*Lời Ban biên tập: Chúng ta đã nghe nhiều đến thuật ngữ hiện đại và hậu hiện đại (modern and post-modernism) trong nghiên cứu văn hóa. Có ý kiến cho rằng hậu hiện đại đã kiệt cùng các khả thể của nó. Vậy đằng sau hậu hiện đại là gì? Tiểu luận sau đây của hai tác giả Robin van den Akker (Giảng viên bộ môn Triết học Lục địa và Nghiên cứu Văn hóa, Đại học Erasmus, Hà Lan) và Timotheus Vermeulen (Giáo sư Truyền thông, Văn hóa và Xã hội tại Đại học Oslo, Na Uy) được dịch bởi dịch giả Đào Quốc Minh (Viên Minh), đề cập đến một khái niệm khác – chủ nghĩa siêu hiện đại (metamodernism), trước hết như một diễn ngôn để nhìn nhận những sự phát triển gần đây trong văn hóa, nghệ thuật.                 

Phân định thời kỳ những năm 2000

Chúng tôi cho rằng những năm 2000 là một thời kỳ theo sau đó là những phát triển được liệt kê trước đây, không phải là một chuỗi các sự kiện không liên quan tới nhau, mà cần được khái niệm hóa như những vận động biện chứng đan xen nhau trên các quy mô không gian, chu kỳ thời gian và cấp độ kinh tế – kỹ thuật, văn hóa và thể chế. Trong phần này, chúng tôi gắng tư duy về hiện tại về mặt lịch sử, bằng các tóm tắt cần thiết và các bản phác thảo không đầy đủ chứa đầy sự khác biệt, để cùng tạo nên một phác thảo thô về hoàn cảnh siêu hiện đại đương thời.

Hãy bắt đầu dù ít hoặc nhiều theo phương thức chủ nghĩa Marx cổ điển bằng cách nêu bật ra các cuộc biểu tình khác nhau đã từng xuất hiện và chốt hạ những năm 2000 một cách gọn ghẽ xét như một thời kỳ và thiết lập nên một chu kỳ của những cuộc đấu tranh bao gồm các phong trào xã hội được kết nối mạng với nhau và hợp nhất lại xung quanh tình trạng bất bình đẳng kinh tế và tình trạng “thâm hụt dân chủ” (democratic deficit) (Castells 2012). Chu kỳ này bắt đầu vào đầu thiên niên kỷ với các cuộc biểu tình của người theo chủ nghĩa toàn cầu cải biến (alterglobalist) – ở Seattle (1999) và Genua (2001) – và đã kết thúc vào thời điểm hiện tại, với các phong trào dựng lều trại (movements-cum-encampments) khác nhau nhằm phản đối tình trạng bất bình đẳng và chính sách thắt lưng buộc bụng như “Quảng trường Syntagma” (Syntagma Square) ( Hy Lạp, 2010), the Indignados (Tây Ban Nha, 2011) và Chiếm lĩnh (Hoa Kỳ, EU và nhiều quốc gia khác, 2011–2012). Tuy những cuộc biểu tình này có thể có biểu hiện khác nhau, nhưng đặc điểm chung là phương thức tổ chức theo mô hình mạng lưới, là tâm lý bất bình về tình trạng bất bình đẳng kinh tế quốc gia và toàn cầu ngày càng gia tăng, và tâm lý bất mãn với một tầng lớp tinh hoa chính trị, những kẻ ngăn cản người dân thụ hưởng thành quả của nền dân chủ trong quá trình giải quyết những tâm lý thất vọng này, khi mà họ cứ cố bám chặt vào sự đồng thuận tân tự do sản sinh từ hậu quả cuộc khủng hoảng năm 2008 (xem Hardt và Negri 2011; Castells, Caraça và Cardoso 2012).

Tuy nhiên, chúng ta sẽ sai lầm nếu bỏ qua – hoặc loại bỏ, giống như một kiểu phản ứng tự nhiên của sự tiến bộ – một hình thức vận động chính trị khác ít nhiều đã diễn ra song song với chu kỳ này. Và đó là sự trỗi dậy của các phong trào dân túy cánh hữu trên khắp Châu Âu và Hoa Kỳ được xây dựng trên một nền tảng gồm những người theo phong trào bản sắc, chống nhập cư, chống Hồi giáo, chống tập đoàn thống trị (anti-establishment) và, ví dụ cuối cùng mà chúng ta thường hay lãng quên, đó là các vấn đề kinh tế. Làn sóng này cũng trở nên rõ rệt hơn nhiều vào cuối những năm 1990 và bùng phát trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới (thường là ở các vùng ngách (niches) rất dễ nhìn thấy hoặc các góc tối hoàn toàn của Internet), làn sóng này đã lên đến đỉnh điểm khi nó tạo ra các ảnh hưởng chính trị đáng kể, chẳng hạn như, Đảng Trà (sau năm 2009), UKIP dưới sự lãnh đạo của Nigel Farage (được bầu lại làm lãnh đạo vào năm 2010) và Marine Le Pen của Mặt trận Quốc gia (được bầu làm lãnh đạo vào năm 2011) (ví dụ, xem Caiani và Parenti 2016 [2013]; Greven, 2016).

Cả hai đợt sóng thần chính trị này đều bắt nguồn từ một nhóm ngày càng gia tăng  số lượng người bất mãn với xu hướng toàn cầu hóa tân tự do, những kẻ bị tước đoạt quyền dân chủ đại diện và lại được thoải mái sử dụng Internet như một phương tiện thảo luận, trau dồi và tập hợp xung quanh mình những nỗi thất vọng chung (tuy có sự khác nhau). Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, các lập trường chính trị này có thể được coi là phiên bản đảo ngược biện chứng của thuyết trung dung – và thuyết truyền thông hóa đại chúng (mass mediatised) (xem Browse, cuốn này) – nền chính trị đã thống trị những năm tháng của thời kỳ hậu hiện đại, mà đỉnh điểm là “Con đường thứ ba”, chẳng hạn như dưới thời lãnh đạo của các nguyên thủ Bill Clinton, Tony Blair và Gerhard Schröder. Tóm lại, thuyết trung dung này dẫn đến một sự đồng thuận tự do – trên phạm vi chính trị, nhưng ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh quốc gia – bao gồm chủ nghĩa tân tự do kinh tế và chủ nghĩa tự do (đa) văn hóa với những hứa hẹn về nền kinh tế nhỏ giọt, chủ nghĩa tiêu dùng không chăm sóc và bảo vệ sức khỏe (careless consumerism), sự đa dạng trơn tru/ không ma sát (frictionless diversity) và sự phát triển vĩnh cửu trong một ngôi làng toàn cầu.

Trong khi đó, thảm họa ngày “11/9” mở đầu cho một loạt các vụ tấn công khủng bố trên đất nước Hoa Kỳ và châu Âu do mạng lưới khủng bố toàn cầu Al Qaida gây ra hoặc được truyền cảm hứng từ tổ chức này, cuộc khủng hoảng ấy đã mang thứ bạo lực thánh chiến của “làn sóng khủng bố thứ tư” vốn có từ một thời tương đối xa xôi (Rapoport 2002) tới các thành phố của các quốc gia phương Tây như New York và Washington (2001), Madrid (2004), Amsterdam (2004), London (2005), Stockholm (2010) và Toulouse (2012). Nguồn gốc của làn sóng khủng bố thứ tư này (tới sau làn sóng vô chính phủ bắt đầu từ những năm 1880, tới sau làn sóng chống thực dân bắt đầu từ những năm 1920 và tới sau làn sóng cánh tả mới bắt đầu vào những năm 1960) rất đa dạng (xem Rapoport 2002). Tuy nhiên, vì mục đích của mình, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng những kẻ tham gia gây ra các cuộc tấn công này ngày càng được tuyển mộ từ một nhóm đang gia tăng về số lượng, bao gồm cả nam và nữ thanh niên sinh ra hoặc sống ở các xã hội phương Tây. Họ thường xuyên cực đoan hóa cuộc sống, xuất phát từ những bất công mà họ nhận thức được từ Cuộc nổi dậy Intifida thứ hai (2000–2006), Chiến tranh Iraq (2003–2011) và cái chết của Osama bin Laden, nhà lãnh đạo tổ chức Al-Qaida (2011), từ những bất bình đẳng kéo dài  và tình trạng kinh tế và xã hội thiếu sự vận động và phát triển ở đất nước của họ, và xuất phát từ các cuộc tiếp xúc của họ với học thuyết của Salafist-Jihadist thông qua các imams cực đoan, qua mạng lưới cục bộ và ngày một nhiều cả trên Internet.

Cuộc chiến tranh Iraq (2003–2011) tự thân là một thời điểm quan trọng trong tự sự-được-phân-định-thời-kỳ này. Bắt đầu từ sau cuộc chiến tranh Afghanistan (2001) bởi một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo dưới cái cớ giả tạo là “Cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” và “Tự do”, cuộc chiến tranh Iraq lên đến đỉnh điểm để lại một loạt hậu quả không thể lường trước được (theo nghĩa biện chứng). Cuộc xâm lược này đã đẩy Iraq vào một cuộc nội chiến đẫm máu và tạo ra một bối cảnh nơi các mạng lưới khủng bố trở nên đông đảo, nổi bật nhất là các nhóm khủng bố khác nhau mà kết quả cuối cùng là hình thành tổ chức Al Qaida ở Daesh (1999 – nay). Vào thời điểm quân đội Mỹ rút khỏi Iraq, Mùa xuân Ả Rập đang diễn ra ổn thỏa với những cuộc biểu tình đường phố hàng loạt dẫn đến sự thay đổi chế độ ở Tunisia (2010) và Ai Cập (2011) và các cuộc nội chiến toàn lực ở Yemen (2011), Libya (2011) và Syria (2011) có đặc trưng đều là sự can thiệp từ nhiều phía của nước ngoài được thôi thúc bởi các lợi ích địa chính trị.

Đồng thời, “sự thật phiền phức” (inconvenient truth) của Gore (2006) bàn về sự thay đổi khí hậu do con người từ từ cũng phơi bày “Thuyết Con người Vĩ đại” (Great Man Theory) của lịch sử, cùng với việc tái thúc đẩy và tái vận hành chiến dịch Cỗ máy Phủ nhận (Denial Machine) (Sasaki 2006). Có lẽ dấu hiệu rõ ràng nhất về nhận thức ngày càng cao như này về biến đổi khí hậu (và sự phản bác gay gắt nhất của những người phủ nhận biến đổi khí hậu) là việc khái niệm Thế Nhân Sinh (Anthropocen) được sử dụng ngày càng nhiều. Kể từ khi có sự chuyển giao giữa hai thiên niên kỷ, thuật ngữ này ngày càng có sức hút trong các ngành khoa học nhân văn, xã hội, tự nhiên, cũng như các diễn ngôn phổ biến, để chỉ ra rằng con người đã để lại những dấu vết đáng kể trong địa chất hành tinh và tiếp tục tàn phá hệ sinh thái. Sự áp dụng nhanh chóng và rộng rãi một khái niệm duy nhất trong toàn học giới, vốn có các ranh giới giữa các lĩnh vực ngày càng được kiểm soát và các vùng ngách có biệt ngữ được chuyên môn hóa cao độ, tự nó đã là một sự kiện trí tuệ hiếm có; việc sử dụng thuật ngữ này rất có thể khiến cho loài người có ý thức về hành vi phá hoại của mình.

Đồng thời, những năm 2000 được đánh dấu bởi sự kiện sụp đổ của “bong bóng kép” bao gồm sự kiện sụp đổ của dot-com (1999–2001) và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007–2008) (Perez 2009). Sự sụp đổ gấp đôi này ngụ ý, như Perez đã lập luận trong thời kỳ diễn ra cuộc khủng hoảng, rằng “những gì chúng ta đang đối mặt không chỉ là một cuộc khủng hoảng tài chính mà còn là sự kết thúc của một thời kỳ” (2009, 803). Trên thực tế, điều này đòi hỏi hai đầu mốc thời gian. Dấu mốc thời kỳ đầu tiên của Perez, đó là sự cố dot-com, khởi đầu cho sự kết thúc của “thời kỳ của sự cài đặt” (1971–1999) và bắt đầu “thời kỳ của sự thực thi” (2001 – nay) của cuộc cách mạng công nghệ máy tính bắt đầu vào những năm 1970 (xem thêm 2003). Trong thời kỳ của sự thực thi hiện nay, sự truyền bá, tính toàn năng, của các công cụ và kỹ năng kỹ thuật số làm hình thành các điều kiện cho cả hai tập hợp thay đổi về chất có quan hệ tương liên (theo biện chứng pháp, lượng đổi chất đổi).

Thứ nhất, chúng ta có thể quan sát thấy sự thay đổi về chất ở cấp độ văn hóa đã hình thành cấu trúc xung quanh khả năng đáp ứng xã hội của các máy tính nối mạng. Sự tái cấu hình này đặc trưng bởi một “logic chung”, xuất hiện sau sự cố dotcom, qua “quyết định đầu tư” và “lựa chọn của người tiêu dùng” (Perez 2009, 14). Logic này được mô tả là sự thay đổi các nền tảng truyền thông xã hội và mô hình kinh doanh “Web 2.0” (O”Reilly 2005), chẳng hạn như Google (1998; IPO 2004), Skype (2003), Facebook (2004), Twitter (2006) , Tumblr (2007), AirBnB (2008), TaskRabbit (2008), Uber (2009), WhatsApp (2010) và Instagram (2010). Nhìn từ điểm thuận lợi này, những năm 2000 đã được đánh dấu bằng sự suy yếu của logic văn hóa truyền hình (hoặc văn hóa truyền thông đại chúng) và sự xuất hiện logic văn hóa mạng (hoặc mạng xã hội) (bất chấp hậu quả ra sao).

Thứ hai, ở cấp độ lực lượng sản xuất, chúng ta có thể quan sát thấy rằng các công cụ và kỹ năng kỹ thuật số cũng như các hình thức lao động phi vật chất hoặc sáng tạo phi vật chất đã gắn liền với văn hóa mạng, không còn giới hạn chủ yếu trong các địa hạt doanh nghiệp hoặc chính phủ nữa mà bây giờ cũng ngày càng lan rộng ra xã hội, dẫn đến bước nhảy vọt thứ tư về công nghệ đóng vai trò thúc đẩy sức sản xuất của chủ nghĩa tư bản. Chúng tôi đưa ra lập luận phù hợp với quan điểm của Jameson và theo Mandel (trích dẫn trong Jameson (1991 [1984], 120), rằng bước nhảy vọt này có thể được ví như sự chuyển dịch từ động cơ hơi nước, về cơ bản là động cơ đốt ngoài, cung cấp năng lượng “cho bước nhảy vọt lượng tử” đầu tiên của chủ nghĩa tư bản từ những năm 1840 trở đi, sang động cơ đốt trong, cung cấp năng lượng cho bước nhảy vọt thứ hai từ những năm 1890 trở đi (cùng với điện). Tương tự, ngày nay chúng ta thấy sự dịch chuyển từ máy tính dành riêng cho nơi làm việc (vì chúng tương đối đắt đỏ và to lớn) vốn cung cấp năng lượng cho “bước nhảy lượng tử” thứ ba vào chủ nghĩa tư bản hậu kỳ từ những năm 1940 trở đi (cùng năng lượng hạt nhân) với sự ra đời của các máy tính cá nhân (thay vào đó tương đối rẻ tiền và nhỏ bé) – thứ bắt đầu tạo động lực cho bước nhảy vọt thứ tư, chưa được kết tinh hoàn toàn, bước nhảy của chủ nghĩa tư bản cuối những năm 1990 trở đi (bên cạnh đó, một cách tiềm năng, và có khả năng tái tạo).

“Dấu mốc thời kỳ” thứ hai của Perez, đó là sự kiện kết thúc thời kỳ tự do hóa tài chính theo nghĩa hẹp và thời kỳ chủ nghĩa tân tự do theo nghĩa rộng, đã được nhiều người mong đợi nhưng chưa bao giờ hoàn toàn hoặc có lẽ là chưa thành hiện thực sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007-2008 ) và sau đó là cuộc khủng hoảng nợ có chủ quyền ở châu Âu (2010–2011). Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã  trở thành cuộc khủng hoảng cơ cấu hoặc khủng hoảng hệ thống lần thứ tư của chủ nghĩa tư bản kể từ thế kỷ 19, theo sau cuộc khủng hoảng của những năm 1890, những năm 1930 và những năm 1970 (Duménil và Lévy 2011, 14–19; xem thêm Kaletsky 2011 [2010], những tác giả này đã theo dõi cuộc khủng hoảng hệ thống đầu tiên tới tận năm 1815 chứ không chỉ dừng ở những năm 1890). Chủ nghĩa tân tự do được mô tả một cách tuyệt vời nhất, là “một hình thức tái cấu trúc quy định đa dạng” (Brenner, Peck và Theodore 2011, 9) với một logic cơ bản và một loạt các biểu hiện cục bộ dẫn đến cuộc chiến tranh giai cấp đảo ngược. Mục tiêu cơ bản của bộ khung pháp lý của chủ nghĩa này là phục hồi và nâng cao hơn nữa lợi ích kinh tế của “những người có thu nhập cao nhất, của chủ sở hữu tư bản, và các bộ phận quản lý cấp cao” khi đối mặt với tình trạng suy giảm tăng trưởng kép (Duménil và Lévy 2011, 8; xem thêm Duménil và Lévy 2004 và Harvey 2005). Kể từ những năm 1970, các kết quả chính sách mặc định của chủ nghĩa tân tự do bao gồm việc dỡ bỏ các rào cản thương mại trên thị trường thế giới và gia tăng cạnh tranh lao động trên toàn cầu, sản xuất thuê ngoài và dòng chảy tài chính không ma sát, tư nhân hóa tài sản công và cắt giảm các khoản phúc lợi, thị trường lao động linh hoạt và mức lương đủ sống trong tình trạng trì trệ – thậm chí bấp bênh (trừ giới thượng lưu kinh tế). Kết quả chính của nó là tình trạng bất bình đẳng thu nhập và giàu nghèo trở nên gia tăng đáng kinh ngạc, cũng như lượng hóa thạch bị thiêu đốt và lượng rác thải gia tăng một cách thảm khốc.

Cho đến trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mức bất bình đẳng đang gia tăng này đã được chứng minh hoặc đã bị che đậy bởi mức tăng trưởng kinh tế ngày càng bùng nổ và mức nợ tiêu dùng ngày càng không bền vững, bị thu nhỏ lại bởi gia tăng của các khoản thế chấp dưới chuẩn trong những năm 2000. Với sự sụp đổ của hệ thống tài chính, các ngân hàng rơi vào cảnh điêu đứng vì tài sản độc hại, doanh nghiệp vỡ nợ và nền kinh tế suy thoái mạnh trong lo sợ. Trong khi đó, ở châu Âu, cuộc khủng hoảng đã xoáy sâu thành một cuộc khủng hoảng nợ có chủ quyền bùng nổ (2010–2011) đưa một số quốc gia đến – hoặc băng qua – bên bờ vực phá sản. Trong một loạt các gói cứu trợ chưa từng có của chính phủ, những khoản lỗ khổng lồ này đã được xã hội hóa trong khi các khoản thu được từ tư nhân hóa trước đây vẫn còn nguyên vẹn. Khi nhà cửa bị tịch thu, công ăn việc làm nhanh chóng biến mất và nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái bất chấp các gói kích thích, rõ ràng là học thuyết tân tự do đã thất bại phần lớn trong các xã hội phương Tây (và ở những nơi khác trên thế giới) ngoại trừ, tất nhiên, 1%. Thêm nữa, nhiều nước châu Âu đã áp đặt “các biện pháp thắt lưng buộc bụng” để trao đổi hoặc để né tránh các gói cứu trợ siêu quốc gia của cả EU và IMF (một hành động tàn nhẫn không cần thiết và không có hiệu quả cao, như IMF gần đây đã thừa nhận, vì cảnh ngộ có nhiều dân chúng trẻ tuổi đang phải chịu nạn thất nghiệp, đặc biệt là ở Hy Lạp và Tây Ban Nha).

Do đó, nhiều nhà bình luận đã kỳ vọng rằng, như đã từng xảy ra trong lịch sử, một cuộc khủng hoảng như vậy sẽ dẫn đến sự tái cấu trúc mạnh mẽ và sự thay đổi rõ ràng về đường hướng, của các khuôn khổ pháp lý và việc thiết lập chính sách. Cuộc Đại suy thoái những năm 1930 (mà cuộc khủng hoảng gần đây nhất thường nhiều người đem ra so sánh), sau cùng, đã dẫn đến một khu vực tài chính được điều tiết và dẫn đến sự thỏa hiệp dân chủ xã hội hoặc sự thỏa hiệp theo chủ thuyết Keynes của nhà nước phúc lợi. Tương tự như vậy, cuộc khủng hoảng những năm 1970 đã dẫn đến một khu vực tài chính giải quy định, các hình thức tích lũy linh hoạt và sự cắt giảm mạnh các điều khoản phúc lợi (xem Harvey 1990, 121–97; Duménil và Lévy 2011, 14–19). Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này chắc sẽ định hướng chủ nghĩa tư bản theo một đường hướng hoàn toàn khác. Nhưng điều này đã không xảy ra. Như Brenner, Peck và Theodore đã khéo léo tóm tắt trong cuốn sách “Chủ nghĩa tân tự do được hồi sinh” (Neoliberalism Resurgent?) (2010, 266):

Rõ ràng là cuộc khủng hoảng toàn cầu này đã sớm tạo tiền đề cho một cuộc phản công tân tự do khác. Đợt cải cách quy định tài chính được hứa hẹn đã nhanh chóng được lan truyền; các chương trình chi tiêu khẩn cấp đã bị loại bỏ dần vì lợi nhuận được phục hồi, nhưng do tỷ lệ thất nghiệp và các vụ tịch thu nhà tiếp tục gia tăng; tái cơ cấu nhà nước xã hội và cắt giảm dịch vụ công được (tái) xuất hiện như những yêu cầu quan trọng để khôi phục tài khóa và thu hồi nợ; và rủi ro và trách nhiệm một lần nữa được các chính quyền trung ương, chính quyền địa phương và tiểu bang, hội đồng trường học và cơ quan y tế, cho các tổ chức từ thiện và các nhóm tình nguyện, và cuối cùng là các hộ gia đình dỡ bỏ. Đặc biệt, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã chứng kiến ​​những cuộc nổi dậy mạnh mẽ của phe bảo thủ, được khẳng định bằng chiến thắng bầu cử và ngay sau đó là những đợt cắt giảm ngân sách chính đáng mới. Trong khi đó, khi các nền kinh tế khu vực Euro đã bị phân hóa đáng kể, giữa sự tăng trưởng của Đức và sự sụp đổ của nhóm “PIGS” (Bồ Đào Nha, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha), các sự thiết lập chính sách thay đổi từ hạn chế tài chính đến thắt lưng buộc bụng.

Sự trỗi dậy rõ ràng nêu trên của chủ nghĩa tân tự do sau cuộc khủng hoảng này không có nghĩa là chúng ta không được chứng kiến phiên ​​bản cập nhật thứ tư của chủ nghĩa tư bản – một “chủ nghĩa tư bản 4.0” (Kaletsky 2011 [2010]) như nó vốn có. Chúng tôi chắc chắn là như vậy. Như Duménil và Lévy (2011, 22) đã lập luận, “Việc thiết lập một… tiến trình sự kiện mới sẽ là một quá trình lâu dài và vất vả”, trong đó chỉ có cuộc đấu tranh giai cấp mới có thể quyết định tiến trình mà chúng ta thực hiện, với tư cách là các cộng đồng xã hội, đi dọc theo những con đường đang được phân đôi, bên trái là một con đường theo chủ nghĩa xã hội sinh thái, bên phải là một con đường tân tự do khác (có thể với những họa âm của chủ nghĩa phát xít) vốn được mở ra sau các cuộc khủng hoảng vào cuối thời kỳ này.

Cho tới giờ, những tác phẩm từ quan điểm ngày nay cho thấy rằng chúng ta dường như đã đi quá nhanh theo con đường chủ nghĩa tân tự do dẫn chúng ta đi, trong 20, 30 năm hoặc lâu hơn, đến một thảm họa về tỷ lệ trong lịch sử thế giới (một cụm từ chính trị thích hợp với hoàn cảnh xã hội chúng ta) trong đó của cải tập trung ở 1% trên cùng của tòa kim tự tháp, trong khi mực nước biển dâng cao và những siêu bão đang làm sụp đổ nền tảng của nó, vốn là nơi phần còn lại của loài người đang cư trú trong điều kiện sống vô cùng bấp bênh.

Phần 1: http://ica.org.vn/chu-nghia-sieu-hien-dai-phan-i/

Phần 2: http://ica.org.vn/chu-nghia-sieu-hien-dai-phan-ii/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *