Tôi quen với nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, khi từ bộ đội chuyển ngành về làm biên tập tạp chí ngoại văn Etudes Vietnamiennes, nơi ông là một cộng tác viên chí cốt. Sau đó lại được dự nghe ông giảng một vài chuyên đề. Ngoài ra, trong nhiều bữa rượu, ở tình trạng ngoại ý thức, các bạn-bợm-nhậu của ông đã kể cho nghe rất nhiều giai thoại – huyền thoại… Từ Chi đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về một nhân cách trí thức nhiều kích thước, nhiều tương phản, nhưng nhất quán. Những điều tôi viết về ông chỉ là chiêm nghiệm riêng mình, nếu gọi đó là chân dung thì là chân dung của một Từ Chi trong mắt tôi.

Từ Chi thường hay nói với bạn bè là ông làm dân tộc học, cũng như làm Mường, là ngẫu nhiên, hay do một cái gì đó nằm ngoài ý muốn: “Hoàn cảnh khách quan bấy giờ buộc tôi phải lựa chọn dân tộc học. Tôi chọn người Mường vừa dễ đi, mà làm dân tộc học thì phải tiếp xúc nhiều với đối tượng để học tiếng và lấy tài liệu”. Hẳn đó không phải là những lý do duy nhất và quan trọng nhất. Bởi, Từ Chi, khi trò chuyện một cách chính thức, đụng phải những vấn đề “tế nhị”, thường vẫn biết lái chệch bằng cách chọn ra một lý do thực tế nhất (cho nó “quần chúng”), nhưng khó bắt bẻ nhất. Nếu dấn thân vào “cuộc chơi” đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy những nguyên nhân khác, sâu xa hơn.

Nhà dân tộc học Từ Chi

Một lần, Từ Chi kể: “Thuở nhỏ, tôi sống với bố khi ông cụ làm y sĩ ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Những khi rỗi rãi, ông thường dẫn tôi đi chơi quanh các phế tích Chàm, rồi tạt vào đâu đó hỏi chuyện mấy ông lý trưởng địa phương. Khi ông cụ làm bệnh viện trưởng ở Huế, có lần tôi được ông dẫn đi nghe diễn thuyết (vì sợ tôi ở nhà một mình sẽ quấy phá). Hóa ra, đó là cuộc nói chuyện về người Mường của cô Jeanne Cuisinier, một nhà dân tộc học người Pháp. Nghe thì nghe vậy thôi, nhưng tôi có hiểu gì đâu…” Có thể bấy giờ Từ Chi chưa hiểu được những điều ông mắt thấy tai nghe, nhưng ấn tượng thơ ấu về số phận tộc người ấy trong ông đã trở thành ám ảnh. Thời gian và sự bề bộn đời thường đẩy nó lui dần vào tiềm thức. Tưởng nó cũng sẽ mãi mãi câm lặng như các phế tích kia, nhưng rồi trước sự lựa chọn quan trọng, nó bỗng trỗi dậy và đưa ra tiếng nói quyết định, giành quyền được sống. Điều ấy, hẳn Từ Chi cũng không ngờ.

Phàm đã sống ở đời thì ai cũng phải làm một nghề nào đó để sống, để làm chức phận xã hội, và phần nào, để được tự thể hiện mình. Bởi vậy, chúng ta chọn nghề, tuy phần đông bất như ý. Nhưng còn có những người làm nghề là do sự thúc đẩy của những mãnh lực nào đó của vô thức, hoặc do những thiên hướng cá nhân. Những người này dường như được “chuẩn bị” để làm nghề ấy, và nếu không được toại nguyện thì họ không chịu nổi. Có thể nói, đó là những người được nghề chọn. Ở họ, nghề đã trở thành nghiệp. Còn đó là nghiệp gì, nghiệp chướng hay sự nghiệp thì còn tùy. Nhưng một khi đã sống chết với nghề (“sinh ư nghệ, tử ư nghệ”) thì các thứ nghiệp này không tách bạch. Nghề dân tộc học, tôi nghĩ, với Từ Chi, đã trở thành nghiệp của ông. Bởi vậy, ứng xử của Từ Chi với dân tộc học, rộng ra với nhân học xã hội và nhân học văn hóa khác hẳn với người. Chính chỗ “khác” này là phong cách của ông, cái làm cho Từ Chi trở thành Từ Chi.

Quyết định làm Mường, Từ Chi đã bước vào một thách đố lớn. Con đường từ Hà Nội lên Mường tuy được cái gần, nhưng phải vượt qua đốc Cun hiểm trở. Nhưng còn một “dốc Cun” khác, gay go hơn, mà ông phải vượt là cuốn dân tộc chí Người Mường của J.Cuisinier. Đó là một tác phẩm đồ sộ (gần đây được dịch ra tiếng Việt và in với độ dày 860 trang khổ lớn), mẫu mực và hình như duy nhất trong thể dân tộc chí của người Pháp để lại ở Việt Nam. Đỉnh cao này là cây bàn là của Từ Chi trên hành trình đến xứ Mường. Biết vậy, nhưng ông chẳng hề núp bóng (để rồi bị cớm), cũng không đi vòng, mà cứ leo thẳng lên đỉnh. Thế là trong suốt mười năm trời, mỗi năm ông bỏ ra sáu tháng để lên Mường. Ông chọn Mường Động, một địa bàn khuất nẻo, nên ít bị những xáo trộn văn hóa, để cắm chốt. Ở đây, ông học tiếng Mường, tham gia sinh hoạt với bà con theo kiểu “cán bộ ba cùng”, rồi kết nghĩa anh em với người Mường. Bất cứ ở đâu lúc nào, nếu có thể, dường như thuận miệng ông đem những điều bà Cuisinier đã viết ra hỏi lại: Từ những thăm hỏi (một sáng tạo chữ của Từ Chi, thay cho từ điều tra đầy vẻ hình sự) trên thực địa này, dần dà Từ Chi nhận thấy nhiều điều trong cuốn Người Mường chệch với thực tế. Hóa ra, nhà dân tộc Pháp đến với Người Mường từ bên trên, phía nhà lang đã ít nhiều bị ảnh hưởng văn hóa Việt, nhất là Nho giáo, còn ông từ phía dân gian, kề cận với gốc rễ hơn. Thế là, không giẫm lên vết người trước, Từ Chi vạch được lối riêng cho mình. Nhờ đó, ông đã có những đóng góp lớn trong nghiên cứu Mường, và không chỉ Mường:

1. Nghiên cứu ruộng lang, Từ Chi đã dựng được mô hình chế độ nhà lang. Từ đó chiếu một tia sáng vào cái gọi là “nhà nước Văn Lang – Âu Lạc” qua những lớp sương mù huyền thoại xưa và nay.

2. Nghiên cứu tang ca, ông tìm được vũ trụ quan Mường là ba tầng bốn thế giới tiêu biểu cho các tộc người Đông Dương.

3. Tìm thấy ở hoa văn cạp váy Mường là nơi duy nhất còn lưu lại được những dư ảnh của truyền thống nghệ thuật Đông Sơn. Điều này rất quan trọng vì nó không chỉ tạo lập được sự liên tục qua những đứt đoạn của nền nghệ thuật Việt Nam, mà còn hé ra mối quan hệ cùng gốc của các tộc người cộng cư trên mảnh đất này.

Chỉ qua những nghiên cứu về Mường này cũng có thể đoán định được, mà không sợ nhầm, về phẩm chất tư duy của nhà học giả: chi tiếtkhái quát, tưởng tượng khoa học. Ông có khả năng bằng tưởng tượng nối những sự kiện xa lạ với nhau nhất, rồi chứng minh được sự thân cận của nó bằng những cứ liệu khoa học chặt chẽ.

Là một người Việt Nam nghiên cứu Mường, Từ Chi, mặc nhiên, còn có một hệ quy chiếu nữa. Những điều trông thấy ở Mường đều được đem so sánh với Việt. Càng ngày ông càng nhận rõ giữa Mường và Việt có nhiều nét chung, không phải như hai cây giao cành nhau, mà như hai cành của một gốc. Có điều cái gốc chung ấy khuất trong lòng đất. Cùng với đóng góp của vài nhà ngôn ngữ học từ chuyên ngành của họ, Từ Chi, trong phạm vi dân tộc học của mình, đã làm sáng tỏ mối quan hệ Việt – Mường với khái niệm tiền Việt – Mường hoặc Việt Mường chung qua những trang viết tuyệt vời về bánh trái Mường và bánh trái Huế. Từ đó, thật dễ hiểu, trọng tâm nghiên cứu của Từ Chi, về cuối, di chuyển từ Mường sang Việt. Không phải vì ông là người Việt mà, trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, Việt là tộc chủ thể có ảnh hưởng nhiều đến các tộc người sống trong cùng một khu vực cư trú. Cuốn Cơ cấu tổ chức làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ là bước chuyển ấy. Thoạt tiên, như ông nói, do không hiểu cái giáp (một tổ chức theo lớp tuổi ở làng quê) Mường thì phải tìm hiểu giáp Việt. Và để hiểu được giáp Việt thì phải tìm hiểu Cơ cấu tổ chức… Cuốn sách ra đời là như vậy. Mặc dù có thời người ta coi Việt không phải là đối tượng của dân tộc học (?), nhưng cũng đã nhiều người nghiên cứu Việt, và khối lượng tư liệu thu nhập được đã lắm. Nhưng hình như đa số chỉ mới thấy cây mà chẳng thấy rừng. Bằng phương pháp cấu trúc, Từ Chi đã xây dựng được mô hình làng và cơ chế vận hành của nó, kết hợp được tư liệu và lý thuyết, chi tiết và tổng thể, một bước tiến mới trong nghiên cứu người Việt. Địa bàn nghiên cứu của ông không ngừng mở rộng, từ Mường, Việt đến Tày, Thái… ở Tây Bắc, Bana, Jarai… ở Tây Nguyên, từ làng quê đến đô thị, từ kinh tế, xã hội sang văn hóa, nghệ thuật… Nhiều suy nghĩ của ông vẫn tiếp tục được triển khai, trong khi nhiều ý tưởng khác bắt đầu chín. Bởi vậy, dù có thể, như ông vẫn thường nói, không thích những vấn đề lý thuyết, Từ Chi đã có những đóng góp lý thuyết quan trọng như lý luận về tộc người chủ thể, quan hệ giữa cảnh quan và bộ mặt tộc người, sự lý giải tính cách lưỡng diện vừa dễ tiếp thu cái mới, ngoại nhập, vừa bảo thủ, trì trệ của người Việt Nam…

Tất cả những cái rất khoa học ấy lại được viết ra bằng một thứ tiếng Việt nhuần nhị, tinh tế và giàu âm sắc. Một thứ văn vừa gọn gàng, khúc chiết, vừa duyên dáng, gợi mở, và co duỗi rất tự nhiên. Đặc biệt, viết về khoa học, nhưng ông không chỉ trình bày kết quả nghiên cứu, ông dẫn người đọc cùng đi trên hành trình khám phá, cùng trải nghiệm những hoài nghi, những tình cờ, những phát hiện… nên người đọc, nhất là các nhà nghiên cứu trẻ, không chỉ thụ hưởng kết quả, mà còn được cả con đường đi đến kết quả đó. Nhưng Từ Chi không “làm văn”, bởi đằng sau những câu chữ đầy tìm tòi sáng tạo ấy là những quan sát tinh tế, những băn khoăn học thuật, những day dứt về sự mất còn của từng nét hoa văn, từng bản tang ca… những phấp phỏng về số phận của một nền văn hóa tộc người.

Từ Chi là một nhà khoa học thuần túy. Ở Việt Nam, nhất là vào những thời bao cấp, làm một nhà khoa học trơn, hình như chưa có giá trị tự thân mà phải gắn với một chức vị gì đó, dù chỉ là một chân tổ trưởng. Hơn nữa, cơ chế bao cấp cồng kềnh, làm một việc gì đó cũng phải trải qua nhiều “cửa”, nên không nắm chắc được chức vụ – một thứ giấy thông hành – thì khó mà trót lọt theo ý mình. Vả chăng, làm khoa học thuần túy dễ bị “chụp mũ” nặng chuyên nhẹ hồng, hoặc thích “chơi trội”. Chính Từ Chi cũng đã từng bị phê phán là nhà nghiên cứu theo phương pháp tư sản, sa vào chi tiết vụn vặt (sao lại nghiên cứu hoa văn cạp váy?!) mà không chú ý đến những vấn đề lớn là kinh tế, xã hội. Họ không biết rằng đẩy đến cùng việc nghiên cứu cái vi mô sẽ gặp cái vĩ mô. Mô hình cấu trúc của một nguyên tử cũng giống như mô hình cấu trúc các thiên thể.

Sinh ra trong một gia đình trí thức cách mạng, bản thân lại là bộ đội Nam tiến, có chức vụ, lại thông minh, nếu muốn, hẳn Từ Chi đã có thể “vào bộ máy”, rồi cứ theo guồng quay của nó mà đi lên… Nhưng ông đã chọn cho mình một cuộc sống “ngoài lề” để được làm khoa học. Một lần, trong lúc ngà ngà rượu, Từ Chi thổ lộ với tôi về “kinh nghiệm” bảo vệ quyền được làm nghề của mình: “Nếu anh làm dâ tộc học thì tốt nhất đừng ở Viện Dân tộc học, mà nên ở một cơ quan nào đó ít nhiều có liên quan đến dân tộc học, để rồi làm dân tộc học như một nghề tay trái”. Thấy tôi trợn tròn mắt, ông cười khà, giải thích: “Làm vậy, tuy trái cựa và cực hơn, nhưng được cái tự do, thích gì làm nấy, và ít bị người nhòm ngó. Nhưng điều cốt tử là ở đâu anh cũng phải kiên trì làm việc của mình, nghĩa là dám trở thành người ‘không nghiêm túc’. Tôi có một anh bạn cùng học, rất thông minh, con nhà nòi, thạo tiếng Pháp, chữ Hán… Nếu anh đừng nghiêm túc quá thì sẽ trở thành một trong những nhà cổ sử số một của ta. Ngặt vì ở đâu, từ Bảo tàng Việt Bắc, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng đến CP 72, anh đều dốc hết thời gian và sức lực làm việc cho cơ quan, mà quên mất chuyên môn cổ sử của mình. Tôi thì ngược lại, ở cơ quan nào cũng tranh thủ làm dân tộc học. Đến khi người ta ‘phát hiện’ ra, thì, nếu cần, tôi chuyển. Tôi ‘đi’ nhiều cơ quan là vì vậy. Và may mắn nếu làm được chút ít gì cũng vì vậy”.

Từ Chi còn nhiều “ứng xử” khác nữa để giữ mình và giữ nghề, dù chịu mang tiếng nghiệp dư. Ông ít khi phát biểu những ý kiến ngoài chuyên môn của mình. Nếu buộc phải nói thì ông rất dè dặt, biết mười nói một. Có những vấn đề ông bảo “không biết gì”, thực ra, ông nắm rất chắc, hơn cả những người được cấp thẻ chuyên. Cũng vì ý tứ như vậy, nên ông không nói xấu ai bao giờ, mà chỉ nói tốt cho người. May mà bạn bè ai cũng thuộc tính ông, nên không bị ngộ nhận. Những người mới quen Từ Chi, trước cách nói năng của ông, cứ như sa vào mê hồn trận, không biết đằng nào mà lần. Khi đó, một người bạn của Từ Chi thương hại, rỉ tai: Đừng để ý làm gì, ông Từ là “tổ sư giả vờ” đấy! Đúng, Từ Chi hay vờ vịt. Biết mà vờ như không, chẳng qua để tránh cái “khổ vì trí tuệ”.

Tất cả những ứng xử trên, xét đến cùng, chỉ là những “mẹo” để đối phó với cơ chế bao cấp, để được làm khoa học. Nhưng nếu nhìn Từ Chi như vậy chỉ là cái bề ngoài, chưa thấy được cái khu biệt ông với người khác. Thời bao cấp, do ít có cơ hội được thể hiện mình trong chuyên môn, trong cái nghề được ghi vào lý lịch, nên nhiều người muốn thể hiện mình ở lối sống rong chơi ngoài biên chế. Hà Nội bấy giờ có nhiều nhóm chơi. Họ thường hay gặp nhau ở quán cà phê, quán rượu để nói chuyện văn chương, chuyện học thuật, kể cho nhau nghe những giai thoại, chuyền tay nhau đọc các loại tiểu thuyết série noire bằng tiếng Pháp, có khi chỉ để uống say và dìu nhau về. Trong đó, trừ một vài tay tiểu đồng hay xế xe đạp chuyên ăn theo… nghe leo, như tôi chẳng hạn, phần đông đều là những đầu óc sáng giá bấy giờ. Hình như, họ sống phóng túng hình hài như vậy còn là để tìm lại sự cân bằng tâm lý. Trong đám bạn rượu đó, tất nhiên, có Từ Chi góp mặt. Xem ra, sự phóng túng ở Từ Chi chẳng những không kém đồng bạn, mà có phần hơn: ông để tóc dài, quần áo lôi thôi lếch thếch, đi đâu cũng kè kè chiếc điếu cày và cặp lồng cơm… Khi vui, ông uống hết mình, sẵn sàng xuất thần để nhập chuyện. Nhưng Từ Chi làm tất cả những điều đó cứ nhẹ như không. Hình như cuộc sống ngoài lề này, thái độ bất cần này, đã sẵn trong máu ông từ nhỏ. Bởi vậy, sau những cuộc chơi suốt sáng trận cười thâu đêm, Từ Chi lại cặm cụi làm việc, cẩn trọng và tỷ mẩn đến kinh người. Mỗi trang bản thảo của ông đều được sửa đi sửa lại năm lần bảy lượt, nên hoặc nó dày như cái mo nang, hoặc nó dài như tờ sớ! Nhiều bạn bè của ông, những người thực sự có tài, nhưng chuyển cảnh từ chơi sang làm quá khó khăn, dần dần mai một. Từ Chi là một trong số ít những người kết hợp được trong bản thân mình những chiều kích tương phản: người nghệ sĩ và nhà khoa học, kẻ lãng du và người lao động, sách vở và thực tế, bác học và dân dã… Nhưng, nói như vậy vẫn chưa thỏa đáng, vẫn rơi vào cái nhìn nhị nguyên của thế tục. Bởi, nhiều lúc, tôi thấy Từ Chi đã đạt đến cái “một” của tư tưởng Lão Trang, khi ông nói: đời người là một cuộc chơi, làm khoa học là chơi, chơi cho hết mình, chơi cho đẹp.

Ảnh hưởng của Từ Chi với bạn bè, nhất là các nhà khoa học trẻ là rất lớn. Có người đến với ông như đến với mùi hương tự nhiên. Có người được ông hướng dẫn, đào tạo bằng các buổi lên lớp, hoặc trong các chuyến đi dài ngày vào khảo sát Tây Nguyên hay thăm thú cảnh quan đồng bằng Bắc Bộ. Ông thường khuyên các bạn trẻ là nên chú trọng đến tư liệu, chớ vội lao đầu vào lý thuyết, bởi lý thuyết thường luôn thay đổi, mà tư liệu thì còn mãi. Quả thật, khi tiếp xúc với Từ Chi, tôi rất ngạc nhiên thấy ông không bao giờ nói đến thuyết này thuyết nọ. Nhưng chớ có “mắc mưu” ông.

Trước hết, Từ Chi là người nắm rất vững chắc các lý thuyết và phương pháp dân tộc học, do tự đào tạo bằng sách nước ngoài. Ngay từ thời sinh viên, theo Đào Hùng, ông đã cặm cụi đọc bộ sách kinh điển Cảnh vàng bằng tiếng Pháp dày ngót ba nghìn trang của Frazer ở thư viện Quốc gia Hà Nội. Thời gian ông dạy học ở Guinée (1961-1963) cũng là lúc có nhiều nhà dân tộc học Pháp muốn nghiên cứu châu Phi nên cũng đã xin sang đây dạy học. Từ Chi đã gặp và đề nghị họ giới thiệu cho vài cuốn sách chuyên khảo về một số tộc người hiện đang còn tồn tại ở xứ sở này để đọc và để đi khảo sát thực địa. Ông đã bỏ hết cả tiền dành dụm để làm một chuyến nghiên cứu quanh châu Phi. Có thể nói, nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi đã hình thành ở đây. Do nắm vững được lý thuyết nên ông không cần nói đến nó, hoặc có thì bao giờ cũng ẩn đằng sau các sự kiện thực tế. Còn một duyên cớ nữa là Từ Chi không nói đến lý thuyết là vì hồi đó ở một cơ quan dân tộc học, khi thấy mọi người chưa hiểu cấu trúc luận của Lesvi-Strauss, ông đã nguyện đứng ra thuyết trình ba buổi, để cuối cùng bị phê phán là tuyên truyền học thuật tư sản. Có thể cũng còn do một dị ứng với một số người được học tập ở nước ngoài và cứ bê nguyên cái khung lý thuyết Đông Âu đó về nhà mà không chịu chiếu cố đến thực tế Việt Nam. Phương pháp diễn dịch này chẳng có lợi gì cho lý thuyết đã đành, mà còn làm tàn tật cả thực tế…

Thực ra, với các nhà khoa học trẻ hiện nay, việc tìm hiểu các lý thuyết và phương pháp khoa học nước ngoài là vô cùng quan trọng, nếu không muốn sa vào cảnh một mình mình nói, một mình mình nghe. Có lẽ, trong khoa học, nên chấm dứt tình trạng làm nghề mà thiếu kinh điển cũng như thiếu tổ sư, nghề này thì lấy ông này tiên sư. Vả chăng, nền khoa học Việt Nam hiện đang đứng trước bước ngoặt, nên trước tiên rất cần đến định hướng lý thuyết. Marx nói: cái biết quyết định cái thấy. Nếu không có lý luận sẽ không có phát hiện và xử lý được tư liệu. Từ Chi không nói đến lý thuyết không phải ông không cần nó mà do ông đã nắm được nó. Nghĩa là, nói theo kiểu võ đạo, ông đã đạt đến cảnh giới vô chiêu, mà muốn đến vô chiêu thì phải trải qua hữu chiêu, điều này khác hẳn với sự múa may mà không có chiêu thức nào cả.

Đỗ Lai Thúy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *