Sáng ngày 25/03/2023, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), Viện Nhân học Văn hóa phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức ra mắt sách Sắt son, vẹn tròn.

Sắt son, vẹn tròn là cuốn sách được tập hợp và hoàn thiện từ bốn bản thảo hồi ký viết tay cùng nhiều tài liệu quý mà nhà lão thành cách mạng Trần Văn Mạc để lại.

PGS. TS Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ ra mắt sách, PGS. TS Đỗ Lai Thúy, Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa cho biết: “Đồng chí Trần Văn Mạc là một nhà cách mạng tiền bối. Cuộc đời của ông trải qua nhiều hoạt động đặc biệt, trải qua nhiều nhà tù, chịu đựng nhiều sự tra tấn dã man của giặc, nhưng không để quật ngã tinh thần kiên cường, bất khuất. Hồi ký của đồng chí Trần Văn Mạc không chỉ có giá trị kỷ niệm đối với gia đình, dòng họ mà còn là những tư liệu quý để thế hệ hôm nay học tập, noi theo”.

Sắt son, vẹn tròn là cuốn sách được tập hợp và hoàn thiện từ bốn bản thảo hồi ký viết tay cùng nhiều tài liệu quý mà nhà lão thành cách mạng Trần Văn Mạc để lại. Cuốn sách ghi chép lại một số việc trong đời về hoạt động cách mạng của nhà cách mạng lão thành Trần Văn Mạc, quá trình hoạt động cách mạng của ông trong các nhà tù, trại tập trung đặc biệt của thực dân Pháp, thời gian hoạt động cách mạng công khai từ năm 1937 đến năm 1939. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại thành phố Nam Định năm 1945 do ông trực tiếp tham gia.

Sắt son, vẹn tròn là góc nhìn của tác giả, của một nhân chứng lịch sử về thời cuộc. Cuốn sách được viết với giọng điệu đời thường, gần gũi, đôi khi xen lẫn cảm xúc cá nhân và những nhận định mang tính chủ quan, những sự kiện, nhân vật lịch sử trong cuốn sách được tác giả nhắc đến qua hồi ức phân mảnh của bản thân.

Ông Trần Văn Mạc (1908 – 1996), quê ở thôn Mỹ Trọng, xã Mỹ Xá, tỉnh Nam Định (nay là phường Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định).  Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1929 và được kết nạp là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, chiến sĩ Trần Văn Mạc đã bị bắt và bị tù đày ở rất nhiều nhà tù như: nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Sơn La, nhà tù Côn Đảo, từng 4 lần phải đứng trước tòa án của thực dân Pháp.

Đất nước thống nhất, ông tiếp tục góp sức xây dựng đất nước. Ông từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Lao động (nay là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

Một số hình ảnh khác tại lễ ra mắt:

PGS. TS Đỗ Lai Thúy tặng sách cho lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và huyện Bắc Mê, Hà Giang
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa phát biểu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *