The International Conference on Interdisciplinary Humanities and Communication Studies DOI: 10.54254/2753-7064/3/20220182

Haoqiu Chang (1,a,*)

1. Trường Nghệ thuật, Đại học Liverpool, Liverpool, Vương quốc Anh

a. hshcha10@liverpool.ac.uk

* tác giả tương ứng

Tóm tắt: Với những yếu tố lãng mạn và giải trí, văn học mạng hướng đến nữ giới tại Trung Quốc đã có lượng độc giả đáng kể và thu hút sự chú ý cơ bản từ xã hội trong những năm gần đây thông qua sự chuyển thể phim ảnh và truyền hình. Với việc đặt bản nguyên tác văn học mạng hướng đến nữ giới làm đối tượng nghiên cứu, bài viết này phân tích sự tái cấu trúc giới tính và sự ảnh hưởng của Internet, cùng với tính thương mại hóa trong đó. Lí thuyết của Foucault về quyền lực được trích dẫn và phân tích đa chiều, kết hợp với bối cảnh xã hội cụ thể. Bài viết này chỉ ra rằng sự thức tỉnh của ý thức nữ giới được song hành với sự xóa bỏ dần những khuôn mẫu giới, tuy nhiên Internet và thương mại hóa lại cản trở việc tái cấu trúc giới này và đặt tính chủ thể người nữ vào trạng thái nguy hiểm khó nhận thấy.

Từ khóa: Văn học mạng hướng đến nữ giới, hình tượng giới, diễn ngôn, Internet, thương mại hóa.

1.  Dẫn nhập

Văn học mạng, đề cập đến văn học được phân phối bởi Internet. Theo như Yang Xinmin, văn học mạng được chia thành phiên bản trực tuyến của văn học in và nguyên tác của văn học mạng [1]. Thuật ngữ “hướng đến nữ giới” bắt

nguồn từ văn hóa ACGN (Hoạt hình, truyện tranh, trò chơi và tiểu thuyết) Nhật Bản, có nghĩa rằng những tác phẩm giải trí là dành riêng cho khán giả nữ, từ những tác giả là phụ nữ [2]. Trung Quốc đã thành lập hệ thống Internet từ năm 1996 và hai năm sau đó, tác phẩm First Close Encouter của Cai Zhiheng có thể được coi như sự khởi đầu của văn học mạng tại đại lục. Hội Nhà văn Trung Quốc tuyên bố rằng số lượng tác phẩm văn học nguyên tác được xuất bản trên mạng trong 10 năm qua đã vượt quá con số của văn học đương đại trong 60 năm trước đó, với hơn 430 triệu người dùng hoạt động. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường văn học mạng đã mang tới sự phân hóa không ngừng của nhóm độc giả và sản phẩm, văn học mạng hướng đến nữ giới nổi bật với những yếu tố lãng mạn và giải trí.

Với số lượng độc giả khổng lồ, những trang truy cập văn học nữ chính thống như Tấn Giang, Hongxiu và Xiaoxiang đã thu hút lượng lớn sự chú ý từ xã hội thông qua chuyển thể phim ảnh và truyền hình. Tuy nhiên, sự phổ biến của hiện tượng xã hội – văn hóa này không khớp với số lượng công trình nghiên cứu về nó. Đa số các công trình học thuật đều tập trung vào văn học mạng nói chung, như là so sánh với văn học truyền thống, sự sản xuất và sự tiêu thụ của nó, cùng với sự lan tỏa ra nước ngoài [3-5]. Chỉ có một số ít nghiên cứu về văn học mạng hướng đến nữ giới có thể kể đến như: Tranh luận của Zuo Xiaoqing về những cơ hội và thách thức mà Internet mang lại cho những tác phẩm dành cho phụ nữ [6]; trong khi Zhao Shuping phân tích về hình tượng nữ giới trong văn học mạng [7]; thì Jiang Tao lại tập trung vào mối quan hệ giữa nữ quyền mạng và chủ nghĩa tiêu dùng [8]. Một số thuật như khác bao gồm văn học BL (đam mỹ), “thế hệ chỉ dành cho phụ nữ trên mạng xã hội” và các tự sự mang tính lãng mạn. Tóm lại, giới học giả đã cố gắng giải mã sự biến chuyển của quyền lực giới, ý thức và đạo đức trong văn học mạng hướng đến nữ giới từ văn hóa, kinh tế và truyền thông. Với cơ sở là dạng văn hóa đại chúng tự phát trong 2 thập kỉ, những nghiên cứu về văn học mạng hướng đến nữ giới đã không chỉ đóng góp hiểu biết về một Trung Quốc đang phát triển, mà còn là một chủ đề toàn cầu về truyền thông kiểu mới và bình đẳng giới. Đặt nguyên tắc các tác phẩm văn học mạng hướng đến nữ giới là đối tượng nghiên cứu, bài viết này tập trung vào sự tái cấu trúc giới trong vấn đề, cũng như sự ảnh hưởng của Internet và thương mại hóa vào nó. Lí thuyết của Foucault về quyền lực được trích dẫn và phân tích theo hướng đa chiều trong việc kết hợp với những bối cảnh xã hội cụ thể nhằm mục đích điền vào những khoảng trống học thuật còn thiếu.

2.  Quyền lực giới và không gian mạng hướng đến nữ giới

Trong The Politics of Sexuality, Millett đề cập rằng các quan hệ giới trong những tình huống xã hội đều dựa trên quyền lực [9]. Michel Foucault cũng tin rằng quyền lực, diễn ngôn và tính dục đều có sự gắn bó mật thiết. Trong khi quan điểm cũ về quyền lực chỉ nhìn nhận nó như một vật thể, Foucault lại cho rằng quyền lực như một mạng lưới quan hệ. Quyền lực không phát ra từ trên xuống hay từ quả cầu trung tâm, mà được nội tâm hóa. Và thay vì tác động trực tiếp lên cơ thể vật lý, quyền lực hiện đại lại ảnh hưởng đến ý thức. Foucault chỉ ra các phương thức vận hành như cái nhìn, kỷ luật và diễn ngôn. Các nhà nữ quyền do đó đã vận dụng lý thuyết của Foucault để diễn giải trật tự quyền lực giới. Họ cho rằng dưới ảnh hưởng của quyền lực nam giới, phụ nữ bị vật hóa và tha hóa đồng thời. Cách thức mà quyền lực giới hoạt động có thể là qua các điều khoản bất bình đẳng trong quyền tiếp cận giáo dục, tham gia chính trị, thừa kế tài sản, hoặc có thể hiểu theo các thuật ngữ trừu tượng như thẩm mỹ, dư luận và đạo đức. Ví dụ, cái nhìn, điểm cốt lõi là tính không thể hiểu được của quyền lực, nơi đặt phụ nữ vào trạng thái bất an thường trực, hoặc trong trạng thái như thể bị theo dõi vĩnh viễn. Đây là một mối quan hệ quyền lực tâm lý, trong đó người quan sát ở vị thế cao hơn người bị quan sát [10]. Bị buộc phải tồn tại thông qua cái nhìn của người khác, hành động của người phụ nữ bị chi phối bởi kẻ ngoài lề và trở thành một dạng vật thể. Phụ nữ luôn không ngừng tiếp thu các chuẩn mực khi bị đánh giá và từ đó hành xử theo các quy phạm chuẩn mực [11]. Một hình thức khác của quyền lực nam giới là sự kỷ luật.

Ở Trung Quốc thời phong kiến, có tồn tại những “giáo trình” nghiêm khắc dành cho nữ giới như The Female Commandment (Nữ giới luật), The Inner Discipline (Nội huấn), The Female Analects (Nữ luận ngữ) và The Female Filial Scriptures (Nữ hiếu kinh), trong đây, xã hội phụ hệ phủ nhận quyền học hành hay quyền công dân của phụ nữ, yêu cầu họ phải vâng lời và phục tùng chồng cũng như gia đình. Người vi phạm sẽ bị trừng phạt về cả pháp lý lẫn đạo đức. Nói cách khác, quá trình thiết lập chủ thể nam đã đồng thời áp đặt sự tha hóa xã hội đối với phụ nữ. Vai trò của diễn ngôn cũng được thể hiện rõ qua ví dụ này. Nam giới thường nắm độc quyền phát ngôn và viết lách, từ đó áp đặt ý chí của mình thành dòng chính trong dư luận và gây áp lực lên những người còn lại. Do đó, dưới sức ảnh hưởng của quyền lực, phụ nữ không còn là một chủ thể với ý chí độc lập mà trở thành một vật thể và một kẻ nào khác. Tâm trí và thân xác của họ bị thao túng, kiến tạo, can thiệp và định hình theo mô hình chuẩn do nam giới áp đặt.

Từ đó có thể suy ra rằng, để phụ nữ có thể phá vỡ trật tự quyền lực giới này, họ cần điều mà nữ nhà văn người Anh Virginia Woolf gọi là ‘một căn phòng của riêng mình’ – một không gian tách biệt, không có sự can thiệp của nam giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phụ nữ Nhật Bản gặp khó khăn trong thị trường lao động và phần lớn họ đều quay trở lại làm nội trợ. Sự phân tách giới tính đã mang đến cho họ một không gian tương đối độc lập để phát triển các hình thức giải trí văn hóa dành riêng cho phụ nữ, vì phần lớn thời gian trong ngày nam giới đều vắng mặt [12]. Ví dụ, Đoàn kịch Opera Takarazuka tổ chức các buổi biểu diễn kiểu ca vũ nhạc kịch với toàn bộ diễn viên là nữ. Những nhân vật nam, người mà được khắc họa là tao nhã và điển trai, sẽ được thể hiện bởi các nữ diễn viên và được thiết kế để làm hài lòng khán giả nữ. Tiểu văn hóa của phụ nữ đã phát triển, và cùng với đó là nhãn ‘hướng đến nữ giới’, vốn được du nhập vào Trung Quốc. Khác với sự phân tách giới cứng nhắc của Nhật Bản, trong những năm đầu của Trung Quốc mới, phong trào giải phóng phụ nữ đã khuyến khích việc phụ nữ tham gia lao động, và từ đó họ đảm nhận vai trò kép, vừa là ‘cô gái thép’ trong xã hội, vừa là ‘nội trợ hiền lương’ trong gia đình. Hệ thống nơi làm việc theo kiểu xã hội chủ nghĩa đã khiến phụ nữ Trung Quốc có một đời sống tương đối công khai, điều này đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với những ‘thẩm phán nam giới’ ở khắp mọi nơi. Vào những năm 1980, các tiểu thuyết tình cảm đến từ Hồng Kông và Đài Loan, với đại diện là tác giả Qiong Yao tràn ngập vào đại lục. Bất chấp việc những diễn ngôn về giai cấp, giới tính và những câu chuyện về quan hệ giới từ góc nhìn nữ giới đã trở nên lỏng lẻo hơn, bắt đầu xuất hiện sau cải cách mở cửa, toàn bộ quá trình xuất bản, giới thiệu và chuyển thể các tác phẩm ấy vẫn chịu sự kiểm duyệt do nam giới chi phối. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Internet đã mang lại những thay đổi to lớn.

Đặt trong sự so sánh với hiện thực, Internet dễ dàng để tiếp cận và khó kiểm soát hơn, với khả năng lan truyền thông tin chưa từng có, điều này mang đến cho người dùng sự tự do biểu đạt lớn hơn và có khả năng ảnh hưởng đến ngôn từ của họ. Vì vậy, mặc dù Internet bị ảnh hưởng bởi thực tại, nó cũng mở ra một căn phòng cho những nền văn hóa mới hoặc phi chính thống. Các cộng đồng trực tuyến mang tính ẩn danh, khép kín và có sự tương tác cao được xây dựng bởi những người dùng có cùng chí hướng. Trong không gian mạng của các nền văn hóa giải trí thiên hướng nữ giới, chế độ phụ quyền dần bị chất vấn và lật đổ. Ví dụ, những nhân vật nữ truyền thống trong tiểu thuyết của Qiong Yao, những người yếu đuối, nhân hậu, phục tùng và làm hài lòng đàn ông, nay bị gọi là ‘hoa sen trắng’, một cách gọi mang tính châm biếm và hạ thấp. Phụ nữ chọn thỏa mãn bản thân bằng cách trở thành đối tượng của sự khao khát, đồng thời, họ suy ngẫm về cách mà phụ nữ có thể thiết lập tính chủ thể trong xã hội và một đạo đức mới về quan hệ giới. Ngoài ra, Internet ở một mức độ nào đó đã mở rộng diễn ngôn của phụ nữ trong không gian công cộng. Ngày càng có nhiều phụ nữ dùng mạng xã hội để nhanh chóng bày tỏ ý kiến của họ về những vấn đề nổi bật liên quan đến giới hoặc đạo đức gia đình (Ví dụ: Quấy rối tình dục, hôn nhân, nghỉ chế độ thai sản…) và tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến dư luận. Lấy cảm hứng từ văn học mạng hướng đến nữ giới, họ suy ngẫm về thế giới chính thống vượt ra ngoài văn bản, tranh luận sôi nổi với đàn ông trong các không gian công cộng trực tuyến, và sau đó quay trở lại các không gian thiên hướng nữ giới để chữa lành và cổ vũ lẫn nhau trước khi bước vào trận chiến tiếp theo [13].

3.  Sự tiến hóa của các hình tượng Giới

Văn học mạng hướng đến nữ giới là một hiện tượng xã hội – văn hóa phát sinh từ tầng lớp cơ sở, mang tính tự phát trong một thời kỳ phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc, và các hình ảnh giới, đạo đức và nhận thức về tiền bạc mà nó chứa đựng xứng đáng được diễn giải cẩn trọng [14]. Quá trình tiến hóa của nó được chia đại khái thành ba giai đoạn:

Hình thức tình cảm phổ biến nhất lúc đầu và vẫn còn tồn tại trong văn học mạng hướng đến nữ giới là ‘Tổng tài yêu tôi’. Cốt truyện chính của thể loại này là một người đàn ông giàu có, bá đạo yêu một người phụ nữ bình thường, ngây thơ. Các hình ảnh giới trong những tác phẩm văn học mới nổi này sử dụng các mã tình cảm cũ kỹ. Một trong những mã đó là nam chính bá đạo, lạnh lùng nhưng tình cảm, giống như Heathcliff trong Đồi gió hú và Rochester trong Jane Eyre. Hình tượng của nhân vật nữ được miêu tả là tốt bụng, ngây thơ và nhu mì, trải qua nhiều khổ ải để theo đuổi hạnh phúc. Đáng chú ý, trong những tiểu thuyết thiên về tình yêu này, tiền bạc lại được nâng lên một vị trí chưa từng có một cách nghịch lý. Giàu có có thể được xem là một trong những nguồn hấp dẫn lớn nhất của nam chính. Vì tiền là sự thay thế cho thời gian, tri thức và lao động, nam chính trở nên gần như toàn năng. Jayashree Kamblé cho rằng các nhân vật nam giàu có trong tiểu thuyết tình cảm đại chúng tượng trưng cho chủ nghĩa tư bản [15]. Và cốt truyện trong đó nữ chính bị sở hữu, bị đánh giá và bị xâm phạm tái hiện thực tế của sự thống trị gia trưởng. Tuy vậy, thông qua việc nam chính không ngừng theo đuổi nữ chính, thể loại văn học này thể hiện quan điểm rằng sự ngạo mạn của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa gia trưởng có thể bị chinh phục bởi tình yêu. Nhưng để được yêu, nữ giới phải có các phẩm chất như ngoan ngoãn, nhẫn nại và không bị cám dỗ bởi tiền bạc. Do đó, mặc dù yêu cầu cao đối với đàn ông về ngoại hình, tài sản và sự chung thủy, mô hình này là một ảo tưởng của phụ nữ chưa thoát khỏi vị thế bất lợi của mình.

Mô hình thứ hai là ‘Tôi là tổng tài’. Có hai giai đoạn phát triển trong thể loại này: “Nữ quyền thống trị” và “Lấy nữ chính làm trung tâm”. Giai đoạn đầu đảo ngược vai trò giới bằng cách thiết lập lại các thế giới ảo, nơi nữ giới là giới thứ nhất, chi phối vận mệnh của nam giới. Tuy nhiên, thể loại này không được công nhận rộng rãi. Bởi vì nó quá tách biệt khỏi thực tế, không đưa ra bất kỳ phương pháp nào để đạt được bình đẳng giới mà chỉ đơn thuần lặp lại sự áp bức giới. Giai đoạn sau tập trung vào hành trình vươn tới thành công của nữ chính. Nhân vật nữ độc lập, có chính kiến và thông minh, hiện thực hóa tham vọng trong các lĩnh vực do nam giới thống trị như chính trị, kinh tế và quân sự. Cô cũng giữ sự tỉnh táo trong tình yêu, với lý tưởng cá nhân là mục tiêu hàng đầu. Những tác phẩm văn học kiểu này và các sản phẩm điện ảnh, truyền hình phái sinh của chúng đã đạt được thành công thương mại lớn và sự chú ý của xã hội, như Hậu cung Chân Hoàn truyện (2012), Mị Nguyệt truyện (2015) và Khúc ca hạnh phúc (2016). Một số học giả cho rằng thể loại này phá vỡ định kiến về một hình ảnh phụ nữ đơn nhất, thách thức sự kìm hãm của chủ nghĩa gia trưởng và phù hợp với tầm nhìn của phụ nữ trẻ hiện đại [16]. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng sự nam tính giả tạo của phụ nữ thay vào đó lại ngăn cản họ suy nghĩ một cách có xây dựng về những nan đề tiến thoái lưỡng nan và giá trị bản thân [17]. Ví dụ, hình ảnh người phụ nữ quyền lực chuyên nghiệp quả thật đại diện cho một sự chuyển dịch từ sự phụ thuộc gia đình sang sự hiện thực hóa bản thân trong xã hội. Tuy vậy, nó dường như chỉ là một sự bắt chước xuất sắc của quyền lực nam giới; góc nhìn, trải nghiệm và đặc thù nữ giới chưa được chứng minh là một phương tiện hiệu quả để giành lấy tính chủ thể.

Mô hình cuối cùng là sự đồng tồn tại đa nguyên. Trong khi các mô hình trên vẫn tiếp tục tồn tại thì có hai thể loại khác đáng được chú ý. Thể loại đầu tiên là một phản ứng đối với nghịch cảnh của những người phụ nữ chỉ có thể đạt được giá trị bản thân bên ngoài hôn nhân bằng cách đóng giả nam giới, điển hình là Hoa Mộc Lan không có anh trai. Hoa Mộc Lan, một phụ nữ nổi tiếng trong xã hội phong kiến Trung Hoa, cải trang thành nam để thay cha và anh trai vốn không thể tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc, và trở về nhà với chiến công. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết này lại khám phá phần tiếp theo chưa từng được kể: Hoàn cảnh khốn cùng của Mộc Lan sau khi trở về gia đình, đó cũng là hoàn cảnh của các cô gái trẻ Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ con một nữ, được nuôi dạy như những người cạnh tranh giành lấy nguồn lực xã hội nhưng cuối cùng vẫn bị đánh giá dựa trên hôn nhân. Trong câu chuyện mới, bị thị trường hôn nhân từ chối, Mộc Lan quyết định không tuân theo các quy tắc gia trưởng mà tiếp tục sự nghiệp. Thông qua ‘góc nhìn yếu ớt’ của nữ giới, cô phát hiện ra khủng hoảng tiềm ẩn trong hệ thống quân sự do nam giới quyết định và cải cách nó để cứu đất nước. Tuy nhiên, còn tồn tại một thể loại khác đặt câu hỏi về cái gọi là bản chất giới, được đại diện bởi văn học BL (Boy’s Love). Trung Quốc đại lục ban đầu tiếp nhận văn hóa BL Nhật Bản với “seme (top) x uke (bottom)”, một cấu trúc quyền lực tương tự như “nam x nữ”. Nhưng mô hình phân đôi này nay đã bị phá vỡ. Người seme được trao cho vẻ ngoài xinh đẹp, trong khi uke có thân hình cường tráng và nam tính. Giới tính không còn ràng buộc đến ngoại hình, hành vi, tính cách hay trách nhiệm của một cá nhân. Nói cách khác, văn học BL “thử nghiệm với những thực hành giới và tính dục bị gạt ra ngoài lề, và đã đóng vai trò trong việc hình thành bản dạng giới” [18], và trong những thử nghiệm này, các nữ tác giả thể hiện khao khát về những mối quan hệ tình cảm không bị trói buộc bởi các khuôn mẫu giới [19].

4.  Ảnh hưởng của Thương mại hóa và Internet

Mặc dù văn học mạng hướng đến nữ giới ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua đã chứng kiến những cách lý giải và tưởng tượng đa dạng về giới, ý thức nữ giới được thể hiện trong đó không phải là hoàn hảo hay không bị cản trở. Việc tái cấu trúc ý thức giới diễn ra chậm hơn mong đợi, với những nhân vật hoặc cốt truyện không phù hợp với quan niệm bình đẳng giới vẫn còn phổ biến. Ví dụ, trong mô hình “Tổng tài yêu tôi”, nam chính có thể lăng mạ hoặc thậm chí xâm phạm nữ chính, hoặc đối xử với cô như một con vật cưng. Việc miêu tả cơ thể và hình ảnh nữ giới tiếp tục duy trì trật tự giới truyền thống do nam giới thống trị, và do đó, nữ giới vẫn chưa thoát khỏi vị thế đối tượng bị vật thể hóa. Ví dụ, các nữ chính trong tiểu thuyết ngôn tình về cơ bản đều có làn da trắng và vóc dáng mảnh mai, nhưng lại sở hữu vòng một và vòng ba gợi cảm [20].

Ngoài ra, việc lý tưởng hóa quá mức hình tượng nữ chính dường như khiến nữ giới quay trở lại với vai trò như một vật thể. Ví dụ, trong các văn bản lấy bối cảnh đô thị, nữ chính thường giữ được sự cân bằng hoàn hảo giữa ngoại hình xinh đẹp, sự nghiệp thành công và tình yêu lãng mạn. Một mặt khác, giấc mơ này mang đến cho độc giả cảm giác đắm chìm và niềm vui được thỏa mãn các ham muốn. Mặt khác nữa, sự tuyên truyền hình tượng phụ nữ độc lập hiện đại này có thể mang tính độc hại. Bởi vì điều này, giống như vấn đề về ngoại hình đã đề cập ở trên, là một yêu cầu vô lý hoặc gần như không thể để phụ nữ đáp ứng. Tuy nhiên, cái kết hạnh phúc của nữ chính như thể đang nói rằng: Nếu bạn giống tôi, bạn cũng sẽ hạnh phúc. Hoặc nghiêm trọng hơn: Bạn nên giống như tôi, nếu không bạn sẽ trở nên bất hạnh. Khi bị cuốn hút bởi câu chuyện, khán giả có thể không nhận ra những cái bẫy hiểm độc này và bị ảnh hưởng một cách vô thức. Thủ thuật tương tự được sử dụng có chủ ý trong các quảng cáo sản phẩm dành cho phụ nữ, chẳng hạn như chất khử mùi, mỹ phẩm và hàng xa xỉ. Quyền lực văn hóa chính thống kết hợp với chủ nghĩa tiêu dùng, và hình tượng phụ nữ lý tưởng hóa quá mức này đã đồng nhất và nâng cao chuẩn mực thẩm mỹ cũng như tiêu chuẩn tự tham chiếu của khán giả nữ, từ đó tạo ra nỗi lo lắng và cảm giác bất an [21]. Trong trường hợp này, ngay cả khi đây là một không gian do phụ nữ thống trị, ánh nhìn nam giới vẫn tồn tại trong tiềm thức của họ.

Tiêu dùng và Internet là hai yếu tố quan trọng dẫn đến bệnh lý của văn học mạng hướng đến nữ giới. Các trang web văn học, nhờ sự tham gia của vốn thương mại, đã chuyển mình từ các nền tảng giao tiếp phi lợi nhuận thành một hệ thống tích hợp tác giả, người bán và người tiêu dùng. Người điều hành các trang web văn học ký hợp đồng với số lượng lớn tác giả và bán tác phẩm của họ cho độc giả dưới dạng điện tử. Các tác giả phải đối mặt với môi trường sáng tác kiểu nhà máy, các tiêu chí đánh giá định lượng và sự khuyến khích khó cưỡng lại [22]. Có các yêu cầu bắt buộc đối với việc viết và xuất bản: Tác phẩm mới phải xác định thể loại, ví dụ như đô thị, xuyên không, kỳ ảo,… Dựa trên những yếu tố của tác phẩm, thường có hơn một tá phân loại chi tiết, và những tác phẩm vượt ra ngoài các phân loại đó sẽ không được chấp nhận. Các nền tảng mạng chính thống có lãi ‘nội hóa các hình thức bạo lực và tha hóa’ [23], nơi các nhà văn đi từ sở thích thuần túy đến việc bán sức lao động của mình. Giống như định dạng trong sản xuất truyền hình, chúng có thể làm giảm tính sáng tạo tự chủ [24], và dây chuyền sản xuất chuyên biệt tạo ra các tác phẩm văn học quy mô lớn, được chuẩn hóa. Hơn nữa, các tiêu chí đánh giá đã thay đổi từ giá trị nghệ thuật mơ hồ sang các con số cụ thể như lượt nhấp của độc giả, lượt đăng ký và phần thưởng, những thứ có thể chuyển đổi trực tiếp thành thu nhập cho tác giả. Các trang web văn học cũng nâng cao mức độ khuyến khích bằng cách phân loại tác giả thành các cấp bậc khác nhau và cấp tiền trợ cấp dựa trên bảng xếp hạng mức độ nổi tiếng. Do đó, quá trình công nghiệp hóa của văn học mạng đã khiến cho quyền tự chủ sáng tạo bị suy yếu bởi logic của tư bản [25].

Internet với tư cách là một phương tiện truyền thông và các đặc điểm truyền thông của nó cũng có tác động sâu sắc đến văn học mạng hướng đến nữ giới. Trước hết, tính tương tác cao của không gian mạng cho phép các trang web văn học điều chỉnh sản phẩm của mình một cách kịp thời. Các trang web văn học trao cho độc giả quyền được đọc, bình luận, yêu thích, khen thưởng và giới thiệu văn bản. Đối với tác giả, phản hồi của độc giả có thể ảnh hưởng đến việc sáng tác trong tương lai của cô ấy; Đối với người điều hành, dữ liệu về hành vi của độc giả sẽ được theo dõi và sử dụng để dự đoán xu hướng thị trường. Thứ hai, khả năng truy cập của Internet đã mở rộng phạm vi khán giả. Các nền tảng văn học lớn áp dụng chiến lược ‘người dùng hạ tầng’, tập trung vào người dùng có trình độ học vấn tương đối thấp ở các thành phố kém phát triển [26]. Những người tiêu dùng tiềm năng này rất đông đảo và có xu hướng bị thu hút bởi giấc mơ tình yêu kiểu Lọ Lem. Với việc lựa chọn nằm trong tay độc giả và người điều hành tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, các nữ tác giả sẽ khó khăn trong việc duy trì niềm đam mê với tư duy sâu sắc và đổi mới. Không gian cho các tác phẩm sáng tạo hoặc phi chính thống bị thu hẹp. Vì vậy, văn học mạng trở nên được chuẩn hóa và đồng nhất, điều này có thể lý giải cho sự trì trệ trong việc tái cấu trúc giới.

5.  Kết luận

Bài viết này bắt đầu bằng việc phân tích trật tự quyền lực giới truyền thống, dựa trên lý thuyết quyền lực của Foucault. Sau đó, bài viết giải thích nguồn gốc của văn hóa “hướng đến nữ giới” và cách phụ nữ Trung Quốc sử dụng internet để tạo dựng không gian độc lập và mở rộng diễn ngôn của họ. Quá trình phát triển của hình tượng và đạo đức giới trong văn học mạng hướng đến nữ giới được chia thành ba giai đoạn. Các nhân vật nữ được khắc họa ngày càng độc lập, thông minh, điềm tĩnh và có năng lực cạnh tranh xã hội, với các khuôn mẫu giới dần dần bị tan rã. Mặc dù ý thức nữ giới đã được đánh thức, tình trạng sự vật hóa phụ nữ và đồng nhất hóa các tác phẩm văn học do ảnh hưởng của internet và chủ nghĩa tiêu dùng lại cản trở quá trình tái thiết giới. Bài viết này chủ yếu phân tích vấn đề từ góc độ của những tác giả sáng tác và nhà vận hành các trang web văn học, chứ không phải từ góc độ của độc giả. Do đó, các nghiên cứu trong tương lai có thể tiếp tục tập trung vào bản sắc và trải nghiệm của người đọc, trải nghiệm đọc của họ và ảnh hưởng của văn bản đối với họ. Ví dụ, mối liên hệ giữa phụ nữ Trung Quốc hiện đại với những cảm xúc mâu thuẫn giữa gia đình và sự nghiệp, đặc biệt là thế hệ nữ giới thừa kế đầu tiên* dưới chính sách kế hoạch hóa gia đình và văn học mạng hướng đến nữ giới.

*Ghi chú: The first heiresses: Thế hệ nữ giới thừa kế đầu tiên. Ở đây chỉ thế hệ phụ nữ đầu tiên trực tiếp trải qua những thay đổi trong xã hội Trung Quốc (như chính sách một con năm 1979). Họ không chỉ thừa kế tài sản và trách nhiệm gia đình, mà còn trở thành người sở hữu quyền lực và tự chủ trong khả năng của chính bản thân họ, điều này phản ánh sự biến đổi của vai trò giới trong lịch sử (Chú thích của người dịch).

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Yang Xinmin. Ruminations on Internet Literature. Literary Review (05), 2000:87-95.

[2] Wang, Quanli & Zhang, Wei. The Main Type and Problems of The Women’s Internet Novel. Journal of Zhejiang Media College (04), 2015:54-59+64+133.

[3] Shao Yanjun. The “Networkedness” and “Classicality” of Internet Literature. Journal of Peking University (Philosophy and Social Sciences) (01), 2015:145-154.

[4] Chen Shaofeng. “Internet + cultural industry” value chain thinking. Journal of Beijing Union University (Humanities and Social Sciences Edition) (04), 2015:13-17.

[5] Shao Yanjun, Ji Yunfei, Ren Woxing. The “Translation Group” of American Online Novels and the “Going Out” of Chinese Online Literature – Interview with RWX, Founder of Wuxiaworld. Literary Theory and Criticism (06), 2016:107-113.

[6] Zuo Xiaoqing. A Preliminary study on Female Writing in Network Literature. Southwest Jiaotong University, 2006.

[7] Zhao Shuping. Discrimination of Female Images in Network Literature. Journal of Liaoning Radio and Television University (01), 2007:52-53.

[8] Jiang Tao. Discussion on the Creation Value of “Network Feminism”. Literary and Artistic Controversy (11), 2020:156-162.

[9] Millett, Kate. (1977). Sexual politics. Virago Press.

[10] Wu Ying. The Females “seeing” and “being seen”: The gender consciousness of Stare and the Plight of Feminist Expression in Films and Vedios. Zhejiang Social Sciences (05), 2012:146-149.

[11] Wang Xuan. Gaze, Discourse, Discipline: Female Self-Sacrifice in Foucault’s Vision of Power. Masterpiece Appreciation (17), 2022:89-91.

[12] Ueno Chizuko. Misogyny: Female Misogyny in Japan. Shanghai Sanlian Bookstore, 2015.

[13] Zhu Fu Ying. New Changes in the Image of Women in Female-oriented Online Literature and Online Feminism. Masterpiece Appreciation (06), 2022: 113-116.

[14] Xu Yanrui. The production and ecology of online women’s writing. Journal of Peking University (Philosophy and Social Science) (01), 2015: 153-160.

[15] Kamblé, J.. Making Meaning in Popular Romance Fiction : An Epistemology.New York : Palgrave Macmillan, 2014.

[16] Zhu, Mei-Ming. An analysis of the changing female characters in the development of online romance novels. Young Literati (05), 2021: 45-46.

[17] Gao Hanning. “Female-oriented” online literature and the “online only-girl generation”: the example of Prayer June’s Mulan No Elder Brother. Modern Chinese Literature Research Series (08), 2016: 47-53.

[18] Welker, J. (2006). Beautiful, borrowed, and bent: “Boys’ love” as girls’ love in Shōjo manga. Signs, 31, 841–870.

[19] Xiao Yingxuan. Gender experiments in “female-oriented” online literature: the example of delayed fiction. Modern Chinese Literature Research Series (08), 2016: 39-46.

[20] Ji Fu-Ping, Li Yan-Hua. Identity construction:personhood, desire, objectification – mediated expressions of female images in webcasting. Film Review (20), 2017:84-86.

[21] Song Suhong, Zhu Yaqi. A study on the relationship between social media use and negative body imagery of women. Contemporary Communication(6), 2019:29-34+38.

[22] Wang Xiaoying, Zhu Dong. On the Constraining Influence of Literary Websites on Online Literature. Yunnan Social Science (01), 2010: 153-157.

[23] Andrejevic M (2009) Critical media studies 2.0. Interactions: Studies in Communication & Culture 1(1): 35–51.

[24] Banks M (2007) The Politics of Cultural Work. Basingstoke: Palgrave Macmillan.

[25] Li Xingchen. A study on the construction of female image in the recent decade of online literature adaptations. Journal of Journalism Studies (12), 2021: 121-123.

[26] Wu, Linan. The dilemma of female portrayal in “female-oriented” online novels. Writers’ World (23), 2021: 10-13.

Người dịch: Lê Phương Linh

Khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *