*Lời Ban biên tập: Jürgen Habermas (sinh 1929) là một trong những triết gia Đức nổi bật nhất nửa cuối thế kỷ XX cho tới nay. Ông là thành viên thế hệ thứ hai của trường phái Frankfurt, tiếp nối những Max Horkheimer, Theodor Adorno và Herbert Marcuse về lý thuyết phê phán. Các tác phẩm của ông chú trọng nghiên cứu khái niệm về “tính duy lý truyền thông” (communicative rationality) và “không gian công” (public sphere). Sau đây xin trân trọng giới thiệu diễn từ của ông khi nhận giải thưởng Theodor Adorno năm 1980 tại Frankfurt, qua bản dịch của dịch giả Đào Quốc Minh (Viên Minh).

Tính kỉ luật và hiện đại thẩm mỹ

Tính hiện đại thẩm mĩ đã mang những đường bình đồ rõ rệt trong tác phẩm nói chung của Baudelaire. Sau đó tính hiện đại đã bộc lộ ra trong những phong trào văn nghệ tiền phong (avant-garde) rồi cuối cùng đạt tới đỉnh điểm ở quán Café Voltaire của những nghệ sĩ Dada và ở chủ nghĩa siêu thực. Đặc điểm của tính hiện đại thẩm mĩ là những thái độ tìm thấy một tiêu điểm chung nơi một sự trải nghiệm của ý thức về thời gian đã đổi thay. Ý thức thời gian này tự bày tỏ chính mình qua những ẩn dụ về cái tiên phong hoặc tiền phong.

Tiền phong được hiểu là việc xâm chiếm vào lãnh thổ lạ, là phải hứng chịu những hiểm nguy của những chạm chán bất ngờ, gây những cảm xúc khó chịu, là chinh phục một tương lai vẫn còn chưa được ngự chiếm. Cái tiền phong phải tìm một phương hướng ở trong một cảnh trí vẫn không một ai dám mạo hiểm đi vào.

Song những sự dò dẫm về phía trước này, sự dự đoán về một tương lai mơ hồ và sự sùng bái cái mới thực ra nghĩa là sự tán dương đối với hiện tại. Sự trải nghiệm của ý thức về thời gian vừa mới xuất hiện này, nó đi vào triết học trong những trước tác của Bergson, không chỉ biểu lộ sự trải nghiệm về tính cơ động, sự gia tốc trong xã hội, sự mất tính liên tục trong đời sống thường ngày. Giờ đây giá trị đã được đặt vào cái có tính chuyển đổi, cái khó nắm bắt và cái giả tạm, vào ngay chính sự ca tụng tính năng động, nhưng lại tiết lộ một sự ao ước về lại với một hiện tại nguyên vẹn, thuần khiết và ổn định.

Điều này lý giải cho ngôn ngữ khá trừu tượng nói chung của những người mang tâm trạng hiện đại chủ nghĩa khi họ đã nói về “quá khứ”. Những thời đại cá nhân đã đánh mất các sức mạnh phân biệt riêng của chúng. Ký ức lịch sử được thay thế bằng sự hệ thuộc khoa trương của hiện tại vào những thái cực của lịch sử – một cảm thức về thời gian trong đó sự suy đồi tự nhận ra chính mình ở trong cái dã man, cái phóng túng và cái nguyên thủy. Chúng ta quan sát thấy ý đồ cổ súy vô chính phủ đòi làm nổ tung thể liên tục của lịch sử, và chúng ta có thể giải thích ý đồ này dưới hình thức của sức mạnh làm lật đổ cái ý thức thẩm mỹ hiện đại mới mẻ. Tính hiện đại nổi loạn chống lại những chức năng tiêu chuẩn hóa của truyền thống; nó tiếp tục sống ở trong sự trải nghiệm của nổi loạn chống lại mọi cái gì có tính tiêu chuẩn. Sự nổi loạn này là cách duy nhất để vô hiệu hóa những tiêu chuẩn đạo đức và cả tính thực dụng nữa. Ý thức thẩm mỹ đó liên tục đóng một vai trò biện chứng giữa các bê bối trong bóng tối và các bê bối công khai; nó bị mê hoặc bởi sự kinh dị đi kèm với hành vi báng bổ, nhưng luôn luôn tránh khỏi những kết cục báng bổ tầm thường.

Mặt khác, ý thức về thời gian được thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật tiền phong không chỉ đơn giản là có tính vô-lịch-sử; ý thức ấy hướng đến chống lại cái gọi là chuẩn mực sai lầm của sự hiểu về lịch sử. Tinh thần tiền phong hiện đại đã tìm cách tận dụng quá khứ theo một lối đi khác; tinh thần ấy đã loại bỏ những quá khứ vốn được tạo ra bởi nền học thuật bày tỏ phản đối thuyết duy sử, nhưng nó đồng thời phản đối một lịch sử bị vô hiệu hóa bị giam cầm trong viện bảo tàng của thuyết duy sử.

Dựa trên tinh thần siêu thực, Walter Benjamin xây dựng mối quan hệ giữa tính hiện đại với lịch sử theo cái mà tôi gọi là thái độ hậu lịch sử. Ông nhắc nhở về giác tính tự thân về Cuộc Cách mạng Pháp: ‘Cuộc Cách mạng đã học theo tấm gương La Mã cổ đại, cũng giống như ngành thời trang trưng bày một bộ váy áo cổ xưa. Ngành thời trang lan tỏa hương thơm của mình nơi hiện tại, mọi lúc trong lớp váy áo đã trải qua biết bao tháng năm xưa cũ.’ Khái niệm của Benjamin về Jetztzeit, về hiện tại như một khoảnh khắc mặc khải; một thời đại mà các mảnh vụn thuộc về sự hiện diện của Đấng cứu thế giăng mắc khắp nơi nơi. Theo nghĩa này, đối với Robespierre, thành Rome cổ kính là một quá khứ chứa đầy những mặc khải nhất thời.

Và bây giờ đây, tinh thần thẩm mỹ hiện đại này gần đây đang bắt đầu già nua đi. Nó đã được khuếch trương thêm một lần nữa vào thập niên 1960; Tuy nhiên, sau thập niên 1970, chúng ta phải thừa nhận rằng chủ nghĩa hiện đại này đã khơi dậy một phản ứng ngày nay mờ nhạt hơn nhiều so với cách đây 15 năm. Octavio Paz, một người đồng hành cùng tính hiện đại, đã cho chúng ta biết vào giữa thập niên 1960 rằng ‘nhà tiền phong của năm 1967 đang lặp lại những hành vi và cử chỉ của những nhân vật sống ở năm 1917. Chúng ta đang trải nghiệm thời khắc kết thúc của ý niệm về nghệ thuật hiện đại.’ Tác phẩm của Peter Burger kể từ đó đã giao giảng cho chúng ta về nghệ thuật ‘hậu tiền phong’; thuật ngữ này được chọn để chỉ sự thất bại của cuộc nổi loạn theo thuyết siêu thực. Nhưng ý nghĩa của thất bại này là gì đây?  Phải chăng sự thất bại ấy đang báo hiệu một cuộc chia tay với tính hiện đại?

Chúng ta hãy cùng suy nghĩ khái quát hơn, liệu rằng sự hiện hữu của một trào lưu hậu tiền phong có phải có nghĩa là có một bước chuyển đổi sang hiện tượng rộng lớn hơn rồi đây sẽ được gọi là hậu hiện đại hay chăng? Trên thực tế, đây là cách Daniel Bell, nhân vật xuất sắc nhất trong số nhân vật theo thuyết tân bảo thủ Hoa Kỳ, lý giải vấn đề này. Trong cuốn sách Những mâu thuẫn văn hóa của chủ nghĩa tư bản, Bell lập luận rằng các cuộc khủng hoảng của các xã hội phát triển ở phương Tây bắt nguồn từ sự chia rẽ văn hóa và xã hội. Văn hóa hiện đại đã thâm nhập vào những giá trị của cuộc sống hàng ngày; thế giới đời sống bị lây nhiễm bởi chủ nghĩa hiện đại. Bởi vì các lực lượng của chủ nghĩa hiện đại, nguyên tắc tự hiện thực hóa không giới hạn, nhu cầu tự trải nghiệm đích thực, thuyết chủ quan về sự nhạy cảm quá khích đã thống trị đời sống này. Bell nói, bầu không khí này đang giải phóng những động cơ khoái lạc không thể dung hòa với kỷ luật của đời sống nghề nghiệp trong xã hội. Hơn nữa, văn hóa chủ nghĩa hiện đại hoàn toàn không tương thích với nền tảng đạo đức của một hành vi sống có mục đích, hợp lý. Theo lối này, Bell đặt gánh nặng trách nhiệm về việc giải thể nền đạo đức Tin lành (một hiện tượng đã từng gây khó cho Max Weber) lên vai ‘nền văn hóa đối thủ’. Văn hóa ở hình thức hiện đại làm dấy lên lòng căm thù chống lại các quy ước và đạo đức của đời sống hàng ngày, vốn đã trở nên hợp lý dưới áp lực của các mệnh lệnh kinh tế và hành chính.

Các bạn hãy để tâm đến một xu hướng phức tạp ở trong quan điểm này. Mặt khác, động lực của tính hiện đại đến nay đã và đang cạn kiệt; bất cứ ai tự cho mình là nhân vật thuộc về trào lưu tiền phong đều sẽ phải chấm dứt sự nghiệp từ đây. Mặc dù trào lưu tiền phong vẫn được coi là đang mở rộng, nhưng nó được cho là không còn tính sáng tạo nữa. Chủ nghĩa hiện đại đang thống trị đời sống của chúng ta nhưng thực tế là đã chết mất rồi. Đối với thuyết tân bảo thủ, câu hỏi đặt ra là: làm thế nào mà các chuẩn mực có thể nảy sinh trong xã hội vốn rồi đây sẽ hạn chế chủ nghĩa tự do, thiết lập lại nền đạo đức của kỷ luật và công việc? Những chuẩn mực mới nào sẽ cản trở sự cân bằng do nhà nước phúc lợi xã hội tạo nên để các đức tính về sự cạnh tranh thành tích của cá nhân có thể quay lại thống trị? Bell coi sự phục hưng tôn giáo là giải pháp duy nhất. Đức tin tôn giáo gắn liền với đức tin vào truyền thống sẽ mang lại cho các cá nhân bản sắc được định rõ và sự an toàn trong đời sống.

Người ta chắc chắn không thể gợi lên bằng phép thuật những niềm tin thuyết phục vốn nắm chắc cái thẩm quyền. Do đó, những phân tích như của Bell chỉ dẫn đến một thái độ đang lan rộng ở Đức không kém gì ở Hoa Kỳ: một cuộc đối đầu về trí tuệ và chính trị với những người chuyển giao tính hiện đại văn hóa […].

Thuyết tân bảo thủ chuyển giao cho chủ nghĩa hiện đại văn hóa các gánh nặng ngàn cân thuộc về quá trình hiện đại hóa kinh tế và xã hội tư bản chủ nghĩa vốn ít nhiều thành công. Thuyết tân bảo thủ làm mờ mối quan hệ giữa quá trình hiện đại hóa xã hội được chào đón và quá trình phát triển văn hóa đầy bi thảm. Thuyết tân bảo thủ không phát hiện được những nguyên nhân kinh tế và xã hội dẫn đến những thay đổi về thái độ đối với công việc, tiêu dùng, thành tích và giải trí. Do đó, ông quy tất cả – chủ nghĩa khoái lạc, sự vắng thiếu bản sắc mặt xã hội, sự thiếu vắng lòng phục tùng, lòng tự ái, sự rời xa địa vị và cả các cuộc cạnh tranh vì thành tích – là thuộc về lĩnh vực ‘văn hóa’. Tuy nhiên, trên thực tế, văn hóa đang can thiệp vào việc tạo ra tất cả những vấn đề này theo lối rất gián tiếp và có tính trung gian.

Theo quan điểm tân bảo thủ, những trí thức vẫn cảm thấy mình bị ràng buộc với đồ án hiện đại vốn sau đó được trình bày xét như là sự thay thế cho những nguyên nhân chưa được phân tích đó. Thứ tâm trạng vun bồi thuyết tân bảo thủ ngày nay hoàn toàn không bắt nguồn từ sự bất mãn về những hậu quả chống lại đạo lý của một nền văn hóa xuất phát từ các viện bảo tàng đang đột phá vào dòng đời thường nhật. Sự bất mãn này đã không được các trí thức theo chủ nghĩa hiện đại đưa vào cuộc sống ngoài kia. Nó bắt nguồn từ những phản ứng sâu sắc chống lại quá trình hiện đại hóa xã hội. Dưới áp lực của động lực tăng trưởng kinh tế và những thành tựu về tổ chức của nhà nước, quá trình hiện đại hóa xã hội này đang thâm nhập ngày càng sâu sắc vào những hình thức hiện hữu trước đây của con người. Tôi sẽ mô tả sự hệ thuộc này của đời sống của chúng ta theo mệnh lệnh của hệ thống xét như là một vấn đề làm xáo trộn cơ sở hạ tầng giao tiếp xã hội của đời sống hàng ngày.

Vì vậy, chẳng hạn, các cuộc phản đối tân dân túy chỉ biểu đạt theo lối phổ biến và theo trào lưu nỗi sợ hãi lan rộng liên quan đến sự tàn phá môi trường đô thị và tự nhiên cũng như các hình thức giao tiếp xã hội. Các cuộc phản đối tân dân túy này rất đáng mỉa mai. Các nhiệm vụ truyền tải lại một truyền thống văn hóa, hội nhập xã hội và xã hội hóa đòi hỏi phải tuân thủ cái mà tôi gọi là tính hợp lý trong giao tiếp xã hội. Nhưng các cơ hội để chúng ta phản đối và bất mãn có từ khi bầu không khí của hành động giao tiếp tập trung tái tạo và truyền tải các giá trị và chuẩn mực, bị thâm nhập bởi một hình thức hiện đại hóa được định hướng bởi các tiêu chuẩn hợp lý về kinh tế và hành chính – nói cách khác, bởi các tiêu chuẩn hợp lý hóa hoàn toàn khác với tính hợp lý trong giao tiếp xã hội mà các bầu không khí đó phụ thuộc vào. Nhưng thuyết tân bảo thủ lại khiến chúng ta không chú ý đến các quá trình xã hội này: chúng phóng chiếu những nguyên nhân mà chúng không tiết lộ lên bình diện của một nền văn hóa có tính lật đổ và những ai ủng hộ nền văn hóa ấy.

Chắc chắn, tính hiện đại văn hóa cũng tạo ra các nan đề bất khả giải của riêng nó. Không phụ thuộc vào các hệ quả của cả quá trình hiện đại hóa xã hội và trong quan điểm của bản thân sự phát triển văn hóa, có những động cơ bắt nguồn cho việc nghi ngờ dự phóng về tính hiện đại. Đang được giải quyết bằng một kiểu phê phán yếu ớt về tính hiện đại – một kiểu thuyết tân bảo thủ, bây giờ, chúng ta hãy chuyển cuộc thảo luận của chúng ta về tính hiện đại và sự bất mãn của nó sang một lĩnh vực khác chạm đến những nan đề bất khả giải của tính hiện đại văn hóa – những vấn đề này thường chỉ như là một kỳ vọng hay sự ra vẻ đầy cao ngạo dành cho những luận điểm đó hoặc chỉ như là một lời kêu gọi tính hậu hiện đại, một đề xuất quay trở lại một số hình thức tiền hiện đại hoặc xóa bỏ tính hiện đại một cách triệt để.

Dự phóng khai sáng

Ý niệm về tính hiện đại gắn bó mật thiết với cả một quá trình phát triển của nghệ thuật châu Âu, nhưng ‘dự phóng hiện đại’ chỉ trở thành tiêu điểm khi chúng ta tạm ngừng tập trung vào nghệ thuật. Tôi sẽ bắt đầu một phân tích khác bằng một ý niệm của Max Weber. Ông coi đặc trưng của tính hiện đại văn hóa là sự tách rời lý tính bản thể được biểu đạt trong tôn giáo và siêu hình học thành ba lĩnh vực tự trị. Đó là: khoa học, đạo đức và nghệ thuật. Những điều này trở nên khác biệt vì thế giới quan thống nhất của tôn giáo và siêu hình học đã tan rã. Kể từ thế kỷ thứ mười tám, những vấn đề được kế thừa từ những thế giới quan xưa cũ hơn này có thể được sắp xếp theo các khía cạnh cụ thể về giá trị: tính đúng thật, tính đúng quy chuẩn, tính xác thực hay tính khả tín và cái đẹp. Và rồi, chúng có thể được xử lý xét như là những vấn đề về kiến thức, về công lý và đạo đức, hoặc về thị hiếu. Các diễn ngôn khoa học, các học thuyết về đạo đức, luật học, và quá trình sản xuất và phê bình nghệ thuật lần lượt có thể được thể chế hóa. Mỗi lĩnh vực văn hóa có thể được tạo ra để tương ứng với các ngành nghề văn hóa, trong đó các vấn đề có thể được giải quyết xét như là mối quan tâm của các chuyên gia đặc biệt. Sự đối xử chuyên nghiệp hóa đối với truyền thống văn hóa này mang đến những cấu trúc nội tại của mỗi trong ba chiều hướng văn hóa. Xuất hiện các cấu trúc của phương tiện nhận thức, của đạo đức-thực hành và của tính duy lý biểu đạt-thẩm mỹ, mỗi cấu trúc này đều chịu dưới quyền các chuyên gia, những người có vẻ thành thạo hơn mọi người trong việc làm chủ những logic của mỗi cấu trúc này. Do đó, khoảng cách giữa văn hóa của các chuyên gia và văn hóa của công chúng ngày càng lớn. Những gì tích lũy được cho nền văn hóa thông qua ứng xử và phản ánh chuyên môn không ngay lập tức và nhất thiết phải trở thành thuộc tính của hành động thực dụng hàng ngày. Với quá trình duy lý hóa văn hóa kiểu này, mối đe dọa đang ngày một gia tăng, đó là thế giới sự sống vốn đã bị mất đi giá trị bản thể truyền thống, sẽ ngày một trở nên nghèo nàn hơn.

Dự phóng hiện đại do những nhà triết học thời đại Khai sáng dụng công xây dựng vào thế kỷ thứ mười tám bao gồm những nỗ lực phát triển khoa học khách quan, nền đạo đức và pháp luật phổ quát, và nền nghệ thuật tự trị dựa trên logic nội tại của chúng. Đồng thời, dự phóng này nhằm giải phóng tiềm năng nhận thức của từng lĩnh vực này khỏi các hình thức bí truyền của chúng. Những nhà triết học Khai sáng muốn sử dụng sự tích lũy của nền văn hóa chuyên biệt này để làm phong phú thêm cuộc sống hàng ngày – nghĩa là để tổ chức hợp lý đời sống xã hội hàng ngày.

Những nhà tư tưởng thời đại Khai sáng bước theo con đường tư tưởng của Condorcet vẫn có kỳ vọng ngông cuồng rằng nghệ thuật và khoa học sẽ không chỉ thúc đẩy sự kiểm soát các lực lượng tự nhiên mà còn cả giác tính về thế giới và về bản thân con người, kiểm soát tiến bộ đạo đức, sự công bằng của các thể chế và thậm chí kiểm soát hạnh phúc của con người. Thế kỷ thứ hai mươi đã phá tan niềm lạc quan này. Sự khác biệt của khoa học, đạo đức và nghệ thuật là ở quyền tự trị của các lĩnh vực được các chuyên gia xử lý và sự tách biệt của chúng với các thông diễn học của hoạt động giao tiếp hàng ngày. Sự chia rẽ này là vấn đề đã làm nảy sinh những nỗ lực ‘phủ định’ mảng văn hóa chuyên môn. Nhưng vấn đề này sẽ không biến mất: chúng ta có nên cố gắng giữ vững định hướng Khai sáng, dù yếu ớt đến đâu, hay chúng ta nên tuyên bố toàn bộ dự phóng hiện đại là một nguyên cớ thất bại? Bây giờ hãy quay trở lại vấn đề của văn hóa nghệ thuật, đã giải thích tại sao về mặt lịch sử, tính hiện đại thẩm mỹ chỉ là một bộ phận của tính hiện đại văn hóa nói chung.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *