C. Lévi-Strauss – Cấu trúc luận và Sinh thái – Phần II

///C. Lévi-Strauss – Cấu trúc luận và Sinh thái – Phần II

Bài báo này là bản ghi lại một bài giảng của C. Levi-Strauss bằng tiếng Anh tại Hoa Kỳ vào năm 1972 cho sinh viên tại Đại học Barnard. Ấn bản đầu tiên: Structuralism and Ecology: Geedersleeve lecture, delivered at Barnard College, March 28 // Barnard Alumnae, Spring 1972, p. 6—14. Tái bản năm 1973 (bằng tiếng Anh) tại Paris; bản dịch sang tiếng Pháp được Lévi-Strauss đưa vào tuyển tập các bài báo Le regard eloigne. Paris: Plon, 1983.

Bản dịch này bỏ qua trang đầu tiên của bài báo, có tính chất giới thiệu bài giảng. Về tư liệu, bài viết có những điểm giao thoa với tác phẩm ” La Voie des Masques The Way of The Mask ” (xuất bản 1975), và về vấn đề thì rất gần với “La Pansee sauvage” – liên quan đến “những yếu tố giới hạn (restreints) của tâm trí.”

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nửa câu chuyện: những câu hỏi khác vẫn chưa được giải đáp. Nếu chúng ta quyết định lấy huyền thoại Chilcotin làm điểm quy chiếu, thì chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao những người da đỏ này lại cần giải thích nguồn gốc của vỏ ốc dentalia, và tại sao họ lại làm điều đó một cách kỳ lạ như vậy, gán cho chúng nguồn gốc trên cạn chứ không phải đại dương? Cũng giả sử rằng, có một nhu cầu nào đó đã khiến người Bella-bella thay đổi hình ảnh sừng dê núi được sử dụng làm móng vuốt, thì chúng ta cần phải hiểu, tại sao từ rất nhiều đồ vật trong môi trường tự nhiên của họ có khả năng thực hiện chức năng này, họ lại chọn vòi hàu? Cuối cùng, tại sao người Bella-bella lại không quan tâm đến nguồn gốc của vỏ ốc dentalia, mà chuyển toàn bộ sự chú ý của mình sang một loại của cải khác? Những câu hỏi này buộc chúng ta phải chuyển sang loại thuyết tất định thứ hai, mà đem đến những ràng buộc bên ngoài, dựa trên hệ tư tưởng. Nhưng cả các đặc điểm của môi trường tự nhiên, cả lối sống, thậm chí cả hoàn cảnh xã hội và chính trị đều không giống nhau hoàn toàn giữa các bộ tộc sống trong lục địa và các bộ tộc ven biển.

Vỏ ốc dentalia được đánh giá cao bởi các bộ lạc lục địa, là láng giềng phía đông của Chilcotin, những người thuộc nhánh ngôn ngữ Salish. Họ lấy được những vỏ ốc này từ người Chilcotin và do đó gọi những người kia là “người dentalia” (Teit, 1909, trang 759). Do đó, để bảo vệ sự độc quyền của mình và tạo cho nó nhiều uy tín hơn trong mắt những người hàng xóm, người Chilcotin rất quan tâm đến việc khiến những người khác tin rằng họ sở hữu một nguồn cung cấp vô tận vỏ ốc detalia, mà xuất hiện trong lãnh thổ của họ do các sự kiện siêu nhiên, đặc biệt thuận lợi cho họ.

Khi làm như vậy, họ đã che giấu một thực tại hoàn toàn khác: trên thực tế, người Chilcotin có được vỏ ốc thông qua giao thương, thông qua các con đường núi, với các bộ lạc ven biển, những người duy nhất có thể tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm của biển. Theo các báo cáo cũ, những bộ lạc ven biển này có quan hệ thân thiện với người Chilcotin, những người mà họ chưa từng đánh nhau, “vì họ hiếm khi mạo hiểm đi xa nhà của họ trên bờ biển hoặc bờ sông và, dường như, cảm thấy một nỗi sợ cung kính khi đi vào thành trì núi cấm và không thể hiểu” (Teit, 1909, tr. 761). Thật vậy, những người Salish phía trong, cũng như người Thompson và Quer d’Alene, khác với người Chilcotin, không biết về nguồn gốc thực sự của vỏ ốc dentalia; họ có một loạt huyền thoại, đồng thời vừa là hình thức đối xứng vừa là hình thức đảo ngược của những huyền thoại của những người cung cấp những chiếc vỏ ốc này. Chúng kể rằng trong thời cổ đại, vỏ ốc dentalia tồn tại trên lãnh thổ của họ và sau một số sự kiện nhất định, chúng đã biến mất, do đó hiện nay người da đỏ chỉ có thể có được những đồ vật quý giá này thông qua thương mại.

Một tình huống hoàn toàn khác đã hình thành liên quan đến các sản phẩm cả từ đất liền và biển, ở các bộ lạc ven biển. Đối với họ, các sản phẩm của biển thuộc về các hoạt động kinh tế và công nghệ: đánh bắt cá hoặc thu lượm vỏ sò là nghề phổ biến của người da đỏ ven biển, họ tự ăn những sản phẩm này hoặc bán cho người Chilcotin. Như các đồng nghiệp theo chủ nghĩa tân Marxist của tôi sẽ nói, những lợi ích này là một phần không thể thiếu trong thực tiễn của họ. Mặt khác, những người da đỏ ven biển đã trả bằng hải sản cho các sản phẩm từ đất liền, đến từ những vùng núi mà họ không dám đến và những cư dân ở đó đã đến thăm họ để đổi sản phẩm đất liền lấy sản phẩm biển. Những mối liên hệ nghịch đảo này đại diện cho một sự tương đồng hình thức với những gì chúng ta đã tìm thấy giữa các thần thoại tương ứng ở cấp độ hệ tư tưởng: nghĩa là, cái thực tế rằng trong thần thoại, một phương tiện gắn với đất dẫn đến một kết quả gắn với biển; trong khi ở trường hợp thứ hai – chính là con đường của nửa vòng tròn khác. Bây giờ đã trở nên rõ ràng tại sao các bộ lạc ven biển không cần “thần thoại hóa” vỏ ốc – những vỏ ốc thuộc về thực tiễn của họ; và cũng là lý do tại sao (nếu sự biến đổi trong thần thoại, như thường hay xảy ra, có hình dạng bắt chéo chiasma [2]) sự dịch chuyển thành phần biển từ phạm trù kết quả sang phạm trù phương tiện có thể đạt được một cách tương ứng bằng cách thay thế vòi hàu bằng vỏ ốc dentalia. Trong tương quan với nhau, chúng ở trong cùng mối quan hệ song trùng thuận nghịch, có ưu thế giữa các hệ sinh thái tương ứng của hai loại dân tộc.

Trước hết hãy xem xét sừng dê núi. Đầu nhọn của chúng – rất cong và tức là lồi – khiến chúng trở thành một vũ khí nguy hiểm; trong khi phần đế lõm và rỗng cho phép chúng được chạm khắc thành thìa, và do đó biến chúng thành một phần của của cải. Ngược lại, vỏ ốc dentalia được coi là của cải chính vì vỏ ngoài cứng lồi của chúng. Về phần bên trong của những con ốc này, thì nó là nhuyễn thể một mảnh không đáng kể, không thích hợp làm thực phẩm. Do đó, trong tất cả các mối quan hệ này, vỏ ốc đối lập với vòi hàu – cái ống mềm rỗng, phần phụ bên trong của loài hàu hai mảnh, đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn của các quần thể ven biển. Tuy nhiên, huyền thoại Bella-bella phủ nhận bất kỳ giá trị dinh dưỡng nào của vòi hàu, mà hóa ra (và thật nghịch lý) lại là những cơ quan thu hút sự chú ý, nhưng lại không có vai trò thực tế. Vậy nên, chúng có thể dễ dàng được “thần thoại hóa” với lý do ngược lại với lý do đã khiến những người trong đất liền lý giải nguồn gốc của vỏ ốc dentalia: đánh giá cao chúng, nhưng không sở hữu chúng; những người ven biển có hàu, nhưng không đánh giá cao vòi của chúng.

Trí óc không thể thụ động khi đối mặt với các điều kiện kinh tế và công nghệ gắn liền với môi trường tự nhiên. Nó không chỉ phản ánh những điều kiện này; nó phản ứng với chúng và biến chúng thành một hệ thống logic. Ngoài ra, trí óc không chỉ phản ứng trực tiếp với các điều kiện môi trường, mà còn nhận thức rằng có nhiều môi trường tự nhiên khác nhau, mà cư dân ở đó phản ứng với chúng theo cách riêng của họ. Tất cả những môi trường này được tích hợp vào hệ thống tư tưởng phục tùng những yếu tố khác – những yếu tố giới hạn của trí óc (mental) mà bắt buộc các nhóm có quan điểm khác nhau phải tuân theo cùng một sơ đồ phát triển. Hai ví dụ sẽ cho phép tôi chứng minh ý tưởng này.

Ví dụ đầu tiên là từ cùng khu vực như các câu chuyện trước: người da đỏ Seachelt, một nhóm ngôn ngữ Salish, định cư ở phía bắc đồng bằng sông Fraser. Những người da đỏ này bóp méo một cách kỳ lạ huyền thoại phổ biến ở phía tây của dãy núi Rocky – từ lưu vực sông Columbia đến lưu vực sông Fraser. Ở dạng thông thường, đó là câu chuyện thần thoại về Kẻ chơi khăm (trickster), thuyết phục con trai hoặc cháu trai của mình trèo lên cây để lấy lông của những con chim làm tổ trên ngọn. Với sự giúp đỡ của một phương tiện ma thuật, anh ta đã làm cho cái cây lớn lên, khiến nhân vật không thể xuống và cuối cùng bị lạc vào thế giới trên trời. Sau nhiều cuộc phiêu lưu, anh ta quay trở lại trái đất, nơi Kẻ chơi khăm mang hình hài của nhân vật để quyến rũ vợ của anh ta. Để trả thù, nhân vật đã dàn xếp để người cha độc ác của mình rơi xuống sông, dòng sông mang hắn ra biển, nơi những phụ nữ siêu nhiên ích kỷ giam giữ cá hồi. Những nữ siêu nhiên này cứu Kẻ chơi khăm khỏi chết đuối và mời đến chỗ của họ. Và kẻ đó đã xảo quyệt phá hủy con đập của họ và giải thoát những con cá. Kể từ thời điểm đó, cá hồi đi lại tự do và hàng năm bơi ngược lên các con sông, nơi người da đỏ đánh bắt và ăn chúng.

Cái thực tế là người ta đánh bắt cá hồi trong mùa sinh sản hàng năm, khi chúng trở về từ đại dương và bơi ngược theo các dòng sông để đẻ trứng trong nước ngọt, chắc chắn được biết từ kinh nghiệm. Theo quan điểm này, huyền thoại phản ánh những điều kiện khách quan có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế bản địa, mà huyền thoại nhằm giải thích. Nhưng người Sechelts lại kể câu chuyện theo cách khác. Người cha rơi xuống nước lúc hoàng hôn trong hoàn cảnh nào không rõ; người phụ nữ cứu anh ta và đưa trở về nhà. Anh ta muốn trả thù con trai mình, người mà anh ta coi là nguyên nhân gây ra bất hạnh của mình, và đưa người trai trẻ lên thiên giới bằng phương tiện ma thuật tương tự như trong các phiên bản khác. Trên trời, nhân vật gặp hai người phụ nữ lớn tuổi, và tiết lộ với họ rằng gần nơi họ ở có dòng sông rất nhiều cá hồi. Để trả ơn về điều này, họ đã giúp chàng trai trẻ trở lại mặt đất.

Suy ra, trong phiên bản của người Sechelt, việc Kẻ chơi khăm bị ném xuống sông và sau đó được người phụ nữ sống ở hạ lưu cứu đã thay thế chuỗi đầu tiên của các phiên bản khác; vì vậy tình tiết trôi sông không còn ý nghĩa nữa. Ngược lại, tình tiết cá hồi lại được đưa vào những cuộc phiêu lưu trên thiên giới; và chuỗi thiên giới này đi theo sau chuỗi thủy giới, chứ không phải đi trước. Cuối cùng, trên trời, câu hỏi không còn là về việc giải thoát cá, mà chỉ là về việc phát hiện ra chúng ở đó.

Làm thế nào để giải thích tất cả những sai lệch này? Có thể tưởng tượng rằng người Sechelt đã cố gắng lặp lại câu chuyện mà họ lần đầu được nghe từ hàng xóm của họ – những người da đỏ Thompson, người đã có một phiên bản hoàn chỉnh, chi tiết của thần thoại; không hiểu nó, người Sechelt đã làm rối tung tất cả. Một lý thuyết như vậy sẽ bỏ qua một thực tế mang tính quyết định: người Sechelt sống ở một khu vực địa lý khác với những người hàng xóm của họ, những người sống xa hơn trong đất liền; không thể đánh bắt cá hồi trên lãnh thổ của họ, vì không có sông nào thích hợp cho cá hồi sinh sản. Để đánh cá, người Sechelts phải luồn lách qua các bộ lạc Scylis ở trung lưu sông Garrison – những cuộc xâm nhập như vậy đôi khi dẫn đến xung đột đẫm máu.

Vì người Sechelt không có cá hồi, họ không thể gán việc thả chúng cho một trong những nhân vật văn hóa của họ; hoặc, nếu họ làm vậy, sự giải phóng đó có thể không diễn ra trên đất, mà là trên trời, trong một thế giới tưởng tượng, nơi không cần kinh nghiệm thực tế. Sự dịch chuyển như vậy sẽ làm cho chi tiết giải thoát cá trở nên vô nghĩa: người Sechelt không đặt câu hỏi về việc làm thế nào những con cá hồi được thả tự do để bơi ngược sông, – một hiện tượng trái ngược với kinh nghiệm địa phương; bởi vì không có cá hồi trong các khu vực của họ, người Sechelt (không giống hàng xóm) thích gán cho chúng một nơi ở siêu hình hơn là chấp nhận cho chúng một vị trí thấp hơn về mặt sinh thái, như trong thực tế.

Nếu như hệ sinh thái địa phương kéo theo sự thay đổi trong bất kỳ phần nào của câu chuyện, thì những yếu tố giới hạn của trí óc đòi hỏi rằng các phần khác của nó cũng phải thay đổi theo. Vì vậy, câu chuyện có một bước ngoặt kỳ lạ: người con trai trả thù mà không có lý do rõ ràng cho một cuộc bức hại đã không diễn ra; người cha đến thăm cư dân của biển mà không giải thoát cá hồi; sự phát hiện ra cá hồi trên trời của người con thay cho việc người cha giải thoát chúng ra đại dương, v.v.

Có một bài học khác từ ví dụ trên. Nếu giữa hạ tầng kinh tế – kỹ thuật và hệ tư tưởng chủ yếu là một mối quan hệ đơn giản một chiều, như quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả, thì ta có thể chờ đợi rằng huyền thoại Sechelt sẽ giải thích tại sao không có cá hồi trong lãnh thổ của họ, hoặc tại sao, khi đã có chúng, họ lại đánh mất chúng để những người hàng xóm hưởng lợi; hoặc họ có thể không có huyền thoại cá hồi nào cả. Tuy nhiên, trong thực tế, một điều hoàn toàn khác được phát hiện: những con cá hồi không có ở đó lại được tạo ra trong thần thoại – và do đó, truyền bá ý nghĩ rằng mặc dù cá hồi có ở đâu đó, nhưng chúng lại không có ở chính nơi mà chúng cần ở. Mô hình thần thoại, mâu thuẫn với kinh nghiệm, không những không biến mất mà thậm chí còn không trải qua một sự thay đổi nào cho phép đưa nó đến gần hơn với kinh nghiệm. Nó tiếp tục sống cuộc sống của mình, và bất kỳ sự biến đổi nào của nó đều không phải để thỏa mãn những yếu tố giới hạn của kinh nghiệm thực tế, mà là những yếu tố giới hạn của trí óc, hoàn toàn độc lập với những giới hạn kia. Trong trường hợp của chúng ta, trục với các cực là đất liền và biển – trục “đúng” duy nhất – theo quan điểm môi trường cũng như quan điểm hoạt động kinh tế-kỹ thuật – dao động từ ngang sang dọc. Cực biển trở thành cực bầu trời; cực đất liền trở thành thấp chứ không phải cao nữa; trục thực nghiệm trở thành tưởng tượng. Sự thay đổi kéo theo những sự thay đổi khác không có mối liên hệ dễ hiểu với thực tại, mà là kết quả của một nhu cầu hình thức.

Như vậy, thần thoại Sechelt minh họa một cách ấn tượng hai loại ảnh hưởng đến tư duy thần thoại, bên cạnh nhiều ví dụ khác. Tôi sẽ tự giới hạn trong một ví dụ đặc biệt nổi bật, bởi vì vấn đề tương tự như vấn đề đang thảo luận, trong một bối cảnh sinh thái và văn hóa khác sẽ được giải thích theo cùng cách.

Đối với các dân tộc thuộc ngữ hệ Algonquin sống trong vùng sinh thái Canada, nhím lông dài popcurine là một loài động vật có thật. Họ săn lùng nó không mệt mỏi để lấy thịt, thứ mà họ nghiện, cũng như lông nhọn của nó, thứ được phụ nữ sử dụng trong thêu thùa. Nhím cũng đóng một vai trò quan trọng trong thần thoại. Một câu chuyện thần thoại kể về hai cô gái khi đi bộ đến một ngôi làng hẻo lánh, tìm thấy một con nhím đang làm tổ trên cây đổ. Một cô gái rút lông ra khỏi con vật tội nghiệp và vứt bỏ chúng. Con vật bị đau đã phù phép gây ra bão tuyết, và các cô gái chết vì lạnh. Trong một thần thoại khác, nhân vật là hai chị em cô đơn. Một ngày nọ, khi đi lang thang xa nhà, họ tìm thấy một con nhím đang làm tổ trên cây đổ, và một cô gái đã ngu ngốc đến mức ngồi lên lưng nó, đến nỗi tất cả lông của nó đều cắm vào mông cô. Trong một thời gian dài, cô gái không thể chửa khỏi vết thương.

Ngày nay, người Arapaho – cũng thuộc ngữ hệ Algonquian – biến nhím trở thành nhân vật một câu chuyện hoàn toàn khác. Theo đó, hai anh em Mặt trời và Mặt trăng tranh cãi về loại vợ mà mỗi người muốn cưới: loại nào tốt hơn – một con ếch hay một cô gái? Mặt trăng, người thích cái sau, biến thành một con nhím để quyến rũ một cô gái da đỏ. Cô ấy thèm khát lông nhím đến nỗi trèo lên cao mãi trên cây, nơi được cho là chỗ ẩn náu của nhím. Nhờ thủ thuật này, nhím đã dụ được cô gái vào thiên giới, nơi Mặt trăng lấy lại hình dạng con người và kết hôn với cô.

Chúng ta phải làm gì với những sự khác biệt giữa các câu chuyện này mà, ngoại trừ con nhím trong cả hai, dường như không có điểm chung nào? Phân bố rộng rãi trong vùng sinh thái Canada, loài nhím hiếm khi được nhìn thấy (nếu không muốn nói là hoàn toàn vắng mặt) trên cao nguyên, nơi người Arapaho đã đến ở vài thế kỷ trước. Trong môi trường mới, họ không thể săn nhím, và để có được lông nhím, họ phải buôn bán với các bộ lạc phía Bắc hoặc thực hiện các chuyến đi săn sang lãnh thổ người khác. Có vẻ hai điều kiện này đã có tác động đến cả cấp độ công nghệ và kinh tế lẫn cấp độ thần thoại. Các sản phẩm người Arapaho khâu bằng kim được coi là tốt nhất Bắc Mỹ, và nghệ thuật của họ mang đậm dấu ấn huyền bí khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Đối với người Arapaho, khâu bằng kim là một hoạt động nghi lễ; những người phụ nữ của họ không thực hiện loại công việc này mà không nhịn ăn và cầu nguyện, với hy vọng nhận được sự giúp đỡ siêu nhiên, điều mà họ coi là rất cần thiết để công việc thành công. Liên quan đến thần thoại Arapaho, thì chúng ta vừa thấy rằng nó thay đổi hoàn toàn các đặc điểm của loài nhím. Từ một con vật ma thuật, cư dân dưới đất, chủ nhân của giá lạnh và tuyết, nó đã trở thành – giống như trong các bộ lạc lân cận – hình dạng động vật của một sinh vật siêu nhiên giống người, một cư dân thiên giới, chịu trách nhiệm cho sự tuần hoàn sinh học, chứ không phải tuần hoàn khí tượng và vật lý. Đúng là thần thoại chỉ rõ rằng vợ của Mặt trăng trở thành người đầu tiên trong số những phụ nữ có xu hướng có kinh đều đặn, hàng tháng, và nếu mang thai – thì được giải quyết sau một khoảng thời gian nhất định.

Do đó, khi chúng ta di chuyển từ người Algonquins phía bắc đến người Arapaho, trục thực nghiệm – trục ngang, kết nối gần và xa – chuyển sang một trục tưởng tượng – trục thẳng đứng, kết nối trời và đất. Đây chính xác là sự biến đổi mà chúng ta đã thấy ở người Salish: nó xảy ra khi một con vật quan trọng cả về công nghệ và kinh tế, đã bị mất đi trong một hoàn cảnh địa lý cụ thể. Ngoài ra, như ở người Salish, có các biến đổi khác theo sau, và được xác định không phải từ bên ngoài, mà là từ bên trong. Một khi chúng ta hiểu rằng, mặc dù nguồn gốc khác nhau, những biến đổi này liên kết với nhau, rằng về mặt cấu trúc chúng là một phần của cùng một tập hợp, thì trở nên rõ ràng rằng hai câu chuyện trên thực tế là một, và các quy tắc rõ rệt cho phép cái này biến thành cái kia.

Trong một trường hợp, hai phụ nữ là chị em, họ thuộc các loài động vật khác nhau – người và động vật lưỡng cư. Hai chị em di chuyển theo chiều ngang từ gần đến xa, trong khi hai phụ nữ kia di chuyển theo chiều dọc từ thấp đến cao. Thay vì nhổ lông nhím giống như nhân vật nữ đầu tiên, nhân vật nữ thứ hai đã bị nhổ ra khỏi làng của mình, có thể nói, bởi những cái lông mà cô ta thèm muốn. Một cô ném lông một cách thiếu suy nghĩ; người kia thì thèm muốn chúng như những đồ vật quý giá. Trong nhóm câu chuyện đầu tiên, con nhím làm tổ trên một cái cây chết đã ngã ra đất, trong khi ở nhóm thứ hai, cũng con vật đó trèo lên một cái cây đang lớn không ngừng. Và nếu nhím thứ nhất làm chậm hành trình của hai chị em thì nhím thứ hai lại, bằng sự xảo quyệt, khiến nhân vật nữ leo lên cao ngày một nhanh hơn. Một cô uốn lưng trước nhím; người kia đưa tay ra, cố gắng bắt nó. Nhím đầu tiên hung dữ; nhím thứ hai là một kẻ dụ dỗ. Trong khi con trước hành hạ cô gái từ phía sau, thì con sau lại làm mất trinh, tức là, “đâm xuyên” cô ta từ phía trước. Xét một cách riêng biệt, không có thay đổi nào trong số này có thể được quy cho các đặc điểm của môi trường tự nhiên; tất cả chúng cùng nhau xuất phát từ một nhu cầu logic, liên kết mỗi trong số chúng với những cái khác trong một loạt các hoạt động. Nếu một con vật trung tâm rất quan trọng từ góc độ công nghệ và kinh tế như nhím mà bị mất đi trong môi trường mới, thì nó chỉ có thể giữ lại vai trò của mình trong một thế giới khác. Kết quả là, thấp trở thành cao, ngang trở thành dọc, bên trong trở thành bên ngoài, v.v… Nhu cầu về sự tương liên (coherence) tỏ ra mạnh mẽ đến mức, để duy trì cấu trúc bất biến của các kết nối, người ta thà bóp méo hình ảnh môi trường của họ hơn là thừa nhận rằng các kết nối với môi trường thực tế đã bị thay đổi.

2. chiasma: một thuật ngữ trong ngôn ngữ học, có nghĩa là sự đảo ngược của nửa sau của một cụm từ.

Chú thích của PPĐ: huyền thoại liên quan con nhím được phân tích chi tiết ở đây (tiếng Việt).

Phan Phương Đạt dịch từ bản tiếng Nga СТРУКТУРАЛИЗМ И ЭКОЛОГИЯ (https://lib.uni-dubna.ru/search/files/phil_levy_stross_mind/phil_levy_stross_mind2.htm#15).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *