Sáng 26/03/2023, Viện Nhân học Văn hoá tổ chức buổi toạ đàm “Tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai” với sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu.
Tiểu thuyết lịch sử là một cách hình dung về lịch sử, qua ngôn ngữ tiểu thuyết, lịch sử được tái hiện gắn với trạng thái đời sống sinh động. Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai hướng đến xây dựng nhân vật chính là các bậc quân vương anh hùng,về anh hùng giải phóng dân tộc. Nổi bật trong tiểu thuyết lịch sử Phùng Văn Khai là cảm hứng tái hiện chân thực lịch sử, cảm hứng phê phán và cảm hứng nhân đạo.
Tại buổi tọa đàm, các nhà văn, nhà nghiên cứu có dịp nói về tiểu thuyết lịch sử nói chung và tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai nói riêng. Với sự am hiểu, nghiên cứu, tìm tòi, các khách mời tham dự đưa đến nhiều ý kiến, kiến thức sâu sắc, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn khi viết tiểu thuyết về lịch sử, và cách mà nhà văn Phùng Văn Khai đã khai thác, nghiên cứu để cho ra đời những cuốn tiểu thuyết chất lượng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, viết về tiểu thuyết lịch sử là một việc vô cùng khó, bởi với những nhân vật, sự kiện lịch sử đã xảy ra, đã có sẵn, các tác giả phải viết sao cho hấp dẫn, lôi cuốn mà vẫn giữ đúng giá trị lịch sử.
Nói về các tác phẩm của nhà văn Phùng Văn Khai, PGS.TS Đỗ Lai Thuý có nhận xét: “Trong xu thế các nhà văn hiện nay tìm về kho tư liệu vĩ đại của lịch sử dân tộc để tái hiện lại đời sống lịch sử dân tộc là điều rất đáng hoan nghênh và trân trọng. Phùng Văn Khai – cây bút quân đội cũng đã và đang nỗ lực theo hướng ấy, và dường như đây là sự lựa chọn đúng.” Có thể thấy, với những đóng góp của mình, nhà văn Phùng Văn Khai để lại cho độc giả những tác phẩm ấn tượng mà vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử vốn có. /.
Theo CTV Khánh Linh/VOV.VN