Susan Sontag mở đầu Bàn về nhiếp ảnh: “Nhân loại vẫn nấn ná lì lợm trong hang động của Plato, vẫn say sưa vui thú, như thói quen ngàn đời của mình, với chỉ những hình bóng của sự thật”[1]. Nhưng tiền đề của Plato không được triển khai bởi những bậc thầy dựng nên hệ thống. Nếu người đọc muốn tìm bằng chứng cho lời ca ngợi cuốn sách của các trí thức Mĩ ở mặt hệ thống của Sontag, thì sẽ không thấy. Đi con đường này thì ta chỉ thấy kỳ quặc cho vị thế cao đến khó tin của Bàn về nhiếp ảnh. Ngược lại, sự viết của Susan Sontag hướng đến việc tạo ra các mảnh rời.
Lựa chọn của bà có thể được giải thích theo hai cách. Thứ nhất, Bàn về nhiếp ảnh là sự ra đời vô ý. Nguyên bản của chúng là tập hợp các bài báo trên New York Review Books (tờ báo mà Susan Sontag cộng tác lâu năm). “Tất cả là từ một bài tiểu luận […] nảy sinh từ sự có mặt khắp nơi cùng chốn của những hình tượng do máy ảnh tạo ra […] Thế là bài này dẫn đến bài khác nữa (đến tôi cũng lấy làm lạ), thành cả một chuỗi tiểu luận về ý nghĩa và sự nghiệp của ảnh chụp”[2].
Tôi nghĩ lí do thứ hai có nhiều ý nghĩa hơn: do bản thân sự viết của Sontag. Nó không gắng để cố định đối tượng hoặc phạm vi hoạt động. Đây chính là sự lựa chọn hình thức của bà nhằm sao phỏng bản chất của nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh khiến cái nhìn của con người bị trượt từ tổng thể đến các mảnh chữ nhật rời rạc và không giờ còn trở lại tổng thể nữa, như quảng cáo của Polaroid SX – 70 mà Sontag trích dẫn: “Đột nhiên, bạn nhìn đâu cũng thấy một bức ảnh”[3]. Do đó, điểm mạnh thứ nhất của cuốn sách chính ở sự phù hợp nội dung và hình thức.
Điểm mạnh thứ hai của cuốn sách là cố gắng áp đặt hình thức lên thể loại tiểu luận. Cũng như trang Tin Văn của Nguyễn Quốc Trụ, Sontag đang thực hiện chương trình của Walter Benjamin về một cuốn sách chỉ toàn các trích dẫn. Chúng bao gồm các trích dẫn trực tiếp và gián tiếp từ các cuốn sách, bài báo, tham luận, quảng cáo. Với Sontag, câu hỏi “viết những gì?” không quan trọng bằng “viết như thế nào?”.
Điểm mạnh thứ ba của cuốn sách là thao tác đối lập được bà sử dụng nhất quán. Bà chủ yếu đặt nhiếp ảnh đối lập với hội họa ở chùm quan hệ giữa các tính chất, bản tính, sự tác động đến người tiếp cận của chúng.
Bản tính của mỹ thuật truyền thống dựa trên ba đối lập chính: đích thực – giả mạo, nguyên bản – bản sao và thị thiếu cao – thị hiếu thấp. Còn nhiếp ảnh làm mờ ba đối lập trên, thậm chí thẳng thừng xóa bỏ chúng.
Thao tác đối lập đồng thời giúp Sontag nhìn thấy những mâu thuẫn cùng tồn tại trong hoạt động nhiếp ảnh. Và bà gọi các luận điểm dưới đây là “tâm trạng nước đôi” của nhiếp ảnh.
Thứ nhất, các nhà phê bình đánh giá một bức ảnh tốt theo chính khuôn mẫu của hội họa. Nhưng hoạt động nhiếp ảnh không cam chịu bị định. Tiếp theo, nó không quay lưng với hội họa và chỉ chuyên chú ghi chép, thông báo các sự kiện. Nhiếp ảnh và hội họa giao nhau ở một mặt: tác phẩm là phóng chiếu của chủ thể lên khách thể. Mong muốn vượt hội họa nhưng nhiếp ảnh tự đặt mình là hình thức diễn đạt của cá nhân ngang bằng các môn nghệ thuật khác, như hội họa.
Vậy điểm khu biệt của nhiếp ảnh so với sáu loại hình nghệ thuật truyền thống là gì? Đó là sự gắn chặt cố hữu giữa chủ thể với quyền năng của máy móc. Xét như vậy thì nhiếp ảnh chỉ có thể ra đời và tồn tại khi các phương thức sản xuất đã phát triển.
Những ngày đầu, nhiếp ảnh là một thú vui chứ không phải hoạt động sản xuất. Nhưng ra đời trong xã hội tư bản, nó không thể tránh khỏi định mệnh, như Marx đã viết: “Xu hướng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là hết sức làm cho mọi sản xuất biến thành sản xuất hàng hóa”[4]. Do đó, nó sản xuất lượng hàng hóa khổng lồ dựa trên việc “con mắt nhiếp ảnh” có thể sản xuất vô tận những mảnh rời hình chữ nhật. Và việc làm trên đã thỏa mãn đòi hỏi tiêu thụ hàng hóa bất tận trong xã hội tư bản ở phương Tây. Tóm lại, thao tác đối lập được Susan Sontag kiên trì sử dụng đã đưa đến kết quả tích cực.
Nhưng hai điểm yếu sau đây thì bà không thể biện minh. Một là bà chỉ hướng đến việc hình thức hóa những đối lập ở bề mặt mà không tiếp tục chấp vấn các kết quả bước đầu. Hai là Sontag chỉ lấy kết luận của thần tượng Walter Benjamin, một nhà Marxist, mà không đi tiếp con đường của Marx. Đó là nghiên cứu những vấn đề mà Marx chưa từng chạm đến trong xã hội tư bản (ở đây là hoạt động nhiếp ảnh). Và liệu những tính chất của nhiếp ảnh và sự ưa chuộng chúng chỉ dừng lại ở các xã hội tư bản?
Thực tế đã trả lời câu hỏi trên. Ngày nay loài người ở trong các chế độ chính trị khác nhau đều thích chụp ảnh. Do vậy, lí giải của Sontag ở sự tích lũy riêng biệt chỉ có ở các xã hội tư bản là chưa thỏa đáng. Muốn giải thích thì bà buộc phải xuất phát từ những nhu cầu bất biến của loài người. Một người cũng theo Marx, chẳng hạn, Phan Ngọc sẽ định ra bảy nhu cầu bất biến: 1) nhu cầu ở, 2) sự thiếu thốn tiên thiên, 3) việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái, 4) sự hình thành nhà nước, 5) sự duy lý hóa thực tế, 6) tôn giáo, tín ngưỡng và ước mơ, 7) sản xuất vật chất[5].
Chúng ta đều có một số rất ít những nhu cầu bắt buộc bất biến. Và sự đa dạng của các phong tục trên thế giới là các ứng xử khác nhau của loài người nhằm thỏa mãn chúng. Muốn trả lời câu hỏi, Sontag không được dừng lại ở tiền đề của Plato mà phải tiếp tục chấp vấn.
Do đó, hàng loạt luận điểm của Sontag rất cần được nhìn nhận lại ở mặt lập luận. Một ví dụ nổi tiếng: nhiếp ảnh đã thay đổi thị yếu, thói quen và cách nhìn thế giới của con người. Nhưng loài người đâu phải một tĩnh vật buộc phải khuôn ép theo đủ các yếu tố ảnh hưởng. Nếu suy rộng ra từ lập luận của Sontag thì chẳng thể có các trường phái tư tưởng, hình thành nên thế giới chúng ta đang sống. Muốn củng cố lập luận thì bà phải tìm lại một nhu cầu bất biến của con người để đưa đến sự đồng thuận với nhiếp ảnh.
Và bà đã cố gắng thực hiện đòi hỏi trên trong chương xuất sắc nhất của cuốn sách “Thế giới hình ảnh”. Ý hướng giải thích nảy sinh trong đầu bà khi đột nhiên (không hề có bất cứ dấu hiệu báo trước) bà hướng cái nhìn sang một văn hóa khác là Trung Quốc, quốc gia phấn đấu đi lên chủ nghĩa xã hội, đối lập với nước Mỹ tư bản của bà. Nhưng bà không bị thôi thúc bởi trí tò mò tìm hiểu về những nhu cầu bất biến của loài người. Điều duy nhất mà Sontag nhìn thấy ở Trung Quốc là một lộn ngược so với xã hội bà đang sống. Chúng biểu hiện sự tự cao của đại diện thuộc một văn hóa đang thống trị thế giới bởi phương thức sản xuất, dẫu bà là một người trí thức cánh tả. Một cơ hội bị bỏ qua.
tháng Giêng 2019
Đăng Thành
Nhà nghiên cứu độc lập về cách tiếp cận cấu trúc luận, lịch sử học thuyết Marx tại Việt Nam, và lịch sử trí thức tại Việt Nam thế kỷ XX. Website: https://dangthanhsite.wordpress.com/.
[1] Susan Sontag, sđd, trang 11.
[2] Susan Sontag, sđd, trang 11.
[3] Susan Sontag, sđd, trang 256.
[4] Karl Marx, Tư bản: phê phán khoa kinh tế chính trị – Quyển thứ hai: quá trình lưu thông của tư bản, tập 1 – I. Những biến hóa hình thái của tư bản và tuần hoàn của những biến hóa hình thái ấy, II. Chu chuyền của tư bản, Hà Nội: NXB Sự thật, 1977 (in lần hai), trang 189.
[5] Phan Ngọc, Một thức nhận về văn hóa Việt Nam, Hà Nội: Omega+ & NXB Thế giới, 2018 (tái bản lần thứ nhất), trang 14 – 20