Bài báo này là bản ghi lại một bài giảng của C. Levi-Strauss bằng tiếng Anh tại Hoa Kỳ vào năm 1972 cho sinh viên tại Đại học Barnard. Ấn bản đầu tiên: Structuralism and Ecology: Geedersleeve lecture, delivered at Barnard College, March 28 // Barnard Alumnae, Spring 1972, p. 6—14. Tái bản năm 1973 (bằng tiếng Anh) tại Paris; bản dịch sang tiếng Pháp được Lévi-Strauss đưa vào tuyển tập các bài báo Le regard eloigne. Paris: Plon, 1983.
Bản dịch này bỏ qua trang đầu tiên của bài báo, có tính chất giới thiệu bài giảng. Về tư liệu, bài viết có những điểm giao thoa với tác phẩm ”La Voie des Masques The Way of The Mask” (xuất bản 1975), và về vấn đề thì rất gần với “La Pansee sauvage” – liên quan đến “những yếu tố giới hạn (restreints) của tâm trí.”
Cách tiếp cận cấu trúc, do tôi đề xuất hơn một phần tư thế kỷ trước, thường được các đồng nghiệp Anglo-Saxon của tôi gọi là “chủ nghĩa duy tâm” (idealism) hoặc “tâm thần luận” (mentalism). Tôi thậm chí còn được coi là một người theo trường phái Hegel. Một số nhà phê bình buộc tội rằng tôi coi các cấu trúc tư duy là nguyên nhân tạo ra văn hóa, và đôi khi còn pha trộn hai thứ đó. Họ cũng tin rằng tôi đang tìm cách nghiên cứu cấu trúc của tâm trí con người, để tìm ra thứ mà họ mỉa mai gọi là “những quy luật phổ quát (universals) của Levi-Strauss.” Nếu đúng là mọi chuyện như vậy, thì quả thật việc nghiên cứu các bối cảnh văn hóa mà trí óc hoạt động trong đó sẽ không đáng để quan tâm. Nhưng nếu đúng như vậy, thì tại sao tôi lại trở thành một nhà nhân học thay vì theo đuổi sự nghiệp triết học, phù hợp với nền tảng học vấn của tôi? Và tại sao trong các sách của mình tôi lại dành sự chú ý nhiều đến vậy cho những chi tiết dân tộc học nhỏ nhất? Tại sao tôi cố gắng xác định chính xác các loài thực vật và động vật mà mỗi cộng đồng biết đến; các mục đích kỹ thuật khác nhau mà chúng được sử dụng; và nếu những thực vật hoặc động vật này có thể ăn được, thì chúng được chế biến như thế nào để tiêu thụ – tức là luộc, hầm, hấp, bỏ lò, nướng trên lưới, rán trên chảo, hoặc thậm chí sấy khô hay hun khói? Trong nhiều năm, tôi làm việc với vô số các loại bản đồ mặt đất và bầu trời, giúp tôi theo dõi vị trí của các ngôi sao và chòm sao ở các vĩ độ khác nhau và vào các thời điểm khác nhau trong năm; các chuyên luận về địa chất, địa lý và khí tượng; các nghiên cứu về thực vật học; sách về động vật có vú và chim.
Lý do rất đơn giản: không thể thực hiện bất kỳ loại nghiên cứu nào mà trước đó không thu thập và kiểm tra tất cả dữ liệu. Như tôi thường nhận xét, không có nguyên tắc chung hoặc quá trình suy luận diễn dịch (deductive) nào cho phép chúng ta dự đoán các hoàn cảnh ngẫu nhiên hình thành nên lịch sử của mỗi nhóm người, các đặc điểm cụ thể của môi trường sống của họ, hay cái cách thức không thể đoán trước mà mỗi nhóm người đã chọn để diễn giải các sự kiện lịch sử riêng lẻ hoặc các khía cạnh của môi trường tự nhiên.
Ngoài ra, nhân học là một khoa học thực nghiệm (empirical). Mỗi nền văn hóa là một hoàn cảnh độc đáo mà chỉ có thể được mô tả và thấu hiểu bởi quá trình nghiên cứu tâm huyết. Chỉ có con mắt để ý tìm kiếm như vậy mới có thể phát hiện không chỉ các dữ kiện (fact), mà còn các tiêu chí, thay đổi theo từng nền văn hóa, theo đó mỗi nền văn hóa gán ý nghĩa cho một số loài động vật nhất định hay những loài thực vật, khoáng chất, thiên thể và các hiện tượng tự nhiên nhất định, để từ tập dữ kiện hữu hạn xây dựng nên một hệ thống logic. Nghiên cứu thực nghiệm cho phép ta tiếp cận cấu trúc. Vì ngay cả khi những thành phần giống hệt nhau được duy trì ở đây và ở kia, thì kinh nghiệm chứng minh rằng, những thành phần giống hệt nhau này có thể được quy cho những nguyên nhân khác nhau; và ngược lại, các thành phần khác nhau đôi khi lại thực hiện cùng một chức năng. Mỗi nền văn hóa được xây dựng dựa trên một số ít các đặc điểm riêng biệt của môi trường của nó, nhưng không thể đoán trước được chúng là gì hoặc chúng sẽ phục vụ mục đích gì. Hơn nữa, các nguyên liệu thô do môi trường cung cấp để quan sát và tư duy là vô cùng phong phú và đa dạng, đến nỗi trí óc chỉ có thể chạm được một phần nhỏ của nó. Trí óc có thể sử dụng nó để phát triển một hệ thống nào đó trong một dãy vô số những hệ thống có thể hình dung khác; và không gì có thể định trước rằng hệ thống nào trong số đó là quan trọng hơn.
Như vậy, trước tiên chúng ta vấp phải yếu tố tùy ngẫu (tính bất kỳ), từ đó nảy sinh những khó khăn mà chỉ có kinh nghiệm mới có thể giải quyết được. Tuy nhiên, mặc dù việc lựa chọn các thành phần có thể là bất kỳ, nhưng chúng được tổ chức thành một hệ thống, và các kết nối giữa chúng tạo thành một tổng thể. Trong La Pensée sauvage (Wild Thought), tôi đã viết rằng “nguyên tắc làm nền tảng cho phân loại không bao giờ có thể được định (postulate) trước; nó chỉ có thể được phát hiện ra sau (posteriori) bằng con đường quan sát dân tộc học – nói cách khác, bằng con đường kinh nghiệm.” Tính tương liên (coherence) của bất kỳ hệ thống phân loại nào đều rất phụ thuộc vào những yếu tố giới hạn (restreint), đặc trưng cho hoạt động của trí óc con người. Những yếu tố giới hạn này quyết định sự hình thành của các biểu tượng và giải thích sự đối lập của chúng và cách chúng được kết nối với nhau.
Do đó, quan sát dân tộc học không buộc chúng ta phải lựa chọn giữa hai giả thuyết: hoặc là một bộ óc mềm dẻo được định hình một cách thụ động bởi các tác động bên ngoài, hoặc là các quy luật tâm lý phổ quát đưa ra khởi đầu cho mọi thứ ở khắp mọi nơi, tạo ra những phẩm chất giống nhau và hoạt động bất chấp lịch sử và các đặc điểm cụ thể của môi trường. Nhiều khả năng là, những gì chúng ta quan sát và cố gắng mô tả là một nỗ lực để thực hiện một cái gì đó giống như sự thỏa hiệp giữa các xu hướng lịch sử nhất định với các đặc điểm cụ thể của môi trường ở một mặt, và mặt khác là với các yêu cầu về trí óc (mental), những yêu cầu mà trong mỗi lĩnh vực lại là một sự tiếp tục của các yêu cầu trước đó cùng loại. Bằng cách thích ứng với nhau, hai trật tự thực tại này được trộn lẫn, và do đó tạo ra một tổng thể có ý nghĩa.
Không có gì là Hegelian trong một khái niệm như vậy. Thay vì đến từ hư không, từ suy nghĩ của một nhà triết học, người có lẽ sẽ thực hiện một cuộc khảo sát chóng vánh giới hạn trong một phần nhỏ của địa cầu và trong một vài thế kỷ lịch sử của các ý tưởng, những yếu tố giới hạn này của trí óc con người được phát hiện ra bằng một quá trình suy luận quy nạp (inductive). Chúng ta chỉ có thể tiếp cận chúng bằng cách kiên nhẫn xem xét cách chúng được phản ánh, bằng những cách thức giống hoặc khác nhau, trong hệ tư tưởng của hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm cộng đồng. Hơn nữa, chúng ta không coi những yếu tố giới hạn này là có được ngay lập tức và cho tất cả, và không coi chúng như chiếc chìa khóa cho phép chúng ta, theo cách của phân tâm học, mở tất cả các ổ khóa từ đó về sau. Thay vào đó, chúng ta được dẫn dắt bởi các nhà ngôn ngữ học: họ nhận thức rõ rằng, trong thế giới ngữ pháp có thể xác định các tính chất chung, và hy vọng rằng họ có thể khám phá ra các quy tắc phổ quát (universals) của ngôn ngữ. Nhưng các nhà ngôn ngữ học cũng đồng thời biết rằng hệ thống logic, được hình thành bởi các phổ quát tố như vậy, sẽ nghèo nàn hơn nhiều so với bất kỳ ngữ pháp cụ thể nào, và sẽ không bao giờ có thể thay thế nó. Họ cũng biết rằng, việc nghiên cứu ngôn ngữ nói chung và các ngôn ngữ riêng lẻ đã tồn tại hoặc vẫn tồn tại là một vấn đề vô tận, và tập hợp hữu hạn các quy tắc sẽ không bao giờ mô tả được hết các tính chất chung của các ngôn ngữ này. Khi các phổ quát tố được tìm thấy, chúng sẽ hoạt động như các cấu trúc mở: luôn có thể bổ sung, mở rộng hoặc sửa chữa các định nghĩa trước đó.
Như vậy, có hai loại thuyết tất định (determinism) vận hành đồng thời trong đời sống xã hội; và không có gì đáng ngạc nhiên rằng, vì chúng khác nhau về bản chất, nên mỗi trong số chúng, theo quan điểm của cái kia, có thể tỏ ra tùy ngẫu. Đằng sau mỗi cấu tạo (construct) tư tưởng lại có những cấu tạo cũ hơn. Và chúng tạo ra tiếng vọng trong thời gian, quay trở lại cái thời điểm giả định, khi hàng trăm nghìn năm trước, hoặc có thể lâu hơn, nhân loại, khi lúng túng tìm lời giải thích, đã nghĩ ra và kể những huyền thoại đầu tiên của mình. Và cũng đúng là, ở mọi giai đoạn của quá trình phức tạp này, mọi cấu tạo tư tưởng đều bị thay đổi dưới tác động của các hoàn cảnh kinh tế và công nghệ thịnh hành; chúng làm méo mó, làm biến dạng nó theo nhiều hướng. Không có cơ chế chung nào, có thể nằm ở nền tảng của những cách thức khác nhau mà bộ óc con người vận hành trong các xã hội khác nhau, ở các giai đoạn phát triển lịch sử khác nhau, mà lại hoạt động trong chân không. Những bánh răng trí óc (mental) này phải kết nối với các cơ chế khác; quan sát không bao giờ phát hiện được những hành động riêng biệt của các bộ phận của cơ chế tổng thể; chúng ta chỉ có thể khẳng định kết quả tương tác của chúng mà thôi. Những quan điểm này, hoàn toàn không phải quan điểm triết học, được truyền cho ta từ quá trình nghiên cứu dân tộc học nghiêm ngặt nhất đối với bất kỳ vấn đề cụ thể nào. Tôi sẽ cố gắng minh họa hoạt động thực hành này bằng các ví dụ lấy từ phân tích thần thoại mà tôi đã làm trong hai mươi năm.
Người da đỏ Heiltsuk, hay còn gọi là Bella-bella, có quan hệ gần gũi với những người hàng xóm phía nam của họ trên bờ biển British Columbia – Kwakiutl. Trong cả hai nhóm, người ta đều kể câu chuyện về một đứa trẻ – trai hay gái – bị bắt cóc bởi một yêu tinh siêu nhiên, thường là nữ, được người Bella-bella gọi là Kawaka, và người Kwakiutl gọi là Dzonokwa. Cũng như trong câu chuyện của người Kwakiutl, người Bella-bella kể rằng đứa trẻ trốn thoát được, còn yêu tinh ăn thịt người thì bị giết hoặc phải bỏ chạy. Của cải mà nó tích cóp được rơi vào tay người cha của nhân vật và ông ta sẽ phân phát nó. Điều này giải thích nguồn gốc của potlatch (hoạt động phô trương giàu có bằng cách tặng hoặc tiêu hủy của cải của người da đỏ châu Mỹ – ND).
Đôi khi các phiên bản Bella-bella khác với các phiên bản Kwakiutl ở một chi tiết thú vị. Có một người trợ giúp siêu nhiên dạy cô gái hoặc cậu bé cách thoát khỏi yêu tinh: khi yêu tinh, như thường lệ, đi nhặt hàu lúc thủy triều xuống, thì đứa trẻ cần thu thập vòi hàu – yêu tinh không ăn phần này của hàu mà ném đi; đứa trẻ cần đặt những cái vòi này trên đầu ngón tay của mình và phủi chúng vào yêu tinh, khi đó nó sẽ sợ hãi đến mức rơi trở lại vực sâu và chết.
Tại sao mà một yêu tinh ăn thịt người ghê gớm lại sợ một thứ vô hại và tầm thường như vòi hàu – những chiếc que nhỏ mềm mại mà qua đó hàu hút nước vào và thải ra? (Những chiếc vòi này cũng khá tiện dụng để cầm một con hàu hấp khi nhúng nó vào bơ tan chảy, đặc sản nổi tiếng của một nhà hàng gần Quảng trường Thời đại, nơi tôi sống ở New York.) Huyền thoại Bella-bella thì không có chi tiết này. Để giải quyết vấn đề, chúng ta phải áp dụng quy tắc bất biến của phân tích cấu trúc: khi một phiên bản thần thoại chứa một chi tiết có vẻ bất thường, chúng ta nên tự hỏi bản thân xem phiên bản này có mâu thuẫn với phiên bản khác thường cách không xa nó hay không.
Các thuật ngữ “lệch lạc” và “chuẩn” ở đây nên được hiểu một cách tương đối. Phiên bản được chọn để đối sánh sẽ được gọi là “trực tiếp”, và trong tương quan với nó, các phiên bản khác sẽ là “đảo ngược”. Nhưng ta cũng có thể tiến hành theo hướng khác, ngoại trừ một số trường hợp nhất định (các ví dụ được dẫn trong các tập Mythologiques của tôi), trong đó sự biến đổi chỉ có thể xảy ra theo một hướng nhất định. Trong trường hợp này, phiên bản “trực tiếp” rất dễ được định vị. Nó được tìm thấy ở những người Chilcotin (Tsilhqotʼin), sống ở phần đất liền xa biển, về phía đông của dãy núi bờ biển. Nhưng họ rất quen thuộc với người Bella-bella và thường đến thăm họ ở phía bên kia dãy núi. Không nghi ngờ gì, ngôn ngữ của họ là khác nhau, ngôn ngữ Chilcotin thuộc họ Athabaskan. Còn trong tất cả các khía cạnh khác, người Chilcotin giống như các bộ lạc ven biển, mà họ vay mượn từ đó nhiều đặc điểm của tổ chức xã hội của mình.
Chúng ta biết được gì từ huyền thoại Chilcotin? Nó nói rằng một đứa trẻ sơ sinh – một cậu bé suốt ngày khóc (giống như một cô bé trong một phiên bản Bella-bella), bị bắt cóc bởi Cú, một phù thủy quyền năng. Ông ta đối xử tốt với cậu bé, và cậu lớn lên, bằng lòng với số phận. Nhiều năm sau, khi bạn bè và cha mẹ tìm ra chỗ cậu ở, cậu đã từ chối đi theo họ. Cuối cùng thì cậu cũng bị thuyết phục. Khi Cú truy đuổi nhóm người nhỏ đó, cậu đã khiến nó sợ hãi bằng cách đeo sừng của dê núi lên ngón tay và vẫy chúng như càng. Cậu mang theo tất cả những chiếc vỏ ốc dentalia (ốc biển có vỏ đơn màu trắng nhỏ, trông giống như những chiếc ngà voi tí hon), mà Cú là chủ nhân duy nhất cho đến thời điểm đó. Chính bằng cách này, người da đỏ đã có được những chiếc vỏ ốc này, là thứ quý giá nhất mà họ sở hữu.
Vì phần còn lại của thần thoại Chilcotin không liên quan đến chủ đề thảo luận của chúng ta, tôi sẽ bỏ qua nó, cũng như các phiên bản của người Bella-coola nói tiếng Salish, là hàng xóm của cả Bella-bella lẫn Chilcotin. Trong các phiên bản này, chi tiết sừng dê núi được bảo tồn, còn thần thoại Bella-bella thì được biến đổi, và kẻ ăn thịt người mà Bella-coola gọi là Sni-nik có những đặc điểm hoàn toàn trái ngược với kẻ ăn thịt người trong thần thoại Bella-bella và Kwakiutl. Chính từ quan điểm đặc biệt này, ta sẽ phân tích các phiên bản.
Chúng ta hãy giới hạn trong việc xem xét huyền thoại Bella-bella và Chilcotin, bởi vì chúng được tổ chức theo cùng một cách và chỉ đảo ngược những hàm ý thích hợp được gán cho mỗi thành phần. Cậu bé khóc của Chilcotin, cô bé khóc trong phiên bản phát triển hơn của Bella-bella, bị bắt cóc bởi một sinh vật siêu nhiên: trong một trường hợp là một yêu tinh dạng người, trong trường hợp kia là một phù thủy nhân từ trong hình dạng một con chim. Để thoát khỏi kẻ bắt cóc, nhân vật nam hoặc nữ đều sử dụng chiến lược như nhau: họ gắn móng vuốt nhân tạo vào ngón tay của mình. Nhưng những móng vuốt này hoặc là sừng dê hoặc là vòi hàu — nói cách khác, hoặc là thứ gì đó cứng và có thể gây hại đến từ đất liền, hoặc thứ gì đó mềm và vô hại đến từ biển. Kết quả là ở người Chilcotin, Cú rơi xuống nước và không chết đuối, trong khi ở Bella-bella, yêu tinh rơi xuống vách đá và chết. Như vậy, sừng và vòi về bản chất là phương tiện dẫn đến đích. Nhưng chính xác thì đích này là gì? Nhân vật nam hoặc nữ trở thành chủ sở hữu đầu tiên, hoặc của vỏ ốc dentalia, hoặc những của cải thuộc về kẻ ăn thịt người. Bây giờ tất cả những dữ liệu thần thoại và nghi lễ mà chúng ta có về con yêu tinh Kawaka hay Dzonokwa, như người Kwakiutl gọi nó, chứng minh rằng tất cả của cải của nó đến từ đất liền, vì bao gồm đĩa đồng, lông thú, da thuộc và thịt khô. Trong các thần thoại khác của Bella-bella và Kwakiutl, thì cũng con yêu tinh đó – cư dân đất liền, sống ở rừng và núi – không đánh bắt cá, mà liên tục ăn trộm cá hồi của người da đỏ.
Như vậy, mỗi thần thoại giải thích về cách thức đạt được một mục đích nhất định bằng những phương tiện nhất định. Và vì chúng ta đang xem xét hai huyền thoại, trong mỗi chúng đều có một phương tiện riêng và một mục đích riêng. Đáng chú ý là một trong những phương tiện hóa ra là gần nước (vòi hàu), còn phương tiện kia gần với đất (sừng dê). Cái đầu tiên dẫn đến mục tiêu (của cải của yêu tinh) liên quan đến đất, và cái thứ hai dẫn đến mục tiêu (vỏ ốc dentalia) có tính chất biển. Kết quả là, “phương tiện nước” dẫn đến “mục đích đất” và ngược lại, “phương tiện đất” thì dẫn đến “mục đích nước”.
Ngoài ra, có những kết nối bổ sung giữa phương tiện ở một huyền thoại này với mục đích hoặc kết quả ở một thần thoại khác. Vòi của hàu – phương tiện trong thần thoại Bella-bella, và vỏ ốc dentalia – mục đích trong thần thoại Chilcotin, rõ ràng là có điểm chung, cả hai đều từ biển. Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với vai trò của chúng trong văn hóa bản địa: đối với người Chilcotin, vỏ ốc dentalia còn lâu mới là thứ quý giá nhất mà biển cả có thể cho; và huyền thoại Bella-bella thì không gán bất kỳ giá trị nào cho những cái vòi hàu, kể cả để làm thức ăn, vì yêu tinh ném chúng đi mà không ăn.
Vậy còn sừng dê núi, phương tiện trong thần thoại Chilcotin, và những của cải trần gian của yêu tinh – kết quả nhận được trong thần thoại Bella-bella, thì sao? Không giống vỏ ốc, cả hai đều thuộc về thế giới của đất liền. Tuy nhiên, sừng dê không ăn được mà được dùng để làm đồ nghi lễ – những chiếc thìa được điêu khắc và chế tác kỳ công mà chúng ta được chiêm ngưỡng trong các viện bảo tàng. Đấy là những tác phẩm nghệ thuật và đồ vật mang tính biểu tượng, chúng là của cải. Ngoài ra, là thứ không thể ăn được, những cái thìa, giống như vòi hàu, là một phương tiện thuận tiện (về mặt văn hóa, không phải thiên nhiên) để đưa thức ăn đến miệng người ăn. Nếu như, bỏ qua nguồn gốc chung, ta đặt đối lập phương tiện từ một thần thoại và kết quả từ một thần thoại khác, thì một sự song song được thiết lập giữa kết quả từ thần thoại thứ nhất và phương tiện từ thần thoại thứ hai, mà cũng có một nguồn gốc chung (từ đất liền, không phải từ biển), và là ngược lại.
Tôi chỉ vạch ra mối liên hệ biện chứng giữa hai huyền thoại của các bộ tộc lân cận – sơ đồ này có thể dễ dàng được làm phong phú và tinh chỉnh. Tuy nhiên, điều này đủ để chứng minh rằng, tồn tại những quy tắc cho phép người ta biến đổi một huyền thoại này thành một huyền thoại khác, và những quy tắc phức tạp này vẫn có thể hiểu được. Những quy tắc này đến từ đâu? Chúng tôi không phát minh ra chúng trong quá trình phân tích. Có thể nói, chúng được chiết xuất từ những huyền thoại. Sau khi được nhà nghiên cứu dựng nên, chúng xuất hiện lên bề mặt như một biểu hiện hữu hình của các quy luật chi phối luồng suy nghĩ của con người khi họ nghe những người hàng xóm kể một trong những huyền thoại của họ. Người nghe có thể vay mượn thần thoại, nhưng không phải là không bóp méo nó thông qua các hoạt động trí óc ngoài tầm kiểm soát của họ. Họ sẽ chiếm hữu nó để không cảm thấy thấp kém, và tu sửa nó trong quá trình đó, một cách có ý thức hoặc vô thức, cho đến khi nó trở thành của riêng họ. Những thao túng như vậy không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Việc kiểm kê thần thoại châu Mỹ [1], mà tôi đã làm trong nhiều năm, cho thấy rõ ràng rằng các thần thoại khác nhau bắt nguồn từ một sự biến đổi tuân theo các quy tắc đối xứng và đảo ngược nhất định: các thần thoại phản chiếu lẫn nhau qua các trục, mà ta có thể lập danh sách chúng. Để giải thích hiện tượng này, cần phải kết luận rằng các hoạt động trí óc (mental) tuân theo các quy luật, tương tự như các quy luật trong thế giới vật lý. Những yếu tố giới hạn này, giữ các cấu tạo tư tưởng trong một phép đẳng cấu nào đó, mà trong đó chỉ một số loại biến đổi nhất định mới có thể xảy ra, là ví dụ điển hình cho loại thuyết tất định thứ nhất mà tôi đã đề cập.
1. Ấn bản bốn tập về phân tích huyền thoại của thổ dân châu Mỹ: Levi-Strauss C. Mythologiques. T. 1-4. Paris: Plon, 1964-1971.
Phan Phương Đạt dịch từ bản tiếng Nga СТРУКТУРАЛИЗМ И ЭКОЛОГИЯ (https://lib.uni-dubna.ru/search/files/phil_levy_stross_mind/phil_levy_stross_mind2.htm#15).