Hai loạt bài “Sang Tây” và “Mười tháng ở Pháp” của Đào Trinh Nhất, ký tên Phạm Vân Anh, đăng trên tuần báo Phụ nữ tân văn trong hai năm 1929 và 1930 được Nguyễn Hữu Sơn biên soạn rồi lần đầu in thành quyển sách Sang Tây – Mười tháng ở Pháp, nhà xuất bản Tri thức phát hành năm 2018, dày 188 trang, khổ 13 x 20.5cm. Tôi đề cập điều hiểu nhiên của quyển sách: gồm tập hợp các bài viết đăng nhiều kỳ báo, tức là viết feuilleton. Điều hiển nhiên, rất dễ bị bỏ qua, đánh mất khả năng tò mò của trí tuệ. Viết feuilleton, ngày hôm nay gần như không còn, là truyền thống của báo chí thời thuộc địa.
Viết feuilleton thời thuộc địa có hai đặc điểm lớn. Thứ nhất, sự viết không lường trước được, dẫn đến thay đổi cốt truyện (đối với tiểu thuyết), tạm ngưng hoặc để dang dở. Loạt bài Sang Tây – Mười tháng ở Pháp của Đào Trinh Nhất, ký tên Phạm Vân Anh, đã tạm dừng ba tháng, từ Phụ nữ tân văn số 12, thứ năm 18 tháng Bảy 1929 tới số 25, thứ năm 17 tháng Mười 1929. Thứ hai, viết feuilleton gần như đăng trên các tờ báo tư nhân. Loạt bài của Đào Trinh Nhất đăng Phụ nữ tân văn của nhà tư bản Nguyễn Đức Nhuận. Đặc điểm thứ hai của viết feuilleton cần được viết rõ.
Thế hệ của Đào Trinh Nhất sống chết cùng các tờ báo tư nhân. Điều này không phải đương nhiên. Thế hệ, theo Ba thế hệ trí thức người Việt (1862 – 1954) của Trịnh Văn Thảo, là tập hợp những người ở độ tuổi trường thành, quanh những năm hai mươi tuổi, trong một thời điểm lịch sử xã hội đặc biệt. “Vượt lên trên các tiêu chí sinh học về tuổi tác, thuật ngữ “Thế hệ” đặc biệt phù hợp khi dùng để chỉ một tập hợp các cá nhân có chung những trải nhiệm sáng lập và hiểu biết về cùng những hình thái ban đầu của việc xã hội hóa”. Những ảnh hưởng sâu đậm ở tuổi hai mươi dẫn lối cuộc đời sau này của những cá nhân cùng thế hệ. Đào Trinh Nhất sinh năm 1900, thuộc thế hệ trí thức trưởng thành năm 1925. Mỗi thế hệ có nhiệm vụ của mình. Thế hệ trưởng thành vào thời điểm năm 1925 phải tạo ra lịch sử, Trịnh Văn Thảo nhấn mạnh, chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam. Sự lựa chọn của các văn nhân trong thế hệ của Đào Trinh Nhất là các tờ báo tư nhân. Chúng thể hiện không thể rõ hơn thái độ không chấp nhận hợp tác với người Pháp. Điều sau đây không phải nghịch lý. Thực dân buộc phải đào tạo các thế hệ trí thức Việt Nam cho việc quản trị. Nhưng thế hệ của Đào Trinh Nhất đã không để tri thức trở thành độc quyền của nhà nước thuộc địa.
Tinh thần chung của thế hệ trí thức trưởng thành năm 1925-1926 là tự lực. Họ dẫu vậy không hề được tự do hoạt động báo chí. Ngược lại, họ luôn gặp lực trở từ thực dân. Nghiên cứu của Philippe Peycam, Làng báo Sài Gòn 1916 – 1930, nhấn mạnh các tờ báo tư nhân luôn gặp sự đàn áp của thực dân – bất chấp luật pháp chúng đặt ra. Ngoài chính quyền thực dân, hoạt động báo chí của thế hệ Đào Trinh Nhất gặp ngoại trở khác: rơi vào tay các nhà tư bản. Thời điểm Đào Trinh Nhất viết du ký Sang Tây – Mười tháng ở Pháp, tuần báo Phụ nữ Tân văn là phương tiện làm ăn của vợ chồng chủ nhiệm tờ báo Nguyễn Đức Nhuận. Số lượng mỗi kỳ báo có khi đạt 13.000 bản cộng thêm các hợp đồng quảng cáo với những hãng lớn như Ngân hàng Việt Nam, tiệm ảnh nổi tiếng của người Việt Khánh Ký hay hãng phim Pathé. Các trí thức hoạt động trên báo chí, không có nghĩa họ là nhà báo như cách hiểu thông thường hiện nay, nổi tiếng như Đào Trinh Nhất phải chấp nhận sự cộng sinh này vì chưa thể làm chủ các tư liệu sản xuất. Sau này, cuối những năm 1930s, khi đã đủ vốn liếng, Đào Trinh Nhất điều hành tuần báo Mai của riêng mình.
Tinh thần tự lực của thế hệ trí thức trưởng thành những năm 1925-1926 được tích lũy từ miền Nam với những con người như Đào Trinh Nhất. Sự tích lũy sẽ đâm trồi, không phải ở Sài Gòn, mà ở Hà Nội với Tự lực văn đoàn. Các nhân vật chủ chốt của Tự Lực văn đoàn, cũng là các văn nhân thuộc thế hệ 1925 như Đào Trinh Nhất, là Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Tường Long, đều là tay cừ phách viết feuilleton. Năm 1940, Đào Trinh Nhất sẽ bắt đầu 11 năm cuối đời, giai đoạn thăng hoa của sự nghiệp, ở Hà Nội với tiểu thuyết đăng feuilleton Cô Tư Hồng. Những người của thế hệ 1925 gánh trách nhiệm lịch sử đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam, quyết liệt tự lực, kiên quyết không hợp tác với thực dân đồng thời nhà tư bản. Sự lựa chọn viết feuilleton là một trong những dấu vết còn lại của thế hệ 1925, mà người ngày hôm nay có thể hiểu được.
Đăng Thành
Nhà nghiên cứu độc lập về cách tiếp cận cấu trúc luận, lịch sử học thuyết Marx tại Việt Nam, và lịch sử trí thức tại Việt Nam thế kỷ XX. Website: https://dangthanhsite.wordpress.com/.