Nghiên cứu Hồ Xuân Hương đến nay, tôi nghĩ, có ba vấn đề gọn lại: tiểu sử tác giả, văn bản thơ và lý giải sự dâm tục. Vấn đề thứ nhất thì có nhiều giả thuyết. Nhưng với tình trạng tư liệu hiện thời thì không đủ bằng cớ để biến một giả thuyết nào đó thành hiện thực. Nên ai nghiên cứu vấn đề nào thì có quyền  lấy một giả thuyết phù hợp, mà không cần phải loại trừ các giả thuyết khác. Vấn đề thứ hai thì quan trọng nhất là đưa ra được một tiêu chí để chọn lựa được bài thơ nào là của Hồ Xuân Hương và bài nào không. Tiêu chí “dâm tục” của Trần Thanh Mại? Tiêu chí “phong cách chính là con người” (Buffon) của Nguyễn Lộc và Đào Thái Tôn? Tiêu chí “phong cách là sự lệch chuẩn (ngôn ngữ)” của Đỗ Lai Thúy? Vấn đề thứ ba: Có dâm tục? không có dâm tục? Và hoài niệm phồn thực như là con đường hóa giải lối tư duy nhị nguyên biện biệt để đến nhất nguyên vừa dâm tục vừa không dâm tục. Tuy là ba vấn đề riêng biệt, nhưng chúng có quan hệ hữu cơ với nhau. Giải quyết một cái này thì không thể không liên quan đến hai cái kia.

Công trình Thơ Nôm Hồ Xuân Hương (Khoa học xã hội, 2022) của Giáo sư Kiều Thu Hoạch lần đầu tiên giải quyết vấn đề văn bản “Bà chúa thơ Nôm” (từ của Lê Tâm) một cách khoa học, có hệ thống và triệt để. Tuy nhiên, đến đây cũng cần thiết phải phân biệt phê bình văn họcphê bình văn bản học. Phê bình văn học nhất thiết phải dựa vào phê bình văn bản học, nhất là trong trường hợp Hồ Xuân Hương, nhưng phê bình văn học không chỉ có cách tiếp cận văn bản học, mà còn nhiều cách tiếp cận khác nữa. Nhưng, để có được một Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, với tư cách là công trình phê bình văn bản học, như cuốn sách trên tay bạn đọc hẳn chỉ ở Kiều Thu Hoạch, một học giả Hán Nôm uyên bác, một hành trình trải nghiệm học thuật hơn nửa thế kỷ, một tiếp xúc trực tiếp và lâu dài các bậc túc nho nhiều thế hệ.

Trở lại với văn bản thơ Việt Nam trung đại, Kiều Thu Hoạch phân ra hai loại văn bản khác nhau về nguyên tắc: 1) Văn bản viết bị dân gian hóa, 2) thơ truyền miệng được văn bản hóa. Ông khẳng định thơ Hồ Xuân Hương thuộc trường hợp thứ nhất, tức thơ bác học bị folklore hóa, chứ không phải thơ dân gian được văn bản hóa. Nhận định này dựa trên sự không có một chứng lý thư tịch nào chứng tỏ có tập thơ Nôm Hồ Xuân Hương do A. Landes thuê chép vào trước năm 1893 như Hoàng Xuân Hãn phỏng đoán, mà chỉ có ba bản khắc ván in có niên đại cụ thể: 1) bản năm Giáp Dần, Duy Tân thứ tám (1914), 2) bản năm Tân Dậu, Khải Định thứ sáu (1921) và 3) bản năm Nhâm Tuất, Khải Định thứ bảy (1922). Từ đó, Kiều Thu Hoạch cho rằng việc sử dụng cụm chữ “thơ Nôm truyền tụng” của Hoàng Xuân Hãn (và sau đó của Đào Thái Tôn) là không thỏa đáng vì nó gợi đến sự truyền miệng, tức vô hình trung coi thơ Hồ Xuân Hương là văn học dân gian. Thực ra, tôi nghĩ, sử dụng từ truyền tụng cũng chẳng sao vì nó chỉ thơ Hồ Xuân Hương ở giai đoạn “dân gian hóa,” tức giai đoạn thơ Bà chúa thơ Nôm phổ biến, tinh chỉnh, cho hay hơn, cho đúng với “tính chất Hồ Xuân Hương” hơn, đáp ứng nhu cầu không chỉ truyền mà còn tụng của các nhà nho dân gian ít học nhưng biết nhiều.

Lấy chữ viết (mà ở đây là chữ in khắc) làm chuẩn, theo quan niệm của Derrida, Kiều Thu Hoạch đã lấy những bản in sau đây để làm cơ sở cho tập Thơ Nôm Hồ Xuân Hương của ông, rồi tiến hành phiên âm, khảo dị, chú thích:

1. Xuân Hương di cảo trong sách Quốc âm thi tuyển, bản khắc năm Duy Tân thứ tám (1914).

2. Xuân Hương thi tập có phụ in phần “Danh gia ca vịnh,” do Nhà Phúc Văn Đường khắc ván in, ghi niên đại Khải Định thứ 6 (1921).

3. Xuân Hương thi tập do Quan Văn Đường khắc in, năm Khải Định, Nhâm Tuất (1922).

4. Bản chép tay Quốc Văn Tùng Ký được Durand lấy làm văn bản khảo dị trong L’œuvre de la poetesse Vietnamienne Hồ Xuân Hương, Paris, 1968.

5. Bản chép tay Xuân Hương thi sao phụ tạp sao, Thư viện NCHN: AB.620.

6. Bản chép tay Tạp thảo tập, Thư viện NCHN: A.3159, do Ngọc Đình cư sĩ Nguyễn Trạch Phủ biên tập, Khải Định, Kỷ Mùi (1919).

Tóm lại, gồm 10 bản, phù hợp với mục tiêu biên khảo.

Quan niệm “Văn bản là sự biểu đạt bằng ngôn ngữ ý đồ (ĐLT nhấn) của người sáng tạo ra nó. Người sáng tạo trong văn học hiện đại phần lớn thường chỉ là tác giả. Nhưng trong văn học cổ và trung đại, thì chức năng của người sáng tạo văn bản thường được mở rộng sang cả người chép lại và người hiệu đính văn bản” (Likhachev, Lê Sơn dịch), được Kiều Thu Hoạch dẫn ra như là một phương châm chủ đạo trong công trình của ông, tôi thấy được những điều rất thú vị: một là quan niệm về văn bản của phê bình văn học và của phê bình văn bản học là khác nhau, từ đó, nhà phê bình văn bản học chỉ chú ý đến nghĩa chủ ý, tức ý đồ của tác giả gài vào ngôn ngữ văn bản, mà không thừa nhận nghĩa văn bản, tức nghĩa do sự tương tác của các từ trong văn bản tạo ra như phê bình văn học. Hai là, phê bình văn bản học rất coi trọng dị bản, coi đó cũng là sự sáng tạo của tác giả mở rộng.

Tranh Bùi Xuân Phái minh họa bài thơ Thiếu nữ ngủ ngày

Là một người phê bình văn học, tôi đọc Thơ Nôm Hồ Xuân Hương của Kiều Thu Hoạch với rất nhiều thích thú và lợi ích. Ví như tác phẩm Lưu Hương ký trước đây tôi cứ tưởng chữ lưu ở đây là lưu giữ, như thơ Lý Bạch tả cô gái hái sen về mà tà áo cô còn lưu bọc cả mùi hương. Hơn nữa, tên của nữ sĩ là Xuân Hương. Nhưng họ Kiều cho biết chữ lưu có chữ ngọc ở bên nên lưu hương là hòn ngọc lưu ly, một thứ ngọc rất quý hiếm! Hoặc ở câu thơ viết về đền Sầm Nghi Đống: Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo được Xuân Diệu tán chữ ngang chỉ thái độ coi thường kẻ xâm lược của nữ sĩ. Họ Kiều cho đây phải là chữ lên vì bên cạnh chữ lên có chữ thượng. Vả lại, ông nói thêm, đền thờ thái thú họ Sầm ở trên gò Đống Đa kia mà. Chọn chữ lên vì có ở văn bản chữ Nôm thì được, nhưng câu giải thích thêm thì lại vi phạm nguyên lý logic nghệ thuật không phải bao giờ cũng tương đồng với logic thực tế. Đồng thời, suốt cả cuốn sách biết bao những phát hiện lý thú như vậy. Và cũng biết bao những điều người đọc một đối thoại như vậy.

Ngoài ra, ở Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, ngoài việc xử lý những vấn đề văn bản tuyệt vời như trên, Kiều Thu Hoạch còn gián tiếp, từ góc nhìn văn bản học, xử lý cả tiểu sử và dâm tục nữa. Như qua việc xác định cái chất thơ đặc thù/đặc biệt, mà ai đọc cũng nhận ra ngay đó là thơ Hồ Xuân Hương và coi đó là cá tính sáng tạo Bà chúa thơ Nôm. Mà cá tính sáng tạo, Kiều Thu Hoạch dẫn theo Khravchenko, là một phạm trù lịch sử, được kết thành theo thời gian, nên phải là của một con người, tức phải có một Hồ Xuân Hương. Sau khi xem xét ý kiến còn nhiều đoán định của nhiều một học giả như Trần Thanh Mại, Hoàng Xuân Hãn… Kiều Thu Hoạch khẳng định có một Xuân Hương ở Hà Nội tỉnh. Hoặc khi chọn văn bản, tác giả bỏ ra ngoài các bài thơ như Ông cử võ vì quá tục tĩu, nhất định không phải của Hồ Xuân Hương.

GS. TS. Kiều Thu Hoạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nhân học Văn hóa

Năm nay, giáo sư Kiều Thu Hoạch đã gần 90 tuổi, nhưng gừng càng già càng cay, ông làm việc vẫn hết sức chất lượng đến thanh niên cũng khó bì kịp. Ngoài Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, ông còn nhiều công trình khác về nhân học văn hóa Việt Nam đang nằm ở các Nhà sách, hoặc Nhà xuất bản chờ ra mắt bạn đọc. Ở ông có một nhu cầu khẳng định mình mạnh mẽ, quyết liệt. Và làm việc và cho ra đời nhiều tác phẩm là sự khẳng định mình đúng đắn nhất. Bởi thế, khi thành lập Viện Nhân học Văn hóa, chúng tôi đã vinh dự mời ông làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Nhân học Văn hóa. Với tư cách là Viện trưởng, tôi rất hân hạnh được giới thiệu tác phẩm xuất sắc về văn bản học, Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, nay tới tay bạn đọc.

Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa

Đỗ Lai Thúy

* Đây là lời tựa cuốn Thơ Nôm Hồ Xuân Hương (Nxb Khoa học xã hội, 2022) của GS. TS. Kiều Thu Hoạch.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *