Gustave Dumoutier (1850 – 1904) lớn lên trùng với thời kỳ nước Pháp hình thành các thuộc địa, đi cùng cơ hội nghề nghiệp tại đó cho những học giả trẻ tuổi và triển vọng chưa có được vị trí chuyên môn ở mẫu quốc.

Bố của ông làm công nghiệp lớn, cho nên có điều kiện tài chính cho phép ông, dẫu từ chối nối nghiệp và từ chối theo đuổi sự nghiệp giảng viên tại trường đại học, từ những năm 20 tuổi, đi theo sự tò mò, ham biết để trở nên một nhà nghiên cứu độc lập về khảo cổ học, nhân chủng học, dân tộc học, tôn giáo. Sức học của ông được ghi nhận bằng việc trước năm 32 tuổi, ông đã xuất bản ba quyển sách chuyên khảo và là hội viên của các hiệp hội chuyên môn.

Nhà Việt Nam học Gustave Dumoutier (1850 – 1904)

Từ đầu những năm 30 tuổi, ông hướng sự chú ý tới Bắc Kỳ, khu vực mà quân đội Pháp đang chiến đấu để chiếm đoạt, rồi năm 33 tuổi ông theo học tiếng Việt và tiếng Hán tại Trường Ngôn ngữ Phương Đông ở Paris. Ông đã tỏ lộ năng khiếu ngoại ngữ cùng khả năng kết hợp học vấn đã tích lũy, để hai năm sau đó, năm 1885 công bố tiểu luận đầu tiên về lĩnh vực này.

Cùng năm 1885, quân Pháp đánh bại quân Thanh ở Lạng Sơn cho nên chính thức áp đặt sự bảo hộ lên toàn Bắc Kỳ, nơi mà thủ phủ Hà Nội đã gục ngã từ năm 1884. Năm 1886, Tổng trấn xứ Bắc – Trung Kỳ lần đầu được một công chức dân sự nắm giữ: Paul Bert (1833 – 1886), người bạn của Dumoutier.

Paul Bert đã bổ nhiệm người bạn triển vọng Dumoutier làm phiên dịch viên một quãng ngắn, rồi làm quản lý cấp cao tại Nha học chính Bắc Kỳ nơi mà ông, đối lập với Paul Bert yểu mệnh đã qua đời sau đó vài tháng, tại vị cho tới ít lâu trước khi qua đời năm 1904. Năm 1886, Dumoutier, ở tuổi 36, lần đầu ở chức vụ phù hợp với thiên hướng và học vấn của ông, đồng thời có điều kiện tốt về tài chính và dữ liệu thực tế để tiếp tục những nghiên cứu độc lập.

Thật thế, ông vừa quản lý mẫn cán, vừa liên tục trau dồi học vấn để công bố, tính tới bản liệt kê của chính ông năm 1900, 63 tác phẩm. Trong số đó, quyển sách Nghi thức tang lễ của người An Nam: nghiên cứu dân tộc học về mặt tôn giáo, in năm 1904 dường như là công trình ông bỏ ra nhiều công sức nhất. Dumontier đã viết lời giới thiệu có tính chất một bản đề cương nghiên cứu trong năm 1892, nhưng chỉ xuất bản tác phẩm ấy trong cùng năm mà ông qua đời.

Quyển sách, ngoài phụ lục là 36 tranh khắc một đám rước lễ tang lớn tại Hà Nội trong năm 1878, gồm bốn chương, có thể được chia làm hai phần chính: 1) ghi chép dân tộc học, chiếm 2/3 dung lượng, gồm chương đầu “Nghi thức tang lễ của người An Nam”, 2) các diễn giải về tôn giáo, tín ngưỡng từ kết quả của phần một, gồm ba chương sau đó, “Linh hồn sau khi mất”, “Linh hồn dưới địa ngục”, “Các linh hồn bị phán xét thế nào”.

Dumoutier, trong lời nói đầu viết năm 1892, thừa nhận đã tập trung công sức cho phần đầu quyển sách, cho nên chúng nổi trội hơn hẳn những diễn giải trong phần hai. “Chúng tôi cố gắng tránh đi sâu vào tinh thần học thuyết Phật, Lão, Nho, để về mặt tôn giáo, chỉ quan sát và giữ lại những yếu tố thuộc loại thuần túy dân tộc học, mà từ lâu, chúng tôi đã chú tâm theo dõi sát sao những biểu hiện nơi người An Nam, xứ Bắc Kỳ” (tr. 11).

Ông đưa ra nguyên nhân cơ bản của sự lựa chọn này là sự xa cách tới mức tách rời giữa thế giới của các tài liệu thành văn, ở đây là các kinh sách tôn giáo, với thế giới của đời sống thường ngày nơi những người dân Bắc Bộ. Thật thế, dân chúng ít tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc tôn giáo, vả lại sự phân biệt giữa các tôn giáo trong phương diện thực hành không thuần nhất. Chẳng hạn, nhà nho Bắc Bộ, người có địa vị cao trong xã hội bằng học vấn của anh ta, thản nhiên tìm tới sự trợ giúp của Phật, Thánh những khi biến cố bất ngờ ập tới. Dumoutier dẫu vậy đã tìm thấy một tài liệu thành văn kết tinh kinh nghiệm thực hành tôn giáo, tín ngưỡng nơi người dân, Gia lễ mà bản dịch sang tiếng Pháp phần “Tang lễ” đã tồn tại. Đây là tài liệu thành văn ông lấy làm tham khảo chính để hướng dẫn sự quan sát, thu thập tài liệu của mình.

Câu chuyện chính mà ông kể trong phần ghi chép dân tộc học về tang lễ, tất nhiên, đi theo, và rất nhiều khi đi quá, hành trình của linh hồn người đã chết cùng thi thể của anh ta. “Chúng ta chứng kiến một người sắp chết, trong cơn hấp hối, chúng ta đã thấy người đó chết, theo tất cả các giai đoạn khi trút linh hồn, việc tắm liệm và theo tiễn đám ma tới tận nghĩa trang” (tr. 209).

Xen vào trong sự miêu tả các giai đoạn, ông đưa vào trích đoạn các bài kinh được đọc ở từng sự kiện, và cùng lúc những đoạn giải thích thêm, có dung lượng và tính chất như những phụ lục nhỏ trong phần chính văn về từng chức năng của vật dụng hay người tham dự sự kiện ấy. Các miêu tả của Dumoutier quả thật chi tiết và trung thực, vì gần như theo sát được toàn thể quy trình mà một xã hội ứng xử với cái chết của một thành viên. Ví dụ, ông chú ý tới các chi tiết nhỏ trong việc đặt thi thể, sau khi đã khâm liệm, vào trong một quan tài hình chữ nhật. “Để cho tử thi vuông vắn, không xô lệch, xung quanh toàn thân, người ta chèn những cái chèm, hoặc gối bằng giấy điều nhồi căng […] sau đó buộc các góc vải liệm” (tr. 38).

Sự miêu tả dân tộc học của Dumoutier dẫu vậy có thể chưa làm hài lòng người đọc ngày hôm nay, do sự đối lập trong tiêu chí miêu tả. Miêu tả dân tộc học trong thời của Dumoutier hướng tới sự trừu tượng hóa kinh nghiệm của một cộng đồng, sao cho một người quan sát bên ngoài có thể hiểu được một cách khái quát. Thật thế, suốt chuyên khảo của ông chỉ xuất hiện hai tên riêng của người đã qua đời thời đó là Công Sùng, một nhà buôn lụa giàu sụ, có anh trai là nhà nho uyên bác và từng làm đến chức tổng đốc Bắc Ninh tên Nguyễn Tư Giản, người qua đời năm 1887. Nhưng hai cái tên đó xuất hiện ở phần phụ lục, không phải trong phần chính văn, và không có chức năng như một kinh nghiệm đặc thù, nhưng như chất liệu để hòa vào sự trừu tượng hóa.

Miêu tả dân tộc học ngày hôm nay, ngược lại, có thể phản đối cách làm của Dumoutier, bằng việc hướng sự chú ý của nhà nghiên cứu tới một lượng rất nhỏ người ở trong những điều kiện kinh tế – xã hội đặc thù, cùng những kinh nghiệm của riêng anh ta, điều có thể khác với ứng xử phổ biến của xã hội. Tác phẩm dân tộc học của họ do đó không chỉ trình bày các kết quả đã thu được như Dumoutier đã thực hiện, mà cả quá trình họ đã tương tác với những con người cụ thể.

Dù tiêu chí của sự miêu tả dân tộc học ngày hôm nay đối lập với thời của Dumoutier, thì chuyên khảo Nghi thức tang lễ của người An Nam của ông vẫn là công trình lớn đầu tiên và tham chiếu bắt buộc cho mọi nghiên cứu về phong tục tổ chức tang lễ của người Việt Nam ở đồng bằng Bắc Bộ.

Sự tiến bộ trong hiểu biết do đó có thể được tiến hành không phải từ sự phủ nhận toàn bộ, cho bằng sự bổ sung, đặt lại vấn đề từ những phác thảo của Dumoutier. Quả thật, tôi cho rằng có ít nhất hai vấn đề từ tác phẩm của ông mà các nhà nghiên cứu đã và đang xử lý.

Thứ nhất, Dumoutier, dẫu đã miêu tả hình dáng các ngôi mộ, quy trình đào huyệt và chôn cất, rồi việc buộc phải di dời các mộ, hoàn toàn không nói tới tang lễ thứ hai (second funeral), hay tục bốc mộ. Việc chôn người chết, theo đó, không diễn ra một lần nhưng được tiếp tục một lần nữa sau ít nhất ba năm. Ngôi mộ trong tang lễ thứ hai mới là ngôi nhà vĩnh hằng của người chết. Tục này chỉ trở nên ít phổ biến hơn trong khoảng hơn 20 năm qua, khi được thay bằng tục hỏa táng cùng những hỗ trợ tài chính của nhà nước cho thân nhân người chết lựa chọn phương thức ấy.

Thứ hai, Dumoutier dừng lại ở sự miêu tả các nghi thức tang lễ, nhưng chưa đi tới việc nghiên cứu tác động thực tế đối với linh hồn của những người xấu số cụ thể. Sự hạn chế này là tất nhiên, vì hướng nghiên cứu đó đòi hỏi phải có những thao tác kiểm tra thực chứng nghiêm ngặt cùng đội ngũ chuyên gia sở hữu năng lực tinh thần đặc biệt có thể giao tiếp với linh hồn người chết. Điều này đã và đang được Liên hiệp KHCN Tin học ứng dụng (UIA) cùng Trung Tâm Nghiên Cứu Tiềm Năng Con Người tiến hành hơn 20 năm qua. Thành quả ở mặt thực tiễn nằm ở tỷ lệ hơn 70% trong số các hồ sơ hài cốt thất lại được tiếp nhận đã được xác nhận và tìm thấy theo phương pháp trên.

Sự phát triển một cách thực tế các vấn đề mà Dumoutier đã đặt ra, ở chiều ngược lại, là đóng góp quan trọng nhất của những người ngày hôm nay đối với công trình của ông. Một nhà khoa học trung thực và tự trọng như Gustave Dumoutier hẳn sẽ vui lòng nếu biết tới những tiến bộ trên.

Đăng Thành

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *