Lời giới thiệu sách mới “Những nguyên lý của lịch sử nghệ thuật” (Heinrich Wölfflin, Phạm Minh Quân dịch, Nxb Thế giới, 2022) do Tủ sách Văn hóa học (Viện Nhân học Văn hóa) và Song Thủy Bookstore thực hiện.

Trước đây người ta thường viết lịch sử với cách tiếp cận toàn bộ. Họ coi lịch sử như là số cộng của những bộ phận đơn lẻ. Nhưng cái nhìn hệ thống cho thấy những yếu tố không chỉ có quan hệ với nhau mà còn với cái toàn thể. Từ đó, có thể viết sử phát xuất từ một yếu tố, cái toàn thể sẽ hiện dần ra khi đi sâu vào một bộ phận nào đó.

Trong quá trình thực hành phê bình văn học của mình, tôi đã từng ao ước viết được một bộ lịch sử văn chương nhìn từ phong cách, nhất là phong cách ngôn ngữ. Dự định này phần nào được hiện thực hóa qua bộ Mắt thơ (Mắt thơ 1: Phê bình phong cách Thơ mới, Mắt thơ 2: Thơ như là mỹ học của cái Khác, Mắt thơ 3: Hé gương cho người đọc, Mắt thơ ngoại tập: Thơ rìa mắt). Có thể nói, đây là một lịch sử, đúng hơn một lịch sử số nhiều, của thơ Việt từ trung đại đến tận ngày nay qua sự kế tục và biến đổi của những phong cách. Bởi thế, tôi rất hào hứng khi đọc công trình Những nguyên lý của lịch sử nghệ thuật: Vấn đề sự phát triển phong cách ở tân nghệ thuật của Heinrich Wölfflin.

Bìa sách tiếng Việt, Phạm Minh Quân dịch, Nxb Thế giới, 2022.

Heinrich Wölfflin (1864 – 1945) là người Thụy Sĩ nói tiếng Đức. Ông học lịch sử và lịch sử nghệ thuật ở Đại học Basel do Jacob Burckhardt dạy, học triết ở Đại học Berlin do Wilhelm Dilthey dạy. Năm 1886 ở Đại học Munich bảo vệ luận án tiến sĩ triết học có nhan đề Sơ luận về một tâm lý học kiến trúc. Công trình này đã hé lộ hướng chủ đạo nghiên cứu của tác giả sau này: phân tích hình thức dựa trên sự lý giải tâm lý học về quá trình sáng tạo.

Wölfflin là giáo sư thực thụ của các đại học danh tiếng của Đức và Thụy Sĩ. Và là tác giả của nhiều tác phẩm, như Phục hưng và Baroque (1888), Nghệ thuật Phục hưng Ý (1899) còn có tên gọi khác là Nghệ thuật Cổ điển, và Nghệ thuật của Albrecht Dürer (1905), một chuyên luận viết riêng về danh họa Phục hưng người Đức này. Các công trình nói trên đã đưa tên tuổi Wölfflin lên thành một trong những tác gia lịch sử nghệ thuật, tuy không nổi tiếng nhất, nhưng lại quan trọng nhất. Ông là người đã khai sinh ra bộ môn lịch sử nghệ thuật hiện đại cũng như hoàn chỉnh hệ thống mỹ học của phê bình nghệ thuật.

Bìa phiên bản tiếng Anh của cuốn sách.

Tuy nhiên, tác phẩm tầm cỡ nhất, tập đại thành của Wölfflin, vẫn chính là Những nguyên lý của lịch sử nghệ thuật (1915). Tuy gọi là lịch sử nghệ thuật, nhưng tác giả chỉ nghiên cứu một giai đoạn ngắn, nhưng mang tính bước ngoặt là Phục hưng đến Baroque. Tuy chỉ cách nhau chừng hơn một thế kỷ, nhưng đây là hai thời đại văn hóa khác nhau.

Văn hóa Phục hưng thì đơn giản, hài hòa, cái đẹp ngoại hiện, còn văn hóa Baroque thì phức điệu, phi đối xứng, cái đẹp nội hiện. Tinh thần nghệ thuật của cả hai thời đại này xuyên thấm vào toàn bộ đời sống của nó. Tuy nhiên, dù nói là nghệ thuật, nhưng trong công trình này, Wölfflin chỉ nghiên cứu ba lĩnh vực có quan hệ tương hỗ lẫn nhau là hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Và, ở đây, lịch sử nghệ thuật cũng chỉ được khảo sát trên nguyên lý của nó. Rõ hơn chính là phong cách. Cả phong cách thời đại lẫn phong cách cá nhân. Ngoài ra còn có phong cách của trường phái, của quốc gia, của dân tộc.

Từ cái nhìn của nghệ thuật tạo hình, Wölfflin cụ thể hóa, đúng hơn hình thức hóa, khái niệm phong cách vốn khá trừu tượng, mông lung theo kiểu phong cách chính là con người của Buffon. Theo ông hai đặc điểm đặc trưng nhất của phong cách nghệ thuật là nétmảng. Điều này tuy chủ yếu dựa vào hội họa, nhưng cũng thấy cả ở điêu khắc và kiến trúc. Nét là phong cách nghệ thuật tiêu biểu của Phục hưng, còn mảng là phong cách nghệ thuật tiêu biểu của Baroque. Như vậy, sự vận động của phong cách nghệ thuật từ Phục hưng đến Baroque, xét tới cùng, là từ nét đến mảng. Tuy nhiên trong thời đại của nét thì đâu đó đã xuất hiện mảng, đến thời đại của mảng thì vẫn còn nét. Nét và mảng nếu xét về tư tưởng nghệ thuật thì có sự hơn kém, nhưng về phẩm chất nghệ thuật thì chỉ có khác nhau mà thôi.

Đài phun nước Trevi, Rome.

Từ đây, Wölfflin bắt đầu nghiên cứu so sánh giữa nét và mảng, giữa phong cách nghệ thuật Phục hưng và Baroque. Đây là sự so sánh trên cơ sở tương đồng để tìm ra khác biệt. Trước hết, ông nghiên cứu nét và mảng ở cả ba lĩnh vực hội họa, điêu khắc, kiến trúc. Ở mỗi lĩnh vực này, nét và mảng lại được xem xét trên bốn đặc điểm 1) bề mặt và bề sâu, 2) hình thức đóng và mở, 3) đa dạng và thống nhất, 4) rõ ràng và mơ hồ.

Mỗi đặc điểm này được sắp xếp thành một chương sách. Đồng thời ở mỗi bộ môn trong mỗi chương, tác giả đều nghiên cứu theo các trình tự sau: 1) nhận xét chung, 2) những ví dụ cụ thể, 3) những đề tài, 4) lịch sử và dân tộc. Có thể nói cấu trúc hay bố cục chìm của cuốn sách rất chặt chẽ, vừa trải ra theo trục ngang, tuyến tính, vừa lên cao xuống sâu theo chiều dọc, tầng bậc. Như vậy, nét và mảng được nghiên cứu, xem xét, nâng lên đặt xuống ở tất cả các cạnh khía. Nhờ đó, người đọc hình dung được một cách sinh động, cụ thể, phong cách nghệ thuật của thời đại Phục hưng và Baroque, và, quan trọng hơn cái cách mà nó vận động từ thời đại này sang thời đại kia.

Tác phẩm Phong cảnh Haarlem nhìn từ xa của Jacob Van Ruysdael (1629-1682).

Sự vận động từ Phục hưng sang Baroque, hay từ Cổ điển sang Hiện đại, cũng có thể gọi là từ nguyên lý Plato sang nguyên lý Dionysus. Trong diễn trình của nghệ thuật, hai nguyên lý tưởng như đối lập này còn xuất hiện nhiều lần, nhất là ở những khúc quanh của thời đại. Đây là một hằng số của lịch sử nghệ thuật thế giới. Đấy cũng chính là lý do mà Wölfflin chỉ viết về một giai đoạn lịch sử ngắn, từ Phục hưng đến Baroque, mà tác phẩm xứng danh với tên gọi là Lịch sử Nghệ thuật.

Wölfflin sáng tác chủ yếu vào những thập niên cuối thế kỷ XIX đầu XX. Bởi vậy, ông không khỏi không ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng của Taine và chủ nghĩa tự nhiên của Zola. Hai ông này đều coi tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm của cả một nền văn minh, hay một thời đại văn hóa. Nhà triết Taine cho rằng mỗi nền văn minh này đều được kiến tạo trên ba yếu tố là môi trường, thời điểm chủng tộc.

Tác phẩm điêu khắc Thánh Teresa của Bernini (1598-1680).

Các yếu tố khởi nguyên này đều ảnh hưởng đến phong cách mà Wölfflin gọi đặc trưng lịch sử (thời điểm), dân tộc (chủng tộc) và đất nước (môi trường). Còn khi nhà văn Zola chưng cất các yếu tố khởi nguyên trên thành một, thì đó là khí chất. Chính khí chất tạo nên phong cách cá nhân của mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư. Nhờ vào cái tinh thần khoa học của thời đại này mà Wölfflin, mặc dù là học trò của Dilthey mà thoát được tinh thần luận của Dilthey.

Cũng nhờ thế mà Wölfflin, như đánh giá của Herbert Read, sử gia nghệ thuật người Anh, “phát hiện ra phê bình nghệ thuật (đương thời – ĐLT thêm) là một mớ hỗn độn chủ quan, nên sau đó ông đã biến nó thành một khoa học.” Nhiều sử gia nghệ thuật nổi tiếng sau này như Erwin Panofsky và Ernst Gombrich đều nói rằng họ được truyền cảm hứng bởi những nghiên cứu so sánh hình thức chính xác tuyệt vời của Wölfflin.

Tác phẩm Nghệ thuật hội họa của Vermeer (1632-1675).

Một điều nữa cũng cần phải nói đến là viết lịch sử nghệ thuật, nhưng Wölfflin không chỉ đơn thuần phục dựng lại quá khứ, mà quan trọng hơn làm thế nào để quá khứ trình hiện như là một vấn đề của hiện tại, giúp hiện tại giải quyết vấn đề của chính nó. Để làm được điều này, Wölfflin phải đứng trên đỉnh cao của tư tưởng thời đại mình. Nhờ thế công trình của ông đã thể hiện được lối viết sử mới này.

Những nguyên lý của lịch sử nghệ thuật sau một thế kỷ nằm im, gần đây lại bừng trở lại, tạo ra một ảnh hưởng lớn đối với các nhà sử học nghệ thuật và triết học nghệ thuật. Năm 2015, nhân 100 năm ngày cuốn sách lần đầu được xuất bản, Tạp chí Mỹ học và Phê bình Nghệ thuật của Hội Mỹ học Hoa Kỳ đã phát hành ấn bản đặc biệt để kỷ niệm sự kiện này. Cho đến nay, Những nguyên lý của lịch sử nghệ thuật đã được dịch ra tới 22 ngôn ngữ, và tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 23 với bản dịch của Phạm Minh Quân. Hy vọng nó sẽ góp một tiếng nói vào sử nghệ thuật nước nhà vốn còn thưa vắng và rời rạc, nhất là gợi ra một viết sử khác.

Đỗ Lai Thúy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *