*Lời Ban biên tập: Chúng ta đã nghe nhiều đến thuật ngữ hiện đại và hậu hiện đại (modern and post-modernism) trong nghiên cứu văn hóa. Có ý kiến cho rằng hậu hiện đại đã kiệt cùng các khả thể của nó. Vậy đằng sau hậu hiện đại là gì? Tiểu luận sau đây của hai tác giả Robin van den Akker (Giảng viên bộ môn Triết học Lục địa và Nghiên cứu Văn hóa, Đại học Erasmus, Hà Lan) và Timotheus Vermeulen (Giáo sư Truyền thông, Văn hóa và Xã hội tại Đại học Oslo, Na Uy) được dịch bởi dịch giả Đào Quốc Minh (Viên Minh), đề cập đến một khái niệm khác – chủ nghĩa siêu hiện đại (metamodernism), trước hết như một diễn ngôn để nhìn nhận những sự phát triển gần đây trong văn hóa, nghệ thuật.
Dù tiêu cực hay tích cực, thì thời kỳ được phân định này vẫn là một sự khởi đầu, nhưng cái chúng ta cần là một ngôn ngữ mới. Những ngôn ngữ có thể dùng để bàn về văn hóa và chính trị trong quá khứ đã không còn phù hợp với thời điểm lịch sử này. (Jameson bàn về chủ nghĩa hậu hiện đại, trích dẫn trong Stephanson 1988, trang 12–13)
Năm 1989, nhà lý thuyết xã hội Francis Fukuyama đã viết một bài báo gây tranh cãi trên tờ National Interest với tiêu đề “Sự cáo chung của Lịch sử?” (The End of History). Trong bài báo này, ông lập luận rằng khi đế chế cộng sản sụp đổ, Lịch sử với chữ L viết hoa – thứ lịch sử không chỉ là thời gian đang trôi qua, mà còn là biên niên sử tiến hóa của loài người – đã cáo chung. Với “chiến thắng chắc chắn của nền dân chủ tự do”, mà ông đề cập đến trong cuốn sách tiếp theo Sự cáo chung của Lịch sử và Con người cuối cùng (The End of History and the Last Man) (1992, xii): Nhân loại đã chạm đến một hình thức xã hội thỏa mãn những khao khát căn bản và sâu xa nhất của mình… Điều này không có nghĩa là chu kỳ tự nhiên với sự sinh đẻ, sự sống và cái chết sẽ cáo chung, hay các sự kiện quan trọng sẽ không còn xảy ra, hoặc các tờ báo sẽ ngừng xuất bản. Mà điều này có nghĩa là nhân loại sẽ không thể phát triển các nguyên tắc và thể chế căn bản tiến bộ thêm được nữa, bởi vì tất cả câu hỏi lớn lao đã được giải quyết.
Khoảng 20 năm sau, vào năm 2012, Fukuyama đã viết một bài báo khác về chủ đề Lịch sử. Xuất bản trên tờ Foreign Affairs, có tựa đề là “Tương lai của Lịch sử” (The future of History). Ở đây, Fukuyama đã viết rằng phát ngôn về Sự cáo chung của Lịch sử, khi hồi tưởng lại, có thể chỉ là hơi sớm, vì chiến thắng “chắc chắn của nền dân chủ tự do”, đã trải qua quá trình thử và sai kỹ lưỡng. Các chính phủ dân chủ trên thế giới ngày càng thất hứa: hầu hết các nền kinh tế quốc gia trở nên trì trệ hoặc suy thoái dài hạn; chủ nghĩa cực đoan chính trị – cánh tả và cánh hữu, tự do và bảo thủ, thế tục và tôn giáo – đang trên đà tăng tiến; các tầng lớp trung lưu, thành trì truyền thống của nền dân chủ tự do thế kỷ 20, đang bị thu hẹp lại; và truyền thông xã hội đã coi tự do ngôn luận và tự do báo chí là một vấn đề cần giải quyết. Ngoài ra, bá quyền địa chính trị đã xuất hiện một đối thủ nặng ký: hệ thống thị trường do nhà nước quản lý của Trung Quốc. Nói cách khác, còn rất nhiều “câu hỏi lớn lao” cần phải trả lời.
Kể từ khi loài người bước sang thiên niên kỷ mới, những tuyên bố rằng Lịch sử không dừng lại và không bế tắc ngày càng phổ biến. Ví dụ, nhiều tác giả khác nhau từ khắp các lĩnh vực chính trị đã viết về sự “trở lại” đáng kể (Kagan 2008), “sự trả thù” (Milne 2012) hoặc “sự tái sinh” (Badiou 2012) của Lịch sử sau sự Cáo chung của Lịch sử. Các tác giả này đều đồng ý rằng Lịch sử đã tái khởi động do các cuộc khủng hoảng bản chất sinh thái, kinh tế hoặc (địa) chính trị trong lịch sử thế giới gần đây. Arquilla đã tóm tắt khéo léo về thời điểm lịch sử hiện tại với khái niệm “khúc quanh của Lịch sử” (2011). Một khúc quanh của Lịch sử đồng thời ám chỉ việc bắt buộc Lịch sử đi theo một hướng, một định hình khác, đồng thời khiến Lịch sử chệch hướng khỏi đường thẳng tự sự mục đích luận. Người ta ngày càng nhận thức được trong nền văn hóa có một cái gì đó đang bị đe dọa, tuy nhiên vẫn không xác định được thực sự đó là cái gì, vốn ẩn quanh khúc quanh này, như đã từng trong quá khứ (và chúng ta sẽ chỉ biết khi điều đó đã xảy ra mất rồi).
Ở một mức độ nào đó, cuốn sách này nói về khúc quanh ấy của Lịch sử và “những cảm xúc về/ của một khúc quanh” có liên quan khúc quanh ấy, vốn góp phần định hình nền sản xuất văn hóa đương đại và diễn ngôn chính trị. Tất nhiên, cụm từ “những cảm xúc về/ của một khúc quanh” rất quen thuộc và mắc nợ bài tiểu luận kinh điển của Fredric Jameson “Chủ nghĩa Hậu hiện đại, hay Logic Văn hóa của Chủ nghĩa Tư bản Hậu kỳ” (Postmodernism, or the Cultural Logic of Late Capitalism), trong đó ông đề cập đến tất cả các “cảm xúc về sự cáo chung đây đó” chiếm ưu thế vào thời điểm đó (1991 [1984], 1) trong nghệ thuật, văn hóa và chính trị hậu hiện đại. Đối với Jameson, tất cả các “cảm xúc về sự cáo chung” hậu hiện đại này, với những bất ngờ hiện đã rất rõ ràng, đó là Lịch sử và Trí tưởng tượng lịch sử.
Bây giờ Lịch sử được tái khởi động một lần nữa, thứ địa phương ngữ hậu hiện đại ngày càng tỏ ra kém cỏi và kém hiệu quả khi áp dụng trong hoàn cảnh xã hội đã thay đổi. Vấn đề này xin để dành khi thảo luận về Lịch sử và về nghệ thuật. Ở đây, chúng ta sẽ tư duy về sự suy yếu của các xung động hậu hiện đại khác nhau có điểm chung xét theo phả hệ (chẳng hạn như “cảm xúc cuối cùng” của Jameson): nghệ thuật đại chúng và nghệ thuật ý niệm giải cấu trúc (từ Warhol đến Hirst, thông qua Koons); nhạc punk rock, làn sóng mới (new wave) và chủ nghĩa khuyển nho (cynicism) của nhạc grunge rock trong âm nhạc đại chúng; chủ nghĩa tối giản chống đối (disaffected minimalism) trong điện ảnh; chủ nghĩa hình thức ngoạn mục/ cảnh quan (spectacular formalism) trong kiến trúc; sự châm biếm hư cấu (metafictional irony) trong văn học, cũng như một không gian mạng giải nhân tính (dehumanising cyberspace) trong các loại sản phẩm hư cấu khoa học. Hơn nữa, kể từ khi bước sang thiên niên kỷ mới, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của nhiều hiện tượng thẩm mỹ “mới”, thường chồng chéo lên nhau, chẳng hạn như Chủ nghĩa tân lãng mạn (the New Romanticism) trong nghệ thuật (Vermeulen và van den Akker 2010), Trường phái tân kiểu cách (the New Mannerism) trong nghề thủ công (van Tuinen, trong cuốn này), Xu hướng tân thẩm mỹ (the New Aesthetic) trong thiết kế (Sterling 2012), Xu hướng Chân thành mới (the New Sincerity) trong văn học (Konstantinou 2009, 2016a), Thể loại kỳ quái mới (the New Weird) hoặc Thể loại Nu-folk (Nu-Folk) trong âm nhạc (Poecke 2014), Thể loại điện ảnh kỳ quặc (Quirky Cinema) và Truyền hình chất lượng (Quality Television) (MacDowell 2012); Vermeulen và Rustad 2013), cũng như sự khám phá ra một vùng đất mới trong lĩnh vực kiến trúc (Allen và McQuade 2011), mỗi hiện tượng thẩm mỹ nêu trên đều cố gắng kết hợp các quy ước trang trọng và phong cách hậu hiện đại trong khi đang vượt ra khỏi chính quy ước và phong cách đó. Trong khi đó, các hình thức, kỹ thuật và khát vọng của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hiện đại (mà giữa chúng và siêu hiện đại có một mối quan hệ hoàn toàn khác với mối quan hệ giữa chúng và hậu hiện đại) đang quay trở lại.
Chủ nghĩa Siêu hiện đại: Sử tính, Ảnh hưởng và Chiều sâu sau Chủ nghĩa Hậu hiện đại (Metamodernism: Historicity, Affect and Depth after Postmodernism) là một cuốn sách nhằm thiết lập bản đồ và khái niệm hóa các hiện tượng nghệ thuật và văn hóa liên quan đến các cảm xúc khác nhau về/ của một khúc quanh và sự trở lại – trong diễn ngôn phê phán và trí tưởng tượng đại chúng – của Lịch sử (khi tất cả những hoàn cảnh khách quan và tự sự siêu hiện đại này đóng vai trò kết nối giữa thời kỳ hiện tại với một quá khứ xa xôi và một tương lai xa vời). Vào những năm 1970 và 1980, các nhà phê bình Linda Hutcheon, Charles Jencks, Hal Foster và Brian McHale bắt đầu nói về chủ nghĩa hậu hiện đại bởi vì họ tin rằng những lý tưởng, phương pháp và cảm xúc của chủ nghĩa hiện đại đã bị thay thế bởi một thứ hoàn toàn khác. Cùng với các học giả đương đại khác (chẳng hạn như Lipovetsky 2005; Eshelman 2008; Bourriaud 2009; Kirby 2009; Moraru 2011), chúng tôi cảm thấy các diễn ngôn hậu hiện đại đã mất đi giá trị phê phán trong quá trình tìm hiểu nghệ thuật, văn hóa, thẩm mỹ và chính trị đương đại. Như Searle, khi viết về chủ nghĩa hiện đại cải biến (altermodernism), đã lưu ý rằng: “Chủ nghĩa hậu hiện đại đã chết, nhưng một thứ hoàn toàn khác lạ đã thay thế nó” (2009). Vì vậy, chúng ta cần phải có một ngôn ngữ mới để diễn đạt thành lời thứ thực tại hoàn toàn khác thường này và bối cảnh văn hóa còn xa lạ của nó.
Cuốn sách này là một nỗ lực để tạo lập một ngôn ngữ như vậy, hoặc ít nhất là một loạt các phương ngữ kết nối với nhau, để hiểu về thời điểm lịch sử hiện tại của chúng ta, để hiểu được khoảng cách giữa tri thức và kinh nghiệm hàng ngày. Đối với chúng tôi, ngôn ngữ này là chủ nghĩa siêu hiện đại. Trong cuốn sách này, chúng tôi bàn về điều đó. Phải thừa nhận rằng, khi chúng tôi dám ngạo mạn mô tả một thời điểm lịch sử và một hoàn cảnh xã hội theo một “chủ nghĩa” khác, chúng tôi sẽ nhận được cả tiếng cười hoàn hảo của Homer và cả thái độ khinh bỉ tồi tệ nhất. Thật vậy, như Barker và Jane bàn đến trong ấn bản mới của Các nghiên cứu Văn hóa (Cultural Studies) của họ, những nỗ lực như vậy rất “dễ bị chế giễu” (2016, 251). Có thể chúng tôi sẽ bị chế giễu – và chúng tôi sẵn lòng đón nhận – nhưng hãy để chúng tôi giải thích tại sao nỗ lực đó xứng đáng hơn là một tiếng cười dễ dãi.
Cuốn sách này là một phần của dự án nghiên cứu đang diễn ra, trong đó chúng tôi – cùng với nhiều người khác – đang tìm cách: (1) thiết lập bản đồ sự phát triển văn hóa đang thống trị ngày nay thông qua nghệ thuật; (2) phát triển một ngôn ngữ thích hợp để thảo luận về những cách cảm nhận, hành động và tư tưởng chủ đạo này; và (3) liên hệ những khái niệm, quan niệm và ảnh hưởng đương thời này với những sự tái cấu hình gần đây của các xã hội tư bản phương Tây. Những công việc tập dượt nhằm thiết lập bản đồ, dịch nghĩa và xác định vị trí này là cần thiết để có thể thảo luận về các giọng điệu nền tảng trong văn hóa đương đại và mở rộng ra là các giọng điệu ở tầng dưới và giọng điệu ở tầng trên của nó. Nói cách khác, kết quả của công việc này cho phép chúng ta thảo luận về các mô hình thống trị trong văn hóa đương đại bằng một ngôn ngữ chung, đồng thời cho phép “sự hiện diện và đồng tồn của một loạt các đặc điểm rất khác biệt nhau, nhưng phụ thuộc lẫn nhau” (Jameson 1991 [1984], 4). Điều này cho phép chúng ta biết được chúng ta có thể làm và nghĩ gì, không thể làm và nghĩ gì – và do đó, biết được chúng ta phải làm và nghĩ cái gì – dựa trên sự tái cấu hình gần đây nhất của các xã hội tư bản phương Tây và chủ nghĩa tư bản toàn cầu.
Chủ nghĩa siêu hiện đại
Như chúng ta đã định nghĩa, chủ nghĩa siêu hiện đại là một cấu trúc cảm xúc xuất hiện vào những năm 2000 và đã trở thành logic văn hóa thống trị trong các xã hội tư bản phương Tây. Chúng tôi sử dụng thuật ngữ metamodernism vừa như một cái nhãn hiệu mang tính giải pháp cảm tính, để có thể chấp nhận được một loạt các khuynh hướng về mặt thẩm mỹ và văn hóa, vừa là một khái niệm để phân định thời kỳ đối với những khuynh hướng này trong tiến trình lịch sử. Nói cách khác, cuốn sách này không phải là lời cầu khẩn của một học giả Greenberg, cho một loại hình nghệ thuật cụ thể, cũng không phải là lời kêu gọi của những kiến trúc sư cá nhân theo kiểu Jencks. Đó là một nỗ lực để thiết lập bản đồ – giống như cách mà Jameson đã làm đối với chủ nghĩa hậu hiện đại – thứ logic văn hóa chi phối của một giai đoạn cụ thể trong sự phát triển của các xã hội tư bản phương Tây, dưới nhiều hình thức và nhiều kiểu ngụy trang của nó. Tuy nhiên, đó là một nỗ lực tồn tại những sai sót, nếu xét theo hoàn cảnh ngày nay cũng như xét về mặt văn hóa, thẩm mỹ và chính trị của hoàn cảnh ấy, thông qua con đường nghệ thuật.
Thuật ngữ chủ nghĩa siêu hiện đại hoàn toàn không phải là một thuật ngữ mới. Nó đã được sử dụng trong các bối cảnh địa lý đa dạng như ở vùng Nam Mỹ, Châu Á và Tây Âu và đã được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau như thử nghiệm thơ ca và nghiên cứu công nghệ, vật lý, kinh tế, toán học và tâm linh phương Đông. Nói cách khác, thuật ngữ này có một lịch sử lâu dài và đã xuất hiện rải rác, tuy gốc gác mạch nguồn đầy đủ của nó vẫn cần phải được tìm kiếm. Abramson (2015b) đã khám phá ra một số công dụng trước đây của thuật ngữ này, xác định chính xác lần sử dụng thuật ngữ này, đầu tiên là vào những năm 1970 khi thuật ngữ này được Zavarzadeh sử dụng để mô tả xu hướng trong văn học, là một xu hướng “vượt ra ngoài tiểu thuyết diễn giải hiện đại” (1975, 69). Zavarzadeh lập luận rằng xu hướng này được minh chứng thông qua những trò lố (hài hước đen, giễu nhại, siêu hư cấu, từ bỏ mô hình diễn giải có chiều sâu) và các tác giả (như Robbe-Grillet, Barth, Barthelme, Wolfe) cho thấy rõ việc ông sử dụng thuật ngữ “siêu hiện đại” đã chỉ ra những gì ngày nay thường được coi là (một biến thể của) chủ nghĩa hậu hiện đại. Cuốn sách này không phải là mảnh đất dành cho một cuộc khảo cổ đầy đủ như vậy. Tuy nhiên, một vài nhận xét về cách chúng ta sử dụng thuật ngữ này và cách sử dụng này khác với những người khác có cùng sở thích trong thời kỳ hậu hiện đại như thế nào, sẽ được trình bày lần lượt theo thứ tự.
Khi chúng tôi viết bài tiểu luận đầu tiên Những ghi chú về chủ nghĩa siêu hiện đại (Notes on Metamodernism) (2010) vào năm 2008, khái niệm của chúng tôi về tính siêu hiện đại được xây dựng trên những nền tảng đa dạng như quan niệm của Raymond William về cấu trúc cảm xúc (và chức năng của nó trong Fredric Jameson (1991 [1984])) và nghiên cứu kinh điển của David Harvey (1990) về mối tương quan giữa chủ nghĩa tư bản hậu kỳ và nền văn hóa hậu hiện đại), nghiên cứu kinh điển của Jos de Mul (1999 [1990]) về nguồn gốc có từ phong trào lãng mạn của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại, và bước chuyển hướng tân lãng mạn gần đây trong nghệ thuật thị giác của đầu những năm 2000. Khi nghiên cứu thuật ngữ này, chúng tôi đã biết về ít nhất hai cách sử dụng có liên quan khác của chủ nghĩa siêu hiện đại. Đầu tiên là nghiên cứu xuyên suốt đầy sức gợi của Furlani (2007) có tên: Chủ nghĩa hậu hiện đại và Sau đó: Guy Davenport (Postmodernism and After: Guy Davenport) trong đó ông thảo luận về tác phẩm nghệ thuật của nhà văn Guy Davenport về tính bổ sung và “sự tương phản hấp thụ vào tính hài hòa” với khát khao vượt qua những rối loạn hậu hiện đại (2007, 158). Thứ hai, trong bài tiểu luận Sự liên thông trong không gian Blake và Siêu hiện đại (Interconnections in Blakean and Metamodern Space) (2007), Dumitrescu mô tả chủ nghĩa siêu hiện đại là một “hệ hình văn hóa chớm nở” (2007) được đặc trưng bởi tính tổng thể, xu hướng liên kết và sự tích hợp. Nghiên cứu tác phẩm của hai tác giả rất khác nhau – Blake và Houellebecq – Dumitrescu nhấn mạnh vào ba chiến lược cụ thể đã và đang thách thức chủ nghĩa hậu hiện đại: “xu hướng liên kết (như một mô thức tư duy), khởi động tự thân (như một cách xác định các liên kết) và nguyên tắc chồng chéo” và bà lập luận rằng thực ra chúng chỉ là những khía cạnh của chủ nghĩa siêu hiện đại” (2007). Furlani và Dumitrescu, cả hai tác giả đều tìm cách phát triển một giải pháp thay thế – thậm chí – dành cho những gì họ cho là đang lâm vào ngõ cụt trong lĩnh vực nghệ thuật và những gì đang là sự thất bại về mặt văn hóa của chủ nghĩa hậu hiện đại; cả hai đều tìm kiếm những lựa chọn thay thế này trong các hình thức nghệ thuật lỗi thời và/ hoặc bị cô lập, và cả hai tác giả đều đề xuất một số cách thức tổng hợp hoặc hài hòa giữa các phương thức hiện đại và hậu hiện đại. Với việc sử dụng chung các danh pháp, chắc chắn, sẽ dẫn đến việc có một số điểm trùng lặp giữa cách sử dụng của họ và của chúng ta. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa siêu hiện đại” của chúng tôi khác nhau ở ít nhất ba điểm: (1) mục tiêu và phả hệ điều tra; (2) việc lựa chọn các văn bản và thực hành văn hóa, và tất yếu là do những khác biệt này; (3) những phát hiện (ở dạng sơ bộ).
Trước hết, các văn bản và thực hành văn hóa mà chúng tôi mô tả là siêu hiện đại, theo quan điểm của chúng tôi, không mang lại giải pháp cho vấn đề của chủ nghĩa hậu hiện đại (tuy nhiên lại giúp nhìn nhận tính hậu hiện đại). Bất chấp những đề xuất trái ngược như này (xem Turner 2011; Eve 2012; Abramson 2015a), khái niệm chủ nghĩa siêu hiện đại của chúng tôi không phải là một tuyên ngôn, cũng không phải là một phong trào xã hội, không phải là một ngôn ngữ kiểu cách hay một tư tưởng triết học – mặc dù khái niệm này có xét đến một sự phát triển có thể được coi là các phong trào xã hội (Phong trào Chiếm lĩnh, phong trào Tiệc trà), các ngôn ngữ kiểu cách (Tán thành Mới, Dân gian kỳ quái) và các triết lý (Chủ nghĩa duy thực tư biện, Bản thể luận hướng đối tượng). Chủ nghĩa siêu hiện đại là một cấu trúc cảm xúc xuất hiện và phản tư với tính hậu hiện đại cũng giống như một thứ logic văn hóa tương ứng với giai đoạn ngày nay của chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Như vậy, chủ nghĩa siêu hiện đại vốn tràn ngập những mâu thuẫn sản xuất, những căng thẳng âm ỉ, những hình thái ý thức hệ và những sự phát triển đáng sợ (ví như chủ nghĩa dân túy bài ngoại mà chúng ta không đủ khả năng chống lại hiệu quả). Về mặt nào đó, chúng ta có lý do để mà lạc quan; xét trên nhiều phương diện, chúng ta nghĩ rằng thế giới thậm chí còn đang trở nên tồi tệ hơn trước đây. Vì vậy, chúng tôi không hề ăn mừng sự tàn lụi của hậu hiện đại – và cũng không hẳn là chúng tôi đang thúc đẩy một nghị trình siêu hiện đại.
Thứ hai, quan trọng là, chủ nghĩa siêu hiện đại – như là một cấu trúc cảm xúc hoặc logic văn hóa – được phát triển thông qua việc đọc theo hệ thống các khuynh hướng thống trị trong sản xuất văn hóa và nghệ thuật đương đại chứ không phải là các hiện tượng cô lập hoặc lỗi thời. Hơn nữa, những khuynh hướng này – vốn luôn không thể hòa giải, luôn không thể tin cậy và khó nắm bắt, luôn tuân thủ phép chuyển nghĩa hậu hiện đại – đã tỏ ra khác biệt rõ rệt với những gì Furlani và Dumitrescu đã thảo luận (và có thể cả nhiều tác giả khác không đề cập ở đây). Nghiên cứu của chúng tôi về bước chuyển hướng lãng mạn trong nghệ thuật thị giác đầu những năm 2000 là một trường hợp điển hình (Vermeulen và van den Akker 2010). Nghiên cứu này bao gồm hàng chục văn bản văn hóa đương đại – từ các tác phẩm riêng lẻ đến toàn bộ tác phẩm, triển lãm theo nhóm đến các buổi trình diễn trong bảo tàng. Và tất nhiên bài luận nghiên cứu đó vẫn còn thiếu sót. Chẳng hạn, chúng tôi đã không nhận ra và bổ sung khuynh hướng chủ nghĩa quốc gia/ dân tộc mới nổi, nếu không muốn nói là chủ nghĩa phát xít, trong nền văn hóa đương đại, như đã được chuyển tải một cách hiển nhiên qua tác phẩm tân cổ điển của Dennis Rudolph. Tuy nhiên, một đặc điểm nhất quán trong suốt tác phẩm này và các chương riêng lẻ là phân tích văn bản về các hiện tượng thống trị về mặt văn hóa như một điểm khởi đầu cho bất kỳ bài phê bình nào về thời điểm lịch sử hiện tại.
Thứ ba, chủ nghĩa siêu hiện đại – với tư cách là một nhãn hiệu mang tính giải pháp cảm tính và cũng một thuật ngữ có tính phân định thời kỳ – có đặc trưng là sự dao động hơn là sự tổng hợp, hài hòa, hòa giải, v.v.. (Vermeulen và van den Akker 2010). Sự dao động này, chính là cách thức thống trị trong đó các cảm xúc khác nhau về/ của một khúc quanh được thể hiện trong các hình thức biểu diễn nghệ thuật, hòa giải văn hóa và diễn ngôn chính trị ngày nay. Trong khi “Kỳ nghỉ từ Lịch sử” hậu hiện đại (Holiday from History) (Will 2001; Krauthammer 2003) cho rằng phép biện chứng đã đi vào bế tắc trong các khu vực tiện nghi (comfort zone) trung gian và phổ thông của các quốc gia phía bắc (Global North), thời điểm lịch sử hiện tại gợi lên cảm xúc rằng phép biện chứng đã không bế tắc, mà năng động nhiều hơn thế, hoặc, thực sự như bản chất không ổn định của nó, đã từng dao động liên tục, liên tục vượt qua và phá hủy các vị trí đã được cố định hoặc đã được hợp nhất tính cho đến nay.
(còn tiếp)