Là người Việt Nam ai cũng thấm thía câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: “Các vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.  Câu nói ấy bắc một cây cầu yêu thương đoàn kết đưa chúng ta ngược về miền truyền thuyết để hiểu sâu sắc hơn “Sự tích trăm trứng”. Bà Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng nở một trăm người con, 50 con theo mẹ lên rừng, 50 con theo cha xuống biển. Hùng Vương thứ nhất là con trai đầu lên ngôi đặt quốc hiệu Văn Lang là tên nước đầu tiên của nước Việt Nam mình. Kết nên một tín ngưỡng duy nhất có trên thế giới thật ý nghĩa là người Việt có ngày Giỗ Tổ, để rồi đi vào vốn từ vựng lắng đọng thành hai chữ “đồng bào” thiêng liêng. Theo Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu, “đồng bào” có nghĩa cùng là con cháu một ông tổ sinh ra. Cách hiểu theo lối chiết tự vẫn phổ biến hơn, đồng nghĩa là cùng, bào nghĩa là bọc. “Đồng bào” gắn liền với thần thoại cổ xưa ca ngợi nòi giống cao quý của tổ tiên dân tộc Việt: Lạc Long Quân giống rồng kết duyên cùng Âu Cơ giống tiên. Truyền thuyết nhắc nhở cháu con dù nơi miền biển, dù triền núi cao đều là con Hồng cháu Lạc chung một nguồn cội: “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Nhờ tinh thần đoàn kết “đồng bào” muôn người như một mà Việt Nam ta đã viết nên những trang sử bằng vàng chói lọi về tinh thần yêu nước, tinh thần không chịu sống kiếp tôi đòi nô lệ.

Hai chữ “đồng bào” – một mã văn hoá đặc biệt trong trước tác Hồ Chí Minh biểu hiện về tư tưởng đoàn kết muôn người như một để đánh đuổi kẻ xâm lăng, để cùng nhau xây dựng nước nhà. Khảo sát trong Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập. 2011), hai chữ này xuất hiện khoảng trên 2000 lần. Trong các lá thư và trong các lần nói chuyện Bác Hồ đều dùng “đồng bào”, như: đồng bào Công giáo, đồng bào Mán, đồng bào hậu phương, đồng bào tản cư, đồng bào Nam bộ… Trong 2 năm 1945, 1946 Người có 20 lá thư có tiêu đề “gửi đồng bào”:

 – Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ Vàng” (17/9/1945).
– Gửi đồng bào Nam bộ (26/9/1945).
 – Lời cảm ơn đồng bào Công giáo (14/10/1945).
 – Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ (29/10/1945).
 – Gửi đồng bào ngoại thành Hà Nội (15/12/1945).
 – Lời cảm ơn đồng bào (14/2/1946)…

Bác Hồ chỉ dùng từ “nhân dân” mang màu sắc trung tính, phổ thông trong hoàn cảnh đối thoại với thế giới như trong Lời kêu gọi nhân dân thi hành đúng bản Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp (16/3/1946). Điều này cho biết lý do vì sao với người nước ngoài Bác dùng từ “nhân dân” hoặc “dân chúng”: Lời phát biểu với nhân dân Pháp qua Đài phát thanh Pari (15/9/1946); Điện gửi nhân dân Pháp nhân ngày 19/12/1948… Nhưng trong bối cảnh lời tuyên bố cần sự trang trọng Bác dùng “quốc dân”: Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về (23/10/1946). Nếu lời tuyên bố này dùng “đồng bào” thân tình gần gũi thì sắc thái trang trọng bị giảm đi nhiều. Với Hoa Kiều, Bác gọi “anh em”: Thư gửi anh em Hoa Kiều (2/9/1945 và 28/12/1946). Điều này được chính Bác giải thích: “Chúng ta phải nhớ rằng: Việt và Hoa là hai dân tộc anh em” trong bài báo Hoa Việt tinh thành đoàn kết in trên báo Cứu quốc ngày 28/11/1945.

Với người Việt Nam, Bác Hồ dùng “đồng bào”, nhiều nhất trong những lá thư gửi “đồng bào Công giáo” cho thấy Người rất quan tâm tới sự “đoàn kết lương giáo”. Hai chữ “đồng bào” luôn là sự ấm áp cũng là nỗi trăn trở trong suy nghĩ của Người. Trong Thư gửi đồng bào toàn quốc in trên báo Cứu quốc ngày 15/11/1946 (1) chỉ hơn 100 chữ nhưng có 05 lần hai chữ “đồng bào”. Trong Lời cảm ơn đồng bào in trên báo Sự thật ngày 23/9/1949 (2) chưa đầy 200 chữ nhưng “đồng bào” được nhắc lại 09 lần…

Nhiều truyện cổ các dân tộc Việt Nam có môtíp giải thích nguồn gốc các dân tộc chung từ “quả bầu mẹ”. “Quả bầu” chính là “hình thức phái sinh” của “cái bọc trăm trứng”. “Bầu” là thứ cây gần gũi quen thuộc vùng cư dân nông nghiệp, miền núi cũng sẵn, đồng bằng cũng nhiều, dễ trồng, dễ chăm và rất tiện dụng, có thể ăn lá, ăn quả… Bầu leo trên giàn, ngọn nọ ngọn kia quấn quýt, nâng đỡ nhau gợi liên tưởng về sự giao hoà, đoàn kết, tương thân tương ái… Một hình tượng thật hay để nói về sự yêu thương, keo sơn, gắn bó. Đồng bào dân tộc Kinh cũng có câu ca dao thật thấm thía: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Trong từ vựng tiếng Việt chữ “đồng” (cùng) làm thành hệ thống từ ghép đồng nghĩa phong phú bậc nhất (so với từ vựng các nước khác): đồng bào, đồng tâm, đồng chí, đồng ý, đồng tình, đồng lòng, đồng hương, đồng cảm, đồng điệu, đồng hành, đồng đội, đồng hao, đồng môn, đồng nghiệp, đồng khởi, đồng diễn, đồng ca… Có biết bao nhiêu thành ngữ, tục ngữ, ca dao nói về sự đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau: “Chị ngã em nâng”, “Tay đứt ruột xót”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”… Là người thấu hiểu sâu sắc cội nguồn lịch sử, thấu cảm thấm thía nhất tình nghĩa đồng bào nên mỗi khi Bác Hồ dùng hai chữ ấy đều cho thấy sự biểu cảm ở mức độ chính xác nhất, tinh tế nhất.

Trong ngày Lễ Độc Lập 2-9-1945, đang đọc Bản Tuyên ngôn Bác ngừng lại hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”. Hai chữ “đồng bào” đã gợi nhắc mọi người dân, ai cũng như aiphải hướng về nguồn cội tổ tiên đồng lòng nhất trí dựng xây và bảo vệ ngôi nhà của mình là nước Việt Nam mới. Trước đó, năm 1942 Người viết Lịch sử nước ta kêu gọi toàn dân đoàn kết: “Dân ta xin nhớ chữ đồng/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Trong kiệt tác này Người chứng minh và khẳng định chân lý lịch sử: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Đó là chân lý thời đại. Đó cũng là chân lý lịch sử. Hội nghị Diên Hồng nhà Trần khích lệ tướng sỹ đoàn kết như tình cha con quyết đuổi giặc Mông Nguyên hung hãn giành lại non nước cha ông. Thời Lê Lợi – Nguyễn Trãi “tướng sỹ một lòng phụ tử”, ngọt ngào “nước sông chén rượu” để đòi lại độc lập cho giang sơn!

Trong Thư gửi đồng bào tản cư, Bác khẳng định con cháu của dòng giống anh hùng thì không bao giờ chịu khuất phục trước gian nan thử thách: “Con cháu Lạc Hồng, bao giờ cũng quật cường, không bao giờ sợ khổ” (3). Người lại có Thư gửi đồng bào hậu phương căn dặn họ phải giúp đỡ đồng bào tản cư như người trong một nhà: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”… Mỗi một đồng bào phải sẵn lòng bác ái, phải cư xử cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên” (4).

Kháng chiến chống Pháp đang trên đà thắng lợi, Bác Hồ kêu gọi nguỵ binh quay về với Tổ quốc để đất nước sớm hoà bình bằng cách mượn lời ca dao và thành ngữ quen thuộc nói về tổ tiên: “Tôi thiết tha kêu gọi các người mau mau quay về với Tổ quốc,… Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng” (5). Đường lối đoàn kết toàn dân nhằm một mục đích tổ quốc độc lập nhân dân được tự do, hạnh phúc của Bác Hồ luôn tạo ra một sức mạnh tổng hợp của toàn dân: “Hễ là con Hồng cháu Lạc, người có lương tâm, thì chắc ai cũng tán thành và ủng hộ mục đích cao cả ấy. Cho nên chúng ta đoàn kết rộng rãi tất cả những người Việt Nam yêu Tổ quốc, yêu hoà bình, yêu thống nhất trong cả nước và ở nước ngoài” (6). Với Bác, “con Hồng cháu Lạc”,
“con Rồng cháu Tiên” tức là “đồng bào”!

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng nhân văn, yêu thương con người, vì con người, không chỉ với anh em, đồng chí, đồng bào mình mà còn mở lòng với cả những người lầm đường lạc lối: “Tôi thiết tha kêu gọi những đồng bào vì một cớ gì mà lầm đường lạc lối hãy kịp trở về với Tổ quốc. Dù sao các người cùng là ruột thịt. Tôi tin rằng các người không thể nỡ lòng giúp địch làm cho đồng bào Việt Nam ta khổ nhục mãi; tôi rất đau lòng thấy cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn” (7). Chỉ trong ba câu ngắn mà có hai lần dùng “đồng bào”, nhất là câu giữa Dù sao các người cùng là ruột thịt” thật thấm thía, ân tình!

Hôm nay, nhìn từ lý thuyết “liên ký hiệu” thế giới quan niệm mỗi con chữ là một mã văn hóa lắng đọng trong đó cả một chiều sâu lịch sử, chiều rộng không gian tiếp biến giao lưu của các cộng đồng. Hai chữ “đồng bào” Bác dùng là một mã văn hóa tiêu biểu, đặc sắc để hôm nay, mỗi người con Hồng cháu Lạc” coi đó là một căn cước cho chính mình, cho đất nước, dân tộc mình!

——–

Các dẫn chứng đều trong Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 2011, 15 tập: (1) tập 4, tr 497; (2) tập 6, tr 205; (3) tập 5, tr 64; (4) tập 5, tr 98; (5) tập 7, tr 234; (6) , tập 10, tr 359; (7) tập 5, tr 249.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *