữu.

1. Khác biệt cơ bản – Tự do
Với cả hai, bản chất là một nhiệm vụ, trong khi vai trò của hiện hữu là “tự hình thành bản thân, hay ít nhất là có khả năng hình thành bản thân, tức là có năng lực đạt được bản chất” (Lavelle 1946, tr. 102). Bản chất không được trao cho một tồn tại tự chủ theo cách mà các sự vật hay mọi thứ mang ký ức có được, bởi vì bản chất là một khả thể – và không nhất thiết là duy nhất – “bản chất là những khả thể của chúng ta được nhận ra và đưa vào hành động” (Lavelle 1946, tr. 107). Do đó, bản chất luôn chỉ là một bản phác thảo của cái Tôi, được bổ sung bằng những trải nghiệm và viễn cảnh mới xuất hiện mỗi khi ta hành động.
Sartre nhấn mạnh rằng “Tôi tồn tại như sự tự do vô điều kiện của mình, và tôi là dự phóng của chính mình trong tính độc lập ấy” (1983, tr. 267). Trong quan niệm này, con người là – hay đúng hơn là có thể là – chủ thể tuyệt đối của sự phát triển bản thân, với điều kiện anh ta giải phóng mình khỏi mọi yếu tố quy định. Ngược lại, như J. Ecole đã nhấn mạnh, “trong quan niệm của Lavelle, con người không phải là hư vô ngay từ đầu để rồi trở thành một cái gì đó mà anh ta tự tạo ra, như Sartre đề xuất. Với Lavelle, cơ hội mà hiện hữu trao cho con người không phải là để thoát ra khỏi hư vô, mà là để khám phá và hiện thực hóa bản chất của mình – tức là chấp nhận và phát triển nó, bằng cách sử dụng những khả năng vốn đã tồn tại trong anh ta, trước cả khi anh ta nhận thức được chúng” (1952, tr. 388). Có thể thấy, sự khác biệt trong cách hiểu về con người giữa hai triết gia là căn bản, và ở gốc rễ của nó là sự khác biệt trong cách hiểu về tự do.
Sartre viết: “Con người thiếu điều gì? Thiếu việc trở thành nền tảng của chính mình. Vậy điều này thiếu ở đâu và qua cái gì? Ở trong tự do và thông qua tự do. Bởi vì tự do chính là nền tảng đó” (Sartre 1983, tr. 455). Theo Sartre, nền tảng của thế giới được tạo ra bởi con người – chính là tự do tự thiết lập cơ sở cho hiện hữu của chính nó. Khi ý thức được năng lực hành động của mình, con người nhận ra rằng ngay cả “một hành động tưởng như là sự ép buộc tinh vi thì rốt cuộc cũng là không cần thiết và hoàn toàn không nhất thiết phải thực hiện. Khi ta thực hiện, đó là sự lựa chọn của chính ta, và là một lựa chọn tự do” (Sartre 2005, tr. 41). Chính sự lựa chọn này dẫn đến việc giải phóng dần dần khỏi thế giới-hiện hữu-không-đích-thực.
Với Sartre, tự do là một giá trị tuyệt đối: “Hoặc là con người bị quy định hoàn toàn (điều này không thể chấp nhận, trước hết bởi vì ý thức bị quy định – tức là bị thúc đẩy từ bên ngoài – sẽ trở thành cái bề ngoài thuần túy và không còn là ý thức nữa), hoặc là con người tuyệt đối tự do” (Sartre 2007, tr. 544). Với cách hiểu này về tự do, công thức “hiện hữu có trước bản chất” có nghĩa là “con người trước hết là một dự phóng được sống một cách chủ quan, chứ không phải là bọt biển, khuôn đúc hay súp lơ. Trước dự phóng này không tồn tại bất cứ điều gì” (Sartre 1998, tr. 27–28). Niềm tin rằng “con người phải tự tạo ra bản chất của mình” cũng đồng nghĩa với việc con người “sẽ trở thành cái mà anh ta tự làm ra từ chính mình” (Sartre 1998, tr. 27). Con người tạo ra chính mình “từ hư vô”, bắt đầu từ con số không; bản chất của anh ta không nằm bên ngoài dự phóng mà anh ta tự thiết lập. Việc không bị quy định – cả ở điểm khởi đầu lẫn điểm kết thúc (bởi cái chết “không thực” không giới hạn anh ta) – mang lại cho con người sự tự do tuyệt đối, mang tính “thần thánh” và toàn năng – con người thay thế vị trí của Thượng Đế.
Hệ quả của tự do theo Sartre là: không có bất kỳ mệnh lệnh nào, nhưng cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào. Không có sự giúp đỡ từ bất cứ đâu: “Nếu Thượng Đế không tồn tại, chúng ta không thấy trước mắt mình những giá trị hay mệnh lệnh có thể biện minh cho hành vi của mình. Vậy thì, chúng ta không có nơi nào – cả bên trong lẫn bên ngoài – để xác nhận hay biện hộ cho mình trong lĩnh vực các giá trị cao hơn. Chúng ta cô đơn, không ai sẽ biện hộ cho ta. Tôi muốn diễn đạt điều này bằng cách nói rằng con người bị kết án phải tự do” (Sartre 1998, tr. 38–39). Bị “kết án” – bởi vì tự do không chỉ là một nhiệm vụ. Theo các tác phẩm sau này của Sartre, sự giải phóng hoàn toàn lại trở thành một lời nguyền. Một cách nghịch lý, con người – vốn được cho là thước đo của vạn vật – nay, khi bị giới hạn trong chính bản thân mình và bị bỏ lại một mình, lại trở thành một gánh nặng không cần thiết, không thể hiểu nổi cho chính mình.
Trong quan niệm này, không ai có thể mong đợi sự trợ giúp từ người khác. Người khác, theo Sartre, là một mối đe dọa đối với tự do tuyệt đối của cá nhân: “Anh ta là một tự do đối nghịch với tôi, một tự do mà tư tưởng và ý chí của anh ta có thể ủng hộ hoặc phản đối tôi” (Sartre 1998, tr. 61), do đó, anh ta đặt ra giới hạn cho tự do của tôi và vẫn là một chủ thể mang tự do tuyệt đối của riêng mình. Tiếp nhận góc nhìn của người khác là thất bại của tự do bản thân. Sự hiện diện của họ khiến ta khó – thậm chí không thể – trở thành chính mình và buộc ta phải căm ghét (Sartre 2007, tr. 506–507). Vì vậy, chỉ có thể đi đến một kết luận: chúng ta tạo ra chính mình trong cuộc chiến chống lại những thực thể khác (Sartre 2007, tr. 527). Kẻ đối lập đánh giá tôi, giới hạn tự do của tôi, thao túng nó và hủy diệt nó. Anh ta không thể biết tôi là ai, nên anh ta quy giản tôi thành cách nhìn nhận của chính anh ta.
Tự do theo Sartre, khi giải phóng con người khỏi mọi sự ép buộc, cũng đồng thời tước đi mọi hy vọng. Ông ban cho con người một tự do tuyệt đối nhưng vô nghĩa; trong khi đó, tự do theo Lavelle là việc sử dụng những khả thể mà Tồn tại mang lại, cả ở chiều kích ngoại giới lẫn cá nhân, bằng việc con người nhận ra tiềm năng của chính mình: “Tự do, vì vậy, không phải là sự thiếu vắng quy định, mà là một ân ban nhờ đó chúng ta được kêu gọi để trở thành chính mình” (Lavelle 1955, tr. 224).
Theo Lavelle, tự do không chỉ là một giá trị, mà còn là điều kiện để mọi giá trị khác xuất hiện và bộc lộ trong hiện hữu của con người. Hành vi khẳng định giá trị được thực hiện qua sự quay về tự do hướng đến điều có giá trị: “Sự đồng thuận này thể hiện một cách độc nhất một hành vi đặc trưng của tự do chúng ta” (Lavelle 1948, tr. 145). Chúng ta không bị ép buộc phải tự do, bởi vì ta có thể tự nguyện quay lưng lại với tự do – điều mà thực tế rất nhiều người vẫn làm. Tự do giữ vai trò cân bằng giữa ân sủng – mà con người không phải lúc nào cũng hồi đáp – và sự tất yếu – mà con người đôi khi bị buộc phải chịu đựng (Lavelle 1946, tr. 91). “Ân sủng” ở đây cần được hiểu là những khả thể mà Tồn tại năng động ban cho tự do của chúng ta.
Hơn nữa, tự do không phải là trạng thái nguyên thủy của cái tôi đang tồn tại, mà việc đạt đến tự do là một tiến trình có tính phản tư, và như Lavelle nhấn mạnh: “có một sự tương ứng giữa mức độ tự do và mức độ ý thức” (Lavelle 1946, tr. 341; 1948, tr. 141; 1955, tr. 201). Lavelle hiểu tự do theo nghĩa rộng và phân tích các khía cạnh khác nhau của nó: “Tự do tư tưởng luôn tiếp xúc với kinh nghiệm – nếu không sẽ không có chất liệu, tự do ý chí là khao khát – nếu không sẽ không có động lực, và tự do của tình yêu là một loại cảm xúc – nếu không sẽ không có sự nồng nhiệt và dịu dàng” (Lavelle 1946, tr. 341). Ông hiểu tự do là sự tách rời khỏi tự nhiên, nhưng ông đang nói đến tiến trình vượt qua bản tính tự nhiên về mặt thể xác: “Trong quá trình hiện hữu của chúng ta, nhiệm vụ xác thực của tự do là khiến chúng ta trở thành một tồn tại tinh thần đúng nghĩa – tức là người, bằng việc tự giải phóng mình khỏi quá khứ, không ngừng tạo ra lý do hành động của chính mình” (Lavelle 1955, tr. 209). Việc tìm kiếm “bản chất” gắn liền với việc đạt được “tự do tinh thần và cá nhân, tức là khả năng tự quyết định bản thân trong một tiến trình nội tâm không gián đoạn” (Lavelle 1951, Tập I, tr. 739).
Tự do là bước đầu tiên trên hành trình làm chủ bản thân – mặc dù ở một mức độ nào đó, nó là sự đoạn tuyệt với bản tính tự nhiên, với “những ham muốn và những khả năng tồn tại trong tôi” (Lavelle 1948, tr. 234), nhưng nó luôn giữ mối liên hệ với bản tính tự nhiên – vốn “cung cấp chất liệu cần thiết và những năng lực có thể sử dụng” (Lavelle 1948, tr. 234). Theo cách hiểu này, tự do không thể tách rời khỏi bản tính tự nhiên. Hơn thế, “nó phải hoàn toàn đắm mình trong hiện thực, để không chỉ là một khả thể thuần túy” (Lavelle 1948, tr. 167).
Thực tại – vốn đã được thực hiện và xác định – có thể giới hạn hành vi chủ quan mang tính tham dự và sáng tạo của chủ thể. Tuy nhiên, như Lavelle nhấn mạnh, nhờ vào sự phát triển tinh thần, trong thế giới con người vẫn có chỗ cho tự do thực sự và cụ thể. Tự do như vậy không nhất thiết phải có thể định nghĩa được, nhưng có thể được biểu hiện thông qua hành động và tư duy mang định hướng cảm xúc của chúng ta. Việc nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm xúc trong việc định hình đời sống trí tuệ và tinh thần là một đóng góp quan trọng khác của Lavelle – người từng đấu tranh trong các tác phẩm của mình với xu hướng tuyệt đối hóa lý trí của chủ nghĩa thực chứng. Sartre và nhiều người kế thừa ông lại không cưỡng lại được chủ nghĩa duy lý mang đậm ảnh hưởng Khai sáng này.
2. Tính xác thực
Một trong những mục tiêu chính của chủ nghĩa hiện sinh là thanh lọc ý thức khỏi những chướng ngại vật trên con đường đạt đến tính xác thực của con người. Khi bàn về vấn đề tính xác thực, Lavelle và Sartre đều đối diện với vấn đề mà F. Nietzsche đã từng gợi mở – ông cố gắng làm chúng ta nhạy cảm hơn với “hương thơm của tính xác thực” (Nietzsche, 1911, tr. 434), nhưng lại không quyết định cụ thể tính xác thực nên được hiểu như thế nào. Trước Nietzsche, vấn đề này cũng đã xuất hiện trong các tác phẩm của S. Kierkegaard – người được xem là tiền thân của chủ nghĩa hiện sinh. Sau đó, H. Bergson đã cố gắng định nghĩa tính xác thực như một dạng đồng nhất giữa cá tính và hành động, so sánh nó với “sự giống nhau khó định nghĩa giữa một tác giả và các tác phẩm của ông ta” (Bergson, 1904, tr. 113).
Tiếp nối Bergson, Sartre và Lavelle cùng cho rằng sự cam kết trọn vẹn trong việc thực hiện một “dự phóng” đã chấp nhận chính là thước đo của tính xác thực. Tất nhiên, cả hai đều nhấn mạnh rằng dự phóng ấy phải vượt qua các điều kiện hiện thời vốn áp đặt các lựa chọn cụ thể và hướng ta đi theo một con đường nhất định. Chúng ta có lựa chọn: hoặc là khuất phục trước “tự nhiên” – tức các yếu tố bên ngoài đã được hiện thực hóa, hoặc – đi ngược lại với mọi giới hạn – cố gắng hoàn thành chính mình. Với cả hai triết gia, điều hiển nhiên là con người là – hoặc ít nhất có thể trở thành – chủ thể sáng tạo ra giá trị và ý nghĩa. Do đó, con người có thể tạo nên một mô hình hành động mà trong đó, anh ta hành động một cách có ý thức hoàn toàn, phù hợp với những lựa chọn xuất phát từ nội tâm, và chấp nhận chính mình cùng toàn bộ hệ quả của việc là chính mình. Trong mô hình như vậy, có sự hòa hợp hoàn toàn giữa dự phóng, các hành vi lựa chọn và hoạt động cụ thể; mọi khả năng đều có thể được tận dụng đến mức tối đa. Một nguồn cảm hứng không thể phủ nhận cho những ý tưởng này chính là siêu nhân của Nietzsche. “Ý chí quyền lực” trong trường hợp này được hiểu, cũng giống như trong tác phẩm The Joyful Wisdom, là ý chí phát triển (xem Nietzsche, 1907, tr. 301). Và trong cả hai trường hợp, câu trả lời của Nietzsche cho câu hỏi “Thế nào là cái thiện?” vẫn còn hiệu lực – “mọi thứ làm gia tăng cảm giác quyền lực, ý chí quyền lực và quyền lực thực sự của con người” (Nietzsche, 1907, tr. 6).
Việc gia tăng năng lực bản thân, tự hoàn thiện và phát triển tiềm năng của chính mình thông qua việc tận dụng mọi khả năng – theo Lavelle – chính là những yếu tố xác định nên một con người xác thực, người tạo nên số phận của chính mình. Đối lập với điều đó, Lavelle mô tả nhân vật Narcissus – kẻ phạm tội lớn nhất đối với chính bản thân và với Tồn tại khi quay lưng lại với khả năng gia tăng sức mạnh của mình và chỉ bám víu vào những gì mình đã đạt được. Anh ta từ chối trách nhiệm với bản thân, với việc vươn lên phát triển và tự hoàn thiện. Quay lưng với sự phát triển như thế là rơi vào sự không xác thực – là giả vờ trở thành người mà mình không phải, hoặc dừng lại ở một giai đoạn nào đó của tiến trình phát triển. Với Lavelle, việc dừng lại như thế là “lỗi lầm của Narcissus”, một lỗi lầm của sự sao nhãng, thậm chí là một tội lỗi – đối với chính hiện hữu của ta và đối với Tồn tại mà ta đang tham dự vào. Điều này gắn với việc công nhận trách nhiệm của ta đối với các “món quà – cơ hội” mà Tồn tại đã ban cho.
Sartre, ngược lại, cho rằng tự do có nghĩa là mỗi người chúng ta “mang trên vai gánh nặng của cả thế giới” và “chịu trách nhiệm cho thế giới, cho chính bản thân qua cách tồn tại của mình” (Sartre, 2007, tr. 639). Tuy nhiên, có vẻ như trách nhiệm áp đảo như vậy trong tư tưởng của Sartre lại không có nền tảng thực sự vững chắc. Nó được biện minh rõ ràng hơn trong khái niệm “tham dự” của Lavelle. Sự chấp nhận tham gia một cách chủ động vào Tồn tại toàn diện rõ ràng là một động lực đáng tin cậy hơn cho việc đảm nhận trách nhiệm như thế. Cần lưu ý đến tính năng động của tồn tại trong quan niệm của Lavelle – điều này có trước sự phân biệt giữa Tồn tại và tồn tại trong triết học Heidegger (xem Heidegger, 1977, tr. 86).
Dựa trên các giả định của Sartre, cũng rất khó để biện minh cho nhu cầu phát triển của con người. Không có một “điểm tựa”, vậy con người dựa vào đâu? Làm sao anh ta có thể xây dựng một dự phóng có ý nghĩa về chính mình mà không có điểm quy chiếu? Khi bị ném vào thế giới, hiện hữu của con người cùng với tự do đi kèm trở nên vô nghĩa. Điều gì đã xảy ra, đang xảy ra, hay sẽ xảy ra cũng không còn quan trọng: “Tất cả những gì tồn tại đều được sinh ra một cách vô cớ, kéo dài bởi sự yếu đuối của nó, và chết đi một cách ngẫu nhiên” (Sartre, 1974, tr. 154). Thế giới, cuộc sống, mọi thứ tồn tại và thậm chí cả mọi thứ có thể tồn tại – tất cả đều mang tính phi lý. Việc tạo ra hay không tạo ra một “dự phóng” phát triển xác thực của chính mình cũng phi lý như nhau.
Việc thực hiện bản thân một cách trọn vẹn – tức là trở nên hoàn toàn xác thực – là điều không thể. Việc thực thi dự phóng của cái Tôi đang tồn tại, như trong Sartre, hay tiềm năng của nó, như trong Lavelle, đều là những tiến trình không thể hoàn tất tuyệt đối. Do đó, câu hỏi còn lại là: làm sao biện minh cho thách thức vô ích – hoặc có thể là đầy anh hùng – này? Chính tại đây ta có thể thấy một khác biệt chất lượng quan trọng trong sự lựa chọn giữa việc công nhận bản thân là thước đo của thế giới hay công nhận chiều kích thiêng liêng của thực tại. Chỉ bằng cách quy chiếu đến một hình mẫu tuyệt đối – dù hiểu theo cách nào – ta mới có thể xây dựng một dự phóng phát triển của bản thân. Chấp nhận – như Lavelle – rằng ta “tham dự vào một điều gì đó”, không phải là một giả định vô căn cứ, thì ta sẽ có một số dữ kiện để tạo dựng, kiến thiết hoặc tái kiến thiết hình ảnh của chính mình – tức là bản chất của ta. Trong quan niệm của Lavelle, có thể thấy một số điểm tương đồng với tư tưởng của M. Heidegger, người từng nhấn mạnh rằng “không có cái gọi là con người mà chỉ là người khi đứng một mình” (Heidegger, 1977, tr. 251). Ông cũng chỉ ra rằng: “Không phải sự tùy tiện không ràng buộc, hay những ràng buộc từ các hành vi trần trụi, mới là tự do của con người tự do” (Heidegger, 1977, tr. 244), mà chính là việc theo đuổi khám phá một bí mật – điều có nguồn gốc vượt khỏi chúng ta, nhưng cũng “liên hệ” đến chúng ta (Heidegger, 1977, tr. 253).
Vì “thực tại con người” không thể tự định nghĩa, Sartre đã cố gắng bảo vệ quan niệm của mình bằng cách viện dẫn đến các mục tiêu lý tưởng. Một con người khao khát sự xác thực “là sự lựa chọn thuần túy của những mục tiêu tuyệt đối của mình. Và những mục tiêu đó là: cứu rỗi thế giới (bằng cách khiến hiện hữu thực sự tồn tại), đặt tự do làm nền tảng của thế giới, thực hiện công cuộc sáng tạo và hành động sao cho nguồn gốc của thế giới chính là một tự do tuyệt đối, luôn đổi mới chính mình” (Sartre, 1983, tr. 463–464). Chỉ bằng việc thực thi nhiệm vụ tồn tại thông qua việc hiện thực hóa những mục tiêu này thì con người, theo Sartre, mới đạt đến sự hiện hữu xác thực.
Người ta có thể tự hỏi: tại sao để “trở thành chính mình” thì con người lại phải theo đuổi những mục tiêu vĩ đại như thế? Tất nhiên, ta nhớ rằng chỉ tồn tại là chưa đủ, bởi nó phải được vượt qua – ở điểm này, quan điểm của Sartre khá gần với Lavelle. Tuy nhiên, trong khi với Lavelle, tự do là một ân ban tự nhiên, luôn tự tái tạo, mà bất kỳ ai cũng có thể dùng để hiện thực hóa tiềm năng của mình và định hình bản chất dựa trên đó, thì với Sartre, tự do dường như là một nhiệm vụ, một “dự phóng” – giống như con người đang tồn tại, “cũng là một dự phóng, và sự phản tư là một dự phóng nhằm thực hiện dự phóng đó” (Sartre, 1983, tr. 495). Như vậy, chúng ta rơi vào một vòng luẩn quẩn của các cấu tạo trí tuệ, vốn trong thực tế không truyền cảm hứng cho hành động. Dự phóng chỉ là một gợi ý cho việc vượt lên chính mình, nhưng lý trí lại không đủ để thực hiện điều đó. Lý trí có thể phủ định bất kỳ dự phóng nào trước khi nó được hiện thực hóa (Sartre, 1983, tr. 496). Do đó, trong quan niệm này, không có một “dự phóng con người” nào đủ cơ sở chắc chắn để hiện thực hóa sự hiện hữu xác thực của con người.
Hệ quả cuối cùng là: “Tính xác thực khám phá ra rằng kế hoạch duy nhất có giá trị là hành động (chứ không phải tồn tại), và kế hoạch hành động thì không thể có tính phổ quát tự thân, vì nếu vậy nó sẽ rơi vào trừu tượng (ví dụ như: kế hoạch làm điều tốt, luôn nói thật, v.v.). Kế hoạch duy nhất có giá trị là kế hoạch hành động đối diện với một tình huống cụ thể và cố gắng thay đổi trạng thái hiện tại. […] Thực chất, vấn đề là làm điều cần thiết và tất yếu. Vậy nên, bạn phải lựa chọn giữa hai con đường có hiệu quả như nhau, con đường nào dễ hơn và giúp bạn tiết kiệm sức lực. Nếu ai đó chọn con đường khó hơn, đó là bởi họ đang cố gắng tồn tại. Vậy nên, ngay từ đầu, tính xác thực đồng nghĩa với việc từ bỏ việc tìm kiếm Tồn tại, bởi vì tôi luôn luôn là hư vô” (Sartre, 1983, tr. 491–492).
Tính xác thực theo Sartre, rốt cuộc, trở thành sự khẳng định của một chủ nghĩa hành động thực dụng. Chúng ta không cần ý nghĩa. Không có dự phóng dài hạn nào khả thi, ngay cả việc “trở thành chính mình” cũng hóa ra chỉ là một sự phức tạp không cần thiết. Tại sao phải tìm kiếm bản thân nếu đó là một nỗ lực vô ích? Tự do trở thành sự phủ định của chính nó: tôi không tạo nên chính mình – điều đó “quá khó” – mà chỉ phản ứng với tình huống, theo tính toán lợi ích và tổn thất. Để xác thực, chỉ cần hành động vì hành động, hoặc vì tiện lợi; mọi lựa chọn khác chỉ là chướng ngại vật không cần thiết cho hiện hữu. Khi đã giả định rằng ngay từ điểm xuất phát “tôi là hư vô”, thì Sartre không tìm thấy trong hệ thống của mình khả năng vượt ra khỏi trạng thái khởi đầu ấy. Do đó, chỉ còn một kết luận: “tôi luôn luôn là hư vô”, và bất cứ điều gì tôi làm đều trở thành sự lãng phí năng lượng hoặc là một giấc mơ viển vông của kẻ bị kết án vào hư vô – của một tồn tại-cho-mình vô nghĩa. Còn lại điều gì? – sự tuân thủ hoàn toàn vào các tình huống, nơi mà bất kể ta làm gì, thì ta cũng đang lựa chọn điều gì đó (tức là ta tự do); tuy nhiên, theo những luận cứ hợp lý, theo kiểu “kinh tế hiện hữu” kỳ lạ ấy, ta nên chỉ chọn con đường dễ hơn. Hệ quả là, quan niệm của Sartre dẫn tới việc chấp nhận một “cuộc sống rút gọn”, không phản tư, không căng thẳng. Nhưng đâu là chỗ cho sự sáng tạo – điều từng được cho là ý nghĩa của mọi hiện hữu?
Sự thoát ly khỏi mọi chiều sâu suy tư như vậy – đối với một người như Sartre, người không thể tìm thấy ý nghĩa cho hiện hữu – dường như là lối thoát duy nhất khỏi tuyệt vọng và vô vọng.
Với Sartre, tính xác thực gắn với việc tìm kiếm – thông qua hiện hữu – những điều mà tôi chưa từng phát minh ra về chính mình. Mọi loại tri thức, mọi dự phóng đều tốt đẹp như nhau và đều không cần thiết như nhau. Còn với Lavelle, người thấy được giá trị của “tự nhiên” đã hiện thực hóa và nhấn mạnh đến tính tất yếu của nó như một điểm tựa cho hành trình khám phá bản thân, thì tính xác thực là hiện hữu của cái tôi, đang tham dự vào Tồn tại, tập trung vào việc khám phá chính mình, khả năng của mình, và hiện thực hóa những khám phá đó đến mức tối đa.
Trong quan niệm của Lavelle, một cá nhân – mặc dù ý thức được rằng mình “bị bỏ rơi trong thế giới, bị giam cầm trong cô đơn của chính mình mà không thể phá vỡ nó, không biết điểm khởi đầu của mình, bị kết án bởi một số phận không thể hiểu nổi và chỉ chắc chắn một điều: rằng mình bị kết án phải chết – cái chết sẽ nuốt chửng mình vào một ngày nào đó” (Lavelle, 1947, tr. 34) – vẫn có thể khám phá sự tham dự của mình vào Tồn tại thông qua sự phản tư và trải nghiệm chính hiện hữu của mình. Tồn tại kêu gọi cái tôi cộng tác trong việc tự kiến tạo bản thân, cho phép con người được hoàn thành chính mình. Tồn tại đồng thời là nguồn gốc, là sự hỗ trợ không ngừng và là mục tiêu của hiện hữu đang tìm kiếm chính mình. Mệnh lệnh duy nhất còn lại là: hãy trao tặng cho bản thân và thế giới những món quà mà ta đã nhận được từ Tồn tại: “con người không thể có mục đích nào khác ngoài việc trở thành thần linh cho con người [và] cách duy nhất để đền đáp Thượng Đế về những gì ta đã nhận được từ Ngài là làm cho người khác những gì Ngài đã làm cho ta” (Lavelle, 1946, tr. 188). Nói cách khác, thay vì trở thành một “dục vọng vô ích” như Sartre hình dung, ta có thể là những người đồng sáng tạo đầy biết ơn – của chính mình và của thế giới.
3. Thế giới của các giá trị
Khám phá lớn nhất của Lavelle là nhận thấy rằng, trong khi con người là thước đo của các giá trị – vì chính anh ta là người hình thành nên chúng – thì đồng thời, bởi con người có sứ mệnh vượt lên chính mình và trở thành cái mà hiện tại anh ta chưa là, nên nhất thiết phải có một nguồn hiện hữu vượt lên trên con người. Lavelle thừa nhận rằng lời mời gọi vượt qua cái “thước đo” ấy chỉ có thể được giải thích bằng sự hiện hữu của một Tồn tại tốt lành – Đấng ban cho ta tình yêu. Một tư tưởng tương tự về lời mời gọi vượt qua giới hạn bản thân cũng có thể được tìm thấy trong tác phẩm của M. Blondel (1994, tr. 125). Nhờ vào giả định này, trong quan niệm về hiện hữu của Lavelle, xuất hiện một không gian mang tính siêu hình và tâm lý – nơi mà tôi có thể hành động, bởi vì tôi được ban cho những khả thể; tôi có thể cảm nhận, bởi vì tôi có khả năng cảm nhận, trải nghiệm, khao khát và yêu thương; tôi có thể suy nghĩ, bởi vì tôi đang ở trong một không gian có trí tuệ, nhờ đó tôi có thể hình thành cái “tôi” của mình và có khả năng phát triển chính mình.
Theo Lavelle, con người không phát minh hay tạo ra giá trị. Giá trị tồn tại đối với chủ thể, bởi vì nó trở nên hiển lộ khi chủ thể khao khát sở hữu điều gì đó. Đồng thời, chính giá trị là động lực cho mọi hành vi của cái tôi được hình thành bởi ý thức. Cảm xúc là điểm khởi nguồn của thế giới giá trị được khám phá – chính cảm xúc đi tìm giá trị để có thể được biểu đạt. Hiện hữu và phản ứng của chúng ta đối với nó cung cấp cho trí tuệ chất liệu để hình thành những bản phác thảo – những dự phóng tạm thời cho quá trình phát triển tiếp theo – nhưng chỉ rất ít người tìm thấy tiếng gọi của mình ngay lập tức. Thường thì hiện hữu sẽ điều chỉnh lại những dự phóng đó, đồng thời bộc lộ những cảm xúc và khuynh hướng trước đó còn ẩn giấu. Nhờ vào cảm xúc, cái tôi khám phá ra cả sự hiện hữu của thế giới bên ngoài, của các sinh thể và sự vật, lẫn sự hiện hữu của chính mình với tư cách là một tồn tại hữu hạn.
Đáng chú ý là cấu trúc giá trị mà Lavelle trình bày. Theo ông, mọi giá trị tạo thành một dạng liên tục – chúng phụ thuộc lẫn nhau và cùng hợp thành một Giá trị duy nhất bao hàm các ham muốn riêng biệt: “Đặc điểm của giá trị là nó không được ban cho như một vật thể và cũng không được nghĩ đến như một khái niệm. Giá trị là cái được khao khát, và vì nó được khao khát, nên nó luôn có thể bị từ chối. Tuy nhiên, lý thuyết về giá trị chỉ cố gắng chỉ ra cho ta thấy điều gì có thể được khao khát một cách tuyệt đối, tức là luôn luôn và ở mọi nơi, dưới hình thức ở đây và bây giờ trong những dạng thức cụ thể” (Lavelle, 1951, tập II, tr. 15).
Nhờ vào các giá trị “thấp” hơn, ý thức đang phát triển của cái tôi đang tồn tại sẽ khám phá ra các giá trị “cao” hơn. Giá trị vật chất là điểm tham chiếu cho các giá trị cảm xúc, vốn hướng đến các giá trị nhận thức. Tri thức chứa đựng yếu tố chiêm nghiệm. Tiếp theo, các giá trị thẩm mỹ – thông qua việc cảm nhận cái cao cả, cảm nhận cái đẹp và niềm vui đi kèm – sẽ dẫn ta đến các giá trị thuần túy tinh thần. Ở cấp độ phát triển cao nhất, cái tôi nhận thấy các giá trị tinh thần, tức là các giá trị đạo đức và tôn giáo. Đây là một đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của Lavelle – ông không chỉ tìm kiếm mối quan hệ giữa các hiện tượng và vấn đề khác nhau, mà còn trong sự đa dạng của tất cả các hiện tượng, ông chỉ ra sự thống nhất bổ sung lẫn nhau giữa chúng. Mỗi giá trị “thấp hơn” là một bước cần thiết để nhận ra các giá trị cao hơn, bởi trong nó đã hàm chứa những mầm mống của giá trị cao hơn. Hơn nữa, “không có giá trị nào có thể tách rời khỏi các giá trị khác; nếu không, nó sẽ bị biến thành một đối tượng, làm ngừng chuyển động của ý thức thay vì khơi dậy và hồi sinh nó” (Lavelle, 1951, tập II, tr. 19). Đây là mệnh lệnh quan trọng nhất của ý thức – ý thức phải luôn chuyển động, luôn trong trạng thái tìm kiếm và phát triển.
Chuyển động của ý thức như vậy giúp ta tìm được ý nghĩa của hiện hữu: “Con người là một tồn tại mà sự hiện hữu của nó có ý nghĩa đối với chính nó, và bởi con người là một hành động, điều đó có nghĩa là sự lựa chọn tồn tại của con người cũng đồng thời mang ý nghĩa đối với chính hiện hữu của anh ta” (Sartre, 1983, tr. 489–490). Thông qua các lựa chọn của mình, ta trao cho chính mình ý nghĩa, cũng như cho dự phóng mà ta đang thực hiện. Tuy nhiên, để hiện hữu của ta có ý nghĩa, thì tất cả những gì tồn tại – toàn bộ sự tồn tại – cũng phải có một ý nghĩa nào đó, để ý nghĩa riêng của ta có thể được “khắc vào” trong đó.
Chủ nghĩa công cụ giá trị của Sartre dựa trên một tiền đề khác. Ngoài “dự phóng” – được hiểu là mục tiêu lý tưởng – không có một ý nghĩa nào khác, vì theo Sartre, không tồn tại một trật tự khách quan của các giá trị. Mục tiêu đã chọn chỉ có thể có ý nghĩa nếu tôi gán giá trị cho nó và tự thiết lập một trật tự “tuyệt đối” của riêng mình, giúp tôi đánh giá các hành động của riêng mình. So với mục tiêu, mỗi giá trị chỉ là một yếu tố phụ trợ, một “gợi ý lạc quan” (Sartre, 1983, tr. 260), hướng đến một tương lai không bị giới hạn bởi quá khứ, và mở ra khả năng để con người trở thành một chủ thể. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn được thiết lập bởi sự tồn tại-cho-mình, mà chỉ tồn tại song hành với sự tồn tại ấy (Sartre, 2007, tr. 141), và chỉ thực sự được xác lập – đúng hơn là được hiện thân – thông qua những lựa chọn và hành động cụ thể.
Theo Sartre, giá trị – luôn xuất hiện cùng với con người – chỉ có một sự hiện hữu đầy nghịch lý và khó nắm bắt nhờ vào sự hiện hữu của con người và tự do của anh ta. Nó là cái nên là, chứ không bao giờ chỉ là cái đang là. Nguồn gốc của nó có thể được xem là song song với sự hiện hữu của “thực tại con người”, và vì thế nó hoặc có trước cá nhân, hoặc chí ít là đồng thời với cá nhân. Tuy nhiên, sự hiện hữu của giá trị phụ thuộc vào các hành vi cụ thể, vì thế “giá trị đòi hỏi hành động, và do đó đòi hỏi việc hiện thực hóa của nó: yêu cái Thiện là chưa đủ, bạn còn phải làm điều thiện nữa” (Sartre, 1952, tr. 345). Vấn đề trong quan niệm của Sartre là không thể nhận diện được “thiện” là gì – hoặc đúng hơn là, không thể tìm thấy một “thiện” nào khác ngoài cái thiện mà chính cá nhân đó tự thiết kế.
Kết luận
Theo Sartre, con người xác thực là người nhờ vào tự do tuyệt đối mà tự tạo nên chính mình và thế giới của mình. Còn với Lavelle, nhờ tự do, con người có thể phát triển các khả năng của mình đến giới hạn của sự hoàn thiện. Hiện hữu – trong cả hai quan niệm – đều được xem là đi trước bản chất. Nhưng trong tầm nhìn của Sartre, hiện hữu không bị định đoạt, chừng nào con người còn giải thoát mình khỏi mọi yếu tố quy định. Với ông, hiện hữu có vai trò bộc lộ bản chất bí ẩn vốn tiềm ẩn từ đầu. Các khả năng có được sẽ giới hạn hình dạng cuối cùng của bản chất ấy, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để khám phá nó.
So sánh “chủ nghĩa hiện sinh” của Lavelle và Sartre, ta có thể gọi Lavelle là hiện sinh tiến hóa luận, còn Sartre là hiện sinh cách mạng luận. Tư tưởng của Lavelle nhấn mạnh sự gắn bó liên tục với thế giới tinh thần, cũng như với các giá trị được khám phá và tạo ra trong thế giới vật chất – những giá trị đó là điều kiện cần thiết cho sự phát triển của cái tôi. Trong khi đó, chủ nghĩa hiện sinh của Sartre chấp nhận – thậm chí nhấn mạnh – rằng, để có thể phát triển và tự tạo nên chính mình một cách tự do, thì cái tôi ở điểm khởi đầu phải là không ai cả, là hư vô. Tầm nhìn của Lavelle là khúc ca ngợi ca hy vọng; của Sartre là sự phủ nhận hoàn toàn hy vọng: “Đừng mong đợi một nền đạo đức tràn đầy hy vọng. Con người vốn tàn nhẫn. Bạn phải yêu họ vì cái họ có thể trở thành, chứ không phải vì cái họ đang là” (Sartre, 1983, tr. 15).
Quan niệm của Sartre có phần mâu thuẫn: ông tôn vinh tự do lên mức tuyệt đối, nhưng lại áp đặt niềm tin của chính mình lên chúng ta – cho rằng chúng ta không thể tin vào Thượng Đế. Nhưng nếu trung thành với tiền đề về tự do của ông, ta hoàn toàn có quyền tin, và ngay cả khi Thượng Đế không tồn tại, ta vẫn có quyền (tự do lựa chọn) để “gọi Ngài vào hiện hữu” hoặc – nếu muốn – “phục hồi” Ngài vào thực tại con người. Dù sao thì, thật khó tưởng tượng một tư duy triết học mà không có giả định nào về siêu việt. Và thật khó để phủ nhận lời của Lavelle: “Siêu việt là điều luôn vượt qua tôi, nhưng tôi không bao giờ ngừng nhận lãnh từ nó” (1946, tr. 150).
Trong xã hội đa nguyên ngày nay – nơi con người phải đối diện hàng ngày với sự cùng hiện hữu của rất nhiều nền văn hóa khác biệt, với những vấn đề chưa từng được biết đến trước đó và nhu cầu xây dựng và phát triển các chuẩn mực mới – nhu cầu về một kiểu tư duy phản tư không chỉ xoay quanh câu hỏi “giá trị nào giúp cho cuộc sống tốt nhất” ngày càng trở nên bức thiết. Một câu hỏi quan trọng vẫn còn đó: làm sao tôi có thể trải nghiệm sự đa dạng và phức tạp mà không đánh mất bản sắc của chính mình? Trong thực tại mới này, chúng ta cần tạo dựng một mô hình đời sống xã hội từ đầu – và hệ giá trị đa nguyên của Lavelle có thể đóng vai trò quan trọng.
Lavelle khiến ta tin rằng: khát vọng vươn lên chính là – và nên là – nguồn cội của tinh thần lạc quan. Cả đời sống cá nhân và đời sống cộng đồng, vốn gắn với việc đưa ra lựa chọn, chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng là những phần tử của hiện hữu – một hiện hữu không chỉ đơn thuần là chuỗi hành vi hoàn thành, mà còn được soi sáng bởi niềm vui – thứ lần lượt thanh lọc hành động và tư duy. Mục tiêu của triết học Lavelle là trao lại cho con người đức tin vào năng lực của chính mình – và cùng với đó, là hy vọng, là lòng tự trọng – để từ đó khôi phục niềm tin của họ: trước tiên là với chính bản thân, rồi đến với người khác và với cả thế giới. Có thể nói, mô hình hiện sinh này của Lavelle có thể là một nền tảng tốt hơn để xây dựng thực tại con người hiện đại so với mô hình mà Sartre đề xướng.
- Tác giả bài báo: Linh mục Władysław Zuziak, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo Hoàng John Paul II.
- Dịch giả: Đào Quốc Minh